Người cứu hơn 500 người khỏi lưỡi hái tử thần
(19:36:39 PM 18/06/2011)
Cứu người thập tử nhất sinh
Một buổi sáng mùa khô se lạnh, lương y Phạm Duy cùng chúng tôi đến thăm ông Ae Đương ở buôn Niêng - một buôn đồng bào Êđê gần 100 nóc nhà ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ông Ae Đương đang chuẩn bị ra rẫy, thấy vị lương y liền ôm chầm lấy, cười vồn vã: “Giàng ơi, ân nhân đến thăm mình à, nhờ thầy Duy này mà mình thoát chết đó”.
Lương y Phạm Duy giới thiệu cây kim vàng có trong thành phần bài thuốc Đoạt mệnh tán - Ảnh: T.N.Q
Nhắc đến chuyện bị rắn cắn, giọng ông Ae Đương như chưa hết thảng thốt: “Đã 4 năm rồi, nhưng mình đâu quên. Hôm đó, uống rượu gần say, thấy con rắn cạp nong to bằng cổ tay bò qua trước sân, chui vào đống rơm mình liền túm lấy đuôi kéo ra. Nào ngờ con rắn quay lại đớp một phát vào tay, vài phút sau mình nằm lăn quay kêu giàng, tưởng chết đến nơi”.
Lương y Duy nối tiếp câu chuyện: “Người đã uống rượu bị rắn cắn thì nọc độc phát tác nhanh lắm. Ông Ae Đương này được chở đến nhà tôi trong tình trạng toàn thân tím tái, co giật, tay ôm đầu kêu đau như bị dùi đâm. Tôi phải cho uống thuốc liên tục một tuần ông ấy mới hồi phục”.
Ông Ma Bu ở cạnh nhà Ae Đương nghe “thầy Duy” đến thăm cũng qua chào hỏi, nhắc lại với vẻ biết ơn vị lương y đã cứu vợ ông là Mí Bu qua cơn nguy hiểm do rắn lục cắn khi đang hái cà phê. Mọi người cũng kể lại việc cứu một phụ nữ khác trong buôn Niêng cận kề cái chết là Mí Um.
Một chiều nọ, Mí Um đang lấy củi ngoài vườn thì bị một con rắn hổ từ ngọn cây phóng thẳng, mổ một phát vào trán. Trong chốc lát, nọc độc khiến Mí Um gần như tê liệt, khuôn mặt bà biến dạng, mắt như lồi ra, cổ sưng to. Khi bà con buôn Niêng chở đến gặp lương y Duy, Mí Um được cạy miệng đổ thuốc vào, một hồi thì tỉnh lại.
Sau hai hôm uống thuốc, khuôn mặt bà mới trở lại bình thường. Ông Duy bảo, cái khó khi sơ cứu người bị rắn cắn vào phần đầu là không thể buộc ga-rô để ngăn máu mang nọc độc lưu thông. Trường hợp bà Mí Um nếu không chữa kịp thời, chậm thêm vài chục phút sẽ nguy đến tính mạng.
Trở lại nhà mình, ông Duy đưa cho chúng tôi xem hàng xấp thư cảm ơn của những người được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi bị rắn độc cắn. Mỗi lá thư, theo ông Duy, là kết thúc có hậu của một cuộc thử thách đối với cả người bị nạn và người ra tay cứu chữa. Lần giở ký ức, ông Duy kể cho chúng tôi nghe chuyện chữa trị một số trường hợp rắn cắn nguy cấp.
Vào một buổi hoàng hôn, ông Ama Mir ở buôn Ky, xã Ea Nuôl đang loay hoay cho bò vào chuồng thì bất ngờ bị một con rắn không rõ hình thù cắn phập vào chân. Ama Mir bò lên được cầu thang nhà sàn thì cấm khẩu, toàn thân tê liệt. Vợ con vội vã đỡ ông lên xe máy trực chỉ nhà thầy Duy.
Lúc đầu không thấy rõ vết rắn cắn, ông Duy cho uống một liều thuốc hãm độc. Sau đó, vạch áo thấy cơ bụng nạn nhân cứ nổi cuồn cuộn, toàn thân co cứng, ông Duy biết Ama Mir bị rắn cạp nia cắn phải, liền cắt bài thuốc chống độc cạp nia.
Ông Duy giải thích: “Cạp nia (còn gọi là mai gầm) là thứ rắn dữ, dân gian thường nói rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà, ý nói rắn mai mà cắn có thể chết người ngay tại chỗ, còn rắn hổ chậm hơn, về đến nhà nọc độc mới phát tác. Ama Mir gặp cảnh thập tử nhất sinh khi bị rắn mai cắn, may mà trong vòng một giờ đồng hồ đầu tiên đã có liều thuốc cấp cứu mới cầm cự được và qua khỏi”.
Chị Lê Thị Mai, một phụ nữ nghèo khó ở xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, bị rắn cắn lại gặp nguy hiểm theo kiểu khác do vết thương hoại tử. Một hôm chị xoay chiếc thùng phuy đựng nước ngoài sân thì bị con rắn hổ nằm phục bên dưới mổ vào ngón chân cái.
Vết cắn khiến chị phải nằm viện đến 15 ngày, khi chị khỏe lại thì bàn chân bắt đầu bị hoại tử. Bệnh viện cho chị dùng kháng sinh nhưng vết thương lại không lành, tưởng chừng phải cắt bỏ cả bàn chân. Nghe người giới thiệu, chị đến gặp thầy Duy.
