Những con nghiện nhặt xương ngoài thùng rác
(19:48:54 PM 18/06/2011)
Nói thật, đời người làm báo, thì gặp những người HIV/AIDS với chòm nghiện oặt ma túy các thể dạng, là chuyện bình thường. Nhưng, đúng là nghiện đến mức như những gì tôi thấy ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thì khó có ngôn từ nào diễn tả được nữa. Một người nghiện và bệnh tật, nằm trong căn lều bẩn thỉu bằng phế liệu.
>> Góc khuất Sa Pa - Bán cả con vì đói khát!
Chỉ có thể gọi là: Kinh hoàng, là dưới mức có thể hình dung ở một kiếp phận người trần. Và, dĩ nhiên, đằng sau thảm trạng khiến những người có lương tâm phải thổn thức kia, là câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương!
Khoe da thịt lở loét để xin tiền
Cái hang đá sống đời ăn hang ở lỗ của anh Cu, chị Chỉnh tôi không thể nào quên. Trần hang thấp đến mức ai muốn vào hang phải bò đồng thời bằng hai tay cộng với hai đầu gối.
Khi tôi vào, góc hang có bé Dung ( sáu tuổi) và em trai Dung (bốn tuổi) đang ở truồng ngồi như đàn khỉ canh gác ở giữa đỉnh đá tai mèo phún sắc. Một đứa nhỏ, chị La đang vạch ti cho con bú. Hang chỉ có một manh chiếu, vài cái ống bơ để đun nước xái thuốc phiện, không có cả nồi niêu.
Sau khi chúng tôi kỳ công trắc nghiệm phát hiện con gái anh Cu (bé gái tên là Dung) có quá nhiều khả năng nghiện ma túy, Cu vui vẻ kể với tôi chuyện mình cho con gái bắt đầu hút hít thế nào. Đưa Dung đi học, Cu còn đem những viên thuốc trắng xuống trường cho con gái dùng, khiến giáo viên trường nội trú tá hỏa.
Bà Sự - Trưởng phòng Giáo dục
Trong lần tôi trở lại
Trước khi nằm bẹp, Cu còn làm một cái việc hãi hùng là nằm ở cuối con dốc đông đúc của thị trấn du lịch để rên la xin ăn. Khách nước ngoài thương quá, Cu trật cả quần ra cho người ta xem chỗ kín đang sưng sù sụ và đỏ hoen máu mủ. Người ta gạt lệ móc tiền cho Cu, Cu lại trật da thịt bệnh hoạn của mình ra, lần nữa rồi lần nữa để lấy tiền mua thuốc phiện. Cả Cu và Chỉnh đều thú nhận đã nghiện trên 10 năm ròng. Chỉnh giờ mặt mũi sưng vù, mủ máu chảy tơ tướp đỏ hỏn.
Bé gái Pan, bảy tuổi sau thời gian tự cai (?) đã được đưa đi xét nghiệm nước tiểu, âm tính với ma túy, vẫn học ở trường bán trú Hoàng Liên. Ky - bố Pan - cũng nằm bẹp trong đống chăn đệm, nilông, giẻ rách cáu bẩn, trước mặt là ống tẩu, điếu cày và chút cơm thừa canh cặn. Cũng đã nhiều ngày anh ta chưa ra khỏi căn lều tối om.
Mẹ Pan thì cũng có thành tích vạch da thịt xin ăn khá dày. Vì chích thuốc phiện quá nhiều, có lẽ bị viêm cơ, bên chân của chị La sưng to như cái cột nhà, đói thuốc, đói cơm, La vẫn phải lết dần ra phía thị trấn kiếm ăn.
"Mình mua hai cái gậy chống khệnh khạng xuống núi, mình khóc nhiều. Một người tây thương quá mới định cho mình 1,6 triệu mà chữa bệnh; nhưng cái người Việt (hướng dẫn viên) đi cùng mới bảo mình là nghiện đấy, cho tiền mình sẽ hút chích hết mà không đi chữa bệnh. Người tây đưa mình lên trên thị trấn mổ cái chân, hết 800.000 đồng" - chị La kể với tôi như vậy.
"Mình đang định cho con bé Pan bỏ học, sang Bình Lư chăn trâu cho người ta, người ta nuôi, mỗi năm lại được hai triệu đồng tiền công. Đang định, ai mua hai đứa này thì mình bán nó đi...".
Bữa lẩu với đầu gà, xương lợn nhặt ở thùng rác
Tôi ám ảnh bởi người đàn bà mà tôi đã nhìn thấy, đã nghe chị chàng tự thú nhận mình đi đến các thùng rác bốc mùi nhặt về để ăn và bón từng miếng cho người chồng nghiện đã bệch bạc vì ho lao, vì những dấu hiệu nhãn tiền của AIDS... đang chờ chết.
Người đàn bà tên là Lù Thị Hoa - vợ của Giàng A Mai. Chưa đầy 30 tuổi, mà thân hình Hoa không còn chút thần sắc sự sống nào. Mai cũng thú nhận, trong cơn điên cuồng vì dòi bò trong xương, anh ta đã lượn khắp Hàm Rồng, tìm ống xilanh mà con nghiện của thị trấn Sa Pa chích choác bỏ lại để mót xái bằng cách dùi vào ven của Mai cho đỡ thèm. Thế là nhiễm HIV.
Trong ngôi nhà hoang ẩm ướt bé tẹo, thế mà đã khét mù khói của ba cái đống nilông, giẻ rách đốt lên để sưởi ấm cho 10 người nghiện. Hang núi bị cán bộ đốt hết, chỉ có hai hang vẫn cố thủ. Trong ngôi nhà hoang, có hai vợ chồng nghiện ma túy đã ngoài sáu mươi tuổi, là ông Giàng A Thào và bà Trang Thị Sao, nhà ở gần khu vực nổi tiếng Tả Phìn.
Ông Thào đã từng được chính quyền địa phương cưỡng chế đi cai nghiện ở dưới trung tâm Phố Lu, huyện Bảo Thắng (Lào Cai); song vì bị ho lao nặng, được thả ra, tiếp tục bám trụ Sa Pa kiếm cái ăn, cái hút cho mình và cho vợ.
Vợ chồng ông Thào già nua được nhường cho cái góc rộng rãi nhất trong ngôi nhà hoang, cả hai có thể duỗi chân và dùng những cái lạt nilông mỏng xèo hơ vào lửa cho nó cháy mà sưởi ấm. Họ đi tìm ống tẩu cũ, cho vào luộc lên lấy thứ nước đen đen của ống tẩu mà xì xụp húp cho đỡ nhớ thuốc phiện.
Bên cạnh vợ chồng ông Thào là nhóm người ngoài ba mươi tuổi, đều tự khai tên tuổi, quê quán, thành tích nghiện rất thành khẩn khi có người mang tiền đến giúp đỡ. Ai cũng kêu nghiện quá, đói thuốc và chắc là bị HIV rồi.
Cặp anh em ruột mới 30-31 tuổi gồm Giàng A Sinh và Giàng A Mai (người ở Suối Hồ, Sa Pa) là bi đát hơn cả. Sinh thú nhận đang què tay, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, mặt sưng vều vì trót đi chặt trộm cây thông của người ta. "Chỗ nào nó cũng đánh, giờ chỗ nào cũng ra máu. Nhưng làm gì có tiền mà đi bệnh viện, hả anh?" - Sinh nói.
Rồi Sinh quay ra cám cảnh nhìn em trai mình, Giàng A Mai. Suốt 5 ngày chúng tôi lang thang ở Sa Pa, chưa một lần thấy Giàng A Mai cất nổi mình dậy một lần. Chân tay, cơ thể anh ta lở loét, trầy tróc như vừa bị luộc chín, anh ta bảo: Em hỏi bác sĩ, "em siđa (AIDS) rồi". Vợ Mai gạt nước mắt, bón thức ăn cho chồng.
Trở lại với nồi thức ăn mà Lù Thị Hoa bón cho chồng. Hoa vừa nhặt đâu về được một chiếc đũa duy nhất, khoắng nó vào cái ống bơ lòng bé mà cao như ống khói đang bắc trên ba hòn gạch chỉ. Hoa cuộn từng cái túi nilông nhặt ngoài bãi rác về, rồi thả chúng vào đống nilông đang cháy thành tro, coi như tiếp lửa cho nồi "lẩu" chăm sóc người sắp chết.
Cơn vật thuốc hành hạ cả hai vợ chồng, Hoa vẫn cắn răng bón thịt thà từ nồi "lẩu" cho Mai. Lẩu phải nấu bằng ống bơ, vì nếu kiếm được nồi niêu, chỉ loáng cái là "bọn nghiện" nó đem bán mất. Hoa bón bằng một chiếc đũa.
Trong nồi, khi tôi đến, gồm một cái đầu gà để nguyên cả cổ đen thui (thịt gà đen là đặc sản của Sa Pa); vài cái xương gà, xương lợn đã bị gặm nham nhở. Vợ Mai sượng sùng bỏ nilông vào bếp lửa, nói: "Em nhặt ở ngoài thùng rác, nhà hàng người ta vứt bỏ, về bồi dưỡng cho anh ấy". Mai đỡ lời vợ: "Phận mình nó vậy, biết làm sao hả anh...". Rồi Mai nằm vật ra, thở khò khè, mắt lờ đờ như đang hấp hối.
Mỗi lần có dịp ghé qua hoặc ở lại Sa Pa, tôi lại đến thăm các cư dân nghiện sống dưới mức sống của một con người ở thiên đường du lịch, lại phải nghe tin: Có người xóm nghiện vừa chết. Lần này, đến lượt Mã A Chu chết vì nghiện, tôi vẫn chưa kịp tặng anh cái ảnh đang hút thuốc phiện qua cái ống tẩu bằng tre tươi.
Vợ anh ngay lập tức lấy chồng khác cũng tên là Chu, cũng là cư dân xóm ăn hang ở lỗ. Con gái đến tuổi dậy thì của họ được bán cho người ta mua vui như chính người nhà tố cáo hay đem đi tận đâu đâu làm gỉ gì, có trời mà biết.
Các cư dân xóm nghiện trọ trẹ thống kê những "cùng hội cùng thuyền" đã chết của mình rất rành mạch, gồm: Mã A Chu, Thào Chu, Thào Thị Dẩy, Mã A Thủng... Tôi đếm sơ sơ, có cả tá các hình nhân đang cận kề thần chết, đó là: Chỉnh, là Cu, là Ký, là Mai, là Cổ vợ, Cổ chồng, là Hoa, là ông cụ Thào...
Họ - những hình nhân bị ma túy uống hết máu, ăn hết óc, họ đã là một lầm lỗi, đáng thương và đáng trách. Nhưng, những đứa trẻ đã bị bán khi còn đỏ hỏn, những đứa trẻ đang sống trong hang tối, đói khát và dốt nát, chúng không có tội.
Ngay cả những con nghiện thật khó để cai hay hoàn lương kia, họ có thật sự xứng đáng bị vứt ra bãi rác, nhặt cơm thừa xương mục ở bãi rác về ăn như tôi đã tận mắt chứng kiến như thế không?
Chúng ta có quy định về cai nghiện và quản lý đối tượng nghiện và các bệnh nhân đặc biệt nhiễm HIV; chúng ta có luật về chăm sóc giáo dục trẻ em. Dù với lý do gì, ít nhất thì cũng là: Chúng ta đã vô tình khi để xảy ra cái góc khuất tê tái buồn kể trên.
(Theo Lao Động)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.