Rủ nhau đi kiện mùi hôi
(19:39:07 PM 18/06/2011)
Họ không làm khó dễ nhà máy sản xuất, bởi tất cả đều hiểu nhà máy đem đến nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, nhưng dòng sông đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến chẳng ai chịu nổi. Họ mong muốn dòng sông yên bình như thuở hồng hoang. Ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân nơi đây thể hiện hùng hồn qua những lá đơn, nhưng trong quá trình kiện tụng, phần thua thiệt lại một lần nữa nghiêng về người dân.
Khi nông dân nổi giận
Trong các tỉnh nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở VN, Cà Mau có diện tích lớn nhất với hơn 200.000ha. Theo đó, các nhà máy chế biến thuỷ sản liên tiếp mọc lên. Một thời gian dài đầu tiên, vỏ tôm được nhà máy đem chôn hoặc bán cho những người nuôi vịt chạy đồng. Đó là chuyện của thế kỷ trước. Bây giờ, đầu, vỏ tôm được mua bán sòng phẳng do người ta dùng thứ phế phẩm hôi thối này chế biến thành nguyên liệu xuất khẩu phục vụ cho ngành dược liệu.
Các nhà máy chuyên chế biến đầu, vỏ tôm liên tiếp mọc lên. Nhiều đến mức trở thành chuỗi nhà máy ngay tại khu dân cư. Trước sự việc có quá nhiều nhà máy như vậy, UBND tỉnh Cà Mau vội vàng phê duyệt quy hoạch KCN Lương Thế Trân, huyện Cái Nước. Người dân địa phương không gọi thế, mà dùng từ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: “KCN thối”!
Từ cầu Lương Thế Trân đi về hướng huyện Đầm Dơi, vừa qua khỏi Trại heo giống cao sản của tỉnh, mùi hôi đã xộc vào mũi, thối không thể chịu nổi. Tôi đếm được đến 8 nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm tại khu vực này. Một người dân địa phương cho biết: “Thủ phạm gây nên mùi khó chịu là những nhà máy này đó”.
Khói axít bay mù mịt tại Nhà máy chế biến đầu, vỏ tôm Minh Châu. Ảnh: N.H
|
Thật ra ô nhiễm mùi thối từ những nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm không đợi đến hôm nay mới có, mà nó tồn tại ngay từ khi xuất hiện loại nhà máy chuyên thu mua, chế biến loại phế phẩm này. Khi ấy chưa có Luật Môi trường, người dân địa phương chịu hết nổi mùi thối đã kéo đến các nhà máy đề nghị “không sản xuất mùi hôi”. Đó là vào tháng 6.2006, hàng trăm người dân xã Lương Thế Trân đã kéo đến đập phá Nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm Hồng Cẩm A đóng trên địa bàn. Cũng trong thời điểm đó, nông dân huyện Năm Căn kéo đến vây hãm, làm áp lực để Nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm Hưng Nguyên phải ngừng hoạt động.
Tháng 11.2008, nông dân ở các xã vùng ven TP.Cà Mau dựng biểu ngữ, cờ phướn chống đối Cty TNHH kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thành – Việt Trung ở phường 6, bởi DN này nhiều năm liền dùng axít chế biến vỏ, đầu tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và nguồn nước dưới kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu. Đến cuối năm 2009, nông dân lại một lần nữa nổi giận về chuyện bức tử các dòng sông bằng chất axít tại khu vực này. Sự việc kéo dài dai dẳng cho đến tháng 8.2010, các cơ quan chức năng mới chịu vào cuộc. Hàng loạt nhà máy bị nêu đích danh là “hung thủ” gây nên mùi thối.
Điểm mặt thủ phạm
Ngày 13.5, Sở TNMT Cà Mau chính thức công bố kết quả thanh - kiểm tra 8 nhà máy chế biến thuỷ - hải sản KCN Hoà Trung theo tố giác của người dân. Theo đó, có 4 đơn vị vi phạm quy định về môi trường là Cty TNHH chế biến thuỷ sản xuất khẩu Minh Châu; Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hoà Trung, Cty TNHH Kim Hồng và Phân xưởng 2, Cty TNHH kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thành-Việt Trung. Các hành vi bị đề nghị xử phạt là không thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường, xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng (theo điều 8 và điều 10 Nghị định 117/2009/NĐ–CP, ngày 31.12.2009). UBND tỉnh đã không xử phạt mà chỉ nhắc nhở. Và cho đến nay, các đơn vị này vẫn không dừng việc xả toàn bộ hoặc một phần nước thải chưa qua xử lý ra sông rạch, gây bất bình trong nông dân.
Ngày 31/8, Sở TNMT Cà Mau tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xử lý 4 đơn vị trên. Trước đó, Công an huyện Cái Nước cũng có báo cáo kết quả xác minh tình hình ô nhiễm môi trường tại KCN Hoà Trung: “Việc các Cty đóng trên KCN Hoà Trung xả nước thải độc hại trực tiếp ra kênh xáng Lương Thế Trân là có thật. Các Cty này thường lén lút xả nước thải vào khoảng 2 đến 4 giờ sáng. Những lúc nước lớn, lượng nước thải này chảy về hướng cầu Lương Thế Trân có màu đen và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Bà con muốn lấy nước vào nuôi tôm cũng không dám vì tôm nuôi sẽ bị chết. Từ đó, tình hình nuôi tôm của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mùi hôi thối bốc lên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của họ”.
Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa DN, Sở TNMT và người dân ngày 25.8, các đơn vị trên thừa nhận việc làm của mình đã gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Tống Lê Thắng - GĐ Sở TNMT - xác nhận: “Qua đối thoại với dân, các Cty, xí nghiệp ở KCN Hoà Trung đã thừa nhận thiếu trách nhiệm trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của dân”.
Như vậy việc các nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm tại “KCN thối” đã rõ, nhưng các cấp chính quyền chỉ xử lý nửa vời.
Người dân ấp Láng Cùng vớt tôm chết bên bờ vuông tôm cho rằng do nguồn nước bị ô nhiễm từ các nhà máy gây ra. Ảnh: N.H
|
Phạt như phủi bụi
Trước sự phản ứng gay gắt của người dân và Sở TNMT liên tiếp có những kiến nghị, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt hành chính 75 triệu đồng đối với Cty TNHH kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thành – Việt Trung, 50 triệu đồng đối với Cty TNHH Kim Hồng vì xây dựng nhà máy, đưa vào vận hành trong khi chưa hoàn tất hệ thống xử lý nước thải; chưa đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến người dân sinh sống trong khu vực. Để xoa dịu người dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT triển khai quyết định tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước dưới sự chứng kiến của người dân.
Tuy nhiên, mục đích trên đã không đạt được. Hầu hết người dân đều phản ứng quyết liệt quyết định của UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước - cho biết: “Hầu hết người dân đều không đồng tình. Họ cho rằng Nhà nước làm sao cho các nhà máy này dừng xả mùi hôi, nước thối ra môi trường chớ không phải phạt họ. Phạt mà cho tồn tại, rồi tiếp tục lén lút thải ra môi trường nữa thì cũng như không”. Ông Hưng cũng xác nhận, vào buổi sáng vẫn còn mùi hôi bốc lên và dòng sông Rạch Rập đặc một màu đen, dù tất cả các nhà máy đều đã cam kết ngừng xả nước thải.
Ông Phạm Văn Toản - ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, đại diện cho hơn 118 người kiên trì đi kiện... mùi hôi - bức xúc: “Có nhiều nhà máy bị phát hiện xả nước thải ra sông, nhưng chỉ xử lý 2 nhà máy là chưa công bằng. Mặt khác, chúng tôi làm đơn gửi các ngành chức năng phản ánh và kiến nghị bồi thường những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, nhưng chưa được các cấp giải quyết, trả lời bằng văn bản. Chúng tôi hiểu DN cũng khó khăn do KCN chưa hoàn thành, nhưng không vì thế mà thải chất độc ra làm cho chúng tôi chẳng sản xuất, kinh doanh gì được. Hàng loạt hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn đốn”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 3.000 hộ dân cùng hơn 2.000ha đất sản xuất của họ. Đáng buồn là dù đã nhận diện được thủ phạm, nhưng UBND tỉnh Cà Mau chưa xử lý đến nơi đến chốn.
Rời “KCN thối” về TP.Cà Mau, tôi nghe tiếng ai đó nói với theo: “Mấy vị lãnh đạo đi xe hơi có máy lạnh, cửa đóng bít bùng, họ đâu có hít mùi hôi thối mà hiểu được chúng tôi”. Tôi thật sự chua xót cho lời nhận xét cay độc này.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.