Quẫy đạp đời phu
(19:42:57 PM 18/06/2011)
>> Vàng và máu
Luật ở xứ vàng
Trước khi lên đường vào xã Phước Thành, chúng tôi thông báo thẳng cho ông Hoàng Hoa - Chánh VP UBND huyện Phước Sơn, rằng PV Tiền Phong sẽ vào bãi vàng. Cẩn thận không thừa, nơi rừng thiêng nước độc, không tấc sắt phòng thân, lại sa thân vào bãi vàng, nơi toàn thứ dữ. Cẩn thận hơn, tới trụ sở UBND xã Phước Thành, tôi nhờ ông Chủ tịch xã Hồ Văn Phen viết cho cái giấy giới thiệu. Lại chưa chắc ăn, tôi rủ thêm anh Hồ Văn Thoại - Phó trưởng Công an xã cùng đoàn chúng tôi vào bãi vàng.
Vượt qua những quãng đường khổ ải, vào tới cổng bãi vàng của Cty Trường Sơn thì gặp ngay rào chắn là tấm lưới B40. Hai bên là trụ sắt cao sừng sững và mấy tay bảo vệ lầm lỳ: Không tiếp, không cho nhà báo vào. Giấy giới thiệu của huyện, xã bị lắc đầu, tới lượt thẻ nhà báo cũng cấm vào, thậm chí Phó trưởng Công an xã Phước Thành yêu cầu được vào kiểm tra, đồng thời đưa nhà báo đi thực tế, cũng nhận được câu trả lời gọn lỏn, kèm bản mặt hăm dọa: Công an thì cũng thế, không tiếp là không tiếp. Trừ phi mấy ông có giấy giới thiệu của sếp tui. Ráng ra xin cái giấy vào có chữ ký của sếp tui đã nhé. Chúng tôi không đôi co với bảo vệ - hay nói đúng hơn là cai bãi bởi chúng tôi biết sẽ có con đường khác vào bãi, dù khó khăn và nguy hiểm gấp bội phần.
“Mang lấy phận nghèo đã cực, nhưng dính kiếp phu vàng cơ khổ trăm lần” - anh Chinh, người lái xe ôm đưa chúng tôi đến đây bộc bạch khi chia tay, để một mình chúng tôi tìm đường vào thẳng các bãi vàng, với lời chúc không mấy tin tưởng: Khó lắm, vào chưa chắc quay phim, chụp hình được. Địa bàn bãi vàng của Cty Trường Sơn là những quả đồi thoạt mới nhìn qua vẫn còn xanh mướt, nhưng đi sâu vào mới thấy đường hầm nham nhở, lán trại ngổn ngang bên dòng suối.
Một đại bản doanh ở bãi vàng xã Phước Thành. Ảnh: Nam Cường.
Nhóm thợ trẻ tuổi đang trồi sụt dưới hầm ngước mắt nhìn tôi đầy cảnh giác. Mãi lâu sau mới có người lí nhí rằng quê tận Thanh Hóa, trẻ nhất tên Dũng (cũng chẳng biết thật hay giả), già nhất trong nhóm 4 người tên Thành. Anh Thành năm nay đã 35, quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), kể: Quần quật suốt ngày, chúng tôi làm như trâu mà có được bao nhiêu đâu, chủ ăn hết. Nói anh không tin, mấy thằng em đây làm cả năm nay rồi mà đã nhìn thấy tiền bao giờ đâu. Chúng làm chưa đủ trả nợ cho chủ”.
Theo anh Thành, cuối năm ngoái, chủ Cty vàng ra tận Thanh Hóa tuyển lao động toàn dân nghèo, muốn ứng bao nhiêu tiền chủ bãi đưa bấy nhiêu, thậm chí còn gấp đôi gấp ba, miễn sao ký được hợp đồng lao động. Khi anh em lên xe vào bãi, coi như trói đời ở đó. “Nhiều lần muốn bỏ quách về quê mà lực bất tòng tâm. Ra bãi chỉ có một đường độc đạo, vào dễ ra khó. Tìm đường bỏ trốn còn khó hơn lên trời, tứ bề trùng trùng rừng núi, biết hướng nào mà lần, cai bãi bắt được coi như ốm đòn” - Dũng ngừng đào, nhọc nhằn nói.
Cũng chẳng phải không có chuyện bỏ trốn, như năm 2008, một nhóm trẻ người Thái Nguyên đã liều mình vạch rừng lội suối mấy ngày đêm ra tận thị trấn Khâm Đức. Dũng tỏ vẻ hiểu biết: “Đó là nhóm trẻ của Cty Kim Thành Lộc, làm ở thôn 1B, gần đường nên dễ trốn. Bây giờ muốn trốn phải qua cổng, có rào sắt B40, trốn cách nào?”. Có hằng hà thứ luật ở mọi bãi vàng trên Phước Sơn, nhưng phớt lờ cấm cửa công an, nhà báo thì đây là lần đầu tiên tôi được biết. Còn luật cấm bãi, hành lao động… thì đó là chuyện thường ngày ở bãi.
Anh Nhân ở bãi vàng Phước Thức làm suốt ngày đêm. Ảnh: Nguyễn Thành.
Phận đời bên máng
Căn lều tạm bợ phía dưới bãi vàng của công ty TNHH Trường Sơn là nơi trú ngụ của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Luyến (Cam Lộ, Quảng Trị). Trưa nắng hầm hập, tôi cảm tưởng căn lều luôn sẵn sàng trôi theo dòng nước đục ngầu bột đá và cyanua.
Chị Luyến vào bãi đến nay hơn chục năm, mang theo người con gái nay đã 18 tuổi, kết quả mối tình vụng dại. “Hồi còn có sức tui cõng chuyến, xong đẩy xe đá từ hầm lên máy xay. Hơn 10 năm nay tui đã qua 4 - 5 đời cai bãi. Họ thua lỗ, rút quân thì tui lại chuyển. Nói không ngoa, trên Phước Thành này, không chỗ nào là không có dấu chân của mẹ con tui. Giờ đây, chị Luyến đảm nhận công việc nấu ăn, giặt giũ quần áo cho thợ vàng, cai bãi.
Phận nữ ở bãi vàng, đầy những khổ cực cùng những bất trắc khó lường. Năm 1995, một lần nữa chị Luyến mang bầu mà chẳng biết ai là cha của đứa trẻ. Cháu bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ. Năm nay cháu 15 tuổi nhưng thân thể gầy gò ốm yếu. Cuộc sống của cháu mười mấy năm trời chỉ quây trong chiếc cũi sơ sài. “Cháu 15 tuổi rồi mà cứ ngây ngô. Mẹ con yêu quý đùm bọc nhau sống tạm bợ. Cũng vì cái nghèo, cái khó nên mới phải lưu lạc vào đây” – Ánh mắt chị Luyến vô định, xa xăm.
Chốn thâm sơn này như là nơi dồn tụ những mảnh đời cơ cực. Như Kim Thảo đã 18 tuổi, theo mẹ lang bạt bãi vàng. Thảo mới kết hôn được dăm tháng, vì có mẹ làm ở bãi vàng nên nhà chồng hắt hủi, chán nản lại quay lên nương náu bên mẹ, nơi rừng thiêng nước độc. Ánh mắt Thảo chất chứa ưu phiền lo lắng. Không biết rồi đây, giữa chốn rừng sâu, cũng trong lán trại tồi tàn này, số phận của đứa con mà Thảo đang mang kia sẽ ra sao?
Chị Luyến sống gần hết cuộc đời bên đứa con tật nguyền ở bãi vàng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tại bãi vàng của Cty Phương Thức (thôn 3 Phước Thành), gần hai chục công nhân hì hục xay đá, đãi máng. Ông Phan Văn Nam - GĐ Cty cho hay, mới chỉ được cấp giấy phép thăm dò chứ chưa chính thức khai thác. Hai người phụ nữ ngồi bên máng, khẩu trang che kín mặt, mãi lúc sau mới tiết lộ quê Phú Yên và Bình Định.
Chị Nhi người thôn Xuân Quang (Đồng Xuân, Phú Yên), năm ngoái nhà cửa bị cuốn trôi trong cơn đại hồng thủy khủng khiếp, không nhà cửa, không chồng, con chết trong lũ, chị phải phiêu bạt kiếm ăn. Được chị Hương (Vân Canh, Bình Định) giới thiệu lên đây, những tưởng sẽ thay đổi với thỏa thuận 2 triệu đồng/tháng. Nhưng 5 tháng nay, chị không hề nhìn thấy tiền. “Để kiếm tiền nuôi con ăn học, chị em chúng tôi tìm đến đây. Cứ tưởng chăm chỉ làm ăn sẽ có thu nhập, ai ngờ công ty thua lỗ. Giờ gắng bám mong sao có tí tiền để về quê!” - chị Hương kể lể.
Anh Ung Thanh Nhân (37 tuổi) quê ở Phú Yên là người thân với lãnh đạo công ty nên ở lại vừa làm việc vừa trông coi máy móc. Anh Nhân chia sẻ: “Vào đây làm việc được cả gần nửa năm trời. Ban đầu còn có lương thưởng. Giờ thì làm chỉ vì lỡ hứa rồi”.
Cần mẫn bên cỗ máy xát quặng, Phạm Văn Duy (21 tuổi) ở Lộc Lạc (Thanh Hóa) cùng hơn 10 anh em cùng quê vào bãi vàng làm việc được gần 4 tháng nay. Cũng chung cảnh ngộ không lương. Chủ bãi chỉ cho ứng chút ít đủ cầm hơi. Một số anh em cùng quê với Duy đã ra ngoài làm thuê, riêng với Duy đành ở lại với hi vọng kiếm đủ tiền để về quê. “Giờ chỉ muốn về quê thôi anh ạ. Đã qua 5 bãi vàng, chủ bãi nào làm ăn cũng kêu thua lỗ, nợ lương. Ăn uống thì kham khổ. Đường về quê ngày càng vời vợi xa” - Duy buồn bã.
Kỳ 3: Giấc mơ thổ phỉ
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.