Phát hiện gây chấn động rừng già Na Mèo
(19:35:29 PM 18/06/2011)
Trong những ngày rong ruổi trên lưng xe máy, chạy khắp huyện miền núi Quan Sơn của Thanh Hoá, tôi được nghe câu chuyện kỳ thú về ông già người Thái trong lúc đi săn đã phát hiện ra một hang động mà vẻ đẹp của nó làm bàng hoàng cả dư luận gần xa.
Nguyên sơ đến xót ruột
Từ đường Hồ Chí Minh, dọc theo quốc lộ 217 qua các huyện miền tây Thanh Hoa, sau gần 5 giờ xe máy (luôn để số thấp và ghì chân phanh), chúng tôi cũng đến được Quan Sơn. Dù đã có đường ôtô qua, nhưng người dân Quan Sơn còn nghèo lắm. Như anh Bạo – chiến sĩ đồn biên phòng ở cửa khẩu Na Mèo nói: “Nước mình còn nghèo, tỉnh mình rất nghèo và bà con dân tộc ở Quan Sơn này thuộc những người nghèo nhất, khổ nhất”.
Dòng suối Sỉa đẹp đến mê lòng bắt nguồn từ Lào chảy qua cửa hang Bo Cúng rồi đổ về sông Luồng.
Thời điểm nhà báo Xuân Quang viết phóng sự “Ám ảnh miền rừng” thì Quan Sơn đang còn thuộc huyện Quan Hoá. Khi tách ra (ngày 1.1.1997), Quan Sơn thực sự chỉ còn toàn là “sơn” (gần như đường biên giáp Lào của Quan Hoá cũ nay đã “về tay” Quan Sơn). Đó cũng là điều dễ hiểu khi Quan Sơn là huyện có mật độ dân số thấp nhất tỉnh Thanh Hoá (37 người/km2 - năm 2008).
Qua Sơn Điện, Mường Mìn, Na Mèo, Sơn Lư, Sơn Thuỷ..., nhìn những người Thái thật thà sáng lên đồi tỉa ngô; chiều xuống suối bắt ốc, bắt nòng nọc (sau này rụng đuôi sẽ thành ếch suối) để làm bữa chiều mà thấy thắt từng khúc ruột. Tôi cũng xí xớn ở lại bản ăn cơm nếp nương đựng trong rọ đan bằng nứa với canh pặc cát nặm (tiếng người Thái là rau cải suối).
Tôi cũng ngông cuồng bắt chước mấy anh người Mông cưỡi xe Win vượt đường suối vào Mông Xí Nọi, nhưng gần được 1/2 đường, “chiến mã” có biểu hiện không chịu được cực hình và gần hết xăng (ở đây phải đi 30-40km mới có cây xăng), nên đành xin lỗi bản người Mông - nơi còn giữ phong tục nhiều nhất. Tôi cũng đã lọ mọ tìm cả bản mới có đúng 1 điểm là gốc cây xoan để dò sóng điện thoại (bây giờ thanh niên bản đã biết mặc quần bò và dùng điện thoại - cho dù không biết số).
Nghèo là thế, nhưng phải khẳng định là người Thái, người Mông ở đây yêu rừng lắm! Có lên và chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của núi rừng trên này ta mới mừng thầm trong dạ: Nước mình cũng còn nhiều rừng già lắm đấy chứ! Ở bản Chanh (Sơn Thuỷ), sáng sớm gà rừng còn dõng dạc ra tận bìa rừng gáy vang cả bản, vượn hót lảnh lót trên vách đá.
Ngày đầu tiên của hành trình, chúng tôi lang thang ở Mường Mìn, mang quần áo của các bạn sinh viên tình nguyện gửi cho các em học sinh rồi lại phóng hơn 27km lên Đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo để bước qua cột mốc số 327, sang tỉnh Viêng Xay của nước bạn Lào. Ngày thứ hai, chúng tôi lại vòng vo rừng núi quặt ra xã Sơn Thuỷ - lớp áo ngoài cùng bọc Quan Sơn với đường biên giới tiếp giáp với Lào.
Cũng đúng vào thời điểm này, đáng lẽ là ngày mà theo thông lệ sẽ diễn ra lễ hội Mường Xia, rước hòn đá vía để tưởng nhớ vị tướng bảo vệ biên giới Tư Mã Hai Đào (ngày 9 - 12 tháng 2 âm lịch). Nhưng từ năm ngoái đã có sự “sắp xếp” là cứ 2 năm tổ chức một lần theo quy mô huyện và 4 năm theo quy mô tỉnh, nên bản làng ỉu xìu đến hụt hẫng. Có lẽ bị ảnh hưởng quá nhiều từ những lần lên miền ngược, thấy bà con (đặc biệt là thanh niên) thích “xem” ca nhạc nhố nhăng hơn kênh VTV5 mà tôi không đắng đót vì Quan Sơn nghèo bằng nỗi lo: Liệu rừng núi bạt ngàn, những bản sắc văn hoá quý giá ở tận miền biên ải này có ngày biến mất không?
Từ lúc đến địa phận Quan Sơn, nhìn thấy biển chào: “Welcome to Quan Sơn!” cũng to xấp xỉ chữ tiếng Việt giống như bao địa danh khác. Trong khi hầu hết người Thái, người Mông nơi đây vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc mình và rất nhiều người mù chữ (tất nhiên), mà thấy lo cho cách lo của chúng ta với đồng bào miền núi. Có lẽ đó là quan điểm ích kỷ của riêng tôi, nhưng thực sự tôi cảm thấy bất an cho tốc độ “kinh hoá” như một cơn lũ cuốn phăng không để lại tàn tích.
Chuyến săn gây chấn động và... lại buồn và lo
Suốt những ngày ngao du ở Quan Sơn, đâu đâu tôi cũng nghe phong thanh một câu chuyện: “Động Bo Cúng sắp được đầu tư hơn 60 tỉ để phát triển du lịch!”. Ông Hà Văn Dậu - nguyên Chủ tịch xã Sơn Thuỷ - cũng khẳng định như đinh đóng cột về điều này.
Một trong số cả trăm cảnh kỳ vĩ của động Bo Cúng. Ảnh: Chí Công
Quá tò mò về cái động khiến tỉnh bỏ ra cả “một đống tiền”, tôi lại lếch thếch lôi chiếc xe máy lên bản Chanh (Sơn Thuỷ). Đường lên bản Chanh đã thuận lợi hơn rất nhiều bởi con đường biên giới chiến lược vắt qua. Dù quá quen với địa hình trên là núi dưới là suối đặc trưng ở Quan Sơn, nhưng thật sự tôi đã đôi lần giật mình vì rừng núi tiếp giáp giữa ta và nước bạn Lào đang còn rất nguyên sơ. Có lẽ đó là công lao của các chiến sĩ biên phòng hay cũng có thể vì quá xa xôi nên lâm tặc còn chưa tấn công.
Câu chuyện phát hiện ra động Bo Cúng của ông Lương Văn Thương mà người dân khắp vùng bàn tán và do chính ông kể ra đầy thú vị, đậm sự bí ẩn của ngàn sâu. Vào thời điểm năm 1984, rừng núi còn bạt ngàn đến nỗi trai bản đi săn cũng phải tụ tập cùng nhau để tránh bị thú dữ tấn công. Riêng chàng trai người Thái tên Thương quyết đi săn lẻ. Vượt qua dòng suối Sỉa, núp sau một gốc cây vả đang thời điểm quả chín, ông Thương lên cò, chờ thú đến ăn vả rụng.
Khi con trăng vừa ló qua khỏi vách núi thì bầy lon (cầy lon) sột soạt kéo nhau đến. Nhằm đúng chỗ có nhiều lon tập trung nhất, ông Thương bóp cò. Đoàng! Tiếng súng hoa cải khét lẹt vang lên, hai con lon trúng đạn. Tuy nhiên chỉ một con chết, 1 con bị thương cố lết vào rừng sâu. Vết máu dẫn ông Thương vào một lỗ hang bị cây cối và đất đá che khuất chỉ vừa một người qua. Càng đi sâu, lòng hang càng rộng và có những hình thù lạ mắt. Khi vừa tới nơi con lon bị thương đang cùng đường vì vũng nước, cũng là lúc ông Thương sững người vì cảnh đẹp như cõi tiên.
