Giao lưu trực tuyến
Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng
(22:48:06 PM 06/02/2012)Vì lý do sức khỏe, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc tại nhà riêng của ông. Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng từ chối tham gia giao lưu do không thu xếp được thời gian.
Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam tặng hoa Đại tướng Lê Đức Anh trước buổi giao lưu |
Có thông tin cho rằng vụ Đoàn Văn Vươn có liên quan tới chuyện các "quan" biết chuẩn bị có dự án đường cao tốc đi Thái Bình, mà khu vực đầm của ông Vươn nằm trọn trong dự án đó nên sẽ được hưởng số tiền đền bù khá lớn. Các bác có biết thông tin này không? Và, liệu đây có phải nguồn gốc gây ra sự việc gây bất bình dư luận thời gian qua?
GS. Đặng Hùng Võ: Có rất nhiều thông tin, có thông tin đúng, có thông tin sai. Đối với những thông tin chưa rõ ràng thì chúng ta cần phải chờ các cơ quan chức năng thẩm tra và kết luận.
Có bất cứ điều luật nào khi thu hồi đất mà Nhà nước không phải đền bù bất cứ chi phí nào cho dân như trường hợp huyện Tiên Lãng áp dụng đối với hộ ông Vươn không, thưa GS. Đặng Hùng Võ?
GS. Đặng Hùng Võ: Luật Đất đai có quy định một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù về đất và không đền bù về tài sản gắn liền với đất. Pháp luật không có quy định về trường hợp thu hồi đất như đất do anh Vươn đang sử dụng, nên không có quy định về cơ chế bồi thường tương ứng. Khi thu hồi đất đã sai thì không cần tới chuyện bồi thường hay không bồi thường.
Tôi đọc báo thấy các cấp chính quyền huyện Tiên Lãng trả lời là: Căn cứ theo Luật Đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai mới ra đời ( các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật Đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không. (Bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với Luật Đất đai năm 1987). Giáo sư Đặng Hùng Võ có ý kiến gì về việc này?
GS. Đặng Hùng Võ: Việc giao đất ở Tiên Lãng sai so với cả Luật Đất đai năm 1987. Luật Đất đai 1987 cũng không cho phép cấp huyện được tự quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất. Việc huyện Tiên Lãng tự có quy định riêng ban hành 6/10/1993 về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất là hoàn toàn trái pháp luật. Các quyết định giao đất và thu hồi đất căn cứ vào quy định riêng của huyện cũng trái pháp luật. Hơn nữa, quy định riêng của Tiên Lãng được ban hành sau khi văn bản Luật Đất đai 1993 đã được Quốc hội thông qua và trước khi luật này có hiệu lực thi hành 10 ngày để nói rằng được phép áp dụng theo luật đất đai 1987 là cách làm hoàn toàn sai trái. Huyện muốn tự mình tạo một “kẽ hở” pháp luật để lạm quyền.
Theo ông, lý do để nhiều quan chức Hải Phòng bênh nhau chằm chặp và phản bác báo chí suốt một thời gian dài như vừa qua, là gì? Tâm lý và hành động này báo hiệu điều gì?
Ông Vũ Mão: Phản ứng của những người trong cuộc như vừa qua là điều dễ hiểu. Bởi vì tâm lý của mọi người thích những tiếng khen nhiều hơn những lời chê trách, những lời phê phán. Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 4, đây là một cơ hội tốt để thử thách lòng trung thành của mỗi đảng viên với Đảng, với Nhà nước. Và đương nhiên họ phải rất tỉnh táo trong hành động của mình, không thể tùy tiện bao che cho nhau được.
Theo ông, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Ông Vũ Mão: Lý do quan trọng nhất là sự nghiệp đổi mới của ta đang có những bước tiến mới. Nếu không có một tư duy mới của Đảng ta,thì làm sao vụ việc này có thể công khai, minh bạch và được thông tin rộng rãi trên dư luận?
Độc giả Việt Thanh (Hà Nội) hỏi: Do thái độ bào chữa cho nhau với những lý lẽ rất "quanh co" và "kỳ cục" của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, và xã Vinh Quang cộng với hiện tượng có xã hội đen tham gia việc phá hại tài sản nhà anh Vươn, nên trên mạng có người đã bình luận là hệ thống tổ chức Đảng ở Hải Phòng đã bị lũng đoạn và suy thoái.
Nếu đúng vậy thì Nghị quyết TƯ 4 vừa qua chỉ nhấn mạnh việc chống suy thoái ở các cán bộ đảng viên là chưa đầy đủ, cần bổ sung giải pháp chống suy thoái ở các tổ chức Đảng.
Ông Vũ Mão: Nghị quyết TW 4 vừa qua rất toàn diện, không chỉ nói về giải pháp chống suy thoái ở cán bộ, Đảng viên mà còn nói tới trách nhiệm của các tổ chức Đảng. Như vậy, việc nói nội dung đề cập trong Nghị quyết không thiếu, mà quan trọng là tổ chức thực hiện cho có hiệu quả. Nghị quyết 4 cũng chỉ rõ, các tổ chức Đảng của chúng ta còn nhiều tồn tại, tính chiến đấu chưa cao, tinh thần phê và tự phê còn yếu.
Dịp này, vừa có Nghị quyết TW 4, lại vừa xảy ra vụ việc ở Hải Phòng, theo tôi, đây là thời điểm tốt để các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng nhìn nhận và xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện về công tác Đảng ở địa phương.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại buổi giao lưu |
Xin hỏi tướng Thước, ông từng nói vụ việc này gây tổn hại to lớn về chính trị, vậy mong ông nêu lên các việc cần làm ngay để tránh tổn hại thêm, sửa chữa sai lầm và ngày càng khẳng định lòng tin của nhân dân vào chính quyền.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nghĩ vụ việc này không dừng lại ở việc giải quyết mấy chục ha đất mà từ việc xử sự của chính quyền địa phương đã đẩy 1 vụ việc về kinh tế thành 1 vụ việc về chính trị, việc cần làm ngay là xử lí một cách kiên quyết triệt để những sai phạm của chính quyền đã gây ra không chỉ để lại lòng tin cho người dân mà còn là một sự đột phá để xây dựng chính quyền cơ sở tại địa phương hợp với lòng dân của cả nước như nghị quyết Trung ương 4 gần đây về những vấn đề cần làm ngay để làm trong sạch Đảng và chính quyền cơ sở. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của dân.
Nguyễn Anh Dũng (Nam Định): Với tất cả sự kính trọng và tin tưởng vào các vị lão thành cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ta. Với niềm tin vào sự cương trực, thẳng thắn của những người lính, cháu mong Đại tướng Lê Đức Anh giải đáp câu hỏi của cháu. Đại tướng đã phát biểu rằng, nếu xử lý không nghiêm những cán bộ làm sai trong vụ cưỡng chế đất với Đoàn Văn Vươn thì sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân. Vậy xin bác Đại tướng chia sẻ: Dưới góc nhìn của bác thì lòng tin của nhân dân có ý nghĩa thế nào với đất nước? Lòng tin của nhân dân bị suy giảm sẽ dẫn tới hệ lụy gì?
Đại tướng Lê Đức Anh: Như tôi vừa chia sẻ ở trên, đất nước ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trải qua nhiều năm tháng như vậy, niềm tin của nhân dân có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ gìn độc lập, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Nếu lòng tin của nhân dân bị suy giảm thì không thể lường hết được chuyện gì xảy ra.
Đối với vụ việc này, tôi được biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý. Uy tín của Thủ tướng đã được nâng cao đối với nhân dân, vì phản ứng sớm trước vụ việc này. Tôi cũng đang chờ xem Thủ tướng xử lý vụ việc này.
BTL (Hải Dương): Thưa bác Đại tướng Lê Đức Anh, giả sử ở vào vị trí của lãnh đạo TP Hải Phòng hoặc lãnh đạo huyện Tiên Lãng, thì bác sẽ xử lý vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn thế nào. Cháu xin hỏi rõ 2 trường hợp: Thứ nhất là khi vụ việc cưỡng chế chưa xảy ra? Thứ hai là khi đã xảy ra thì xử lý thế nào? Xin Đại tướng cho biết cụ thể?
Đại tướng Lê Đức Anh: Tôi không tin một người có chí làm ăn cho gia đình và cho xã hội, chưa từng vi phạm pháp luật, mà lại đi chống đối chính quyền Nhà nước. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?
Đất của nông dân thu hồi làm gì thì phải rõ ràng, phải thông báo trước nhân dân ít nhất một năm, phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân, nếu lấy đất ở khu vực đó.
Trong việc này, Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Tài nguyên đất đai rất quý và hiếm, sử dụng phải đúng mục đích, không được phung phí. Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này – một thành phố quan trọng với đất nước cũng sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn.
Mr.Trang trang@quoichi.vn: Cho tôi đặt câu hỏi với ông Vũ Mão. Nếu như sau này có kết luận UBND huyện Tiên Lãng là sai, việc huy động lực lượng an ninh cưỡng chế đầm của anh Vươn là sai thì anh Vươn có bị khép vào tội chống người thi hành công vụ nữa không? Nếu khép vào thì sao tại sao người dân không có quyền tự vệ chính đáng của mình?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, đây là một vụ việc rất phức tạp, không thể nói ngay một cách đơn giản được. Chẳng hạn, trong kết luận cuối cùng một cách khách quan nhất rằng anh Vươn có khuyết điểm của mình thì anh Vươn cũng như những đương sự khác đều bình đẳng trước pháp luật. Tất nhiên tôi hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của anh Vươn trong lúc sự việc xảy ra. Khi đó, cơ quan pháp luật sẽ xem xét tất cả mọi tình tiết để kết luận hợp lý, hợp tình nhất. Tôi tin, với vụ việc quan trọng mà dư luận, toàn xã hội quan tâm thì Tòa án sẽ xem xét, xử lý một cách đúng đắn, tuân thủ pháp luật.
Nguyễn Sỹ Nam (Tam Nông, Phú Thọ): Thưa bác Đại tướng Lê Đức Anh, có quan điểm cho rằng việc chính quyền huy động hàng trăm cảnh sát, bộ đội vào việc cưỡng chế ngay trước dịp Tết Nhâm Thìn là một hành động không chỉ trái về luật mà còn trái đạo lý. Xin bác Đại tướng cho biết bác nghĩ sao về việc làm này của chính quyền địa phương?
Đại tướng Lê Đức Anh: Cách đây ít ngày, bác cũng đã có trả lời trên Báo Giáo dục Việt Nam: “Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được”. Căn nhà đó của gia đình người ta không nằm trong khu đất thu hồi mà bị đập phá như vậy là phải nghiêm cấm, ai làm sai thì phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trong sự việc này, bác cũng mong rằng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Chính phủ sẽ vào cuộc công tâm, ai sai và sai đến đâu phải xử lý nghiêm minh. Cán bộ là công bộc của dân, nhân dân bầu ra cán bộ để lo lắng cho dân, chứ không phải đè đầu cưỡi cổ, không phải để làm những việc bất lợi cho dân.
Bác luôn quan tâm và thông cảm với nỗi vất vả của bà con nông dân. Qua rất nhiều năm chiến đấu ở hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, bác thấy rằng bà con ta thật tốt, hết lòng tin tưởng vào Đảng vào Chính phủ. Mà đất nước ta lại là của dân, do dân và vì dân, thế nên mọi hành động của những người thực thi nhiệm vụ ở chính quyền địa phương phải hướng về nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Bác Hồ đã từng dạy rằng: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Lời dạy của Người lớp lớp con cháu chúng ta không bao giờ được phép quên. Phải nhớ rằng: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.
Ông Vũ Mão tại buổi giao lưu |
Bạn đọc Đỗ Thắng (Mr.Trang trang@quoichi.vn): Thưa quý Báo Giáo Dục Việt Nam, tôi có một câu hỏi đối với cấp nhà quản lý Nhà nước. Việc giao đất, thuê đất hiện nay của chúng ta đang có sự bất cập và dễ dãi ở mức độ cấp huyện, quận, thị xã. Nếu ta quy định lại? chỉ có cấp thành phố, tỉnh có chức năng đại diện nhà nước giao và cho thuê đất có thời hạn (nông nghiệp, công nghiệp…) sẽ thuận hơn về hành chính cũng như xử lý!
GS. Đặng Hùng Võ: Việc phân cấp quản lý đất đai cho cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là hợp lý đối với đất nông nghiệp, có thể chưa hợp lý đối với đất phi nông nghiệp. Đối với vùng nông thôn miền núi đi lại rất khó khăn, nếu chỉ phân cấp quản lý đất đai cho cấp tỉnh thì người dân sẽ rất khó khăn khi phải đi lại thường xuyên lên tỉnh lỵ để giải quyết các thủ tục về đất đai. Đối với trường hợp đô thị thì việc tập trung quản lý đất đai ở cấp tỉnh, thành phố là phù hợp. Chắc chắn việc này sẽ được xem xét kỹ khi Quốc hội thông qua luật đất đai trong thời gian tới.
Căn cứ theo Luật Đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi luật đất đai mới ra đời (các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không (bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với Luật Đất đai năm 1987).
LS Phạm Thanh Bình: Luật Đất đai 1988 không quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất. Việc UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho hộ Đoàn Văn Vươn theo quy định của Luật Đất đai 1988 là không sai. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 67 Luật Đất đai 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993. Như vậy, thời hạn thuê đất của hộ Đoàn Văn Vươn được tính từ ngày 15/10/1993 và kéo dài đến 20 năm tính từ thời điểm 15/10/1993. Giả sử quyết định cho thuê đất của UBND huyện Tiên Lãng có ghi thời hạn ngắn hơn thời hạn 20 năm nói trên thì vẫn phải áp dụng thời hạn mới.
Thưa bác Vũ Mão, xin bác phân tích vụ việc ở Tiên Lãng dưới hai góc nhìn một nhà lập pháp và một người đại diện cho nhân dân.
Ông Vũ Mão: Tôi từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, tôi hiểu rất sâu sắc về vai trò là người đại diện cho nhân dân. Tôi thường xuyên sâu xát ở các cơ sở mà tôi ứng của là đại biểu Quốc hội. Và tôi đã lắng nghe tất cả những ý kiến của cử chi phản ánh. Với cương vị của tôi, lúc đó, tôi đã giải thích khoảng 30% những kiến nghị của bà con để họ có đầy đủ thông tin và chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của Nhà nước. Còn 70% những kiến nghị của cử chi là hợp lý thì tôi đã kịp thời phản ánh với lãnh đạo tỉnh để họ giải quyết những phần việc trong phần việc mà họ phụ trách. Đồng thời phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước TW và tôi theo đến cùng những nội dung kiến nghị đó, yêu cầu các cơ quan liên quan phải giải quyết và trả lời.
Dưới góc nhìn của một nhà lập pháp, tôi đã nghiên cứu kỹ ở 2 khía cạnh. Một là, những vấn đề tồn tại của cơ sở như đã trình bày ở trên. Hai là, những vấn đề thuộc về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ở TW. Cụ thể là, trong Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất là 20 năm là chưa hợp lý.
Tôi có nguyện vọng tha thiết rằng, việc sửa đổi Hiến pháp trong thời gian tới cũng như việc sửa đổi Luật Đất đai sau đó, các nhà lập pháp phải có trách nhiệm rất cao để xử lý hài hòa mối quan hệ này. Đồng thời, tôi mong muốn Đảng ta lắng nghe đầy đủ và thực sự cầu thị để xử lý vấn đề rất quan trọng này.
Theo bác Vũ Mão, các đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng cần phản ứng như nào trước sự việc này để đúng vai trò chức năng của mình?
Ông Vũ Mão: Tôi trả lời ý thứ 2 trước. Tôi cho rằng, vai trò của từng đại biểu Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng là rất quan trọng. Hiến pháp quy định đại biểu Quốc hội là đại diện cho tâm tư, nguyên vọng của cử tri, lắng nghe đầy đủ ý kiến của cử tri và có trách nhiệm phản ánh với Quốc hội. Tôi hiểu rằng, các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng như tất cả đại biểu của các tỉnh thành trên cả nước đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những chức năng của mình.
Hoàng Trần Bình (Hà Nội): Bác Đại tướng có nghĩ rằng phía sau vụ việc này có uẩn khúc gì, liệu có khả năng chính quyền địa phương o ép người dân quá hay không? Quan điểm của bác Đại tướng thế nào?
Đại tướng Lê Đức Anh: Bác vẫn luôn quan tâm theo dõi các tin tức xung quanh vụ việc này và cũng đã hai lần trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam. Bác đã nêu vấn đề cần phải làm rõ: Chính quyền thu hồi khu đất đó nhằm mục đích gì? Cũng cần phải làm rõ, việc thu hồi của chính quyền huyện Tiên Lãng có làm đúng pháp luật không? Quyền lợi của người dân có được đảm bảo không, nếu việc thu hồi là đúng? Có chuyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc riêng không?
Muốn làm trong sạch bộ máy của Đảng, của chính quyền các cấp, chúng ta phải quan tâm tới từng việc nhỏ, xử lý mọi việc chi tiết, không thể vì bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào mà xuê xoa. Đoàn Văn Vươn là một người làm công việc của nông dân, nhưng anh ta có học hành, có hiểu biết về pháp luật và trước hành động phản ứng của anh ta với lực lượng cưỡng chế thì rõ ràng đàng có điều không bình thường. Thứ nhất, nếu chính quyền đúng là Đoàn Văn Vươn sai thì cũng phải xử lý Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật. Thứ hai, nếu chính quyền làm sai, nhất là cố ý làm sai, vì một động cơ cá nhân nào đó thì rất nguy hiểm.
Ít ngày trước, bác đã trả lời trên Báo Giáo dục Việt Nam rằng: Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân
Theo các vị khách mời, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà đây là sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm một cách quá nghiêm trọng của các nhà chức trách. Người ta cảm nhận là một cấp chính quyền cường quyền đối với sự việc không quá phức tạp nhưng nhà chức trách đã vi phạm đến các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách mang tính cách cường hào nên đã gây phẫn uất trong nhân cả nước cần phải được xử lí một cách nghiêm túc.
Ông Đặng Hùng Võ tại buổi giao lưu |
Tôi nghe nói vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng có dấu hiệu sai phạm, vậy nếu thực sự cơ quan chức năng có dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị xử lý ra sao?
LS Phạm Thanh Bình: Pháp luật Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự hoặc hành chính của cơ quan tổ chức, do đó trong trường hợp xác định được vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng có dấu hiệu sai phạm thì các cá nhân liên quan đến sai phạm đó sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ông có nghĩ Chính phủ đã vào cuộc muộn trong vụ việc này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của dân, phản ánh của báo chí, nhiều kiến nghị của các cán bộ lãi thành, của các giới trên cả nước là một quyết định đúng đắn. Nhưng sự việc này lại hết sức nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà nếu không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của đất nước.
Giải quyết tốt sẽ gây lại niềm tin của nhân dân và ngược lại, mong rằng Thủ tướng sẽ lắng nghe một cách toàn diện trên các khía cạnh, các ý kiến phản biện để có quyết định chính xác được toàn dân hoan nghênh.
Một bạn đọc tại TP Hồ Chí Minh hỏi các vị khách mời: Giữa hai luồng thông tin gia đình ông Vươn cho rằng mình bị mất trộm tôm cá với giá trị tài sản khoảng 1 tỷ đồng và phía chính quyền cho rằng gia đình ông Vươn đã đánh bắt cá trước khi cưỡng chế, ông tin ai hơn?
Ông Vũ Mão: Vấn đề này không thể nói ngay là tin ai hơn được mà cần phải có quy trình làm việc công phu. Tổ chức nhóm công tác gồm những người công tâm, khách quan và có trách nhiệm xuống địa bàn để gặp gỡ nhân dân, nghe đầy đủ những tiếng nói khác nhau, với những chứng cứ rành mạch thì mới có thể kết luận được.
(Nguyen Le Tu nguyen.letu@ymail.com): Kính thưa các vị! xin cho độc giả đươc biêt:(Nếu) quyết định thu hồi đất ở đầm nhà ông Vươn là trái luật thì hành vi của anh em nhà ông Vươn có bị coi là chống người thi hành công vụ không? Nếu một số lãnh đạo TP.Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang vi phạm pháp luật, thì cơ quan nào sẽ khởi tố và ra lệnh bắt các bị can trong vụ án?
LS Phạm Thanh Bình: Nếu quá trình điều tra xác định được quyết đinh thu hồi đất ở đầm nhà ông Vươn là trái luật thì hành vi chống người thi hành công vụ của anh em ông Vươn sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”. Đây không phải là tình tiết để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị can.
Nếu quá trình điều tra xác định được hành vi vi phạm pháp luật của một số lãnh đạo TP.Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh quang thì tùy từng trường hợp cụ thể, những người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS); tội lợi dụng chức vu, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS)… theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan CSĐT TP. Hải Phòng có thẩm quyền và trách nhiệm tiến hành khởi tố điều tra hành vi phạm tội của các cá nhân có liên quan đến vụ cưỡng chế.
Theo ông Đặng Hùng Võ, số diện tích mà ông Đoàn Văn Vươn được huyện Tiên Lãng giao có đúng luật không? Và phần đất giao thêm ấy, ông Phó Chủ tịch Hải Phòng nói là giao bao lâu do chính quyền và người dân thỏa thuận, theo ông là đúng hay sai? Nếu là sai thì sai như thế nào?
GS. Đặng Hùng Võ: Tổng số diện tích đất nuôi trồng thủy sản được chủ tịch huyện Tiên Lãng giao cho ông Đoàn Văn Vươn là hơn 40 ha (năm 1993 giao hơn 23ha, năm 1997 giao hơn 19 ha). Như vậy, tổng diện tích được giao vượt quá hạn mức diện tích đất bãi bồi, ven sông, ven biển theo quy định tại Quyết định 773-TTg tháng 12/1994 của Thủ tướng Chính phủ (hạn mức cho phép từ 3-10ha đối với hộ gia đình cá nhân). Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 có quy định khi vượt hạn mức diện tích thì phải chuyển sang thuê đất nhưng huyện Tiên Lãng không làm việc này ngay từ năm 1999.
Pháp luật của Việt Nam không hề quy định về cơ chế chính quyền với người dân thỏa thuận khi giao đất. Đất bãi bồi ven biển được giao ở Tiên Lãng là phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện. Vậy thì việc giao đất đó phải giao ổn định cho dân với hạn mức diện tích do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 773 nói trên.
Cách giải thích của Phó Chủ tịch Hải Phòng là không có căn cứ pháp lý, không có quy định nào của luật pháp tương tự như vậy.
Độc giả Phương Thảo (Bắc Giang) hỏi: Ông có nghĩ đây là một “bài học đắt” trong công tác cưỡng chế đất đai không chỉ trong huyện Tiên Lãng mà còn trong cả nước không?
Ông Vũ Mão: Đương nhiên đây là bài học rất đắt giá mà tất cả chúng ta đều phải nghiêm túc để tìm ra bản chất, nguyên nhân của nó. Theo tôi, ở đây có mấy nguyên nhân cơ bản. Một là, vai trò quản lý đúng đắn của chính quyền. Hai là, vai trò của Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất, nhưng từ khi xảy ra vụ việc này, tôi chưa thấy rõ vai trò của Bí thư Huyện ủy và của tập thể cấp ủy ở đâu.
Thứ ba là, chúng ta có một hệ thống chính trị nhưng từng thành viên trong hệ thống chính trị đó không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình và sự phối hợp với nhau là rất kém. Thứ tư là tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình rất yếu, tình trạng nể nang, né tránh là phổ biến. Thứ năm, những vụ việc cưỡng chế này không chỉ là trách nhiệm của cơ sở mà cần làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan cấp trên, kể cả các cơ quan của TW.
Tôi băn khoăn cho số phân gia đình ông Vươn. Không biết ông Vươn sẽ vị xử lý trong khung hình phạt nào của Bộ luật Hình sự về tội giết người? (phambinhphambinh1966hp _ 40)
LS Phạm Thanh Bình: Nếu quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án có tình tiết “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, tình tiết “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”… thì họ sẽ bị truy tố về tội giết người theo khoản 1 điều 93 BLHS với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể cho các bị cáo còn tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thậm chí cả các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, khi quá trình điều tra còn đang được tiến hành thì chưa có cơ sở để xác định mức hình phạt cụ thể cho mỗi bị cáo.
Độc giả Duy Minh (Hải Phòng) hỏi: Với khoảng 20 hộ dân còn lại cùng trong diện phải thu hồi đất đầm như ông Vươn, chính quyền huyện Tiên Lãng nên xử lý như thế nào trong thời gian tới đây?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, thứ nhất là phải đánh giá lại toàn bộ sự kiện đã xảy ra thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm. Và đương nhiên không thể để lặp lại những việc làm tương tự đối với 20 hộ dân còn lại. Thứ hai, lãnh đạo nên gặp dân để nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của họ.Thứ ba là phải căn cứ vào pháp luật để vận dụng, xử lý có lý, có tình. Thứ tư, việc xử lý tiếp theo cần xin ý kiến của thành phố và TW trước để có phương án thực thi có hiệu quả nhất, có lợi cho dân và có lợi cho sự phát triển của địa phương.
Một người dân gọi điện thoại tới tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam xin đặt câu hỏi, tôi chứng kiến bà Thương (vợ Vươn) và bà Hiền (vợ Quý) chỉ đứng trên đê chứng kiến vụ cưỡng chế, (có buông lời chửi bới lực lượng cưỡng chế), tại sao lại bị khởi tố vì tội chống người thi hành công vụ? Xin luật sư trả lời giúp việc khởi tố này đã đủ căn cứ chưa?
LS Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại Điều 257 BLHS, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”. Nếu bà Thương (vợ Vươn) và bà Hiền (vợ Qúy) chỉ đứng trên đê chứng kiến vụ cưỡng chế và chỉ có buông lời chửi bới lực lượng cưỡng chế thì hành vi đó không đủ dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ
Theo ông, ông Đoàn Văn Vươn bị bắt trên đường đi nộp đơn, tại sao lại bị khởi tố vì tội danh giết người (Phạm Hoàng Lan Linh, Hà Nội)?
LS Phạm Thanh Bình: Nếu ông Đoàn Văn Vươn bị bắt trên đường đi nộp đơn mà lại bị khởi tố về tội danh giết người thì có nhiều khả năng cơ quan điều tra đã thu thập được những chứng cứ chứng minh ông Vươn tham gia vào vụ việc với vai trò đồng phạm (ví dụ: bàn bạc kế hoạch chống đối, chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ…).
Trong quá khứ, ông có thấy vụ việc nào cưỡng chế đất đai của người dân, lấy lý do làm công trình nhà nước, sau đó chuyển sang mục đích khác của tư nhân không? Nếu có xin ông cho thí dụ cụ thể và ông có bình luận gì về những vụ việc như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những vụ việc mà có một số cấp chính quyền đã lợi dụng nhân danh thu hồi đất của dân để làm việc công nhưng sau đó lại chia chác với nhau đã gây phẫn uất cho nhân dân ở nhiều địa phương. Lúc tôi là đại biểu Quốc hội Khóa IX, vụ việc một gia đình cựu chiến binh tại Bình Định bị chính quyền cấp huyện thu hồi đất nói là phục vụ công trình công cộng nhưng sau đó thì các vị đó lại chia chác với nhau xây dựng nhà riêng. Gia đình cựu chiến binh đó đấu tranh nhưng ở cấp huyện và tỉnh không giải quyết nên đã mang đơn đi khiếu kiện tại Trung ương, tại 12 kì họp của Quốc hội, tôi là người nhận được đơn thấy sự việc hoàn toàn bất công nên đã kiên quyết lên tiếng yêu cầu Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi của người dân.
Trước bức xúc của người dân và đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã quyết định tỉnh Bình Định phải trả lại quyền lợi cho người dân. Quyết định rồi nhưng chính quyền địa phương vẫn chần chừ không chấp hành. Mãi đến khóa X, lúc Chính phủ tổ chức thanh tra chính quyền mới trả lại quyền lợi cho gia đình đó.
Qua việc này mới thấy rằng, một số cấp chính quyền cơ sở vừa xâm phạm đến lợi ích của nhân dân lại vừa không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cấp trên. Tình trạng đó nếu không cương quyết xử lý cũng như vụ Tiên Lãng hiện nay thì lòng dân sẽ không yên. Lòng tin của dân đối với Nhà nước sẽ bị xúc phạm và đó là mầm mống của những việc mất ổn định.
Thưa ông Vũ Mão, nếu ông là chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông sẽ cư xử như thế nào ngay sau vụ cưỡng chế? (Sỹ Long, phường Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng)?
Ông Vũ Mão: Tôi đã từng là Bí thư Huyện ủy của một huyện biên giới, miền núi, trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, cho nên tôi hiểu được và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt là như thế nào. Rõ ràng trong trường hợp này, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là người không đủ trình độ lãnh đạo, do đó đã đưa ra những chủ trương sai lầm.
Điều đáng nói hơn nữa, sau khi sự việc đã xảy ra rồi, thì đã không đủ độ mẫn cảm để xử lý một cách có lý, có tình sự việc. Đó là chưa nói tới đằng sau đó, họ có động cơ cá nhân gì không? Có lợi ích cá nhân gì không? Từ sự việc này giúp chúng ta cách nhìn nhận, cách đánh giá cán bộ. Và từ đó có thể xem xét tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra của Đảng ta.
Thưa luật sư Phạm Thanh Bình, với kinh nghiệm của một luật sư dày dạn kinh nghiệm như ông thì liệu trong vụ việc cưỡng chế ở Tiên lãng có dấu hiệu của “tư bthù cá nhân” hay không? Tôi hỏi câu này vì tôi thấy hiếm khi nhà chức trách lại “nhiệt tình” và “quyết liệt” hơn mức cần thiết như thường lệ. Cám ơn tòa soạn và Luật sư. (Nguyễn Minh Ý, Cần Thơ).
LS Phạm Thanh Bình: Theo các thông tin đã được công bố, chúng tôi thấy trong vụ cưỡng chế này có nhiều dấu hiệu của động cơ tư lợi, còn việc có dấu hiệu tư thù cá nhân hay không còn phải phụ thuộc vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng.
Thưa ông Vũ Mão, ông có nhận xét, đánh giá gì về những phát ngôn không đồng nhất, cố tình né tránh của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng như lãnh đạo huyện Tiên Lãng? Việc phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại “đổ” cho dân phá nhà ông Vươn? (Phạm Anh Hải, TP. Thái Nguyên).
Ông Vũ Mão: Theo tôi, đây là bài học cho những cán bộ vừa làm những việc ấy. Bài học ở đây là, thứ nhất phải nắm vững sự việc và chỉ phát ngôn khi mình đã nắm chắc sự việc đó. Còn khi chưa có đầy đủ thông tin, thì phải rất cẩn trọng và khiêm tốn, nói rõ ràng rằng: “Tôi chưa nắm được, tôi sẽ tìm hiểu đúng thực chất vấn đề và trả lời sau.” Rõ ràng những hành động của những cán bộ trên là thiếu chín chắn, thậm chí thiếu trung thực, có phần vô trách nhiệm. Và họ không có quan điểm đúng đắn “Lấy dân làm gốc” .
Luật sư Phạm Thanh Bình trong buổi giao lưu |
Hùng Dũng – Lai Châu Gửi Luật sư Phạm Thanh Bình: Thưa luật sư Bình, tôi là người không am hiểu rõ về luật pháp và muốn được biết rằng trong trường hợp xét xử ông Đoàn Văn Vươn, ngoài các tội danh như chống người thi hành công vụ, tàng trữ vũ khí, giết người chắc chắn thì ông Vươn có được xét đến tình tiết giảm nhẹ nào không, nếu như có kết luận chính thức khẳng định việc cưỡng chế nhà ông Vươn là việc làm của chính quyền địa phương là sai luật?
Theo Luật Đất đai, đất nông nghiệp sẽ được giao 20 năm. Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng lại chỉ giao 14 năm. Điều này liệu có đúng luật?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Luật Đất đai 1988 không quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất. Đến Luật đất đai 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được quy định rõ tại điều 67. Điều luật này đã quy định rõ thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Như vậy, theo quy định nói trên thì việc UBND huyện Tiên Lãng chỉ giao đất 14 năm với lý do áp dụng luật đất đai 1988 là không đúng pháp luật.
Ông có nghĩ, hành vi phá căn nhà (vẫn bị coi là chòi cá) của gia đình công Quý cần phải bị khởi tố?
LS Phạm Thanh Bình: Quyết định cưỡng chế thu hồi đất không đồng nghĩa với việc phá hủy các tài sản trên đất. Việc đoàn cưỡng chế hoặc những cá nhân khác phá hủy tài sản trên đất của hộ Đoàn Văn Vươn hoặc căn nhà của ông Đoàn Văn Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo quy định tại điều 143 BLHS thì người có hành vi hủy hoại tài sản nói trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
Thưa GS. Đặng Hùng Võ, theo ông, qua vụ cưỡng chế Tiên Lãng, Hải Phòng, Luật đất đai của ta cần sửa điều gì cho chặt chẽ hơn không? (Bình Nguyên, Thái Bình).
GS. Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Theo quy định của Nghị định 181, không có việc thu hồi đất nông nghiệp đã được giao mà hết thời hạn sử dụng.
Nhưng một mặt khác, nhìn tổng quát hơn thì hiện nay, pháp luật đất đai của chúng ta đang cho phép các cơ quan Nhà nước có quyền quá lớn về việc thu hồi đất. Đây là một cơ chế hành chính thu hồi đất của người này và lại giao cho người khác, nếu áp dụng không đúng sẽ dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền và dễ gắn với tư lợi. Tôi cho rằng trong Luật Đất đai sắp tới được Quốc hội thông qua sẽ có những đổi mới hơn nữa đối với các quy định về cơ chế nhà nước thu hồi đất và việc thực hiện cơ chế đó trên thực tế.
Thưa LS. Phạm Thanh Bình, theo quy định của pháp luật, việc anh em nhà ông Vươn có hành vi chống đối người thi hành công vụ trong trường hơp này liệu có được xem xét tới việc họ bị ép tới góc tường? Mức án cáo nhất mà anh em nhà ông Vươn sẽ phải đối mặt là gì.? (Nguyễn Nhật Thành – Phủ Lý - Hà Nam).
LS Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự, tình tiết phạm tội “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” được coi là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.
Nếu quá trình điều tra chứng minh được việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật dẫn đến việc các bị can trong vụ án bị kích động về tinh thần mà phạm tội thì tòa án sẽ cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ này khi quyết định hình phạt.
Mức án cao nhất mà các bị can có thể phải gánh chịu tùy thuộc vào các tội danh đã bị truy tố cũng như các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ khác do các cơ quan tiến hành tố tụng xác định trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên có thể thấy rằng các bị can chỉ có thể phải chịu mức án phạt tù có thời hạn.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức
- Giải cứu cây xanh
- Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?
- Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn
- Dự báo, xả lũ và tính mạng con người
- Giàu nhanh từ đất, khó rồi đấy!
- Mùa lũ năm nay, ai sát cánh hỗ trợ miền Trung?
- Phong tỏa vô tội vạ
- Ghét thói háo danh, hơn thua, hằn học !
Bài viết mới:
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
- Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên (13/12/2024)
- VACNE phối hợp tổ chức tập huấn cho các thầy cô vùng duyên hải Bắc bộ về giáo dục môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương (11/12/2024)
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT (09/12/2024)
Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?
(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12/2024, tại thành phố Rạch Giá, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang”.
Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả và trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024 cho các cá nhân và tập thể thuộc 25 tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi.