»

Chủ nhật, 19/01/2025, 12:33:06 PM (GMT+7)

Phu Song Sung - sừng sững giữa tầng mây

(23:29:41 PM 07/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Những triền pơmu trăm tuổi ngày một lùi sâu vào rừng già, những tầng mây không thể kể cho chúng tôi nghe những huyền thoại ẩn trong từng bụi trúc lùn cỏ dại, chỉ còn đó một Phu Song Sung sừng sững cùng tuế nguyệt, chờ đón những bước chân ham thử thách, tìm kiếm mình trong những khó khăn, khắc nghiệt.

Chưa hề có thông tin, số liệu nào được thống kê cập nhật gần nhất về dãy núi ấy. Dãy Sà Phình - Pu Luông qua những biến động địa chất âm thầm đã tồn tại hai trong năm đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

Đi trên những tầng mây

1. Men theo những chỉ dẫn rất chung chung của một số ít đoàn từng leo trước đó, chúng tôi tìm về dãy núi ấy. Dãy núi huyền ảo quanh năm ẩn hiện trong hai tầng mây phủ như gần ngay đó mà lại rất xa, trong huyền thoại về những cánh rừng bạt ngàn pơmu trăm năm tuổi. Đỉnh của nó theo tiếng Mông là Chung Chua Nhà, nghĩa là dãy núi có nhiều kim loại. Còn tên tiếng Kinh của nó như chúng tôi vẫn gọi là Phu Song Sung.

Từ xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái, những chiếc xe máy ì ạch nối nhau chạy qua 7km đường bùn lầy và đá hộc vào chân núi. Sau khi thuê hai anh em người Mông dẫn đường, sắp xếp đồ đạc và gửi lại xe máy, chúng tôi tiến vào lòng núi trong màn sương đặc quánh đọng thành giọt trên tán lá và những cơn gió bắc buốt lạnh. Nhiệt độ đo được ở chân núi khoảng 11 độ C.

So với đỉnh núi nổi tiếng Fanxipan, Phu Song Sung thấp hơn, vào khoảng 2.955m so với mực nước biển, nhưng độ khó thì hơn Fanxipan rất nhiều lần. Dù đoàn leo hầu hết có kinh nghiệm leo núi và được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi đối mặt với những con dốc đất dựng đứng chỉ sau 10 phút leo.

Giữa thiên nhiên hùng vĩ

Giữa hai tầng mây phủ

2. Dốc nối dốc, lại thêm không khí ẩm sương làm đất cứ trơn truội dưới đế giày. Qua vùng rừng thấp mù mịt, chúng tôi leo lên những triền núi thật sự cao vời vợi, gió thổi mạnh đến mức phải bám chặt tay vào cây bụi để khỏi bị bạt đi, những gờ đất sống trâu giữa hai miệng vực chỉ rộng 70cm… 

Chúng tôi hẳn sẽ không thể quên được những cảm xúc biến chuyển từng giờ suốt hành trình leo của mình. Đó là cảm giác con người thật nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ đến choáng ngợp. Chỉ từ lưng chừng núi, bóng các bạn leo tốp sau chỉ còn là những chấm nhỏ xanh đỏ giữa núi rừng, giữa màu vàng của đất và cây úa. Rồi cảm giác mỏi nhừ đến từng thớ thịt, mỗi hai phút leo lại phải dừng lại vài giây lấy hơi.

Tôi nhớ rất rõ cảm giác mệt mỏi đến nỗi khi nhìn xuống chân mình, bước nọ cách bước kia không quá 15cm, có nghĩa gần như lê bước theo đúng nghĩa đen. Nhưng chúng tôi cứ lầm lũi leo, lầm lũi nghỉ rồi lại tiếp tục. Nhưng tiếp đó lại là cảm giác khi leo vượt lên qua tầng sương mù và thấy một mảnh trời xanh ngắt thấp thoáng sau vạt nắng chiều phía đỉnh núi xa. Nhìn xuống con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo mình đã đi qua rồi tự cho mình được mỉm cười trước khi cất bước leo nối sau balô bạn.

Một người bạn bị chuột rút phía sau lúc trời nhập nhoạng tối. Tôi cắm cúi đi vì nghĩ anh ổn. Nhưng nửa tiếng sau vẫn chưa thấy anh bắt kịp thì hơi lo. Phải di chuyển trong rừng vào ban đêm là điều tối kỵ. Tôi dừng lại giữa lưng chừng dốc và chụm tay gọi bạn thật to. Đến lần thứ tư mới thấy tiếng đáp lại. Một cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo lắng lại vừa yên bình, khi biết bạn đã đứng dậy tiếp tục.

Đỉnh núi như ngay gần trước mặt mà mất 40 phút leo qua hai con dốc thế kia chúng tôi mới lên đến nơi 

Độc đạo

3. Hoàng hôn núi đang buông chậm, để lại bầu trời ám sắc hồng tím rực rỡ. Mọi ưu phiền của cuộc sống đang tan đi rất nhẹ.

Chúng tôi lại tiếp tục xuyên rừng trong đêm tối. Trăng thượng tuần và bầu trời sao như rắc vừng trên đầu soi đường. Khi ấy tôi mới thấy mình thật sự hòa mình vào thiên nhiên, như thể vươn tay lên là nắm được ánh trăng và sao trời. Gió vẫn thổi ngày một lớn. Sau hơn 1 giờ chúng tôi cũng đến nơi cắm trại ở độ cao 2.600m.

Bên cạnh một dòng suối nhỏ róc rách, tốp đi trước bắt đầu dựng lều nhóm củi. Ngọn lửa và tiếng các bạn ríu rít đã xua tan hết mọi mỏi mệt của cả ngày dài leo núi. Đó là cảm giác ấm áp vô cùng. Chúng tôi cùng nhau nấu nướng, ăn uống, tán gẫu, tận hưởng bầu không khí và làn gió khoáng đạt trong lành, cảm giác tự do như mây, cách xa mọi tiện nghi, mọi bon chen vật chất đời thường.

Điều kỳ diệu nhất mà thiên nhiên mang lại cho chúng tôi là vào sáng sớm hôm sau. Đó là một biển mây phẳng lì tràn ra đến hết tầm mắt đang ửng hồng rực rỡ trong bình minh. Lớp mây xốp nhẹ như bông, ôm lấy những đỉnh núi. Chúng tôi tắm mình trong ánh nắng ban mai trong veo ngọt ngào, ngọn gió sớm thơm nức mùi hoa cỏ núi rừng và chúng tôi chỉ biết lặng người. Như thể im lặng thì cảnh sắc ấy sẽ còn mãi không phai mờ trong tâm trí.

Sau khi thu dọn bữa ăn sáng, chúng tôi tiếp tục leo 300m cuối cùng để lên đỉnh. Phần vì có một đêm ngon giấc, phần vì đích đã gần trước mặt ai cũng phấn chấn và thấy mình tràn trề sinh lực. Nhưng dốc cao vẫn tiếp dốc cao. Mất 2 giờ 15 phút chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Máy đo độ cao báo 2.955m, nhiệt độ là 9 độ C.

Nào, cùng mở rượu chúc nhau một năm mới thật nhiều điều hạnh phúc và ý nghĩa!

Dựng trại trong thung lũng để tránh gió và gần dòng suối để lấy nước nấu nướng

Cả đoàn trên đỉnh Phu Song Sung

Độ cao tại đỉnh núi đo được bằng GPS là 2.955m so với mực nước biển

Biển mây huy hoàng trong bình minh

4. Nếu chặng leo lên đòi hỏi sức lực và sự hưng phấn, thì chặng leo về chỉ đòi hỏi chúng tôi một điều là lý trí. Vì dốc quá cao nên khi xuống áp lực dồn xuống mũi chân rất lớn, đầu gối và chân ai cũng mỏi nhừ đau đớn. Chúng tôi chỉ còn biết động viên, đỡ dìu nhau, chia nhau miếng bánh, thanh sôcôla, ngụm orezon rồi lại tiếp tục đi.

Có bạn vì quá mỏi đã phải xuống dốc bằng… "mông”, nghĩa là ngồi xuống và trượt xuống dốc. Càng xuống thấp trời càng nhiều sương mù và nhanh tối. Tinh thần và thể lực lại càng rệu rã, một số bạn đã phải gửi balô cho hai bạn người Mông dẫn đường để đi được nhanh hơn. Nhưng kia rồi, ánh đèn khu lán trại nơi chúng tôi gửi xe đã ẩn hiện trong màn sương trước mặt. Chúng tôi đã chinh phục thành công ngọn núi.

Mang về từ núi xa một cành hoa dại tím ngắt trong túi áo ngực, khi mở ra cánh hoa đã rơi rụng. Thổi chùm hoa ấy về phía núi sau lưng, thầm mong mình cũng như cánh hoa kia bay tung giữa đại ngàn nghìn năm hùng vĩ…

LÊ HOÀNG LOAN/TTCT
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phu Song Sung - sừng sững giữa tầng mây

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI