Nghĩa địa dành cho heo
(19:38:56 PM 18/06/2011)
Toàn cảnh chùa Mã Tộc (Chùa Dơi).
Tất nhiên cư dân của nghĩa địa này không phải những con heo bình thường, mà đó là những con heo khuyết tật có 5 móng. Theo quan niệm của một số người Khmer, những con heo 5 móng là cốt tinh của con người, có linh hồn, bị đày đọa nên mang lên để nhà chùa nuôi, giúp “họ” tu hành, để hóa kiếp. Trước những nhân trư này, người dân bản địa không dám ăn thịt, cũng không dám tự nuôi, họ đối xử với heo 5 móng như với con người và đến khi heo chết, người ta dành riêng cho heo hẳn một nghĩa địa.
Mả heo có từ bao giờ?
Người dân ở đây ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện: 21 năm trước, cụ Khiên - một người làm công quả quét dọn ở chùa nằm mộng thấy có một phụ nữ đến gõ cửa tìm cụ xin qui y cửa Phật. Sáng tỉnh dậy, cụ mở cửa nhìn thấy một con heo cái khá to nằm chình ình, quay mõm vào trong nhà nằm ngủ ngon lành. Cụ đánh thức, nó không dậy, cụ đuổi xua, nó cũng không buồn bỏ đi.
Sau đó thì cụ đành đặt tên là Năm Hợi và cho “cô” Năm Hợi ở trong khuôn viên chùa. Không giống họ hàng nhà Trư, “cô” Năm Hợi rất hiền lành, suốt ngày đi dạo trong khu vườn. Đến giờ Ngọ, các sư thầy cho thức ăn chay. Chẳng bao lâu cô Năm Hợi đã nặng hơn 400 cân, trông như một Sum- mô Heo nhất đẳng.
Những “cô” Sáu, Bảy, Tám Hợi trong chuồng.
Tiếng đồn quanh vùng Sóc Trăng, chùa Mã Tộc thuần hóa những con heo thành tinh (5 móng, 3 chân...) nên khi đàn heo sinh ra có con 5 móng, người nhà liền mang lên chùa gửi. Sư cả Kim Rênh- Đại đức trụ trì thứ 19 của chùa cho biết: Do người dân không dám nuôi, không dám làm thịt nên đàn heo 5 móng mang lên chùa gửi ngày càng nhiều. Nhà chùa không thể lo nổi cái ăn và chỗ ở nên hằng tháng cô Năm Hợi làm “sư tỷ” dắt theo cả chục đàn em lớn nhỏ xếp thành hàng đi lang thang theo đường Lê Hồng Phong, phường 3 rồi vòng các ngả trong chợ... khất thực (xin ăn). Cứ xong một chuyến hành khất, chúng lại lục tục trở về chùa bình an để dưỡng sức cho một ngày mới.
Người dân thị xã Sóc Trăng cũ đã quá quen thuộc với bầy heo 5 móng ở chùa nên khi thấy chúng ngang qua nhà, thường mang đồ ăn chay, hoa quả ra dâng. Có người sùng tín, mộ đạo dâng cả trầu cau, “cô” Năm Hợi nhận hết, nhai bỏm bẻm như bà già nhai trầu.
Ngày 15-7-1996, cô Năm Hợi viên tịch, thọ 7 tuổi. Một nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh tài trợ tiền xây cho cô Năm Hợi ngôi mộ khá đẹp, mặt trước xây hình Con Heo 5 móng, bên dưới trang trọng ghi dòng chữ: Năm Hợi, chết ngày : 18-7-1996 DL, thọ 7 tuổi. Từ đó, khi có con heo 5 móng qua đời, nhà chùa và những người mộ đạo đều tổ chức lễ đưa ra nghĩa địa và chôn cất tử tế. Lâu dần, nơi đây trở thành nghĩa địa có một không hai này.
Lăng mộ heo.
Bát nháo việc kinh doanh tâm linh
Các loại xe ô tô khi tham quan chùa đều dừng gửi ngoài bãi cách cổng chùa gần 700m, giá 10.000 đồng/ lượt. Một tay xe lôi ôm nói tỉnh queo: Vào chùa 10.000 đồng xe lôi, miễn phí vé vào cổng mà... Đúng là một tay láu cá, vào chùa ai bán vé!
Dãy hàng quán, lều võng mọc lên chi chít hai bên đường. Lời mời chào bắn theo du khách nheo nhéo. Đến chốn thanh tịnh mà phải nghe những lời trần tục này khiến không ít người phải bịt tai che mắt. Chưa kịp thở thì những người mộ đạo phải lên tục lắc đầu với đám trẻ mè nheo, đeo bám bán vé số: “Chú ơi, cô ơi, tội con, mua dùm còn một tờ duy nhất. Lộc chùa này hên lắm”. Xưa rồi Diễm, thượng đế đi tham quan chùa, chứ không đi cúng chùa và làm từ thiện. Bực mình, anh bạn tôi đề nghị: Lượn một vòng xem mả heo, xem chuồng nuôi heo... thì về. Đủ rồi.
Nghĩa địa heo nằm ngay sau nhà bếp, nhà vệ sinh của chùa nên vào mùa mưa rất bẩn. Mùi hôi hám, xú uế trái ngược với không gian thanh sạch chay tịnh nơi này.
Những ngôi mộ có hình con heo cỏ mọc khá cao, bên dưới lư bệ thờ là rác, nước thải cơ hồ muốn xóa đi những gì người ngoài từng nghe là linh thiêng vi diệu. Một phụ nữ tên Hoa giải thích: Hằng năm đến ngày thanh minh tảo mộ, tất cả mộ đều được sửa sang, sơn phết lại, nhưng sau đó vì nhiều việc nên các sãi các sư không đủ sức để chăm mộ phần của các nhân trư này.
Trong vườn chùa, một đoàn du khách đang ngẩng cổ đắm đuối nhìn hàng ngàn con dơi treo ngược vắt vẻo trên ngọn cây trong chùa. Từng có những thời gian, chùa Dơi là thánh địa của loài dơi quạ. Có con sải cánh hơn 1,5 m. Máy ảnh lia lịa chớp, phá vỡ giấc ngủ của loài dơi. Không gì khó hiểu khi gần đây loài dơi càng ít về khu vườn cây dầu cổ thụ này. Mùi phân dơi, mùi xú uế khu mả heo đã làm nhiều du khách không thể kiên nhẫn được lâu hơn...
Ra khỏi cổng phụ chùa, bên gốc cây vệ đường, ai đó viết sơn xanh lên tấm bảng hướng dẫn “cấm ô tô vào”, bên trên là chữ HEO với mũi tên chỉ dẫn. Băng qua một đoạn đường lát bê-tông thì đến nơi rất kinh hoàng: Hai lò thiêu người chết (đài hóa thân) và chuồng nuôi heo 5 móng nằm phía sau. Muốn xem heo 5 móng, không còn cách nào khác phải qua lò thiêu.
Mùi hôi hám của tro than lò thiêu lẫn với mùi phân heo đậm đặc cả không gian của cánh đồng phía sau. Tới nước này thì không ai đủ can đảm đứng nhìn bầy heo 5 móng nữa. Bấm vội mấy tấm ảnh lưu niệm, du khách tìm đường thoát nhanh khỏi chốn trần ai này. Có lẽ những ai tò mò muốn đến tham quan chùa Dơi thì chỉ nên đến thưởng chùa, chớ nên thêm tham vọng khám phá nghĩa địa heo hay chuồng nuôi heo 5 móng đang lúc mùa mưa này.
Chùa Mã Tộc là ngôi chùa cổ kính và đẹp vào bậc nhất của đồng bào Khmer, có lịch sử trên 400 năm. Việc tham quan, viếng chùa và ngắm bầy dơi hàng ngàn con vắt vẻo trên ngọn cây đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Một không gian yên tĩnh, tinh khôi và đậm chất thiền là ước mong và kì vọng của bao du khách.
"Nhà chùa không thể lo nổi cái ăn và chỗ ở thế nên, hằng tháng cô Năm Hợi làm “sư tỷ” dắt theo cả chục đàn em lớn nhỏ xếp thành hàng đi lang thang theo đường Lê Hồng Phong, phường 3 rồi vòng các ngả trong chợ... khất thực (xin ăn)"
Sóc Trăng tháng 12-2010
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.