Vì sao Thủ tướng Chính phủ vào cuộc (kỳ cuối)
(19:41:01 PM 18/06/2011)
>> Ống khói lạ nhất thế giới (kỳ 3)
>> Giải cứu trâu sắt bằng vũ lực (kỳ 2)
>> Từ chiếc xe bạc tỷ ngoài đồng (kỳ 1)
Quan trắc hai ngày, 70 cảnh sát tháp tùng
Công văn số 4971/VPCP-KNTN ngày 16-7-2010 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá tác động, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư do hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng; kiến nghị biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm 2010”.
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy.
Gần hết quý 3, theo ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ lại có văn bản nhắc nhở ngày 17-8. Đến sáng thứ hai tuần trước, 7-9, kết quả quan trắc môi trường lần thứ ba ở Nhà máy Thái Hưng được ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hải dương, chủ trì công bố công khai cho toàn dân xã Kim Lương thông qua đại diện của họ.
Cuộc họp hôm ấy tiến hành sau việc giải thoát hai chiếc xe tải hiện đại của doanh nghiệp Hải Phòng bị người Hải Dương bắt giữ gần hai tháng nay. Trục trặc xuất hiện ở cả hai sự kiện.
Tại cuộc họp, chỉ 9/18 đại diện cộng đồng dân cư giám sát quá trình quan trắc đến dự. Số vắng mặt được lý giải một cách đơn giản, do năm người đến muộn, bỏ về sau khi vướng mắc qua cổng bảo vệ, và bốn người vắng không lý do.
Sự vắng mặt một nửa số đại diện nhân dân thực ra không đơn giản. Đợt quan trắc gần đây nhất, quan trắc lần thứ ba, chính quyền chỉ đạo đáp ứng tối đa đòi hỏi của dân. Không những mời 18 đại diện nhân dân giám sát, đơn vị quan trắc là Viện Công nghệ Môi trường, được Bộ TN&MT giới thiệu, thực hiện không chỉ bốn lần mỗi ngày mà còn làm thêm nhiều chỉ số ngoài yêu cầu. Ông Lê ngọc Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Huyện Kim Thành, nói: “Những ai phản ứng quyết liệt nhất thì đưa máy đến đó để quan trắc”.
Nhưng lại có một hiện tượng không bình thường. Khá hiếm trong đời các nhà quan trắc, trong hai ngày làm việc, 15 và 16-7-2010, nhóm quan trắc được 70 cảnh sát tháp tùng. Lý giải sự bất thường này, ông Lê Ngọc Sang nói: “Để khách quan, chúng tôi yêu cầu trưng dụng cảnh sát môi trường của tỉnh, huyện, bên cạnh đại diện dân, đại diện thanh tra nhân dân”.
Tại buổi công bố kết quả quan trắc sáng 7-9, một người rất có ảnh hưởng trong cộng đồng xã Kim Lương tuyên bố không tin kết luận 132 mẫu phân tích nước thải, khí thải và tiếng ồn đều trong giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. “Các ông các bà đi quan trắc, đo đạc thế nào, dân chúng tôi có biết gì đâu”, người đàn ông nói.
Phải chăng, quan trắc không phải là cái mà dân cần, và hà cớ gì cuộc quan trắc kỹ chưa từng có phải có hàng mấy chục cảnh sát môi trường tháp tùng?
Ô nhiễm chỉ là cái cớ?
Như đã đề cập, ngay khi Nhà máy Thái Hưng đi vào hoạt động tháng 4-2009, dân đã có ý kiến. Sau khi quan trắc các thông số môi trường, trong đó có 26 thông số nước thải, 15 thông số tiếng ồn, và 15 thông số ô nhiễm không khí, “tỉnh và huyện hai lần tổ chức đối thoại với dân, dân vẫn chưa hài lòng”, ông Phan Ngọc Núi, Chủ tịch UBND Huyện Kim Thành, nói.
“Dân kiến nghị cứ kiến nghị. Có hay không cải thiện họ cũng bất biết. Có tuyên truyền giải thích nhưng một bộ phận không nghe. Đấy là cái khó”, ông Lê Ngọc Sang phân trần vào thời điểm huyện nhà vừa xong cuộc họp đảng bộ cấp huyện và cấp xã mà hầu như không có trục trặc gì.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? “Câu hỏi rất chính xác”, ông Sang thốt lên.
Suy nghĩ một lúc, ông nói tiếp: “Chuyện xảy ra ở một địa phương không ổn định về an ninh trật tự. Dân lấy ô nhiễm là cớ để được thể đấu tranh với chính quyền. Mục tiêu là đuổi nhà máy đi bằng được. Bởi vậy, họ có thể sợ, nếu quan trắc đảm bảo tiêu chuẩn rồi thì không có lý do để đuổi nhà máy, không có cớ để phản ứng. Ý thức chủ quan của dân là, ông muốn nói gì thì nói, không cần phải quan trắc gì cả. Vài mươi năm sau mới là bệnh tật chứ bây giờ đâu có thấy”.
Dân có phản ứng từ đầu hay sau khi có sự cố rò khí độc chlorine? “Nhà máy đang xây dựng, chả có lý do gì để phản ứng. Nhà máy chạy thử có bốn ngày mà đã nóng, mà đã tuyên bố có bệnh tật, có một số bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư, chứ đâu đợi đến sự cố. Căng biểu ngữ, cấm vận hoạt động ra vào cổng nhà máy, bế quan tỏa cảng”, ông Sang thông tin.
Theo ông Phan Ngọc Núi, huyện nhà cùng các huyện khác trong tỉnh Hải Dương đang chủ trương công nghiệp hóa nông thôn, thu hút đầu tư, và không tránh khỏi tác động đến môi trường. “Riêng nhà máy này, tỉnh đặc biệt chú ý”, ông Núi nói.
Nhà máy được “đặc biệt chú ý” như thế nào? Vụ rò khí chlorine ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân xung quanh mà chính quyền và doanh nghiệp vẫn khăng khăng không ảnh hưởng. Sự thiếu sâu sát ấy của chính quyền khiến tình hình không dịu đi dù sau đó doanh nghiệp bồi thường gần 400 triệu đồng, dù có gia đình được đền 700.000 đồng cho một sào lúa mà năng suất cao nhất cũng chỉ hai tạ.
Hơn nữa, chỉ sau vụ rò khí chlorine, phương án quản lý các bình khí kiểu như thế mới được đặt ra nhưng chưa rõ ràng dù ông Sang có nói “đã chỉ đạo nhà máy không cho phép cắt bình khí nữa”. Tại sao được “đặc biệt chú ý” như ông Núi nói, sự cố không được ngăn chặn từ trước?
Vừa mới bước vào sản xuất, sự cố rò khí độc chlorine phần nào cho thấy nhà máy vẫn mắc căn bệnh kinh niên của các nhà máy khác ở Việt Nam. Đấy là sao nhãng khâu đào tạo kỹ năng cho lao động, sao nhãng khâu giám sát an toàn trong quá trình sản xuất và, nhất là, giám sát thành phần rác thải nhập vào Việt Nam, đánh giá mức độ độc hại của rác thải.
“90% nguyên liệu nhập từ Canada, Mỹ, Úc”, ông Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, Giám đốc Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng, nói. Vậy mà, bình khí chlorine làm bùng nổ xung đột với dân nằm trong số 70.000 tấn nguyên liệu đầu tiên Nhà máy Thái Hưng nhập với số tiền 24.500.000 USD để vận hành thử lò luyện thép. Với lượng nguyên liệu sắt thép phế thải nhập hằng năm 324.000 tấn để sản xuất 295.000 tấn phôi thép/năm, thế là, nhân dân địa phương vẫn tiếp tục hoài nghi dù chính quyền và doanh nghiệp có cam kết nhiều bao nhiêu đi nữa.
Mổ ung nhọt, tùy thuộc chính quyền
Ông Phan Ngọc Núi nói: “Không thể dễ dàng mời người ta đến đổ vào hàng trăm tỷ đồng đầu tư rồi lại đẩy người ta đi”. Đến thời điểm này, các quan chức mà chúng tôi gặp đều chung ý kiến Thái Hưng đã làm làm tốt các yêu cầu mà địa phương đặt ra. 400 lao động, chủ yếu đến từ xã Kim Lương, đang háo hức chờ cái ngày mà họ ấp ủ. “Mỗi ngày không hoạt động, họ lỗ 400 triệu đồng”, ông Lê Ngọc Sang tiết lộ.
Nhà máy Thái Hưng sớm hay muộn cũng sẽ được phép chính thức hoạt động. Quyền bấm nút cho nhà máy hoạt động nằm trong tay chính quyền, nhưng ung nhọt tiềm ẩn xung đột lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ mới đây có ý kiến bằng văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẩn trương “kiến nghị biện pháp giải quyết”. Vấn đề là kiến nghị cái gì và kiến nghị như thế nào khi chính quyền các cấp Hải Dương vẫn tư duy cũ và cách chỉ đạo cũ. Họ chỉ nhìn thấy cái sai của dân chứ chưa thấy ai nói đến bất cập tồn tại từ phía chính quyền.
Ông Phan Ngọc Núi nhận định: “Một bộ phận quần chúng nhận thức có mức độ, coi dân chủ cao hơn dân trí, cố tình không nhìn nhận sự thật. So với một số địa phương khác mà chúng tôi đến thăm, (vấn đề) môi trường nhà máy thép (ở họ) gây ra còn kinh hơn nhiều”...
Tại sao lại cho đặt một nhà máy thép mới quy mô lớn tại Hải Dương trong khi một nhà máy thép khổng lồ khác lù lù ở tỉnh nhà mấy năm nay vẫn còn vấn đề môi trường chưa giải quyết được? Thép là một trong số lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nhất, lại tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Hà cớ chi tỉnh nông nghiệp Hải Dương lại rước thêm gánh nặng ấy về? Các quan chức tỉnh có tính bài toán cộng trừ số học đơn thuần giữa lợi nhuận thu được do doanh nghiệp đóng thuế với tổn thất do lấy đất của nông dân và ô nhiễm môi trường gây ra? Nếu nhân danh vì lợi ích chung và lâu dài của toàn tỉnh, việc lớn đó có được đưa ra bàn bạc dân chủ với dân, lấy ý kiến của dân trước khi ra quyết sách không?
Ngay cả việc xử lý các mâu thuẫn phát sinh, từ tháng 4-2009 đến nay, khi Nhà máy Thái Hưng đi vào hoạt động, tại sao không dưới ba lần chính quyền tỉnh huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm cán bộ, công an, đến xã Kim Lương nếu bảo các phần tử quá khích ở đó chỉ là thiểu số? Có thực không, ngoài các biện pháp đối đầu ấy, không còn cách nào khác?
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy. Có mổ xẻ ung nhọt ấy không, mổ thế nào để giúp thu hẹp khoảng cách giữa dân với doanh nghiệp và chính quyền, hay vẫn chỉ dựa trên áp đặt là chính? Câu trả lời tùy thuộc chính quyền và Đảng bộ Tỉnh Hải Dương, mặc dù, hai chiếc ô tô thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam được mang về Hài Phòng ngay trong ngày đầu tuần trước sau khi chúng được giải cứu một cách khó nhọc khỏi đám đông quá khích.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.