Sống giữa bầy tử thần
(19:42:32 PM 18/06/2011)
Bầy rắn hổ trâu đang săn mồi trong chuồng.
Nhắc đến chuyện nuôi rắn độc, hẳn nhiều người biết đến những ngôi làng nuôi rắn nổi tiếng cả nước như Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) Lệ Mật (Hà Nội), Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc), Tứ Xã (Phú Thọ). Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, làng nuôi rắn Chi Ngãi (Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương) nổi lên là một làng nuôi rắn độc rất nhiều. Tôi đã đến hầu hết những làng nuôi rắn kể trên và gặp nhiều nông dân sống giữa bầy rắn độc để làm giàu, song chưa từng gặp ai nuôi nhiều rắn độc như anh Nguyễn Quý Bắc. Anh chàng nông dân này, một mình sống giữa bầy rắn độc lên tới 4.000 con.
Dọc đường làng Chi Ngãi là những căn biệt thự kiểu cách. Phía nách những biệt thự này có gara để ôtô con, hoặc xe tải phục vụ chuyên chở rắn. Những đại gia nổi lên giữa vùng đất đồi đá sỏi gan trâu, đều do con rắn mang lại. Xung quanh mỗi ngôi biệt thự ấy, đều có… vài trăm con rắn độc bò lổm ngổm, hoặc nằm im trong chuồng. Nhưng ở giữa làng, trong một con ngõ rộng, có một ngôi nhà giản dị, lọt vào giữa hệ thống chuồng trại các kiểu. Đó là “doanh trại” của anh Nguyễn Quý Bắc và đàn rắn độc 4.000 con.
Mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi ngồi bên hiên nhà, còn vợ chồng anh Bắc tất bật với công việc cho “bầy từ thần” ăn sáng. Chiếc xe tải đỗ ở cổng. Mấy người khiêng những bao tải từ trên xe vào trong sân. Ôi trời ơi! Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nhiều cóc đến vậy. Cóc to, cóc bé, cóc đen, cóc vàng. Có đến cả chục bao, với cả vạn con cóc.
Vợ chồng anh Bắc mua cóc cho rắn ăn.
Rửa cóc sạch sẽ trước khi cho rắn ăn.
Anh Bắc nói vui: “Bạn cứ tưởng tượng xem, ở mỗi làng, mỗi xã, có một người đi bắt cóc, rồi mỗi vùng có một ông chủ gom cóc. Rồi lại có ông chủ lớn hơn nữa đánh xe đi gom cóc từ các đại lý. Những cái rễ cây rồi cũng dẫn về gốc mà. Cóc ở khắp cả miền Bắc tập trung về làng này đấy”. Tính ra, mỗi tháng, anh Bắc phải mua 2-3 tấn cóc để phục vụ “bầy tử thần” trong nhà, tùy mùa đông hoặc hè (mùa đông chúng ăn ít hơn). Chi phí mua cóc mỗi tháng vào khoảng 80 đến 150 triệu đồng, tùy vào mùa cóc rộ hay hiếm.
Từng bao cóc được vợ chồng anh Bắc đổ ra thùng lớn, xịt nước rửa sạch, phân loại to nhỏ, rắc thuốc bột (chẳng hiểu là thuốc gì). Sau đó, vài bao cóc được tống vào chiếc máy nghiền. Máy nghiền có hai chức năng, đập chết cóc hoặc xay cóc thành từng miếng nhỏ. Cóc đập chết dành cho những con rắn mới lột, rắn chửa, lười ăn, cóc xay nhỏ dành cho rắn nhỏ, còn phần lớn cóc sống được tống vào chuồng, cho bọn rắn tha hồ vờn, giỡn và đuổi nhau đớp mồi, nuốt sống.
Khu chuồng nuôi hổ phì.
Mỗi con hổ phì được nuôi nhốt trong một chuồng.
Phía trước ngôi nhà, là hệ thống chuồng được che mái tôn. Cả ngàn chuồng nhỏ, mỗi cái có diện tích 50x50cm, cao chừng 60cm. Mỗi chuồng có một con hổ phì, con nhỏ chừng trên dưới 1kg, con lớn đến 3-4kg. Khỏi phải nói vợ chồng người nông dân này nhọc công thế nào. Riêng việc nhấc từng chiếc nắp bêtông lên, thả cóc xuống, rồi đậy lại, đã mất rất nhiều sức lực, thời gian. Tôi lò dò đi trên hệ thống “bể”, thử nhấc một chiếc nắp và lạnh sống lưng khi thấy một con hổ phì bằng bắp tay, đen bóng, đang ngóc đều lên nhìn, thở phì phì.
Phía sau nhà là một dãy chuồng như chuồng ngan, chuồng vịt, chỉ khác là tường cao đến 3 mét. Giữa chuồng có một “căn lều” nhỏ xây bằng gạch ba banh, với những cái lỗ vừa mèo chui. Cỏ rả mọc rậm rạm xung quanh, rất yên ắng. Anh Bắc xách từng chậu cóc, rồi cứ thế bốc “cậu ông trời” ném bồm bộp vào chuồng. Tôi suýt ngã ngửa khi thấy từ những lỗ nhỏ, những con rắn dài ngoằng chen nhau phi ra rào rào. Chúng chợt dừng lại, ngỏng đầu rất cao nghe ngóng, rồi phóng như tia chớp đớp những con cóc tội nghiệp, còn chưa biết chuyện gì xảy ra.
Hổ trâu săn mồi.
Chúng dễ dàng nuốt sống những con cóc to tướng.
Những con rắn phồng mang trợn mắt một lúc, con cóc to tướng đã chui tọt vào bụng. Chúng lại ngó nghiêng con mồi khác. Chỉ một lát, đàn cóc nhâu nhâu trong cỏ đã bị mấy chục con hổ trâu tranh nhau nuốt sạch. Một cảnh tượng khiến người yếu vía lạnh sống lưng.
Phía trái nhà là khu chuồng như ngôi nhà cấp 4. Dưới nền nhà là những… bãi cát. Tuy nhiên, bên dưới bãi cát là cả ngàn quả trứng. Cứ một vài tiếng, vợ chồng anh Bắc lại phải vào khu chuồng ấp này, xem có chú rắn nhỏ xíu bằng cái đũa nào ngoi lên khỏi “bãi cát” thì tóm sống đưa ra khu chuồng gột rắn ở sau nhà. Bọn rắn giống khỏe mạnh, phổng phao, thì được phân về các khu chuồng vỗ béo.
Nghe thì đơn giản, song để có một hệ thống nuôi rắn khép kín, rộng hơn nửa mẫu như vậy, anh Bắc đã phải mất 17 năm trời ăn ngủ với đàn rắn. Không ít lần thất bại, anh Bắc mới đúc rút được kinh nghiệm nuôi rắn cho mình. Người đàn ông nhỏ thó, tướng mạo hiền lành, bẽn lẽn như con gái này vén tay áo, ống quần lên cho tôi xem, thấy sẹo chi chít, sẹo có cả ở cổ, ở mặt. Anh bảo, tổng cộng, 17 năm nuôi rắn, anh đã có hơn 100 lần chết hụt vì bị rắn độc cắn. Trong nhà anh, cũng như trong nhà bất kỳ gia đình nào trong xóm này, cũng đều thủ sẵn những gói thuốc chữa rắn độc cắn của Trung Quốc. Thuốc này phải đặt tận nơi, kẻo mua phải thuốc giả là toi mạng.
Ấp trứng trong cát.
Khu chuồng gột rắn giống.
Anh Bắc sinh năm 1971, song vừa mới lấy vợ năm ngoái, còn chưa có con. Niềm đam mê rắn khiến anh chẳng nghĩ gì đến vợ con cả. Cô vợ là do cha mẹ lấy hộ. Vì lấy vợ muộn, có lẽ thiếu kinh nghiệm “chuyện kia”, nên hồi tập tành nuôi rắn đẻ, cái vụ phối giống cho rắn sinh sản với anh còn khó hơn cả… lên giời. Kể chuyện kinh nghiệm phối giống rắn, mà lão nông 40 tuổi này cứ bẽn lẽn, nói mãi chả lên lời, chẳng biết dùng từ gì cho phù hợp, lại còn đỏ mặt tía tai. Nuôi rắn đẻ là khó nhất, thế mà anh làm tốt từ thời… trai tân.
Theo lời anh Bắc, từ ngày thị trường mở cửa, Trung Quốc thu mua, có đầu ra ổn định, thì nghề nuôi rắn độc dễ làm giàu hơn cả. Nếu giá cả ổn định ở mức 700 đến 800 ngàn đồng/kg, một con rắn, sau 2 năm nuôi, trừ hết chi phí, sẽ lãi khoảng 500 ngàn đồng. Với 4.000 con rắn độc, mỗi năm có thể thấy anh Bắc thu về số liền lãi rất lớn.
Tôi nói vui: “Mười mấy năm nuôi rắn, anh thành tỉ phú rồi còn gì?”. Anh Bắc cười bẽn lẽn: “Lẽ ra cũng khấm khá rồi, nhưng lãi được đồng nào, lại đầu tư cả vào chuồng trại, nên vẫn chưa nhìn thấy tiền đâu cả, vẫn nghèo rớt mồng tơi”. Anh chàng nông dân bình dị này nói vậy, chứ tôi thấy đàn rắn độc mấy ngàn con bò lổm ngổm kia, là một đống tiền rồi. Tiền lại sinh thêm rắn, rắn lại sinh ra tiền, chả mấy chốc mà thành tỉ phú.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.