Vị lương y dùng kim châm vào thấy chân chị Mai giật nảy lên, liền bảo: “Dùng kháng sinh không thể diệt được nọc rắn, nhưng chân còn phản xạ như vậy thì chưa đến nỗi phải cắt bỏ”. Ông cho chị vừa uống vừa đắp thuốc bột vào vết thương liền trong 3 ngày thì bàn chân bắt đầu lành lại. Chị Mai mừng quá đem biếu nửa chỉ vàng dành dụm được nhưng ông không nhận, vì “bình thường chữa rắn cắn tôi không bao giờ nhận tiền bạc, quà cáp của ai”.
Cũng khá giống trường hợp chị Mai, anh Thái Văn Nghĩa ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, đi rừng lấy mật ong bị rắn hổ cắn vào bàn chân làm cả cẳng chân sưng tấy, không đi lại được, bạn bè phải cõng anh lội rừng 4 giờ liền để đến bệnh viện.
Hơn 10 ngày sau, anh khỏe lại, xuất viện thì chân mưng mủ từ vết cắn lên đến đầu gối. Bệnh viện đề nghị cắt chi nếu không sẽ nguy hiểm, nhưng có người bảo anh Nghĩa đến tìm thầy Duy để “còn nước còn tát”. Chỉ sau 3 ngày chữa trị, vết thương trên chân anh Nghĩa ngừng xuất mủ, dần dần lành hẳn.
Bài thuốc Đoạt mệnh tán
Quê ở xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, trong những thập niên 60, 70 thế kỷ trước, ông Phạm Duy gắn bó với nghề dạy học ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đến năm 1985, ông vào Đắk Lắk làm công tác thư viện trường học, sau đó nghỉ hưu, định cư ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho đến nay.
Ông kể trong gia tộc có 6 người làm nghề thuốc, bài thuốc chữa rắn cắn mà ông đang sử dụng có tên Đoạt mệnh tán được xem là “bảo bối” của dòng họ, từng cứu chữa cho nhiều người ở quê hương. Mãi đến khi đứng tuổi, ông Duy mới được người cha truyền lại cho nhiều kiến thức y học cổ truyền và đặc biệt là bài thuốc quý.
Ông cắt nghĩa: “Đoạt mệnh tán là bài thuốc giành lại mạng sống của người bị rắn cắn khỏi bàn tay tử thần. Nó kết hợp những bài thuốc dân gian theo một công thức chỉ được lưu truyền trong dòng họ”.
Về hưu từ năm 1992, ông tham gia làm hội viên Hội Đông y huyện Buôn Đôn, được bà con trong vùng yêu mến gọi là “thầy Duy” bởi xuất thân nghề giáo và lại hành nghề thầy thuốc. Gần 20 năm qua, vị lương y 75 tuổi này đã chữa trị cho 526 người bị rắn cắn trên vùng cao nguyên Đắk Lắk.
Ông tâm sự: “Cha tôi từng dạy, nghề y là nghề của lương tâm, còn nghề giáo là nghề của nhân tâm. Giờ đây tôi đã có lương hưu đủ sống rồi, làm thêm nghề thuốc chỉ mong giúp người qua cơn hoạn nạn”. Ông cũng thổ lộ, hiện có cô con gái út đang học trung cấp Đông y ở Thái Bình, khoảng một năm nữa ra trường và một người con trai cả đang làm bác sĩ thú y sẽ được ông cho kế thừa bài thuốc chữa rắn cắn giúp đời.
Vị lương y già cho rằng, chỉ với bài thuốc gia truyền chưa đủ, để chữa trị rắn cắn thành công còn phải hiểu biết thêm nhiều thứ, nhất là cách quan sát người bị nạn. Ngay cả việc tháo ga-rô sơ cứu cũng phải tính toán. Đối với người yếu, phải cho uống thuốc trợ tim trước khi tháo ga-rô, nếu không máu còn mang nọc độc rắn chảy về tim thì nạn nhân dễ lâm nguy. Trong nhà ông còn lưu giữ những mẫu rắn độc ngâm rượu, có khi chỉ là đầu rắn, mà những người bị nạn đem đến giúp ông nhận biết loài rắn để dùng đúng liều lượng bài thuốc.
Khuất phục rắn lạ Lương y Phạm Duy bảo trong nhiều năm hành nghề, còn có câu chuyện đáng nhớ là khám phá một loại rắn lạ khi cắn làm “phá máu” nạn nhân, khiến máu không đông, cứ chảy hoài ở vết thương. Cách đây 4 năm, anh Đào Kim Sơn ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn khi đi rừng bị con rắn dài chỉ hơn một gang tay đớp vào chân, nằm viện 3 ngày mà vết cắn cứ rỉ máu, không có thuốc nào cầm được. Người nhà phải xin phép bệnh viện mời ông Duy vào chữa. Với bài thuốc Đoạt mệnh tán có gia giảm thêm các vị bí truyền, một ngày sau, ông đã giúp anh Sơn cầm máu vết thương và xuất viện. Sau đó, ông cất công tìm hiểu thì được biết, đây là loại rắn có nguồn gốc từ Thái Lan. Trong thời kỳ chiến tranh, loại rắn này được địch nhập về thả vào các giao thông hào xung quanh đồn bốt để “canh gác” ban đêm. Nếu các chiến sĩ đặc công bò vào bị loại rắn này cắn thì nọc độc làm máu chảy không dứt, gây tử vong mà không có loại thuốc tây nào chữa trị được.
|
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.