Qua ánh đèn săn, hang động hiện ra nguy nga và kỳ bí khiến ông quên cả đi săn. Nhìn những nhũ đá như mây trời, như suối nước ông ngỡ mình đang mơ. Đến khi đèn gần hết pin, ông mới sực tỉnh tìm lối quay ra khỏi hang. Về đến nhà cũng là lúc con trăng chạy mất sang dãy núi bên kia, con gà rừng bắt đầu gáy te te rồi.
Tuy phát hiện ra hang, nhưng ngày ấy có ai biết nơi heo hút này, ông Thương cũng chẳng báo cho ai. Mãi đến năm 2002, khi ra huyện để xem tivi, thấy người ta phát hiện ra Hang Ma (hang treo quan tài ở Hồi Xuân) nên ông cũng đi báo xã. Tin báo của ông Thương gây chấn động cả vùng đồi núi Thanh Hoá và sang cả Sơn La, Hoà Bình.
Năm 2003, uỷ ban xã cử người đến trông coi. Các ông, các bà ở “dưới xuôi” lên xem thấy đẹp quá, ngay lập tức duyệt hồ sơ công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh (2009). Ông già người Thái lành như bột cũng không ngờ cái “lỗ” mình phát hiện ra bây giờ được nhiều người quan tâm thế. Họ vào hang ngắm nghía, chụp ảnh, trầm trồ. Các vị lãnh đạo thì cứ về thăm hang, đánh giá, dự kiến này nọ mà chẳng thấy ai đến hỏi thăm ông, cho dù nhà ông chỉ cách cửa hang nửa vòng quả núi.
Bây giờ động Bo Cúng đã cử người đến trông coi, vào phải mua vé (hình như là 10 ngàn đồng, riêng chúng tôi, do nói là nhà báo nên được tự do ra vào). Ông cũng ngậm ngùi đành vậy. Ừ! Thì hang là hang của rừng núi đất này, của Nhà nước mình, nhưng ông vẫn tủi thân. Bên bếp lửa, ông Thương còn đau xót cho hang Bo Cúng hiện tại: “Bo Cúng giờ xấu đi nhiều lắm! Khách đến chơi đạp đổ và lấy cả nhũ đá về. Bản Chanh này cũng khác nhiều rồi, cây già bị mất hết rồi, nai hoẵng cũng sợ người nên bỏ lên núi cao hết. Người “dưới xuôi” tự dưng lập ra hai cái bàn thờ hai bên miệng hang rồi để cái hòm kính gì đấy để khách bỏ tiền lẻ vào. Cái hang đấy mới tìm ra à, có thần nào canh đâu mà”.
Ông già người Thái quá thật thà gần 60 tuổi ấy chưa biết rằng, đó là cách người ta làm du lịch bây giờ, phải có “thần” mới tăng vẻ uy nghi. Và có thế, việc để thùng “công đức” mới phát huy hiệu quả. Ông Lương Văn Khương vẫn phải tự trấn an bằng việc ngày nào cũng vào thăm động. Càng ngày ông càng thấy cái “danh lam - thắng cảnh du lịch” này nó khác đi. Bây giờ, không những nhũ đá bị lấy cắp, người ta còn đem... ximăng để gắn vào những nhũ đá! Ông không biết việc mình phát hiện và công bố là đúng hay sai nữa? Và tôi, tôi cũng không biết giữa Quan Sơn thoát nghèo, bớt khổ và Quan Sơn hùng vĩ, nguyên sơ mình nên chọn điều gì nữa. Có chăng tôi quá tham lam (!?).
TB: Xin báo với ông Lương Văn Thương một tin không biết nên vui hay buồn, sau khi về Hà Nội tôi đã tìm cách liên hệ với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá và được cho biết chưa có bất kỳ thông tin nào về việc đầu tư hơn 60 tỉ đồng như bà con xôn xao.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.