»

Chủ nhật, 19/01/2025, 17:54:04 PM (GMT+7)

Mùa đông trên đỉnh Fansipan

(19:49:41 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Cảm giác đầu tiên của tôi, là dù ở gần mặt trời nhưng Fansipan quanh năm mùa đông. Trùng trùng những đỉnh núi nhọn hoắt, hoang vu đến khôn cùng. Hình thành cùng dãy Himalaya trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất cách đây 160 triệu năm, Fansipan là ngọn núi cao nhất trong ngàn vạn những ngọn núi đá granít thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Cảm giác đầu tiên của tôi, là dù ở gần mặt trời nhưng Fansipan quanh năm mùa đông. Trùng trùng những đỉnh núi nhọn hoắt, hoang vu đến khôn cùng. Hình thành cùng dãy Himalaya trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất cách đây 160 triệu năm, Fansipan là ngọn núi cao nhất trong ngàn vạn những ngọn núi đá granít thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

 

Đây đó, giữa những vách núi cô quạnh, nơi chỉ có chim ưng và gấu sinh sống, những tảng băng hình thành từ những mạch nước nhỏ trong đá rỉ ra đã đóng băng từ lúc nào, phản chiếu ánh mặt trời sáng lóa. 

 

Lối mòn Fansipan

 

Rộng hơn 28.000 ha, trong đó hơn 21.000 ha thuộc tỉnh Lào Cai, phần còn lại thuộc Lai Châu, Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn. Lợi dụng địa hình vừa hiểm trở, vừa hiểm yếu, trấn giữ con đường yết hầu từ Việt Bắc sang Tây Bắc, chỉ cách cánh đồng Than Uyên, Thanh Phú, Phong Thổ... trù phú từ hơn một chục đến vài chục km, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu XX, quân thổ phỉ, tàn quân cờ vàng, cờ đen..., từ bên kia biên giới tràn sang, lấy khu vực này làm sào huyệt.

 

 

Vì thế, năm 1904, quân Pháp phải xây dựng một đồn binh trên độ cao 2.047 m, giữa nơi núi rừng hiểm trở này. Cũng từ đó, những đường mòn mở dần về phía đỉnh Fansipan. Thậm chí, người Pháp đã mở đường đi ngựa lên đến độ cao 2.500 m và dựng lên tấm bia đầu tiên xác định độ cao 3.143 m cho Fansipan.

 

Sau năm 1954, những con đường này dần trở nên hoang vu. Nhà văn Nguyễn Tuân từng một lần lên đến gần đỉnh Fansipan và định lượng chiều dài của quãng đường là ba lạng cao gấu! Đến những năm 1999 - 2000, cùng với sự phát triển của du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, chính quyền Sa Pa mới tìm lại đường lên núi.

 

Hầu như không còn một ai nhớ được con đường ngày trước. Người ta cứ phát cây, men theo những vách núi mà đi. Có khi mất tới mười ngày mới lên tới đỉnh và trở về. Có ba con đường để lên tới đỉnh Fansipan. Một xuất phát từ bản Cát Cát, một từ Sín Chải và một từ Trạm Tôn. Trong đó, đi từ Sín Chải đẹp nhất, hùng vĩ nhất nhưng cũng hiểm trở nhất, nhiều đoạn phải đu dây, vượt qua những vách núi dựng đứng để lên.

 

Điều dễ chịu nhất, thời gian này (những ngày đông) là ong, vắt không còn, loài rắn cũng đã đi ngủ đông từ ít nhất nửa tháng trước. Ở Fansipan, nguy hiểm nhất là loài rắn lục sừng. Vô phúc, nếu bị một cú mổ của loài độc xà này, giữa nơi núi non hiểm trở, e tính mạng khó mà giữ được.

 

Dưới 0 độ C

 

Dưới thị trấn Sa Pa, nhiệt độ ban đêm xuống dưới 5độ C. Nhưng như thế vẫn chưa thể coi là mùa đông trên đỉnh núi. Mùa đông năm nay đến muộn trên Fansipan. Những năm trước, từ giữa tháng 10, nước đã đóng băng diện rộng trên đỉnh. Cái rét đầu năm chỉ đủ làm những rừng phong ngả màu đỏ ối, trúc bắt đầu khô trút lá. Từ độ cao 2.500m trở đi, cứ lên cao 100m, nhiệt độ giảm tương ứng 1độ C.

 

Fansipan giữa biển mây.

 

08h00 sáng, chúng tôi đã xuất phát từ đèo Sẻ, bắt đầu hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương. Thật may mắn, người dẫn đường cho tôi hôm ấy là ông Lâm, người đã dọc ngang khắp mọi ngóc ngách dãy Hoàng Liên Sơn từ năm 1991 đến nay. Bị ung thư phổi, tưởng chỉ nằm chờ chết, may nhờ một số nhà sư Tây Tạng chỉ cho bài thuốc chữa bệnh, thế là ông vào hẳn Fansipan sinh sống, vừa dựa vào khí lạnh trong lành trên cao vừa dựa vào vườn thuốc nam khổng lồ men theo các sườn núi.

 

Trong những lần lần mò vào rừng kiếm thuốc, ông Lâm đã tìm ra con đường ngắn nhất, dễ đi nhất dài 11,8km từ đèo Sẻ lên đỉnh 3.143m. Vừa đi, ông vừa thủ thỉ chỉ từng loài cây đặc hữu, chỉ có ở Fansipan, trong đó nhiều loài có giá trị chữa bệnh rất cao, có những bệnh hiểm nghèo như ung thư, nếu hợp thuốc thì như ông Lâm, gần 20 năm nay vẫn rất khỏe mạnh.

 

"Chú ý nhé, lên đến độ cao 2.500m rồi" - ông Lâm nhắc nhở. 2.500m chỉ là một con số cơ học đối với hầu hết mọi du khách. Nhưng với một người thân thuộc với Fansipan, đây là một ngưỡng mới vừa thích thú vừa khó chịu. Tại đây có sự thay đổi khí hậu rất lớn, nếu những người quen được với khí hậu Fansipan, thật lý tưởng để dưỡng sức nhưng với những người chưa quen, từ độ cao này lên đỉnh rất khó chịu, bởi đi bộ rất nóng, nóng đến ướt đẫm mồ hôi, nhưng nếu cởi áo ra thì lập tức rét run cầm cập.

 

14h00 chiều, chúng tôi đã đến độ cao 2.800m. Đang trưa, Fansipan như hòn đảo nổi lên cô độc giữa biển mây tĩnh lặng, như bất động vĩnh cửu, trải rộng đến vô cùng. Thật là dịp hiếm hoi Fansipan có thời tiết lý tưởng như thế. Trời thăm thẳm. Chỉ một tuần trước thôi, cả dãy đại hùng sơn này còn chìm trong màn mưa dầm dề.

 

Tuần sau thôi, Fansipan sẽ lại chìm trong sương mù. "Hạ trại" - ông Lâm nói ngắn gọn. Là người biết nhiều, đi lang thang trong rừng Fansipan, ông cứ rủ rỉ cả ngày không hết chuyện. Chưa hết rừng thuốc này đã đến nương thuốc kia. Nhưng khi lên Fansipan, ông không cho nói chuyện cũng như không được thở bằng miệng. Khi nói, khí lạnh tràn thẳng vào phổi, hít lên não làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Đang phấn chấn, vả lại thời gian còn dài, tôi thuyết phục ông Lâm lên thẳng độ cao 3.143m hạ trại ngắm trăng mười sáu.

 

Tuy nhiên, ông đã dập tắt ngay ý tưởng bồng bột này. Hôm nay trời trong, nhiệt độ sẽ xuống rất thấp, ngay người châu Âu vốn quen giá lạnh cũng không muốn ở lại. Hơn nữa, ở độ cao đó sẽ không có nước ăn và nấu nướng cũng không được vì nước sôi ở nhiệt độ thấp hơn 100oC. Chỉ thế thôi, cũng đủ làm nản lòng những người muốn ở lại đỉnh núi.

 

17h00, mặt trời tụt xuống phía cánh đồng Lai Châu. Bên này đỉnh Fansipan, trời sập tối rất nhanh. Và trăng lên cũng rất nhanh, thật to và gần quá! Vừa nấu cơm, ông Lâm vừa nhanh chóng chặt trúc về rải chỗ ngủ. Nếu không có lớp lót này, mấy chiếc túi ngủ thành vô nghĩa.

 

19h00, ăn cơm xong, nằm trong túi ngủ chống rét, vừa trò chuyện vừa ngắm trăng qua khe lều, thấy mình thật may mắn vì đã không lên thẳng Fansipan. Nhiệt độ xuống cũng nhanh như tốc độ trăng lên, còn 2 độ C. Gió ào ào thổi qua rừng trúc.

 

Chợt nhớ tới cuốn Dư địa chí, từ thế kỷ XIV, Nguyễn Trãi đã đặt chân tới nơi góc rừng Tây Bắc này và viết, trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ - chân đỉnh Fansipan - gió không bao giờ ngừng thổi. Đến nay cũng thế, gió thổi tung cả nóc lều bạt. Nhưng ông Lâm vẫn bảo đêm nay gió yếu! Gió yếu có nghĩa là đêm sẽ lạnh và cảm giác khó thở sẽ sớm xuất hiện vì khí lạnh đẩy ôxy xuống dưới.

 

Không biết nhiệt độ xuống dưới 0 độ C từ khi nào, nước trong khe, trên các rễ cây và vách núi giờ đã thành lớp băng trong suốt. 5 giờ, chúng tôi đã lục tục dậy, tiếp tục chinh phục hơn 300m độ cao còn lại, gần 4km đường núi. Bình minh trên đỉnh Fansipan chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Phía Đông, những vầng mây đỏ ối; phía Tây, trăng vẫn tròn vành vạnh. Rồi nắng chói lòa...

 

Càng leo đến gần đỉnh, người nóng bừng bừng nhưng không ai dám cởi áo khoác. Gió ào ào như không bao giờ ngừng thổi, sẵn sàng xô ngã những người sơ ý đứng bên mép vực.

 

Những đầu gối, bắp chân bị cành cây, mũi đá cào rớm máu, kiệt sức sau quãng đường dài nhưng tất cả đều cố gắng, thực sự cố gắng để bước thêm dăm bước chân lên chiếc đỉnh thép trắng khắc dòng chữ Fansipan, 3.143m... và... giơ cao lá cờ Tổ quốc... và hét lên thật to! Đường lên Fansipan giờ không còn quá khó khăn. Điều quan trọng là vượt qua được chính mình, bạn sẽ lên đến nóc nhà Đông Dương mà không phải e sợ mình không đủ sức khỏe.

 

Và bây giờ, trong tôi chỉ còn một ý nghĩ, là sớm quay trở về để còn làm một thủ tục cuối cùng, đó là trở về sân vận động bên nhà thờ cổ Sa Pa để bấm nút, bình chọn cho Fansipan trong danh sách các kỳ quan thiên nhiên mới.

 

(Theo Sức Khoẻ&Đời Sống)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Mùa đông trên đỉnh Fansipan

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI