»

Chủ nhật, 24/11/2024, 02:11:33 AM (GMT+7)

Săn cá lớn

(19:34:55 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cá chiên, một loài cá da trơn hung dữ, được mệnh danh là chúa tể lòng sông, nó từng hiện diện khá thân thuộc với đồng bào vùng cao và những người sát cá ở Bắc Bộ một thời.

Những con cá khổng lồ, có khi nặng tới 70-80kg, được miêu tả như những thây người nằm úp dưới đáy sông, nằm sấp trên khoang thuyền lớn khi bị bắt. Mỗi lần chúa tể lòng sông vừa sa lưới mà cáu tiết, “ngài” quẫy mình một cái, thì con thuyền hay chiếc xe tải hạng nhẹ chứa nước đang chở ngài về... quán nhậu cũng phải chòng chành, chao liệng, ngất ngư. Thịt cá chiên vàng như nghệ, xắt khúc ra, xả thành từng súc ánh lên rười rượi.

 

Đến mức, không ai nghĩ đó là... miếng cá nữa. Đặc biệt, ở nhiều bản làng dọc sông Lô, sông Gâm, sông Đà, mỗi khi bắt được các “cụ” cá chiên không thể to lớn hơn kia, bà con vẫn thường mở hội khao vui rinh rượp. Lúc bị “lai dắt” vào bờ, chúa tể lòng sông nằm đó, vừa như một quả bom tấn đen trũi, trơn nhẵn; lại vừa như một khúc gỗ mục lởm chởm cũ kỹ.

 

Lòng cá chiên, có khi một bộ làm được đôi mâm cỗ. Nó là một thứ thời trân quý báu, danh bất hư truyền. Cái dạ dày cá chiên to, dày như dạ dày lợn, giòn sậm sật. Xưa, phủ tạng của cá chiên là thức quà vô giá chỉ để tiến (dâng) lên các bậc vua chúa.

 



Cá bắt trên sông Lam, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

 


Vài chục triệu đồng một “quái vật sông hồ”

 

Đây, những con cá to như  người, nằm choán hết cả lòng thuyền. Những đứa trẻ ngồi cạnh con cá mà như đang cưỡi… trâu. Con cá chiên ở sông Lô, tỉnh Tuyên Quang, được TS Phạm Báu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 chụp, nặng tới 50kg, đàn cá lớn này nằm kín khoang thuyền, chúng to hơn khối những người đàn ông đang vây bắt chúng. Ngài “chúa tể” lòng sông Năng (Bắc Cạn) kia nữa, khi bị tóm, nằm trên 3 tàu lá chuối lớn mà vẫn thừa đầu thừa đuôi ra ngoài đất.

 

Hiện nay, ở miền Bắc, có hai trung tâm rao bán cá chiên khá thường xuyên, đó là vùng Hòa Bình và vùng ven Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (ngã ba Bạch Hạc). Các chủ nhà hàng lớn, tung quân đi thu mua rầm rập, họ bỏ tiền đầu tư thiết bị, lương thảo cho các thợ săn cá. Khách thường là người giàu có, họ thích thưởng thức đồ tiến vua, cái gì càng hiếm họ càng muốn ăn, để họ được tự ngỡ mình là vua chúa xưa kia. Thế là, chúa tể lòng sông biến thành một “nạn nhân tiêu biểu”.

 


Một con cá chiên bắt được trên sông Gâm (giáp ranh giữa Cao Bằng và Hà Giang).

 


Giá một cân cá chiên lên đến cả triệu đồng, một con cá bắt được, cả chục, có khi cả vài chục triệu đồng như chơi. Thợ săn và con buôn cứ khuấy nước, bới bùn ở các chốn hang ổ cuối cùng của “quái vật sông hồ” lên. Bắt được cá, họ ngay lập tức gọi điện thoại về cho hệ thống quán cá rao bán, xe tải nhỏ chứa lõng bõng nước được điều đến bến thuyền. Họ khênh cá đi, cá quẫy một cái, xe chao nghiêng lật đật.

 

Chứng kiến cảnh đó, bao giờ tôi cũng nghĩ miên man về cái ngày loài cá này sẽ vĩnh viễn biến mất. Tại nhiều vùng người Thái, người Tày, người Hà Nhì, người Mông ở Tây Bắc, Việt Bắc, bà con vẫn có cái gì giống như tín ngưỡng với các cây cổ thụ, với những loài vật đã sống qua nhiều thập niên, mà cá chiên chỉ là một thí dụ nhỏ. Các cuộc săn cá chiên nhỏ lẻ từng diễn ra như những nghi lễ “ăn của trời” ở các bản làng đó.

 

Bà con ra sông, bủa vây, hò reo, bắt được cá thì chia đều các nhà, ướp cá trong vại thành cá chua ăn từ năm này qua năm khác. Họ khai thác tài nguyên “bền vững”, lành lẽ như vậy, nên bao đời nay, cá chiên nặng 50-60kg cứ chung sống hiền lành với các con sông, các bản làng nền nã đó. Cá chiên lành lắm, dẫu nó là loài cá ăn thịt, ăn cá.

