»

Chủ nhật, 19/01/2025, 09:21:59 AM (GMT+7)

Người nuốt sống côn trùng ở đảo ngọc Lý Sơn !

(19:45:45 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ) - Người dân đảo ngọc Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) gọi anh Nguyễn Văn Tùy là “dị nhân” bởi bất cứ loại côn trùng nào anh cũng ăn, từ sâu bọ, thằn lằn, bọ xít, bọ ngựa…cho đến rắn độc.

Không phải ăn chơi cho vui mà là …nghiện, ngày nào không ăn tươi nuốt sống một con vật gì là anh lại cồn cào khó chịu. Đặc biệt trong suốt 20 năm qua, anh đã nếm đủ 30 loại bướm xuất hiện ở Lý Sơn.  

 

 Khả năng kỳ lạ

di[-]nhan[-]1

Nuốt sống thằn lằn

 

 

Không phải tới bây giờ anh Nguyễn Văn Tùy, thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, mới “ăn tươi, nuốt sống”, mà khả năng lạ lùng ấy trỗi dậy khi anh 17 tuổi. Hồi ấy anh đi bộ đội, đóng tại huyện đảo Lý Sơn. Một đêm trăng sáng trên đảo, Tùy ngồi gác trên một ngọn đồi nhìn ra biển cả với khẩu súng được tựa bên vai. Đột nhiên Tùy thấy trên nòng súng có gì đó đang cử động. Một con kiến vàng đang hì hục tha quả trứng mối trắng toát trên nòng súng. Nhớ có lần các đồng đội anh kể rằng ở Tây Nguyên, đồng bào thường đi lượm trứng kiến, trứng mối về chiên giòn ăn, mùi vị của nó rất thơm, béo và ngon. Bất giác anh thấy thèm và cơn đói trỗi lên. Anh với tay bóc lại cái trứng mối trăng trắng mà gã kiến nọ đang tha kia bỏ vào miệng. Chao ơi, thơm ngon không thể tưởng được. Và rồi không thể cưỡng nổi cơn thèm, anh lần mò theo con kiến nhỏ tới một gốc cây dừa già gần nơi gác. Trời ạ, trong những khúc cây mục kế đó, trứng mối, trứng kiến nhiều vô số kể. Anh được một bữa no nê. Càng ăn, anh càng thèm và nghiện luôn. Kế đó, anh chuyển tông sang ăn động vật sống như kiến, mối, côn trùng nhỏ bò dưới đất…

   

Và rồi anh đã làm cho thiên hạ trên đảo khiếp đảm khi cầm con cá sống còn giãy đành đạch trong rổ giữa chợ cá ăn một cách ngon lành. Khi ấy mọi người đồn đãi rằng anh bị tâm thần, bị ma nhập…Anh cười hề hà, thật ra hôm ăn cá sống ngoài chợ là hành động vô thức. Anh thèm quá mà không kiểm soát nổi hành động bộc phát của mình. 

 

 màn trình diễn khiếp đảm

 di[-]nhan[-]2

 Chuẩn bị xơi tái trùn trứng

 

Thấy tôi cứ tròn mắt như là không tin lắm vào lời anh kể, anh cười: “Không thuyết phục phải không? Đợi đấy, tui sẽ ăn vài con vật sống cho cô xem!”. Nói đoạn anh nhổm dậy khỏi chiếu, giở mấy bức tranh treo trên tường, chẳng thấy bóng con thằn lằn nào, tìm trong xó tủ cũng không thấy ả gián nào. “Lạ thật, mấy bữa tụi này xuất hiện nhiều lắm mà! Thôi được rồi, đợi tui chút nha, tui chạy lại đây bắt con ốc ma về cho xem”, nói xong anh dắt xe đạp chạy cái vù ra đầu xóm. Độ 10 phút sau anh chạy về, thả xuống nền gạch hoa cho tôi nhìn thấy con thằn lằn sống đang cố trườn tẩu thoát và một gã ốc ma đen sì.

 

“Xem nhé, tui nuốt con thằn lằn trước nè”, anh nói và đút tọt con thằn lằn vào miệng. Thoáng chốc con thằn lằn đã yên vị trong cuống họng của anh Tùy.

 

Kế đó anh cầm con ốc ma to bằng ba ngón tay còn đang ngọ nguậy, nhảy xuống thềm, đến hòn đá ngay bụi cây đập một cái chát, vỏ ốc vỡ ra tung tóe. Anh moi lấy cái ruột rồi tiến lại ang nước dưới giàn bầu xối vài ca, rồi bỏ vào miệng nhai rột rột. Tôi há hốc miệng kinh hãi. Tôi cũng thuộc dạng ăn liều mạng, nào là dơi, dế, rắn, chuột…, sang đất nước Chùa Tháp Campuchia, tôi cũng quất tuốt nhền nhện, cà cuống, gián, bọ cạp… nhưng tất cả đều làm chín. Nhìn anh Tùy “ăn tươi, nuốt sống”, bất giác tôi nghe nhờn nhợn trong cuống họng. Bất chợt ngoài sân vang lên giọng của một đứa con nít: “Chú Tùy ơi, có Bù Nặc!”.

 

Anh Tùy đang rửa tay, chạy vù lên trước nhà. Anh túm cổ con rắn nhỏ bằng ngón tay cái trên tay thằng nhóc, có vẻ khoái trá. Gã rắn còn sống nhăn, cái lưỡi thè lè trông ớn lạnh. Anh cho biết đây là loại rắn có nọc cực độc, là loại rắn đặc trưng của đảo Lý Sơn, thuộc dòng rắn hổ mang. Bọn này xuất hiện nhiều trong các khe đá trên núi và thường bò ra các cánh đồng kiếm ăn và thường ẩn trú tạm trong các bờ bụi, hang hốc. Loài này cũng đã sát hại không ít người dân đảo rồi… Anh lấy tay phủi lớp bụi đất bám trên mình gã rắn rồi nói: “Xem nhé, tui ăn nó thật đó!”.

 

Tôi gục gặc cái đầu. Anh đút cái đuôi con Bù Nặc vào miệng, “phập” một cái thật ngọt, cái đuôi rắn đứt lìa trong miệng, anh nhai rệu rạo, phần còn lại anh xách giơ lên trời, những giọt máu tươi cứ thế nhỏ vào miệng anh không sót một giọt. Cô con dâu họ Đặng thấy thế sợ xanh cả mặt. Còn tôi dù bạo gan tới mấy cũng không khỏi rùng mình…

 

1 lạng rưỡi thịt sống = 1 kg thịt chín 

 di[-]nhan[-]3

Hỏi anh tại sao lại ăn sống như vậy, không sợ trúng độc hay sao? Anh cười: “Tui nghĩ khả năng ăn tươi nuốt sống của tui là trời phú. Tui nghĩ chuyện ăn bắt đầu từ thị giác, nhìn thấy thích, kích thích lên thính giác, rồi đến xúc giác, vị giác. Còn thần kinh mới là cái quyết định cuối cùng. Tui không sợ độc đâu. Tui không biết tại sao lại như thế, tui cảm thấy ăn sống rất ngon, càng ăn những con vật tươi sống giãy đành đạch thì càng có nhiều chất dinh dưỡng. Khi ăn xong con gì no bụng rồi tui lại thấy đầu óc tỉnh táo, tinh thần sảng khoái và dường như có sức khỏe hẳn ra. Lúc đó chỉ muốn đi ra đồng làm việc không thôi. Mà này, “dĩ độc trị độc” đó. Con gì càng độc thì càng chữa bệnh tốt à nghen!”.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh – hàng xóm anh Tùy – cho biết: “Ở đảo Lý Sơn này có ai dám ăn uống lạ kì như anh Tùy đâu, nhất là ăn các loại rắn độc, cóc độc. Vậy mà anh ấy còn dám thử nghiệm cho cả rắn hổ mang cắn nữa đó. Ai nấy cũng tưởng ảnh “đi tum” rồi, vậy mà chẳng hề hấn gì. Như tui nè, tui bị bệnh hoen suyễn nặng, nghe nói trong một tháng nuốt nhiều con thằn lằn sống thì sẽ khỏi bệnh. Tui liều thử một lần, bắt được hai con thằn lằn, tui sang nhà anh Tùy nhờ ảnh ngồi đấy nuốt một con cho tui có dũng khí. Và rồi tui nhắm mắt, bấm đuôi con thằn lằn kia cho nó chạy tọt vô cuống họng, rồi ngậm miệng lại. Úi mẹ ơi, nó chạy tùm lùm tum la, tui điếng, ói một trận ra hồn. Kể từ đó bệnh thì bệnh chứ tui không dám nuốt sống thằn lằn như anh Tùy nữa đâu!”.

 

Qua trò chuyện, tôi biết anh Tùy có một công thức ăn thịt sống kinh hồn. Đấy là chuyện anh bắt hai con rắn hổ mang và rắn mái gầm, anh bẻ răng tuốt cả hai con, quay vòng chúng trên không một chặp rồi bắt đầu ăn sống một con. Suốt cả ngày anh chẳng thấy đói điếc gì cả. Con còn lại cũng chừng ấy kg, anh luộc chín thịt ăn, đến nửa buổi thì bụng lại đói quay quắt. Từ đó anh vừa ăn rắn cùng các con vật khác vừa nghiên cứu thì biết rằng ăn một lạng rưỡi thịt sống bằng ăn một kg thịt chín và ăn thịt chín thì bốn tiếng đồng hồ sẽ đói, còn ăn sống thì bình thường đến 24 tiếng mới thấy đói. 

 

 Càng "an tươi nuốt sống" càng tăng thêm khả năng ngoại cảm !

   di[-]nhan[-]4

 Đi bắt rắn làm thức ăn 

 

Anh nhẩm tính cho chúng tôi nghe, riêng lũ côn trùng dưới đất, anh đã ăn khoảng 400 loài, từ kiến, mối, bọ xít…cho đến bọ hung, rắn, rít, cóc, thậm chí là cá nóc…miễn là con gì anh bắt được cũng cho vào miệng. Đặc biệt, ở đảo Lý Sơn này có 30 loại bướm thì anh cũng đã ăn đủ trong suốt 30 năm qua.

 

Anh Tùy cười hì hà: “Nói thật, trong những con vật mà tui ăn, loại khó ăn nhất là con rít, gián, cuốn chiếu. Tụi nó bay mùi khen khét, ăn vào lưỡi như bị quẹt dầu gió vậy. Tui rút kinh nghiệm, gặp những loại này nuốt sống ngon hơn. Ăn ngán thì uống nước lã vào, hết ngán ăn tiếp. Nhưng nói gì thì nói, loại ốc ma ăn ngon lắm à nha. Con này ăn rất mát, nó ăn lá hỗn hợp, có chất nhớt nhiều, nhiều đạm, ăn nhiều sẽ trẻ lâu. Ăn nó còn trị được bệnh đau lưng, đau khớp. Một buổi sáng, tui thường ăn đến chục con ốc ma. Nói thiệt, ngày nào không ăn được con chi tươi sống thì tui khó chịu lắm! Ăn thịt sống, tui không bị dị ứng hay ngộ độc gì cả.”. .

 

Ngồi trực diện với tôi trên thềm nhà, anh nói càng “ăn tươi, nuốt sống” anh càng có khả năng ngoại cảm, biết được suy nghĩ của người khác, đầu óc thông minh hơn và có thể dự đoán được những chuyện trong tương lai. Tôi tỏ vẻ không tin, bảo rằng: “Anh xem thử em ra sao?”. Anh cười: “Cô này đang không tin tôi đây mà. Cô có trí nhớ tốt, thông minh nhưng mà số phận khổ lắm đấy…!”.

 

Và rồi anh nói chuyện cách đây 4.000 năm con người ăn gì. Thời nguyên thủy, khi con người còn ăn lông ở lỗ, mặc khố, cứ sống trong hang hốc…nhưng tổ tiên ta đã biết cầm hai hòn đá chẹt vào nhau để tạo thành lửa nấu chín thức ăn.

 

Họ cho rằng thức ăn chín là ngon…Thế nhưng quan niệm của anh lại khác, ăn tươi nuốt sống lại có nhiều chất dinh dưỡng hơn và quan trọng là no lâu hơn. Rồi anh còn nhẩm tính rằng vào năm 2.035 thì có khoảng hơn 110 nước trên thế giới có đàn bà làm tổng thống.

 

Anh khẳng định thế kỉ này là thế kỉ của đàn bà, đấy cũng bởi hai chữ “bình đẳng” mà ra. Và rồi anh dự đoán những chuyện xa xôi trong tương lai, tôi nghe cũng chẳng rõ được gì nhưng khả năng ăn tươi nuốt sống động vật của anh thì tôi tin là có thật!

Nguyễn Thị Thu Hiền
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Người nuốt sống côn trùng ở đảo ngọc Lý Sơn !

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI