Quật mả, đốt xác diệt ma trùng
(19:34:04 PM 18/06/2011)
Trắng đêm canh mộ
Người dân 2 thôn Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), bao đời nay còn lưu truyền một hủ tục rùng rợn, gọi là tục “ma trùng”.
Đã 6 năm trôi qua, nhưng bà Phạm Thị Manh (76 tuổi, trú thôn Xuân Thiên Hạ) vẫn lo lắng khi nhắc đến việc mộ người chồng đã khuất bị đào trộm: “Chỉ vì tin rằng có con ma trùng ám lên người mà những kẻ bất nhân bất nghĩa đã đào xới mộ ông lên. Con cháu đi làm ăn xa cả nên những ngày mộ chồng chưa xanh cỏ, đêm khuya vắng tui phải một mình lặn lội ra ngồi giữa nghĩa địa canh chừng”.
Nhìn lên di ảnh người chồng đã khuất, bà Manh rưng rưng nước mắt kể: Chuyện xảy ra vào tháng 7/2005, khi đó ông Võ Văn D. (chồng bà) chết vì căn bệnh ung thư. Đúng một tuần sau, ông Võ Văn A. (người trong họ) đang khỏe mạnh bỗng nhiên mắc chứng “bệnh lạ”. Chân tay co giật liên hồi, cơ thể suy nhược, tinh thần sa sút. Nửa đêm nằm ngủ, ông A. thường la hoảng, nói trong cơn mơ thấy ông D. “hiện về” đè lên người.
Nghe vậy, người chú ông A. quả quyết: “Chắc là linh hồn chưa siêu tán của ông D. về “ám” rồi đây”. Những người trong gia đình ông A. cũng đồng tình phải “quật” mộ ông D. lên để diệt cho kỳ được con “ma trùng”.
Nghe phong thanh mộ chồng sắp bị đào lên, bà Manh phải cầm đèn pin ra ngồi canh mộ. Suốt một tháng trời, cứ tầm chiều tối là bà và đứa con gái lại thay phiên nhau ra canh mộ đến sáng mới về. Lo lắng, sợ hãi khiến bà Manh cũng đổ bệnh.
Nhắc tới tục “ma trùng”, ông Võ Thanh Xuân – Phó Bí thư Đảng ủy xã Vinh Xuân, lắc đầu ngao ngán: “Hủ tục “ma trùng” có từ thời xa xưa, phải qua 49 ngày hoặc tròn một năm thì người chết mới có thể bình thản nghỉ ngơi, người sống không đổ oan cho người chết được nữa. Nhưng điều đáng nói là việc canh chừng mồ mả không chỉ khiến người dân lo lắng, bất an mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) địa phương. Lực lượng công an xã và người dân đã nhiều lần phối hợp truy bắt, canh giữ nghĩa địa trước nguy cơ những người mê tín đào xới”.
Hầu hết người dân trong làng thường đầu tư xây dựng những ngôi mộ khang trang, kiên cố để tránh việc bị đào phá.
Cách đây khoảng 2 tháng, cụ ông Phạm C. (85 tuổi) trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh do tuổi già sức yếu. 20 ngày sau, một đứa cháu gái cùng họ với cụ C. là Nguyễn Thị Kim M. đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh nặng. Bố mẹ cháu M. thấy vậy vội đi nhờ thầy bói tìm cách chữa trị.
Thầy bói phán rằng, đứa trẻ bị “âm hồn” của người mới chết trong họ “ám”, muốn bắt đi cùng? Tin lời nói ấy là thật, bố mẹ cháu bé tức tốc gọi điện từ TP HCM ra cho người nhà ở Huế hỏi xem trong họ tộc mình có ai vừa chết không.
Ông Phạm Hến (1944, trú thôn Xuân Thiên Thượng), tức ông nội cháu bé nghi ngờ cái chết cách đó 21 ngày của cụ Phạm C. có liên quan. Ngay tối hôm đó, ông Hến gọi cháu là Phạm Phúc (1962, người trong thôn) đến uống rượu và kể rõ sự tình. Hai người bàn định kế hoạch đào trộm mộ cụ C. để yểm bùa chú với hy vọng cứu được mạng sống đứa cháu ở TP HCM.
Đêm 4/3/2011, ông Hến và Phúc vác cuốc xẻng, mang theo xăng dầu đến mộ phần của cụ Phạm C. Hai người đào một cái hố sâu hơn 1m ngay giữa quan tài người chết. Sau đó nhét đầy rơm rạ rồi rưới xăng phóng hỏa, trừ tà. Họ cứ nghĩ đã diệt được con “ma trùng” là đứa cháu sẽ khỏe mạnh trở lại, nhưng bệnh tình đứa bé ngày càng nặng hơn. Gia đình phải đưa bé đi bệnh viện cấp cứu.
Tác giả đang trò chuyện với các cụ cao niên trong làng
Mấy ngày sau, anh Phạm Tiến (con trai cụ C.) từ thành phố Huế về quê để làm lễ cúng tuần cho cha bỗng tá hỏa khi nhìn thấy đất đai quanh mộ bị xới tung. Nóng giận, anh Tiến vác dao sang nhà hai ông Hến, Phúc “hỏi tội”.
Không vừa, ông Hến và Phúc lớn tiếng thóa mạ, tuyên bố: “Tau vừa mới đào mả cha mi lên để yểm bùa đó, coi mi mần chi được không?”. Rất may mọi người kịp thời can ngăn nên chưa xảy ra hậu quả.
Ông Hến trình bày nguyên do xâm phạm mồ mả trái pháp luật cũng chỉ vì tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết. Được biết, năm 2006, ông Hến đã từng đi đào trộm mộ
Vụ việc sau đó được trình báo lên chính quyền và công an địa phương. Sáng 5/3, trong buổi hòa giải tại hội trường thôn, hai ông Hến – Phúc sau một hồi quanh co đã chủ động xin lỗi và mong được gia đình bị hại tha thứ.
Không để hủ tục tồn tại
Để hiểu rõ thêm về hủ tục “ma trùng” rùng rợn, đáng lên án này, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Đối (78 tuổi), một cao niên trong làng. Theo cụ Đối cho biết: “Việc đào bới mộ người chết lên để “yểm bùa” theo quan niệm “ma trùng” có từ lâu đời. Theo quan niệm của tục “ma trùng”, khi có người trong họ tộc bị chết, con cháu họ hàng bỗng dưng phát bệnh một cách khó hiểu hoặc nằm mơ thấy điềm chẳng lành, người ta cho rằng chính vong hồn người mới chết đó đã “ám”. Vậy là họ dùng xăng, dầu phóng hỏa để “hù dọa” hồn ma. Do là người cùng họ hàng, quen biết nhau nên khi phát hiện ra chuyện, người dân không báo lên chính quyền mà tự tìm cách giải quyết”.
Ông Phạm Hiền – Trưởng thôn Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân khẳng định vụ việc trên là có thật: “Sau khi nhận được tin, chúng tôi cùng người dân trong thôn tiến hành hòa giải, xử phạt cảnh cáo đối với hai ông Hến và Phúc, thực hiện tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu này. Qua đây, cũng nhờ các phương tiện truyền thông, thông tin để người dân hiểu biết hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân, ông Trần Văn Đồng, cho biết: “Quan niệm lạc hậu này kéo theo hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng tới việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa của người dân. Sắp tới chính quyền xã sẽ phối hợp với BĐBP tuyên truyền, vận động, kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu này ra khỏi đời sống xã hội; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng, một ngày không xa, hủ tục “ma trùng” sẽ chỉ còn là chuyện quá khứ của người dân nơi đây.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.