 



Một bẫy bắt cá làm bằng lồng tre, chặn đá lớn, trên sông Luồng, nơi góp nước với sông Mã, trên địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 


Cuộc chiến dưới đáy sông

 

Thợ săn cá chiên, trong đầu họ chỉ nghĩ đến thứ duy nhất là tiền. Họ sẵn sàng giết chết muôn loài thủy sản, sẵn sàng đào bới xới lộn cả lòng sông và các hang nước ngầm triệu triệu năm bí ẩn trong núi lên, để bắt bằng được con cá trị giá mấy chục triệu đồng.

 

Cuối những năm 1990, tôi đi theo thợ săn cá vùng Bảo Lâm, Bảo Lạc của Cao Bằng, dọc sông Gâm đi mãi sang phía Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang. Đi hết sông Gâm, đi dọc sông Nho Quế, những dòng sông biên giới thơ mộng và ghềnh thác nhất Việt Nam.

 

Khoa, thợ săn người Pác Miều leo núi như sơn dương, khoác theo bộ chài đánh cá khổng lồ với những con chì to bằng cái bát ăn cơm, nặng trịch. Khoa và 2 tay sát cá khác đi đến đâu, bủa lưới, các con chì nạo vét dòng sông đến đó. Không con vật nào thoát được, trừ đá sỏi và cá bé hơn… bắp đùi. Anh chỉ bắt cá lớn.

 

Cá lớn bắt được, họ đan rọ tre, khênh lên khỏi sông Nho Quế, dùng xe Min-khơ chở về quê. Có khi dùng cả công nông để chở mười mấy con cá lớn như… khúc gỗ trơn láng. Những con cá nặng từ 40 đến 70kg, được cõng, khênh lên khỏi mặt nước, trông đàn cá thuồi luồi, to lớn, ngáp ngáp như những chiến binh tử thương nơi trận mạc đang được đồng đội thu dọn chiến trường vậy.

 

Khoa vừa tham cá, lại vừa tiếc xót cho sự phung phí của những thứ lộc trời tuyệt diệu đó.  Bởi cá ấy dễ ươn lắm, lên bờ là chết. Khoa bán được con cá lớn nào thì bán, còn lại xẻ thịt làm cá ướp chua, làm cá gác bếp sấy khô, rồi vẫn thừa, cá ấy được xắt nhỏ thả vào nấu cho lợn ăn. Lợn cả xóm ăn tơi bời không hết.

 

Đến thời “lộc trời” khó khăn hơn, tôi vẫn lại theo Khoa đi dọc sông Gâm, đi mãi về tận cuối nguồn của nó là sông Chảy, sông Lô, xuyên các tỉnh về tít dưới Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ. Khoa xăm trổ đầy mình, coi việc kiếm cá anh vũ và cá chiên là kế sinh nhai.

 

Tôi và Khoa đi bè mảng, đi thật chậm, dò luồng nước xiết và các hang hốc hiểm họa nhất mà xông tới, bởi chỉ ở đó mới có cá chiên lớn. Đã qua rồi cái thời sông Gâm tinh khiết với những mỏ tôm cá nhung nhúc, phải vớt cá ra thì mới múc được… nước. Cá chiên vào nhà hàng đặc sản, và nó thành một thứ đắt đỏ, hiếm hoi.

 

Thủy điện Thác Bà trên sông Chảy, sông Chảy là khúc dưới của sông Gâm, sông Nho Quế tôi đã kể ở trên. Khi xây dựng thủy điện xong, cán bộ nhà máy vẫn rùng mình khi thấy những “quả bom tấn” đâm thẳng vào cửa ngăn rác bằng sắt mép lòng hồ, có khi “bom” ấy vượt qua cửa ngăn, húc thẳng vào một tuốc-bin, cái gì loang đỏ rực một khúc sông phía dưới.

 

Mọi người hốt hoảng. Trời ạ, một con cá chiên khổng lồ, người ta nắn dòng, nắn nước để đến nỗi cá lớn phải trồi lên, có khi cá khó chịu quá mà phải bay qua cửa chắn, tọt vào trong tuốc-bin. Bởi cá chiên là loài chỉ ưa nước xiết nay bị đẩy vào cái hồ tù đọng kia!

 

Và, cái lúc khốn khó của chúa tể lòng sông đó, tôi vẫn thi thoảng chứng kiến cảnh săn cá lớn kiểu như A Vàng ở xã Thúy Loa, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên. Sông Gâm chảy từ Bắc Mê, Hà Giang về qua đây, sông gặp một khu vực núi đá lớn, núi ở đó bửa ra muôn hình vạn trạng, nó như cái đập ngăn nước, nước từ trên cao xuống ầm ầm. Cá chiên rất ưa sống ở đây.

 

A Vàng và thợ săn ở Thúy Loa dùng súng mua từ Trung Quốc về để săn cá lớn. Súng như cây cung của quân Mông Cổ xưa kia, bắn ra các mũi tên sắt, mỗi mũi tên đều có dây buộc vào cung nỏ, buộc vào cả cổ tay của người bắn. Vàng sẽ đeo ống thở, kính lặn, bơi xuống chân thác Đổ. Những con cá lớn nằm lim dim, chúng quét những cái râu to, nhọn và dài thượt của mình dưới đó, lừ đừ quan sát. Thấy “sinh vật lạ” cầm súng, cá cũng không bỏ chạy hay tấn công.

 

Vàng giương cung nỏ, phập! Mũi tên cắm vào lớp da thịt dày cộp, trơn nhẫy của cá lớn. Lớp da đó đã được qua hàng chục và cả trăm năm tôi luyện trong hang đá sâu, trong dòng nước xiết, nên dày và cứng lắm. Mũi tên có ngạnh dài. Vàng lặng lẽ lên bờ, buộc những cái can nhựa vào đầu dây nối với mũi tên trúng đích kia.

 

Cá, dù khỏe, dù hung dữ, dù hang ngầm ngóc ngách đến đâu, thì máu cụ cũng vẫn cứ loang đỏ mặt nước. Cá đi đâu, dòng nước đỏ kéo lên đến đó. Những cái can nhựa màu trắng cũng theo con đường giãy chết của cá mãi không thôi. Đến khi hàng can nhựa trắng yên ả bập bềnh trên dòng nước “xanh màu nước hến” của sông Gâm (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân), thì Vàng chỉ việc kéo sợi dây, nhẹ nhàng “lai dắt” cá vào bờ.

 

Cũng có quá nhiều cuộc chiến thảm khốc giữa cá chiên khổng lồ và con người, khiến cho thợ săn phải bỏ mạng, giống như một lời nguyền độc địa của thiên nhiên bí hiểm. Ở dọc sông Đà, vùng Thuận Châu, Quỳnh Nhai xa xôi, giờ đây dường như là cái nôi cuối cùng của cá chiên khổng lồ.

 

Bởi vách đá sông Đà nơi này cao và nhiều hang hố lắm, hai vách đá cao ép lòng sông như hẹp khít lại, đi thuyền dưới sông thấy bức bối, tối tăm. Thợ săn “trâu mộng sông Đà” phải lặn xuống đáy sông, lượn trong các vách đá để lục lọi. Bởi, cá chiên bây giờ là… vàng ròng đối với cái hầu bao nghèo khốn giữa thời gạo châu củi quế. Họ làm tất cả để tìm “vàng”.

 

Hai anh em Long và Vinh đã cho tôi đi theo “đâm” cá chiên ở bến nước sông Đà xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Họ đi xuồng máy ra giữa sông, anh ở trên cầm dây, em buộc dây ngang hông mình, đeo ống thở, cầm cây khiên dài, lặn ngoẳng xuống bụng nước sâu và xiết. Anh ở trên nhìn dây thừng cụ cựa thì biết em ra sao, khi dây giật theo tín hiệu cấp cứu thì kéo em lên.

 

Máu cá loang dài, thì giữ đầu dây buộc vào cây khiên có ngạch để rong tàu theo đường trốn chạy của cá mà đuổi bắt. Thế rồi ống thở bị hở, Long chết ngạt, sức ép của đáy nước làm mắt Long lồi ra khỏi tròng, máu trào khắp thất khiếu. Vinh ở trên, cứ tưởng máu em mình là máu cá. Cho đến lúc kéo lên, thì ra là kéo xác ông em.

 

Nhiều thợ săn cá lớn khác cũng đã chết không toàn thây. Bởi sau khi đâm cá, cá lớn quẫy mạnh, họ bật ra khỏi vách đá, không làm sao lên mặt nước được, do trần hang ngầm dưới lòng sông đã án ngữ. Họ chết đuối - dẫu nghề của họ là “phá sơn lâm, đâm hà bá” theo đúng nghĩa đen, họ bơi giỏi hơn rái cá.

 

Có người hãi hùng trước làn nước đỏ đòng đọc toàn máu cá lớn, không nhìn được đường rút lui, họ ngoi lên mặt nước đúng vào lúc thuyền bè đi qua. Chân vịt của con thuyền lớn khoáy vào ổ bụng của thợ săn, nội tạng của một người to béo vỡ toang trên mặt nước. Máu người và máu cá hòa lẫn trong một buổi chiều rùng rợn chốn sơn khê.

 

Nhưng, nỗi đau khác, cũng lớn không kém, ấy là sự biến mất của một loài cá quý từng được mệnh danh là chúa tể sông hồ Việt Nam. Chúng ta đã phung phí, đã tàn độc và đã quá vô lý khi ứng xử với thiên nhiên, với những thứ thời trân của đất nước, ông bà như thế đấy.

Theo Đỗ Doãn Hoafng/Lao Động
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Săn cá lớn

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI