NƯỚC MẮT KÙN BLU !
(19:46:28 PM 18/06/2011)
VFEJ)- Con Kùn blu (heo rừng, lợn lòi theo cách gọi của người Bana) vừa bươn theo suối, vừa cố tranh thủ ủi lấy đất mềm để kiếm mấy miếng mồi là con giun, dế trũi. Nó chợt khự lại, mũi khịt khịt liên hồi. Dường như nó phát hiện điều gì. Nhưng kìa, trễ rồi! Một chân thằng heo đã dính vào cái bẫy đất. Nó cố gắng giựt mạnh ra. Bên góc khuất, Ken đã lắp nỏ và những tay thợ khác cũng chỉa mũi nỏ về phía hắn. “phựt”. Con Kùn blu rống lên điên cuồng. Phát nỏ cắm thẳng trên lưng làm nó lồng lên dữ dội, mắt đỏ hoe Cánh thợ săn túa ra từ mọi phía. Người cây, kẻ thì gậy đâm chọt thằng Kùn blu xấu số. Con vật đau đớn ngã vật xuống đất, đành thúc thủ trước đám người lố nhố … Nạn săn bắt động vật hoang dã ở huyện miền núi An Lão – Bình Định vẫn chưa chấm dứt… Hàng ngày máu của động vật hoang dã ở vùng rừng núi này vẫn chảy.
Con Kùn blu -miếng mồi ngon của cánh thợ săn xuyền rừng
Đêm thế mạng giữa đại ngàn !
Cơm chiều vừa xong, cả đoàn làm phim tài liệu khoa học chúng tôi tất tả leo lên con U-oát già do “tay lái lụa” Lê Ngọc Tám (tay lái xuyên rừng cực giỏi của Lâm trường An Sơn – Bình Định) điều khiển rời khỏi phân trường 1 nhằm thẳng hướng rừng già thuộc thôn 1 thẳng tiến. Trời vừa đổ mưa, đất đỏ dẻo nhẹo, càng khó đi hơn trong bóng đêm mập mờ. Đường rừng nhỏ hẹp, lại quanh co, khúc khuỷu và mấp mé bên những lỗ vực làm chúng tôi sợ muốn thót cả tim. Gần nửa tiếng sau, trong tiếng chiêng rộn rã đầu ngõ thôn 1, thôn xa nhất của xã An Toàn, nằm ngay cạnh bìa rừng Bằng Sơn, chúng tôi được dự lễ cúng “thế mạng” của người Bana trước khi vào rừng săn Kùn blu.
Tác giả (trái) đang được một thợ săn hướng dẫn làm bẫy bắt Kùn blu.
Hú … ú … ú … u … Hú … ú … ú … u … Bùm … boong … Bùm … boong … Già làng Bá Thiên cất tiếng hú. “Theo luật tục, không ai được tắm rửa. Không được nói chuyện lớn tiếng. Phải theo sát cánh thợ săn để không bị lạc trong rừng. Bây giờ chuẩn bị làm lễ dâng vật “thế mạng”…” - dứt lời, Già làng Bá Thiên vỗ tay đồm độp ba cái. Tiếng chiêng lại bùm … boong… Một đoàn người ăn mặc đồ truyền thống đồng bào Bana tiến vào gần bếp lửa. Trên tay người dẫn đầu là một chiếc khay có phủ khăn đỏ. Một con gà trắng toát từ đầu đến đuôi đã bị cột hai chân, miệng nó hãy còn la quang quác vì hốt hoảng trước đám đông người. Già làng Bá Thiên khấn: “Ới Giàng! Sớm mai, chúng con cùng đoàn làm phim tài liệu phải vào rừng bẫy con Kùn blu. Xin dâng cho Giàng con gà ác này, để Giàng trừ lũ sói rừng, cọp rừng và con Kùn blu độc ác rình rập, tấn công chúng con trong lúc đi săn. Xin Giàng chứng nhận cho lòng thành của chúng con!”. Ông vái ba cái ở chính diện rồi thêm vài cái tứ phía. Một người khác trong đoàn dâng lễ vật bước đến. Già làng Bá Thiên cầm lấy con dao sắt nhỏ và cái chén rượu. Ông hớp ngụm rượu phun phù phù vào đầu con gà trắng như tuyết kia và tiện tay nhổ một vài sợi lông trên cổ nó. Một nhát dao lia nhẹ “phựt”, con vật khốn nạn oặc oặc lên ba tiếng rồi trợn trắng mắt và nằm im. Người bưng khay vội vái đất trời ba cái rồi lui ra. Già làng Bá Thiên chỉ đạo làm thịt con gà ác ấy cho đoàn làm phim cùng ăn để trừ tà trước khi vào rừng. Chúng tôi cũng được già làng mời lên làm phép tại buổi lễ.
Theo lí giải của người đồng bào, con gà trắng tinh kia chính là thứ “đại kị” của thú dữ trong rừng sâu. Cho nên trước khi vào rừng bẫy Kùn blu, cần phải cúng gà trắng thế mạng.
Cuộc tập kích giữa rừng sâu
4 giờ sáng, Già làng Bá Thiên vỗ mấy tiếng chiêng đánh thức chúng tôi và cánh thợ săn dậy. Những tay nỏ đã sẵn sàng vũ khí săn heo. Bá Thiên chợt quay mòng mòng trên một trảng cỏ ngoài bìa rừng, miệng ông lẩm bẩm cái gì đó một hồi, chúng tôi nghe không rõ. Khi ông dừng lại, ông bảo cánh thợ sắp xếp thành một hàng dọc có trật tự từ lớn đến nhỏ.
5 giờ sáng, rừng âm u, mập mờ trong hơi sương lạnh. Lũ vắt rừng nghe động búng tí tách vào mình mẫy những người đi rừng. Bụp, bụp, mọi người lần lượt lọt xuống một đoạn suối rừng trước mặt, nước ngập lên đến tận đùi. Cả đoàn cứ thế mà bì bõm trong dòng nước lạnh rừng sâu vừa qua đêm mưa. Đến một đoạn suối um tùm cây rừng nho nhỏ giăng ngang, Già làng Bá Thiên chợt ra lệnh cho cánh thợ săn dừng lại làm bẫy bên một mép nước. Thật nhanh nhẹn và thuần thục, cánh thợ săn tỏa ra bốn phía, những nhát rựa lóe lên trong bóng tối rừng già nghe soàn soạt, từng nhánh cây rừng văng xuống. Những cái bẫy được mắc ngay bờ suối thật lẹ và cánh thợ săn vội bẻ những nhành cây cắm xuống nền đất rừng ẩm thấp quanh bẫy để ngụy trang. Ken - Trưởng thôn thôn 1 xã An Toàn, chàng trai trẻ cũng là một thợ săn giỏi - vội giải thích: “Lũ kùn blu khôn lắm! Trời mưa xong, đất rừng mềm nhũn ra là chúng cứ khịt khịt mũi, ùi ụi đi kiếm ăn liền. Khát nước, hắn lại mò ra suối uống. Phát hiện cây cối dọc đường đi không bình thường là hắn chạy biến mất hút. Cho nên làm bẫy xong phải lấy cây lá rừng ngụy trang lại như cũ để che mắt”.
Bất chợt, Già làng Bá Thiên hét bảo người bạn trong đoàn làm phim tránh sang một bên. Một tiếng “phựt” thật to, đập mạnh vào những nhánh cây rừng. Tôi quay ngoắc lại, một nét hãi hùng hiện lên trên gương mặt người bạn. Theo hướng mắt anh nhìn, chúng tôi thấy có một mũi lao gỗ mới toanh cắm phập vào thân một gốc cây rừng. Già làng Bá Thiên cười khà khà vỗ vai anh bạn ấy: “Cái loại này là bẫy lao, dùng bẫy heo cực tốt nhưng cũng cực kì nguy hiểm. Không có một con thú nào chạy thoát nếu dính bẫy này. Kùn blu đi uống nước sẽ chạy ra theo dọc đường mòn nó quen đi. Nếu bẫy đất ngay bờ suối không làm dính chân nó được thì cái bẫy lao cứng này sẽ hạ gục nó ngay”.
Chui vội vào lùm cây cách bờ suối một đoạn 20m, móc nắm cơm nắm mang theo, Bok Lanh đưa cho tôi và bảo: “Mày ăn đi! Đợi Kùn blu lâu lắm đấy. Coi chừng đói rũ ra bây giờ!”. Nuốt vội nắm cơm, lúc này chúng tôi mới cảm thấy người mình bốc mùi hôi thật. Đã 3 ngày rồi không được phép tắm vì sợ mùi thơm xà phòng sẽ làm con thú tránh xa. Bok Lanh chỉ tay về hướng cái bẫy đặt ngay mép suối nói: “Con heo, con mang qua suối uống nước, nó chỉ xuống một chỗ này thôi, chỗ sình nó chẳng xuống đâu”. Qua tâm sự, chúng tôi được biết Bok Lanh hơn 10 năm trước là tay bẫy heo rừng kì khôi của rừng già An Toàn. Bok đã tập bắn heo từ năm 21 tuổi, bây giờ Bok đã 59 mùa rẫy rồi.
Con Kùn blu vừa bươn theo suối, vừa cố tranh thủ ủi lấy đất mềm để kiếm mấy miếng mồi là con giun, dế trũi. Nó chợt khự lại, mũi khịt khịt liên hồi. Chúng tôi muốn ná thở. Dường như nó phát hiện điều gì. Nhưng kìa, trễ rồi! Một chân thằng heo đã dính vào cái bẫy đất. Nó cố gắng giựt mạnh ra. Bên góc khuất, Ken đã lắp nỏ và những tay thợ khác cũng chỉa mũi nỏ về phía hắn. Thằng heo vẫy vùng chà sát xuống mặt đất. Ken hét lên lanh lảnh “manh, manh” và buông tay nỏ “phựt”. Thằng heo rống lên điên cuồng. Phát nỏ cắm thẳng trên lưng làm nó lồng lên dữ dội, mắt đỏ hoe như muốn nuốt chửng lấy những “thằng người” độc ác kia. Cánh thợ săn túa ra từ mọi phía. Người cây, kẻ thì gậy đâm chọt thằng Kùn blu xấu số. Con vật đau đớn ngã vật xuống đất, đành thúc thủ trước đám người lố nhố …
Già làng Bá Thiên hân hoan nét mặt vì chuyến đi săn thành công. Ông bảo: “Săn heo rừng nguy hiểm lắm. Nếu bắn nó bị thương, nó chưa chết, nó sẽ dí mình. Mình phải theo rình bắn hạ gục nó luôn thì lúc đó mình mới thoát được sự nổi điên của nó. Nó tấn công thì mình leo lên cây rồi nhảy xuống bắn tiếp. Nó rượt mình là chuyên gia xốc vào hạ bộ và mắc cá chân mình thôi. Ớn lắm! Heo một hung hăng lắm, nó không thích ở chung bầy mà chỉ đi kiếm ăn riêng lẻ một mình. Nanh nó nhọn lắm. Cho nên gặp nó phải cẩn thận nhiều !”…
Anh Nguyễn Thanh Sinh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện miền núi An Lão cho biết: “Nếu người dân ở đây cứ săn bắt như thế thì đến một lúc nào đó, loại động vật hoang dã này sẽ vắng bóng ở những cánh rừng. Trong năm vừa qua, đội kiểm tra của Hạt chúng tôi đã gỡ được hơn 200 chiếc bẫy của họ. Chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ có một biện pháp nào đó để bảo vệ loại động vật hoang dã này!”.
NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.