“Ngọn núi quái thú” và khu rừng sưa lớn nhất Việt Nam
(19:44:39 PM 18/06/2011)
Rừng sưa mênh mông trải khắp núi Thờ.
Trong cuốn sách “Bái Đính một vùng văn hóa” (NXB Thế giới) của tác giả Ngô Văn Minh, có nhắc đến một “khu rừng sưa” kỳ lạ ở quê ông. Tác giả kể: “Giữa cánh đồng lúa đông xuân xanh mượt mà, trên sườn một quả núi, là cả một rừng sưa có đến hàng nghìn cây. Chắc là đã có từ lâu lắm rồi.
Cây to đã bị chặt hết, chỉ còn các cây tái sinh đang phát triển và hầu như không có loài cây nào khác mọc xen vào. Nghe nói những năm 1960, địa phương đã chặt hạ 5 cây sưa, mỗi cây to hơn một người ôm. Đến mùa, hoa sưa nở trắng cả đồi. Hạt sưa bay tán theo gió nhưng không hiểu sao cả vùng chỉ có nơi đây có đồi sưa, các núi đồi ngay cạnh đấy cây sưa vẫn không mọc?”.
Từ những thông tin ít ỏi trong cuốn sách “giới thiệu văn hóa vùng miền”, tôi tìm về xã Gia Sinh. Lần mò dò hỏi những cụ già trông nom, hương khói trong cả ngôi chùa Bái Đính cũ lẫn chùa Bái Đính mới về một ngọn núi, nơi có rừng sưa, song các cụ già đều lắc đầu không biết.
Thậm chí, vào UBND xã Gia Sinh, gặp vài lãnh đạo, hỏi về khu rừng sưa với hàng ngàn cây sưa sin sít, song các lãnh đạo xã mỗi người trả lời một kiểu, người bảo không có, người bảo có vài cây, nhưng ở đâu cũng chả rõ, chỉ láng máng nghe người dân nói. Dường như, mọi sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân xã Gia Sinh đều đổ dồn vào ngôi chùa lớn nhất Việt Nam kia, chứ cái rừng sưa ngàn cây có lẽ được coi là vấn đề “bé tý”, chả đáng để quan tâm.
Dò hỏi cả chục bác xe ôm, rồi cũng có một bác bảo có láng máng nghe kể về một khu rừng sưa, ở mãi thôn Lương Sơn, cách chùa Bái Đính tới 4km, sâu trong vùng núi non hiểm trở.
Người dân Lương Sơn chỉ tôi đến nhà ông Nguyễn Trường Tam, trưởng thôn, hiện đang trông nom khu rừng sưa trên núi Thờ.
Gặp tôi, ông Nguyễn Trường Tam bảo: “Không hiểu ở đâu cứ rộ lên chuyện gỗ sưa bán đắt như vàng, nhưng người dân chúng tôi thì chả hiểu sao nó đắt như thế. Ở làng tôi, sưa mọc đầy núi, đầy vườn, mà chả thấy ai chặt bán”.
Theo lời ông Tam, đài báo suốt ngày đưa chuyện “sưa tặc” chặt trộm gỗ sưa, tuy nhiên, quanh làng ông, đặc biệt là ngọn núi Thờ, sưa mọc thành rừng, song chẳng thấy có dấu hiệu trộm cắp gì cả.
Riêng người dân ở xóm Lương Sơn, lâu nay không dám lên núi Thờ. Chỉ có ông Tam và nhóm quản trang, những người được phân công trông nom khu rừng sưa là thi thoảng lên núi kiểm tra.
Nghĩa địa bao quanh khiến núi Thờ rất lạnh lẽo, u ám.
Núi Thờ là một ngọn núi nhỏ, nằm giữa một quần thể núi non trùng điệp. Ngọn núi này có chiều rộng độ 500m, dài 1km và cao chừng 300m. Quanh núi có những khu nghĩa địa, tạo nên cảnh tượng hoang vu, lạnh lẽo.
Ngay dưới chân núi có một đền thờ tự nhiên, như mái đá, rất ít người dám vào. Trước đền thờ có cây trò chỉ ngàn năm tuổi và cây thị kỳ quái, với hai loại quả khác nhau. Cứ đến tháng 7 và tháng 8, cây thị ra quả trĩu trịt, nhưng một nửa có cây quả bình thường, còn một nửa cây quả bé xíu và dẹt, hình thù như đồng tiền xu.
Xung quanh ngọn núi này có nhiều chuyện kỳ quái, đồn đại thực hư, khiến người dân khiếp sợ, không dám lên núi.
Chuyện rằng, cách đây 5 năm, một số thanh niên ở xóm cạnh lên núi Thờ đào đá về nung vôi, bất ngờ núi lở, đá đè, người chết, người bị thương, người tàn tật suốt đời. Từ đó, chẳng ai dám lên ngọn núi Thờ lấy đá nữa. Kể cả những người chuyên đi săn đá cảnh cũng không dám bén mảng đến ngọn núi này.
Đặc biệt ly kỳ, rùng rợn, là những câu chuyện liên quan đến loài trăn mắc võng khổng lồ sống trong lòng núi Thờ, khiến càng ít người dám đặt chân lên núi.
Một người dân tóm được trăn khi nó bò ra khỏi núi Thờ.
Ông Tam kể, ông là người được giao nhiệm vụ trông nom khu rừng sưa trên núi, nên ông thường xuyên phải trèo lên núi để kiểm đếm, quản lý sưa. Rất nhiều lần ông chạm mặt trăn.
Núi Thờ là một ngọn núi đá vôi, với nhiều hệ thống hang động, rỗng ruột, ngóc ngách khắp nơi, nên loài trăn cứ thoắt ẩn, thoắt hiện. Đang thấy nó lao vù vù trên ngọn cây, đột nhiên mất tích như bốc hơi. Thực ra, nó chui vào các ngóc ngách xuyên vào bụng núi.
Những người đã từng lên núi Thờ, chạm mặt trăn một lần thì khiếp sợ không dám lên nữa, thậm chí chỉ nghe chuyện về trăn đã bủn rủn tay chân rồi.
Ngoài việc có rất nhiều trăn trên núi, thì các loài rắn độc cũng nhiều vô số. Trên núi Thờ có đủ các loại rắn hổ mang, hổ trâu, cặp nong, cặp nia, bọ đẹt, lục… Không ít người chỉ chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi đã bị rắn độc cắn chết. Mới đây nhất là vụ anh Nguyễn Quốc Linh, đi lượm củi dưới chân núi, bị hổ mang bành đớp vào tay. Mạng sống giữ được, nhưng một ngón tay phải tháo khớp vì hoại tử.
Đã có một số người lên núi Thờ giết chết trăn khổng lồ, sau đó, chẳng rõ có liên hệ gì không, nhưng đã gặp xui xẻo.
Người dân ở Lương Sơn đồn rằng, anh Luận phát hiện ra một con trăn đang xơi tái liền lúc 2 con dê, mỗi con 30kg của anh, tức mình, anh cầm dao xông tới, chém lìa đầu con trăn, vác về nấu cao. Nhưng chưa kịp dùng cao trăn, thì gia đình anh liên tiếp lục đục. Bi kịch đau lòng nhất đã xảy ra, mẹ đẻ anh Luận tự dưng nổi cơn tâm thần, dùng dao giết chết con gái, tức em ruột anh Luận.
Gần đây, cũng tức mình vì đàn dê nhà mình liên tiếp bị trăn xơi mất, ông Việt đã mượn được một khẩu súng hơi từ người bạn, rồi mò lên núi phục kích.
Một hôm, đàn dê “be be” chạy tán loạn. Lò dò lại gần, ông kinh hãi trông cảnh con trăn quằn quại vật con dê. Chờ nó bóp chết con dê, nuốt hết đầu con mồi, ông Việt vác súng tiến lại gí nòng vào đầu con trăn bắn một phát vỡ tan óc.
Kéo con trăn về nhà, đặt lên cân, thấy nó nặng tới 40kg. Với cân nặng như thế, con trăn mắc võng đủ sức nuốt sống 3 con dê, mỗi con nặng 30kg. Nó cũng có thể quật chết và nuốt chửng một thanh niên khỏe mạnh.
Vài ngày sau khi giết trăn, ông Việt ngồi ôtô đi Hòa Bình, đến chỗ cua gấp, ôtô lật chổng vó, ông bị thương rất nặng, nằm bất động trong bệnh viện cả tháng trời.
Thầy bói phán tai họa là do giết trăn trên núi Thờ mà ra, khiến cả nhà kinh hãi. Gia đình ông Việt đã làm mâm lễ, nhờ thầy cúng đến chân núi Thờ cúng bái. Ông Việt và gia đình cứ vái lạy xì xoạp cả buổi ở chân núi.
Những câu chuyện đồn đại, gán ghép như trên, cộng với việc có rất nhiều nghĩa địa bao quanh chân núi, đã khiến ngọn núi Thờ cực kỳ âm u, huyền bí. Chẳng ai ngoài những người được thôn xóm giao trông nom rừng sưa dám lên ngọn núi này. Rừng sưa cứ thế chìm trong những bí ẩn rờn rợn…
Còn tiếp…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.