»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:34:15 PM (GMT+7)

Về Hà Nội xem côn trùng

(19:38:35 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Hai tháng vèo trôi kể từ hôm giữa thu tôi cùng nhóm nhà khoa học lên Vườn Quốc gia Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 70 km về phía tây, tìm cơ hội nuôi và kinh doanh côn trùng. Tuần rồi, gặp lại một trong những chuyên gia vừa quen nhau trong chuyến đó thì anh hớn hở mời, 16-12 này, đến phố Tràng Tiền xem cuộc trưng bày đầu tiên bộ sưu tập ảnh côn trùng Việt Nam do hai thợ săn côn trùng, một Việt Nam và một Ý, chụp suốt 14 năm qua.

Từ tháp ngà bay ra thị trường

 

Buôn bán côn trùng, nhất là bướm, một thời rầm rộ ở nước ta với những đồn đoán không ít kẻ vớ bẫm kèm các lời cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng các loài côn trùng quý hiếm do đổ xô khai thác một số loài có giá.

 

 

Cây tùng trên rừng Cảnh Tiên đã về với tiên (Ảnh: Vũ Văn Liên)

 

 

TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, lại cho rằng khai thác côn trùng để đến nỗi tuyệt chủng ít xẩy ra. Anh là người trực tiếp lo toan cuộc triển lãm có một không hai về ảnh côn trùng khai trương cuối chiều qua ở trung tâm Hà Nội. Thông tin từ cuộc triển lãm có sự phối hợp quốc tế cho thấy côn trùng có vòng đời chỉ vài tháng, lại mắn đẻ. Hơn nữa, chúng thường phân bố trên khu vực rộng lớn nên dù khai thác đến mức tận diệt ở nơi này, chúng vẫn phát triển ở nơi khác. Kẻ thù lớn nhất có thể làm chúng tuyệt chủng chính là nạn phá rừng, nhà khoa học có 15 năm rong ruổi khắp đất nước để khảo cứu côn trùng khẳng định.

 

Còn về làm kinh tế, các bộ từ điển bách khoa biết đi về côn trùng xác nhận tính xác thực của một số truyền kỳ về các vụ trúng mánh lớn. Một trong những mặt hàng hấp dẫn và dễ bán nhất là bướm, loài vốn sinh sôi nảy nở nhiều trong các khu rừng nhiệt đới tự nhiên. VQG Ba Vì, nơi các nhà khoa học đến tìm kiếm liên doanh với một doanh nghiệp du lịch sinh thái, có chừng 200 loài bướm.

 

 

Riêng bướm ngày, nhóm có nhiều màu sắc sặc sỡ, cả nước ta thống kê được 1010 loài, trong khi Trung Quốc mênh mông cũng chỉ hơn ta chút, 1600 loài. Nếu kể cả bướm đêm, ta có 20 000 loài đã được phát hiện. Số loài trên thực tế và chưa phát hiện được, ước tính, gấp nhiều lần như thế.

 

Ngoài việc bay vào các bộ sưu tập cá nhân, bướm chủ yếu được mua số lượng lớn để thả vào các công viên, vườn hoa hay nhà bướm ở các nước phát triển. Một thị trường mua bán sâu và nhộng, giai đoạn sớm của bướm, nhộn nhịp gần như quanh năm. Hàng nghìn nhà vườn trên thế giới thường xuyên mua thứ hàng đặc biệt này về để, trong vòng một đôi tuần kể từ ngày xuất, chúng kịp nở thành bướm bay lượn trong các khu vườn, nhất là những nơi thu hút khách du lịch.

 

 

Khi đậu, đầu thật của bướm chúc xuống trong khi đầu giả ngẩng lên

 

TS Vũ Văn Liên tiết lộ anh lúc nào cũng có đầu mối mỗi tháng cho phép xuất ít nhất vài ngàn hộp sâu và nhộng, mỗi hộp vài ba con, giá 5-10 USD. Mà kỹ thuật nuôi bướm để chúng đẻ ra trứng, ra sâu, ra nhộng lại đơn giản. Khoanh được một khu rừng tự nhiên, rừng bản địa rồi, đầu tư tiếp theo là hệ thống giàn lưới và giống. Về giống, đấy là nguồn gần như vô tận. Đương nhiên, để biết nguồn vô tận ấy nằm ở đâu, khai thác thế nào, nguồn nào có giá trị, đã có các nhà bướm học, với số lượng cỡ vài chục ở nước ta. Mọi việc chăm sóc còn lại đều giao cho tạo hóa.

 

Kỳ lạ là hàng trăm khoa học gia bao năm lăn lộn để góp phần cho ra bộ thống kê Việt Nam chục, trăm ngàn loài côn trùng lại hầu như không ai giàu lên được từ côn trùng. Ở Việt Nam, chưa hề tổ chức đầu vào đầu ra một cách hệ thống trong khi, với thế giới bên ngoài, có hẳn một thị trường khổng lồ với tổng doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

 

Một trong những điển hình là PGS.TS Bùi Công Hiển, trưởng đoàn đồng thời từng là thầy của phần lớn nhà khoa học tham dự chuyến bay ra thực địa hôm ấy. 30 năm nghiên cứu và dạy sinh viên ở Đại học Quốc gia Hà Nội về côn trùng, đến khi về hưu, tài sản quý giá nhất ông tích được là các tiêu bản côn trùng. Nhưng bộ sưu tầm hiếm có không giúp ông đủ lực mở một phòng trưng bày. Ông phải nhờ học trò là giám đốc một trung tâm phòng chống mối cho mượn một căn buồng chỗ ngã tư đường Sơn Tây với Chùa Bộc.

 

Trân trọng với thầy thật đấy nhưng buồng ấy cũng chỉ là nơi lưu trữ, lại ở vị trí hun hút như nhà kho. Hầu như chưa đoàn học sinh, sinh viên nào có cơ hội đến chiêm ngắm bộ sưu tập đang trên đà hư hỏng sau từng mùa. Không ít mẫu vật trong số đó là về các loài chỉ còn tìm thấy trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Bên ngoài nhà kho ấy, mỗi năm học ở Hà Nội, vẫn tì tì hàng nghìn tiết sinh vật, môi trường, thày dạy chay, trò học chay. Thày trò phải nghĩ đủ cách cho đỡ buồn ngủ mỗi lần nhai cái món chay bằng cách chẳng hạn gắn với chuyện tiếu lâm. Tỷ như anh sinh vật vật chị sinh vật, vật rồi sinh, sinh xong lại vật

 

 

Pháo hoa chuồn chuồn gây sự chú ý của nhiều người tại lễ khai mạc hôm qua

 

Mở hàng

 

Triển lãm độc đáo trên phố Tràng Tiền bắt đầu từ cuối chiều qua, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Firenze của Ý, được xem như cuộc vỗ cánh bài bản đầu tiên của giới côn trùng học nước nhà. Đập ngay vào mắt khán giả thủ đô là những kỳ hoa dị thảo của thế giới côn trùng bản địa mà bấy lâu nay không mấy ai biết.

 

Dịp may đến đúng lúc cả thế giới chuẩn bị kết thúc năm 2010, năm đa dạng sinh học đầu tiên do Liên Hợp Quốc đặt ra. Triển làm, bởi thế, còn nhắm đến mục tiêu lớn hơn, xa hơn.

 

“Mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ đa dạng sinh học cũng như môi trường sống cho hiện tại và các thế hệ tương lai”, GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, tổ hợp nghiên cứu khoa học tự nhiên lớn nhất nước, nhắn nhủ. Còn Đại sứ Ý tại Hà Nội, ông Lorenza Angeloni, cảnh báo tại lễ khai mạc hôm qua, cũng là dấu mốc bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ của ông ở Việt Nam: “Mất đa dạng sinh học làm tổn hại nghiêm trọng đến hành tinh của chúng ta”.

 

Không phải ngẫu nhiên tại cuộc phô bày ảnh “côn trùng Việt Nam” đầu tiên này lại có một góc về rừng. Chín bức ảnh tiêu biểu được chụp ở các địa danh từ bắc vào nam, từ độ cao ngang mặt nước biển, Phú Quốc, đến độ cao trên 3000 m của đỉnh Phanxipan. Tân Đại sứ Ý tại Việt Nam bảo những bức ảnh ấy là “tuyệt vời” do ông có cơ hội xem chúng từ tám tuần trước ở quê nhà, Firenze, Ý, nơi khai mạc triển lãm đầu tiên cũng về côn trùng Việt Nam.

 

 

Bọ ngựa cái thường xơi tái bạn tình trong hoặc sau khi ân ái (Ảnh Vũ Văn Liên)

 

 

TS Vũ Văn Liên, cũng là một trong hai tác giả của nhóm mang ảnh côn trùng Việt Nam giới thiệu với công chúng Ý, nhận định rừng tự nhiên Việt Nam là ngôi nhà duy nhất của phần lớn các loài động thực vật trên cạn, trong đó có côn trùng.

 

Việt Nam có gần 11 triệu ha rừng tự nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát, bố cáo với thế giới hôm mùng 8-12 tại hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu ở Cancun, Mexico. Nhưng nếu đánh giá theo đúng tiêu chí như mật độ che phủ thì nhiều người cho rằng diện tích rừng tự nhiên của ta không được như thế.

 

Rừng tự nhiên, mà ở đó thực sự là ngôi nhà của động vật trên cạn, nhất là của côn trùng và bướm, ít hơn số báo cáo nhiều. Có những nơi, rừng tự nhiên chỉ còn độ che phủ 10-20% và chỉ có thể gọi là thảm cỏ, là thảm cây bụi mà thôi. Chả thế, đang có yêu cầu thống kê lại lại rừng tự nhiên để đánh giá đúng thực chất, để làm rõ vì sao trong khi báo cáo diện tích rừng cứ năm sau cao hơn năm trước mà chúng không góp được bao lăm cho hạn chế lũ lụt.

 

Trong nhóm ảnh về rừng, có bức ảnh do TS Vũ Văn Liên chụp năm 1996 về một cây tùng ở độ cao 2600 m, trong khu rừng gọi là Cảnh Tiên, trên dãy núi Phan Si Păng, nóc nhà Đông Dương. Cây này đẹp đến mức các báo viết về Phan Si Păng, trong đó có báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, Báo Du Lịch, v.v…, đều có đăng ảnh về nó.

 

Mấy năm sau quay lại, anh thấy chỗ ấy quang hẳn. Thì ra nó bị ai đó bứng về làm cảnh dù cái tên Cảnh Tiên Lâm vẫn còn nhưng đâu còn cảnh tiên thực sự nữa. Vết chiết trên thân cây còn đấy. Đường kính chỉ 20 cm nhưng nó phải vài trăm năm tuổi.

(Còn nữa)

 

Côn trùng chiếm 80% tổng số loài động và thực vật trên Trái Đất. Sự phong phú của loài tỷ lệ nghịch với kích thước. Kích thước càng nhỏ, sự phong phú càng cao. Hàng năm có hàng nghìn loài mới được phát hiện.

Theo Quốc Dũng/Tiền Phong
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Về Hà Nội xem côn trùng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI