Giao lưu trực tuyến
Kiểm tra dự án lấn vịnh Nha Trang: “Chuyện nhà nước, anh hỏi làm gì?”
(14:47:20 PM 24/12/2015)
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra thực địa dự án Nha Trang Sao Ảnh: KỲ NAM
Sáng 22-12, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa gần 20 người thuộc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng TP Nha Trang đã kiểm tra toàn diện dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (còn gọi là Nha Trang Sao) của Công ty CP Nha Trang Sao (thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang).
Làm xong sẽ múc lên?
Sau khi kiểm tra hiện trường thi công tại bờ kè phía Nam dự án, thời gian còn lại đoàn kiểm tra hồ sơ trong phòng họp kín, phóng viên không được dự. Kết thúc kiểm tra, ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Nha Trang Sao, có cuộc tiếp xúc báo chí và cho biết đoàn chưa có kết luận gì. Ông Dũng thừa nhận đại diện chùa Từ Tôn (nằm trên di tích danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ) cũng đã có ý kiến với chủ đầu tư về việc đổ đất lấn gần Hòn Đỏ; đồng thời cho biết trước khi đoàn kiểm tra, chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh để làm rõ việc có lấn biển hay không.
Về việc đơn vị này đã múc san hô bên ngoài bờ kè đến hơn 20 m và sâu 3 m, ông Dũng cho rằng đấy chỉ là san hô chết và múc lên để cải tạo bãi tắm (?). Về kè đá dài hơn 64 m không có trong giấy phép xây dựng, ông Dũng nói đấy chỉ là giải pháp thi công. “Chúng tôi cũng không có đổ đá xuống biển. Đá ấy chỉ ở lớp mặt thôi, bên dưới kè là san hô chết hết đấy. Làm xong chúng tôi sẽ múc lên” - ông Dũng phân bua rồi cho biết sắp tới, khi triển khai hạng mục quảng trường sinh hoạt cộng đồng dân cư (phía ngoài cùng dự án), chủ đầu tư cũng sẽ tiếp tục làm kè.
Chiều cùng ngày, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để được thông tin về kết quả kiểm tra, ông Sơn trả lời: “Đấy là chuyện của nhà nước. Anh hỏi làm gì cái chuyện của tôi?”. Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay đã xếp lịch để đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra cho lãnh đạo tỉnh vào chiều 25-12.
Theo ông Trương Kỉnh, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, trước khi triển khai dự án này, chủ đầu tư không hề lấy ý kiến của ban. “Chúng tôi nói rõ việc triển khai dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang” - ông Kỉnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kỉnh, BQL vịnh Nha Trang chỉ là một trong những thành viên tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT. Khi họp hội đồng, ban đã có ý kiến về việc nếu moi san hô lên tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hải sản ven bờ sống trú ngụ dưới rạn san hô, chưa kể sẽ tác động đến bờ biển.
“Cần có giải pháp để cản sóng biển, thủy triều. Trước đây, rạn san hô như một con đê chắn sóng rất tốt rồi. Bây giờ moi nó lên thì phải có giải pháp thay thế, nếu không thì sóng sẽ gây xói lở” - ông Kỉnh nói, đồng thời lưu ý khu vực triển khai dự án là nơi mà nhiều người dân làm nghề biển tập kết ghe thuyền nên khi triển khai dự án cần có giải pháp giúp đỡ người dân.
Hủy hoại môi trường
Nói tới Nha Trang Sao, ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa, nhắc đến báo cáo phản biện về quy hoạch khu vực phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng của TP Nha Trang (trong đó có dự án Nha Trang Sao) vào năm 2014 của Liên hiệp. Theo đó, liên hiệp đã cảnh báo khu vực này là hết sức nhạy cảm bởi mọi công trình ở đây đều ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường ven biển, nơi mà cộng đồng người dân và du khách tận dụng cho các hoạt động công cộng là chủ yếu như tắm biển, đi bộ, thể dục.
Báo cáo này nhận định: “Việc bố trí các khách sạn cao tầng, các trung tâm thương mại, các công trình ngầm ở phía Đông sẽ phá vỡ đặc thù và cảnh quan tự nhiên của vịnh biển Nha Trang”. Báo cáo cũng chỉ ra việc quy hoạch xây dựng một loạt công trình kiên cố với quy mô lớn cả trên mặt đất, trong lòng đất và đất cũng như mặt nước ven biển ở khu vực này là hủy hoại môi trường sống của cây xanh trên bờ vịnh, ngăn chặn sự lưu thông tuần hoàn tự nhiên của nền đất ven bờ hiện có làm ảnh hưởng đến sự sinh sống, phát triển của cây xanh và hoạt động sinh hoạt của cộng đồng.
“Không cho xây dựng các công trình kiên cố trong khu vực Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao vì vùng này khi nước triều rút bãi đá sẽ nhô lên, kéo dài hàng trăm mét, nếu khai thác phải lấn biển nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích Hòn Chồng và Hòn Đỏ” - báo cáo của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa nhấn mạnh.
Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị giám sát
Ông Trương Kỉnh khẳng định có nghe việc triển khai dự án Nha Trang Sao lấp vịnh Nha Trang. Cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị nào được giao giám sát việc thi công. Lẽ ra, khi thực hiện dự án cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thi công của chủ đầu tư có đúng với thiết kế được duyệt, với giấy phép, diện tích được cấp hay không; có lấp, lấn vịnh hay không.
“Tôi nghĩ UBND tỉnh nên giao cho một đơn vị hiểu rõ về vịnh Nha Trang về những tác động trong quá trình thi công đến môi trường sinh thái cũng như cộng đồng người dân sống nhờ vào vịnh để kiểm tra, giám sát thường xuyên” - ông Kỉnh nói.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức
- Giải cứu cây xanh
- Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?
- Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn
- Dự báo, xả lũ và tính mạng con người
- Giàu nhanh từ đất, khó rồi đấy!
- Mùa lũ năm nay, ai sát cánh hỗ trợ miền Trung?
- Phong tỏa vô tội vạ
- Ghét thói háo danh, hơn thua, hằn học !
Bài viết mới:
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
- Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên (13/12/2024)
- VACNE phối hợp tổ chức tập huấn cho các thầy cô vùng duyên hải Bắc bộ về giáo dục môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương (11/12/2024)
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT (09/12/2024)
Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?
(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12/2024, tại thành phố Rạch Giá, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang”.
Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả và trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024 cho các cá nhân và tập thể thuộc 25 tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi.