Thứ sáu, 22/11/2024, 22:10:41 PM (GMT+7)

10 lý do phải đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê

(16:47:48 PM 08/01/2019)
(Tin Môi Trường) - Đã có nhiều báo cáo khoa học và bài báo phân tích, đánh giá và kiến nghị đóng cửa dự án sắt Thạch Khê.

Dưới đây, là 10 lý do, TS Nguyễn Thành Sơn - Nguyên Trưởng Ban Chiến lược và KHCN TKV nêu lên và cho rằng phải đóng cửa dự án. Để rộng đường dư luận, xin đăng tải nguyên văn phần ý kiến của ông:

  

10[-]lý[-]do[-]phải[-]đóng[-]cửa[-]mỏ[-]sắt[-]Thạch[-]Khê 

Khai thác quặng tại Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: LĐO
 
1. Dự án được triển khai theo tinh thần “làm bằng bất kỳ giá nào”
 
Mỏ sắt Thạch Khê đã được nghiên cứu khai thác từ những năm 1990 của Thế kỷ trước với sự giúp đỡ về kỹ thuật của các cơ quan đầu ngành về thăm dò địa chất, thiết kế mỏ, tuyển khoáng, địa chất thủy văn, địa chất công trình của Liên Xô (cũ); và các đối tác từ Tây Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v). Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy tính khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế của dự án hầu như không có.
 
Từ năm 2007, việc triển khai dự án đã được Bộ Công Thương và chủ đầu tư thực hiện theo tinh thần “làm bằng bất kỳ giá nào”, “vừa triển khai vừa làm thủ tục”: vừa khai thác vừa nghiên cứu công nghệ; chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế đã góp vốn; chưa có thị trường đã bắt đầu khai thác; chưa có đấu thầu đã bốc đất v.v.
 
2. Dự án sẽ làm triệt tiêu các quĩ đất
 
Diện tích khai thác chiếm đất lớn: Khu vực khai thác mỏ chỉ cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía biển (“mặt tiền”), nhưng có diện tích chiếm đất tới hơn 4.800 ha của 6 xã (Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc) thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mỏ được khai thác bằng công nghệ lộ thiên có bãi thải đất đá rất lớn, phân bố trên diện rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và các tác động tiêu cực đến môi trường đất.
 
Không có khả năng hoàn thổ sau khi khai thác: vì chiều sâu khai thác rất lớn và vì đặc tính của đất đá đổ thải thuộc loại cát chẩy, dễ bị trôi lấp. Sau mỗi trận mưa, những dòng chảy mặt lại cuốn trôi cát, sét xuống moong mỏ, tạo nên những bãi bồi tích mới ở chân bờ mỏ, hoặc cuốn trôi ra biển. Mặt đất bị biến dạng sâu và tạo ra mất cân bằng tự nhiên. Hiện nay, do khai thác và tháo khô moong mỏ, khối nước ngọt cạn kiệt, đất đai bị nhiễm mặn, hệ sinh thái thực vật tự nhiên và cây trồng nông nghiệp tàn lụi dần. Nguy cơ tất yếu là vùng đất cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng hoang mạc.
 
3. Dự án sẽ làm triệt tiêu nguồn nước ngọt
 
Lượng nước mặt và nước ngầm chảy vào mỏ sắt Thạch Khê trung bình hơn 3,17 triệu m3/ngày đêm. Lượng nước ngọt này đang được bơm từ khai trường đổ thải ra biển. Với lưu lượng rất lớn như vậy, việc khai thác mỏ sẽ làm triệt tiêu các nguồn nước ngọt cấp cho sản xuất công-nông nghiệp và dân sinh trong toàn khu vực.
 
Ngoài ra, mỏ sắt Thạch Khê phía Đông giáp biển, phía Tây giáp sông nước lợ Hạ Vàng. Tầng chứa nước ngầm ngọt có quan hệ thủy lực với nước mặn bao quanh. Người dân sinh sống và canh tác nông nghiệp nhờ vào nguồn nước ngọt từ cồn cát. Từ khi mỏ Thạch Khê bắt đầu khai thác, liên tục đào sâu và bơm hút nước mỏ đổ ra biển, mực nước ngầm tại xã Thạch Đỉnh hạ thấp rất nhanh. Nếu tiếp tục khai thác, nước mặn từ biển và từ sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế nước ngọt trong đất cồn cát, làm cho vùng đất ven biển Thạch Hà bị nhiễm mặn, cây lúa và rau màu không thể phát triển.
 
Diện tích đất bị chiếm dụng, bị xâm hại cùng với nguồn nước ngọt bị triệt tiêu là những tổn hại không thể đảo ngược và không gì bù đắp được trong điều kiện kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh.
 
4. Dự án tác động xấu đến người dân trong vùng
 
Từ tháng 10/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt vốn tái định cư 3.478 tỷ đồng để di dời 3.950 hộ dân. Mỗi hộ dân được đền bù bình quân 880 triệu đồng và được cấp 300m2 đất tái định cư. Thực tế cho thấy, cuộc sống của 51 hộ dân với 357 nhân khẩu xã Thạch Đỉnh (được đền bù đầu tiên) tại nơi ở mới chỉ có vẻ khá hơn về chỗ ở ("an cư"), nhưng không có đất anh tác (không "lạc nghiệp"). Trong khi người dân không thể chuyển sang ngành nghề khác. Cuộc sống của 357 người dân xã Thạch Đỉnh đang ngày càng khó khăn, vất vả và bế tắc.
 
Nếu tiếp tục triển khai dự án, việc phải tiếp tục di dời, tái định cư (3.950 hộ và 16.000 người dân) sự bần cùng hóa sẽ diễn ra trên diện rộng với qui mô gấp 45 lần xã Thạch Đỉnh. Đây là vấn đề không hề nhỏ.
 
5. Nguy cơ ngập mỏ do hang động caster là không tránh khỏi
 
Vùng Hà Tĩnh-Quảng Bình có nhiều hang động hình thành trong lớp đá vôi. Kết quả khảo sát dự báo hang động caster bằng phương pháp địa vật lý trên diện tích 2 km2 khu vực giữa moong mỏ và dọc theo bãi biển Thạch Hải cho thấy ở địa tầng đá hoa C2-P1 có rủi ro về hang động. Trong quá trình khai thác, các hang động caster sẽ bị sập đổ làm cho nước biển tràn vào gây ra ngập mỏ, nhấn chìm thiết bị, có thể dẫn đến thảm họa chết người hàng loạt.
 
Trong khi đó, việc thăm dò địa chất chưa đạt yêu cầu, các giải pháp được đưa ra rất chủ quan, không có cơ sở.
 
6. Nguy cơ tai biến môi trường từ bãi thải của mỏ
 
Tổng khối lượng chất thải rắn phải thải ra từ dự án Thạch Khê trên 366 triệu m3 là rất lớn và rất tập trung. Trong đó, gần 194,97 triệu m3 đất thải ra trên bờ biển, và 171,89 triệu m3 phải đổ lấp xuống biển. Khả năng các bãi thải này sẽ gây ra các tai biến môi trường cả trên mặt đất (trôi lấp trên diện rộng) và ở ngoài bờ biển (ô nhiễm) là rất lớn.
 
7. Dự án không có tính khả thi về kinh tế
 
Chi phí thoát nước rất lớn: Theo tính toán, lưu lượng nước chảy vào khai trường tới 3.171.804 m3/ngày đêm (bao gồm 1.759.555 m3 nước mặt và 1.412.249 m3 nước ngầm). Như vậy, tổng lượng nước cần bơm là 1,158 tỷ m3/năm. Với chiều cao cột nước bình quân 300m, và đơn giá bơm 3.000 đ/m3, riêng chi phí bơm nước hàng năm lên tới 3.474 tỷ đồng (hơn 20 U$/tấn quặng nguyên khai). Như vậy, riêng chi phí bơm thải nước mỏ đã chiếm hơn 30% giá bán FOB của quặng sắt trên thị trường thế giới.
 
Chi phí bốc đất cao: Trong khai thác phải dử dụng các thiết bị (máy xúc, ô tô tự đổ, xe gạt) có công suất lớn và có tải trọng đè lên nền đất rất lớn. Trong khi đó, bờ mỏ và các tầng bốc đất của mỏ sắt Thạch Khê đều là cát chẩy, rất yếu, dễ bị tụt lở, không duy trì được hình dạng, và đều đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật rất tốn kém, như: góc dốc bờ mỏ thấp, góc dốc sườn tầng thấp, chiều cao tầng thấp, chiều rộng mặt tầng lớn v.v. Các thông số này sẽ dẫn đến chi phí bốc đất (thường chiếm hơn 50% trong giá thành quặng) sẽ rất lớn.
 
Chi phí khai thác quặng sắt cao: Vì đất đá và quặng sắt có tính cơ lý rất khác xa nhau. Các thông số thiết kế của khâu khai thác quặng sẽ khác so với khâu bốc đất. Các thiết bị khai thác quặng phải khác so với thiết bị bốc đất. Hai dây truyền thiết bị công nghệ quan trọng này ở mỏ sắt Thạch Khê phải hoàn toàn khác biệt, không hỗ trợ được cho nhau. Vì vậy, chi phí khai thác quặng sắt sẽ cao hơn nhiều so với mức bình thường.
 
Chi phí chế biến quặng sắt cao: Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư dự kiến tổ chức tới 4 nhà máy tuyển (nghiền và đập) quặng sắt di động đã không tính đến hiệu quả kinh tế, làm tăng vốn đầu tư, giảm năng suất của thiết bị, tăng chi phí xử lý quặng đuôi, tăng tổn thất sản phẩm trong khâu chế biến. Trong giai đoạn 2, việc xây dựng nhà máy tuyển quặng tập trung là cần thiết, nhưng phải dựa trên các cân bằng sản phẩm và tiêu chuẩn của sản phẩm. Cả hai yếu tố quan trọng này chưa được nghiên cứu.
 
Tổn thất quặng rất lớn: Theo thiết kế được duyệt, tổn thất quặng theo thiết kế đã lên tới 32% (chưa tính tổn thất trong các khâu khai thác, chế biến, vận chuyển). Với mức tổn thất rất cao như vậy, các thông số về kinh tế của mỏ sẽ giảm đi tương ứng.
 
Tính khả thi về kinh tế của dự án hầu như không có.
 
8. Sản phẩm của Dự án sẽ không có thị trường tiêu thụ
 
Do dự án không khả thi về kinh tế, sản phẩm của dự án không có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước: FORMOSA- nhà sản xuất thép rất lớn ngay trên địa bàn ngay từ đầu đã khẳng định sử dụng quặng nhập khẩu. Các công ty thép nhỏ trong nước không tiêu thụ hết sản lượng của dự án. Trong khi đó, với những chi phí khai thác-chế biến phải tăng cao do đặc thù của mỏ, sản phẩm quặng sắt Thạch Khê không thể xuất khẩu vì không có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc nhập khẩu quặng sắt vào VN hiện có giá (CIF) thấp hơn nhiều so với chi phí dự tính của quặng sắt Thạch Khê. Bên cạnh đó, các quốc gia như Trung Quốc, Úc hay Brazil đang đẩy mạnh thị trường xuất khẩu quặng sắt.
 
9. Chủ đầu tư dự án không có năng lực tài chính
 
Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) thành lập năm 2007 gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng. Năm 2009 khởi công khai thác, năm 2011 hoạt động của mỏ tạm dừng. Đến năm 2013 TIC đã chi 1.250 tỷ đồng, nhưng các cổ đông mới góp được 1.190 tỷ đồng. Năm 2015 các cổ đông góp thêm 483 tỷ đồng, nhưng TIC phải trả nợ đáo hạn và chi phí phát sinh trong năm 2015 với tổng số là 876 tỷ đồng. Đến tháng 8/2016, một số cổ đông nhỏ đã xin rút, các cổ đông lớn vẫn chưa góp đủ. Vì vậy, năng lực tài chính của TIC hầu như không có, trong 7 năm qua TIC luôn là con nợ.
 
10. Các sai phạm trong triển khai dự án chưa được làm rõ
 
Từ năm 2011, dự án đã bị dừng do còn quá nhiều bất cập, sai phạm và có nguy cơ bị thất thoát vốn. Đến nay, các bất cập và sai phạm vẫn chưa được làm rõ nhưng chủ đầu tư vẫn đề nghị cho triển khai tiếp dự án. Đây là việc không bình thường.
 
 TS Nguyễn Thành Sơn - Nguyên Trưởng Ban Chiến lược và KHCN TKV
(Báo Đất Việt)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 10 lý do phải đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.

Tin Môi Trường
 Tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển"

Tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển"

(Tin Môi Trường) - Ngày 22/8/2024 tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), và Viện Nghiên cứu Môi trường/Đại học Adelaide đã cùng tổ chức buổi tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển." Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin khoa học cập nhật về thị trường carbon, một vấn đề rất được xã hội quan tâm. Đây cũng là dịp quan trọng để cùng nhau chia sẻ kiến thức, học hỏi và hợp tác để xây dựng những dự án carbon xanh chất lượng cao.

VACNE 30 năm
  Hà Nội: Hơn 25.000 cây xanh bị gãy, đổ do bão.

Hà Nội: Hơn 25.000 cây xanh bị gãy, đổ do bão.

(Tin Môi Trường) - Tối 8-9, UBND TP Hà Nội có báo cáo nhanh về công tác ứng phó bão số 3. Theo đó, trong ngày 8-9, Hà Nội có thêm 1 người tử vong do ảnh hưởng của bão số 3. Cụ thể, gió lớn đã khiến 1 mái tôn bung bật va trúng 2 người dân ở huyện Chương Mỹ, khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI