»

Thứ bảy, 23/11/2024, 08:59:08 AM (GMT+7)

Rào xanh ngăn nước dữ

(13:26:03 PM 29/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Từng có vườn xoài đẹp nhất xóm, nhưng ông Tư Ánh đã mất tất cả khi đê biển vỡ năm 2007. Nước biển tràn vào khiến cả hécta xoài chết hết, vườn tược bỏ hoang. Tuy nhiên, một dự án về trồng rừng ngập mặn ven biển để chống xói lở đã được triển khai, giúp cho các hộ nông dân ở đây duy trì được sinh kế của mình.

 

Nguy cơ xói lở luôn rình rập

 

Gia đình ông Tư Ánh sống tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã gần hai chục năm qua. Xóm Vàm Rầy nằm sát bờ biển, biệt lập với thị xã, muốn vào tới đây phải đi tới 40 phút đồng hồ bằng ghe tắc ráng. Rồi lại phải đi bộ mấy trăm mét trên con đê biển, trời nắng thì chả nói, nhưng mưa thì mặt đê trơn như đổ mỡ. Ở đây nước phải dùng nước giếng khoan, điện thì dùng điện bình ắcquy, cột điện mới trồng trong xóm cách đây chưa lâu, song dây điện chưa kéo tới. Bà Thu - vợ ông Tư Ánh - bán tạp hoá tại nhà, có khi cả năm chẳng ra thị xã. Cần mua bán gì, bà nhắn cho những người chạy ghe, họ ra thị xã mua rồi đem về giùm bà. Cuộc sống biệt lập, khó khăn là vậy, nhưng nỗi lo lớn nhất với người dân Vàm Rầy chính là xói lở bờ biển.

 

Vợ[-]chồng[-]ông[-]Tư[-]Ánh.[-]
Vợ chồng ông Tư Ánh.

 

Nông dân Vàm Rầy sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn trái và nuôi cá, vậy nhưng ở đây là một trong những khu vực bị xói lở mạnh nhất, tốc độ xói lở tới 10m mỗi năm. Sức nước mạnh như thế nên năm nào đê cũng vỡ, cho dù đã nhiều lần được gia cố, cuốn trôi hy vọng của người nông dân ra biển. Năm 2007, đoạn đê vỡ thẳng trước cửa nhà ông Tư Ánh ra. Trong trí nhớ của ông, đận ấy ông mất tất cả: “Vườn xoài của tui đẹp nhất ở đây. Vậy mà hồi ấy nước vào làm vườn tược hư hết, cá chết toàn bộ, tui buồn muốn thất tình luôn. Nước ngập lút cả nền nhà...”. Đấy là ngôi nhà của ông, nhờ mấy đứa con, như lời ông nói, đã được xây khang trang bằng gạch, là ngôi nhà xây hiếm hoi trong xóm.

 

Cách nhà ông Ánh vài trăm mét là ngôi nhà lợp lá dừa nước của gia đình bà Lâm Thị Nga. Năm 2007 đê vỡ là lúc bà đang nuôi cá chẽm: “Nước vô cá đi hết, tui thiệt hại nặng. Trong xóm có nhiều người nuôi tôm, nuôi cá, trồng lúa, trồng cây ăn trái cũng mất. Đê không vỡ thì cũng đã lo một tháng hai con nước lớn suốt mùa hè”. Bà Nga kể, nước ngập, trẻ con ở đây đi học vất vả lắm. Lúc đi chúng mặc bộ quần áo thường, bộ đẹp hơn bọc túi bóng, đến trường mới lại thay đổi.

 

Kiên Giang có khoảng 200km bờ biển, là tỉnh có bờ biển dài nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 33% chiều dài bờ biển của Kiên Giang bị xói lở và 59% có nguy cơ xói lở trong thời gian tới. Vành đai rừng ngập mặn khá mỏng, khiến các vùng đất canh tác và nhà cửa của người dân ở bên trong luôn đứng trước nguy cơ bị gió bão tàn phá và nước biển dâng. Nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang, các đai rừng ngập mặn đang bị xói lở, để lộ ra thân đê biển. Sóng đánh thủng, làm lở và vỡ đê, nước mặn xâm nhập vào đất nông nghiệp của người dân. Thiên nhiên ban tặng cho vùng này đất đai trù phú, nhưng cũng đem lại nhiều nguy cơ rình rập khiến người nông dân lo cả nỗi lo “an cư” lẫn nỗi lo “lạc nghiệp”, chẳng biết bao giờ họ mới thoát được cái nghèo.

 

Phục hồi rừng, cải thiện sinh kế cho người dân

 

Từ 3 năm nay, khi thực hiện dự án thí điểm trồng rừng ngập mặn chống xói lở, nỗi lo sống chung với lũ của người dân Vàm Rầy mới đỡ hơn. Dự án do Tổ chức Phát triển quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, với sự tài trợ của Chính phủ Đức và Australia. Trên chiều dài 1km bờ biển ở Vàm Rầy, dự án thực hiện các can thiệp làm hàng rào chắn sóng, hàng rào giữ bùn để giảm bớt hoạt động của sóng, giữ lại lớp bùn bồi lắng trong mùa mưa và ngăn không cho bùn bị cuốn trôi ra biển, rồi trồng 7 loại cây ngập mặn khác nhau thay vì chỉ cây mắm và đước dùng trong trồng rừng trước đây, làm phong phú thêm đa dạng sinh học ở vùng bờ biển này.

 

Anh Nguyễn Tấn Phong - cán bộ kỹ thuật của GIZ tại Kiên Giang - giậm giậm chân trên nền đất trồng rừng ngoài đê, nói: “Trước ở đây bị xói lở liên tục, toàn bùn không thể đứng lên được, giờ đã thành đất cứng, đứng lên được rồi”. Những cây mắm, cây đước xanh mướt ở những ô dự án trồng đầu tiên đã cao tới gần 2m, cây con vẫn tiếp tục được ươm trồng, rừng đã có mặt trở lại ở ngay vùng bị xói lở mạnh trước đây, một số loài cá, loài hai mảnh vỏ xuất hiện trở lại trong vùng dự án.

 

Anh[-]Nguyễn[-]Tấn[-]Phong[-]-[-]cán[-]bộ[-]kỹ[-]thuật[-]của[-]GIZ[-]-[-]tại[-]nơi[-]trồng[-]rừng[-]ngoài[-]đê.[-]
Anh Nguyễn Tấn Phong - cán bộ kỹ thuật của GIZ - tại nơi trồng rừng ngoài đê.

 

Nghe thì dễ, nhưng thực tế dự án đã trải qua vô vàn khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là từ trong nhận thức của mọi người. Trên thế giới đã có nhiều mô hình lấn biển nhưng lại không khả thi ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố giá thành quá đắt thực sự là một cản trở. Các tỉnh phía nam chưa từng có một mô hình chống xói lở nào có tính bền vững. “Lúc xây dựng mô hình, chúng tôi bị phản đối rất nhiều, không ai tin chúng tôi sẽ thành công cả” - anh Nguyễn Tấn Phong cho biết.

 

Nhưng với 2 mục tiêu mà dự án đặt ra, đó là sử dụng vật liệu địa phương, kinh nghiệm địa phương, các cán bộ dự án đã dần dần thuyết phục được mọi người. Dự án mời người dân địa phương đi cùng tham gia điều tra tình trạng xói lở, tham khảo ý kiến của những người dân đã sống ở đây hàng chục năm về nguyên nhân xói lở, ý tưởng của họ về chống xói lở thế nào, rồi đến lúc làm hàng rào thì thuê nhân công ngay ở địa phương, trả công giúp người dân cải thiện phần nào đời sống.

 

Hàng rào chắn sóng, chắn bùn sử dụng rất nhiều cừ tràm và cọc bạch đàn, mê bồ (mành tre) mà người dân vẫn dùng bắt cá. Cây tràm rớt giá mạnh trong những năm 2003 – 2006 làm nhiều nông dân chặt hạ rừng tràm chuyển sang trồng lúa gây tổn hại môi trường, thì dự án đã kích thích việc sử dụng gỗ tràm và trồng tràm trở lại. Bằng những hoạt động cụ thể như thế, cùng lúc với những cây tràm, cây mắm, cây đước dần lên xanh, dự án đã thuyết phục được người dân, họ hiểu rằng không phát triển rừng thì không thể giữ được đất canh tác.

 

“Buổi đầu thấy dự án mong manh quá, tưởng làm không xong - bà Lâm Thị Nga nói - Nhưng giờ thì nước mặn không vào được, cây trồng tốt tươi hơn, giờ tôi lại nuôi cá chim trắng và cá trê phi để bán”. Niềm vui cũng tràn ngập trong ánh mắt bà Đỗ Kim Thu - vợ ông Tư Ánh - khi bà kể rằng giờ nhà bà không còn lo ngập nữa, gia đình bà đã chuyển sang làm vườn ươm, cung cấp hàng chục nghìn cây giống cho dự án trong 3 năm qua.

 

Nếu so sánh chi phí làm hàng rào xanh này với chi phí làm đê biển mới thấy dự án hiệu quả thế nào. Theo tiến sĩ Phạm Trọng Thịnh - Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - mỗi kilômét đê biển tốn 30 tỉ đồng, thì mỗi kilômét làm hàng rào chắn sóng chắn bùn và trồng cây ngập mặn chỉ tốn có 500 triệu. Ông Thịnh cho rằng mô hình này rất khả thi trong việc nhân rộng ra các địa phương khác, thậm chí sang cả các nước xung quanh như Campuchia, Thái Lan, Indonesia có địa hình vùng bờ biển giống ở Việt Nam.

 

Tại nhiều nước Châu Á, rừng trồng trước biển thường không phát triển tốt và nhiều chương trình trồng rừng đã thất bại. Từ mô hình ở Vàm Rầy, mới đây, Chính phủ Đức và Australia đã ký kết hiệp định tài trợ 39,4 triệu USD để chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học ở 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, dựa trên mô hình đã thành công bước đầu ở Vàm Rầy. Cố vấn trưởng của dự án - bà Sharon Brown - cho biết, nếu trong giai đoạn đầu dự án mới chú trọng xây dựng mô hình phục hồi rừng cho cộng đồng, thì giai đoạn hai, dự án sẽ chú trọng việc cải thiện sinh kế cho người dân trong khi vẫn bảo vệ được rừng.

 

Bền vững môi trường, chống biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột trong viện trợ của Australia và Đức cho Việt Nam. Ông Michael Wilson - Tham tán Đại sứ quán Australia - cho rằng, Việt Nam cần hành động ngay lúc này để chống biến đổi khí hậu trước khi quá muộn. Hơn nữa, một dự án không thể giải quyết tất cả. Dự án chỉ giúp phát triển mô hình, việc tiếp tục mở rộng mô hình đó sang các tỉnh khác thành công đến đâu và huy động sự tham gia của người dân thế nào trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu, điều đó phụ thuộc vào ý chí của Chính phủ.

 

Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam. Theo tính toán của các nhà khoa học, vào cuối thế kỷ này, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì hơn 11 triệu người mất chỗ ở, chủ yếu là ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm 80% xuất khẩu gạo của cả nước, 60% sản lượng thuỷ sản và là nơi đóng góp 1/3 GDP cho Việt Nam. Khi ấy, gần 40% số diện tích ĐBSCL - tức là khoảng hơn 15.000km2 - sẽ chìm ngập trong nước. Nhưng vẫn chưa muộn để xoay chuyển tình thế, những hàng rào xanh như ở Vàm Rầy có thể ngăn biển nước mênh mông đục ngầu mỗi mùa lũ lụt, với người nông dân, thành số phận.

 

Mỹ Hằng

 

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Rào xanh ngăn nước dữ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI