Truyền kỳ chim chúa
(19:36:52 PM 18/06/2011)
Hà, một trong những người chơi chim có tiếng nhất nhì TP Quy Nhơn (Bình Định). Quán cà phê Bình Minh của anh từ lâu trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của những người mê chim ở miền đất võ, mà còn là nơi mua chim hót đáng tin cậy của khách vãng lai đến từ nhiều vùng miền trên cả nước.
Khuôn viên quán không được rộng rãi nhưng luôn có đến hàng trăm lồng chim treo chi chít từ trong ra ngoài. Ngoài giờ đưa đón con đi học, còn lại thời gian suốt cả ngày anh tất bật với đàn chim ngót nghét trăm con của mình. Giữa lòng phố thị náo nhiệt, tiếng chim hót vang suốt ngày không dứt như mời gọi mọi người trở về miền ký ức tuổi thơ, về với khung cảnh làng quê mộc mạc.
Người đến quán anh Hà không chỉ thưởng thức cà phê mà mục đích chính là thả hồn miên man cùng tiếng chim, ngắm chim rồi chọn cho mình một con ưng ý mang về nuôi. Giá của mỗi con chim “chơi được” không hề rẻ chút nào, dao động từ 2 - 6 triệu đồng.
Cuộc ngã giá kỷ lục
Vườn chim của anh Hà chủ yếu là chào mào, phần vì anh vừa nuôi chơi, phần vừa thường xuyên thu gom chim hay, chim đẹp ở các nơi về thuần dưỡng để bán lại. Mê chim, chơi chim từ thuở nhỏ, đến nay anh đã có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với thú vui tao nhã mà thu nhập vẫn đảm bảo đủ nuôi sống vợ con đàng hoàng. Kinh nghiệm nuôi chim của anh rất sành sỏi, kỹ năng luyện chim cũng rất điệu nghệ. Những con chim bổi (mới bẫy ở rừng về) qua tay anh “luyện” một thời gian liền trở thành “hàng hiệu”. Anh còn tường tận giai thoại làng chim như việc nhận diện mỗi con chim qua tiếng hót của nó vậy.
Lối chơi chim truyền thống ngày trước thể hiện qua câu vè rằng: nhất mi, nhì khuyên, tam chòe, tứ mào. Anh Hà bảo nay đã có sự thay đổi lớn về kiểu cách chơi. Tuy phần đông người chơi vẫn chuộng những loại chim có giọng hót hay, thông dụng và tương đối dễ nuôi như chích chòe, chào mào…, nhưng những chú chim sinh trưởng đột biến làm bộ lông trắng toàn thân (dân chơi thường gọi nôm na là chim bạch) lại được các đại gia làng chim săn tìm ráo riết, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “tậu” về chơi.
Chim bạch vô cùng hiếm vì sự khác biệt lớn về màu sắc so với màu lông vốn có tự nhiên của chim. Săn bắt ngoài tự nhiên thi thoảng vài ba năm mới được một hai con. Cả đời chơi chim nhưng gần đây anh Hà mới sở hữu được một con chim chào mào bạch cực kỳ quý hiếm. Cuộc ngã giá bán mua của anh cũng hết sức ngoạn mục với mức giá có thể nói là kỷ lục nhất trong giới chơi chim ở miền Trung.
Con chim chào mào bạch mà anh Hà từng mua - bán với mức giá kỷ lục
Chơi chim có “số má” nên khi anh Huệ - một người chuyên đi bẫy chim rừng ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) bắt được một chú chim chào mào bạch chừng 3 tháng tuổi, thông tin liền “bay” đến tai anh Hà. Anh mang một cục tiền lớn tức tốc vọt ra An Lão tìm để hỏi mua. Người bán ra giá 70 triệu đồng. Anh Hà bị hớp hồn khi nhìn chim quý, nhưng vờ phân bua: “Mấy chục năm rồi tui mới có cơ hội mua loại chim như thế này. Con chim còn nhỏ quá, không biết nó là con cồ (chim trống) hay con mái…”.
Người bẫy chim may mắn thoáng lo chim mái nuôi càng lâu càng mất giá nên sau một hồi lưỡng lự đã hạ xuống còn 50 triệu đồng. Anh Hà mừng như vớ được vàng, mở túi xách chung tiền ngay tức khắc rồi cẩn thận mang chim về. Người chơi chim cả thành phố háo hức kéo đến quán anh tranh nhau “nhìn chim lạ một lần cho biết” và chụp hình lưu giữ. Chẳng biết ai đã loan tin, một đại gia ở Sài Gòn không lâu sau đã liên lạc với anh Hà, mua lại con chim độc nhất vô nhị này. Mọi người kháo nhau rằng giá mà vị đại gia kia đưa ra hẳn sẽ rất cao, nhưng cụ thể bao nhiêu thì anh Hà không tiết lộ.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Núi rừng Bình Định được giới chơi chim biết đến là một trong số rất ít địa bàn trên cả nước có sự tồn tại của loài chim bạch, chủ yếu là chào mào. Mọi sự chú ý đều đổ dồn về đây khi một ai đó bất ngờ trình làng chim quý. Anh Hà kể mấy năm trước ở Hoài Nhơn có anh Tuấn “đồ cổ” sở hữu hai con chim chào mào bạch. Chủ nhân bán một con với giá 20 triệu đồng (tương đương lúc đó khoảng 4 lượng vàng). Con còn lại có người đến hỏi mua thì chủ nhân bảo bị mất cắp. Mọi người đều không tin vì lồng chim luôn treo ở trên gác mái. Dưới nhà luôn cửa đóng then cài và có hai con béc-giê canh chừng. Có lẽ vì muốn giữ lại nuôi nên chủ nhân chim quý đã tung tin như thế để tránh phiền phức cho mình và gia đình.
Vì biết chim quý dẫu vài ba năm mới xuất hiện một lần, nhưng cánh săn bẫy chim mỗi khi thượng sơn đều để mắt dò xét tung tích của nó. Chỉ cần “gặp hàng” sẽ đổi đời trong thoáng chốc như khi mua số mà trúng giải đặc biệt vậy. Nói là may mắn, nhưng để bắt được con chim chào mào bạch bán giá 50 triệu đồng, anh Huệ đã lao lực mấy năm lang thang trên rừng. Trong một lần đi bẫy, anh tình cờ nhìn thấy một cặp chào mào bạch. Dù chim mồi rất thiện chiến nhưng anh bẫy hoài vẫn không tóm được vì loại “chim chúa của rừng xanh” này hết sức tinh khôn. Nó chỉ chao liệng gần lồng “chọc tức chơi” chứ không chịu sà xuống cần bẫy. Vậy là anh lên kế hoạch theo dõi thời gian, vị trí chim làm tổ. Khi đã định vị được tổ chim, anh lại chờ đến lúc chim con chuẩn bị ra ràng mới đột nhập đến “hốt về bạc triệu”.
Đồng nghiệp của anh Huệ cũng tốn nhiều công sức bẫy chim quý tới cùng nhưng chưa ai may mắn thành công. Có người theo dấu chim bằng tiếng hót tháng này qua tháng nọ, sang tận biên giới Lào rồi trở về tay trắng. Có không ít người kỳ công chặt cây dựng rừng giả, bôi keo lên thân cây (chỉ cần đậu vào là dính), rải thảm thức ăn, bủa vây lưới rất tốn kém nhưng rồi cũng “dã tràng xe cát”… Đơn đặt hàng liên tục từ các đại gia vì thế cứ treo lơ lửng với số tiền có thể dựng được vài ba căn nhà bự ở quê.
Người ta bỏ tiền lớn ra mua “chim chúa của rừng xanh” không hẳn vì sự quý hiếm cực kỳ, mà quan niệm có nó như có… thần tài trong nhà mang đến tài lộc, đường quan lộ hanh thông. Vòng đời của chim bạch, nếu sống khỏe mạnh chỉ khoảng trên dưới 10 năm. Với giá bán luôn ở mức kỷ lục, có lẽ quan niệm có chim bạch “như có thần tài” không phải là không có cơ sở.
Hành trình săn bắt và cả hành trình tìm sở hữu “chúa tể các loài chim” vì thế vẫn còn tiếp diễn với những truyền kỳ…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.