Mưu sinh bằng nghề lượm rác
(19:35:42 PM 18/06/2011)
Có thâm nhập vào cuộc sống của những người lượm rác, được chứng kiến cảnh đua nhau tranh giành, mò xới trên những núi rác khổng lồ, trong cái mùi hôi nồng nặc mới hiểu hết được tình cảnh những người đã và đang ngày đêm xem cái nghiệp này như là cái cần câu cơm cho cuộc sống qua ngày. Tập trung đến đây, đều là những người vô gia cư, dân tứ xứ, người sa cơ lỡ vận…
Phải mất nhiều ngày làm quen, tôi mới được chị Tăng (một người lượm rác) đồng ý dẫn vào khu vực bãi rác thành phố (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) trong vai một người mới vào nghề. Trước khi đi, chị cẩn thận dặn dò: "Dù hôi thối thế nào cũng cố mà nhịn, đã vào đây thì coi như mình không có mũi, nếu sơ suất để biết là có người lạ vào đây thì mọi người sẽ bỏ về nguyên một ngày không ai làm nữa".
Thấy tôi thắc mắc, chị lại tiếp: "Đa phần những người vào đây lượm rác đều rất mặc cảm với nghề nghiệp của mình, nên lúc nào cũng bịt kín mặt đến 4-5 lớp khẩu trang, ngoài việc tránh hôi thối thì mục đích là để khỏi gặp người lạ".
Vừa rồi, cũng có mấy nhà báo và quay phim đến tìm hiểu thì ai nấy đều bỏ việc mấy ngày liền và đều phản ứng dữ dội khi phát hiện mình bị quay phim chụp ảnh, nên giờ mọi người ai cũng rất ghét những người lạ tới đây mà không biết lý do.
Cảnh lượm rác hằng ngày của những phụ nữ tại Huế.
Vật dụng hành nghề chủ yếu là 2-3 cái bao tải to, một que móc sắt và cuốc. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi đến đây, tôi không tránh khỏi sự choáng ngợp bởi những bãi rác khổng lồ, trong tiếng rền của lũ quạ, từng bầy trẻ con vẫn hồn nhiên chạy nhảy vui đùa.
Chị Tăng vừa làm vừa kể: "Cuộc sống của những người ở đây đều rất khổ, đàn ông thì đi bốc vác, xe thồ… đàn bà con nít ở nhà thì đi lượm rác, biết là cái nghề này là nguy hiểm, bệnh tật đủ thứ, vừa rồi xóm tui cũng có mấy người chết vì bệnh ung thư, có lẽ là do hít hơi rác quá nhiều, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn...?".
Đứng trên bãi rác được một lúc, tôi phải vào bóng râm nghỉ vì thật sự không chịu nổi mùi hôi quá nồng nặc. Thấy một đứa bé đang phân loại rác, khi nghe tôi hỏi về chuyện học hành thì nó lại lắc lắc cái đầu vàng hoe trả lời gọn lỏn: "Nghỉ học lâu rồi".
Rác ở đây, sau khi lượm được mọi người tập kết phân loại theo từng bao: những thứ có thể tái sử dụng và những thứ có thể đem bán. Trung bình, mỗi ngày đem lại thu nhập từ 10.000 - 60.000 đồng, cao nhất là vào dịp tết vì khi ấy rác từ khắp thành phố sẽ dồn về các khu rác này nhiều hơn.
Giây phút mà nhiều người chờ đợi nhất có lẽ là những lúc chiếc xe tải chở rác tới, đó là vào khoảng 4-5h sáng, dưới tiếng ầm ầm của động cơ, ánh đèn điện mập mờ, hàng chục con người chen nhau bới tìm. Những đứa trẻ cũng hồn nhiên, vô tư tìm những thứ mình thích...
Theo lời chị Tăng kể, nghề này cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Có người may mắn còn mò được mấy chỉ vàng, nhưng cũng hiếm lắm, trời cho thì được thôi. Còn chuyện tìm được xác chết cũng bình thường, đa phần là xác trẻ sơ sinh bị người ta bỏ. Nếu nhặt được thì sẽ đem chôn một khu riêng ở phía góc đồi.
Làm nghề lượm rác, sợ nhất là đến bệnh viện khám, có ốm đau gì thì cũng tự chữa cho khỏi thôi, chứ đến viện rồi thì biết bao nhiêu bệnh cho kể, về rồi lại thêm lo. Thôi thì cứ vô tư mà sống được khi nào hay khi đó. Chị Tăng thở dài. Cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều người ở đây chấp nhận cái nghèo, cái khổ như một điều hiển nhiên.
Trở về nhà sau một ngày làm việc nặng nhọc, vợ chồng chị Tăng cùng 2 đứa con nhỏ quây quần bên nồi cơm gia đình. Có lẽ, so với nhiều người ở đây thì nhà chị là may mắn hơn cả vì 2 con đều được đi học, mặc dù không biết đến đâu nhưng cũng vui và tự hào lắm rồi. Ngoài giờ nghỉ, 2 đứa con chị đều đi khắp thành phố trên chiếc xe đạp nhỏ để nhặt phế liệu giúp bố mẹ. Buổi tối, chính là thời điểm duy nhất mà cả gia đình sum vầy với nhau.
Chị còn kể, trẻ con trong xóm ở đây chỉ biết chơi với nhau vì ở đây xa thành phố, với lại ai mà cho con nít đến đây vì sợ lây bệnh. Có hôm, đứa con út chị vô tình nghe một người mẹ mắng con: "Nhác học thế, lớn lên chỉ biết xách bị lượm rác thôi", nghe thế chị cũng chỉ biết não lòng mà an ủi con…
Sau 3 ngày ở nhờ nhà chị Tăng và được thực tế bằng nghề lượm rác, tôi mới cảm nhận được phần nào thiệt thòi mà những con người ở đây phải chịu đựng. Rời xa cái xóm nhỏ, tôi để lại sau lưng dòng chảy cuộc sống thường ngày của những kiếp mưu sinh trong rác, mà ở đó chính cái nghề này đã hình thành ở họ một sự mặc cảm, tự ti với bên ngoài… đó như là cái vòng tròn luẩn quẩn mãi trong suốt cuộc đời của những con người nơi đây.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.