Sống tại chung cư tiền tỷ vẫn rơi nước mắt
(19:47:54 PM 18/06/2011)
Mua căn hộ chung cư trị giá ba tỷ tại tòa nhà đắc địa Hà Thành Plaza nằm trên phố Thái Thịnh mới được chưa đầy nửa năm, chị Thu Hương vui chưa trọn đã choáng về các khoản phí và những việc phi lý dồn dập ùa đến...
Tiền đặt cọc sửa nhà mất hút.
Cư dân ở tại chung cư đắc địa trị giá vài tỷ đồng/căn hộ vẫn không ít những phiền muộn (Ảnh: tid-vn.com.vn) |
Trao đổi với PV, chị Thu Hương, cư dân sống tại phòng 2203, tòa nhà Hà Thành Plaza, cho biết: "Khoản tiền đầu tiên mà chúng tôi phải nộp khi đến ở chung cư Hà Thành Plaza là 1.200.000 đồng tiền phí vệ sinh, duy tu bảo dưỡng 6 tháng năm 2008. Nhưng, thực chất căn hộ tôi mua và chính thức sửa chữa từ cuối tháng 9 đầu tháng 10/2008, đến đầu tháng 11/2008 chúng tôi mới vào ở.
Khoản phí tiếp theo mà chủ đầu tư yêu cầu nộp là 5.000.000 đồng tiền đặt cọc sửa chữa căn hộ. Đại diện chủ đầu tư (Công ty Thương mại&Xuất Nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội) nói, nếu chủ nhà tuân thủ theo quy định sửa chữa của khu chung cư thì số tiền trên sẽ được hoàn trả sau khi nhà đã sửa xong".
Nhưng khoản đặt cọc này, chị Hương và các gia đình khác sau khi về ở tại Hà Thành Plaza nhiều lần xuống hỏi thì Ban quản lý chung cư (BQL) cho biết, toà nhà này chưa bàn giao chính thức nên... chưa có ai đi kiểm tra để hoàn trả tiền!
Sáng 31/3, PV theo chân chị Hương xuống BQL hỏi về tiền đặt cọc thì được chỉ đến gặp Chủ đầu tư, gặp Chủ đầu tư thì lại được chỉ xuống BQL để lấy xác nhận. Quay lại BQL được hướng dẫn ghi cam kết bằng tay vào đơn và để đơn lại chờ vì người phụ trách đang đi vắng chưa ký được.
Các bước tiếp theo được đại diện BQL mô tả người phụ trách về sẽ cho người lên nhà chị Hương kiểm tra, sau đó mới ký xác nhận đóng dấu để chị Hương mang lên làm việc tiếp với Chủ đầu tư (hành trình này theo chị Hương là cụ thể hơn vì những lần trước chị và chồng hỏi còn bị chỉ... tứ tung). Như vậy, khoản tiền 5 triệu đặt cọc vẫn chưa biết lúc nào mới đến được tay người nộp, dù nhà chị đã sửa xong và chuyển đến ở được gần nửa năm nay.
Một khoản thu khác khiến các hộ dân không khỏi bất bình: hộ nào muốn sửa chữa nhà trước khi đến ở thì phải thuê thiết kế bản vẽ với giá 7 triệu đồng và bản vẽ này phải do người của BQL vẽ!
Ngoài ra, hiện tại, cư dân Hà Thành Plaza vẫn đang đóng khoản phí tạm thời từ tháng 1/2009 - 9/2009 bao gồm phí quản lý, vệ sinh chung 250.000 đồng/tháng; Gửi xe ô tô 800.000 đồng/tháng, xe máy 80.000 đồng/tháng. Mặc dù vẫn nộp, nhưng các cư dân bày tỏ không đồng thuận với khoản phí này bởi cái tên "phí tạm thời" khiến người ta nghĩ phí chính thức là gì và bao giờ có?
Chưa hết, mới đây, khi chị Hương đến nộp tiền phí tạm thời nêu trên, BQL lại đưa ra thông báo chủ đầu tư mới có quyết định thu thêm 800.000 đồng cho phí vệ sinh duy tu bảo dưỡng sáu tháng của năm 2008 do khoản 1.200.000 đồng kia không đủ bù lỗ!!! Chị Hương cho biết, một nhân viên BQL có nói với chị: khoản thêm này để chi phí cho đợt ngập lụt lịch sử (đầu tháng 11/2008) khiến tầng hầm tòa nhà bị ngập nặng!
Tuy nhiên, kiếp cận với một số hộ tại Hà Thành Plaza hiện đang trong quá trình sửa chữa nhà trước khi đến ở (căn hộ 14*01, 1604, 2202) lại phát hiện ra, các hộ này không hề phải mất hai khoản phí vệ sinh, duy tu bảo dưỡng và phí thuê thiết kế bản vẽ nêu trên!
Khi chị Hương tiếp xúc với BQL để thắc mắc thì được họ lý giải những vấn đề chị Hương đang gánh chịu là thuộc lịch sử để lại! Tức là, các cư dân về ở trước khi BQL được thuê về (tháng 1/2009) thì phải chịu các khoản phí nêu trên từ phía Chủ đầu tư, BQL không liên can. Còn các hộ dân về ở từ 1/2009 không phải nộp các khoản phí này.
Hóa đơn nộp tiền đặt cọc của chị Hương từ 19/9/2008 nhưng về ở tại Hà Thành Plaza đã gần nửa năm mà số tiền đặt cọc vẫn chưa về lại với chủ nhân như Chủ đầu tư đã hứa (Ảnh: Kiều Minh) |
Đây là điều mà những cư dân về ở Hà Thành Plaza cảm thấy không được bình đẳng. "Các khoản phí và các yêu cầu đưa ra cho cư dân mỗi lúc mỗi kiểu đều gây bất ngờ và bức xúc cho chúng tôi" - chị Hương bày tỏ.
Còn chủ căn hộ 2001, sau nhiều lần đi đòi tiền đặt cọc như chị Hương bị chỉ đi hết chỗ này đến chỗ kia đã gắt lên: "Lúc nào đến hỏi cũng bảo sắp trả, mà sắp là bao giờ thì chẳng biết, chẳng buồn đi đòi nữa, bực cả mình!"
Ở gần nửa năm chưa hề được thu tiền điện, nước
Cũng theo các cư dân - chủ những căn hộ tiền tỷ tại Hà Thành Plaza - kể, từ khi các cư dân chuyển đến ở cho đến nay vẫn chưa hề đóng tiền điện, nước sinh hoạt vì không có ai thu khoản tiền này.
Các cư dân thắc mắc với BQL thì được trả lời rằng, chủ đầu tư và BQL chưa thống nhất được giá điện, nước nên chưa thu!
Theo như lý giải của ông Đặng Xuân Tùng (BQL tòa nhà) thì việc chưa thu tiền điện nước là do trước đây chủ đầu tư ký với ngành điện theo giá xây dựng nhưng từ khi cư dân đến ở và có BQL tòa nhà thì chủ đầu tư bàn giao nguyên trạng, không thay đổi hợp đồng với ngành điện nên dù đang sử dụng trong sinh hoạt nhưng trong hợp đồng với ngành điện thì vẫn là phí áp cho xây dựng! Tương tự, phí dịch vụ nước cũng vậy!
Cư dân cũng đang lo lắng, nếu số tiền phải trả 1.500 đồng/số điện (theo giá điện dùng xây dựng) sẽ được áp từ khi cư dân đến ở cho đến khi thống nhất được giá tiền điện, nước thì khoản truy thu chắc sẽ không phải là ít.
Ông Tùng cho biết, BQL đang hối thúc chủ đầu tư nhanh chóng làm lại Hợp đồng để sớm thu tiền điện, nước của dân và theo đề xuất của BQL thì từ tháng 1/2009 (khi BQL về) sẽ thu phí theo giá quy định đối với điện nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo chị Hương, nếu đề xuất làm lại hợp đồng không được ngành điện, nước chấp nhận (bởi đáng ra phải đổi hợp đồng sử dụng dịch vụ ngay khi cư dân đến ở) thì cư dân liệu có phải hứng phần chi phí vô lý theo giá xây dựng không?
Ngay cả việc được chấp nhận trả theo giá sinh hoạt thì việc chậm thu cả nửa năm trời (không phải lỗi do cư dân) cũng khiến các cư dân phải rút khỏi ví một lúc cả cục tiền không sung sướng gì - nhất là trong thời điểm thu nhập ngày càng bị thu hẹp vì kinh tế lạm phát.
PV cùng chị Hương tiếp xúc với chị Đỗ Thị Bích Hạnh (BQL tòa nhà Hà Thành Plaza) và được biết việc thu thêm 800.000 đồng phí vệ sinh, duy tu bảo dưỡng là bình thường vì khoản tiền 1.200.000 thu trước đó chỉ là... tạm thu. Tuy nhiên, chị Hương khẳng định, trong giấy biên lai không hề ghi là tạm thu. Việc chỉ thu phí dịch vụ từ 1 - 9/2009 được lý giải tới tháng 9 sẽ có cuộc họp giữa ba bên (chủ đầu tư, BQL tòa nhà và cư dân) để thống nhất mức giá mới! Về việc đặt cọc 5 triệu đồng, chị Hạnh cho biết, hộ nào do BQL thu (từ khi tiếp nhận) BQL sẽ hoàn trả, những hộ nộp trước đó cho chủ đầu tư thì lên đòi chủ đầu tư. Về khoản phí 7 triệu đồng thiết kế bản vẽ, chị Hạnh nói BQL không biết về khoản phí này và yêu cầu lên hỏi chủ đầu tư!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.