»

Chủ nhật, 19/01/2025, 15:27:25 PM (GMT+7)

Máu bò tót, máu người

(19:47:49 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Bò tót là loài động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm, có giá trị thương phẩm cao và giá trị vô hình rất lớn, nên nơi nào có chúng, nơi đó có những cuộc săn tìm ráo riết.

Bò tót là loài động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm, có giá trị thương phẩm cao và giá trị vô hình rất lớn, nên nơi nào có chúng, nơi đó có những cuộc săn tìm ráo riết.

Chiếc đầu bò tót và các tang vật thu được tại Bidoup, Núi Bà (Lâm Đồng)

 

Khi chúng tôi có mặt ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ma Nới, ở đây đang chuẩn bị một đợt truy quét những kẻ săn thú rừng và lâm tặc nói chung. Các chiến sĩ công an, quân đội và lực lượng bảo vệ rừng ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đang tập trung chờ đêm xuống sẽ tiến vào rừng. Phía trước họ là những cây rừng đang bị đốn hạ, những loài thú hoang dã bị săn đuổi, trong đó có loài bò tót quý hiếm.     

 

Máu đã đổ nhiều lần 

 

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn – Ninh Thuận, đơn vị đang quản lý hơn 28.000 ha rừng, nơi có đàn bò tót xuất hiện gần đây, cho biết đàn bò này hoạt động và di chuyển trong phạm vi rất rộng thuộc vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.  

 

Đây là vùng nóng bỏng từ lâu về nạn săn bắn thú rừng và khai thác gỗ lậu. Việc bảo tồn bò tót khốc liệt hơn bao giờ hết khi cán cân so sánh giữa lực lượng quản lý bảo vệ rừng và lâm tặc chỉ như trứng chọi đá.

 

Ông Dũng trầm ngâm: “Nơi có bò tót sinh sống thường là vùng rừng già, các chủng loại gỗ quý hiếm rất nhiều nên lâm tặc không từ một thủ đoạn nào để khai thác. Đây cũng là lâm phần khó quản lý, bảo vệ vì rơi vào tình trạng “cha chung”. Do đó, những tay săn thú và lâm tặc dễ cơ động, tẩu tán, phi tang tang vật khi bị truy quét”. 

 

Nằm trong vùng sinh sống, di chuyển của đàn bò tót có rừng Ya Hoa, địa bàn nổi tiếng khốc liệt về nạn săn thú và phá rừng. Tại vùng nóng này, trong những năm gần đây, đã nhiều lần máu của những kẻ săn thú và lâm tặc, kể cả của lực lượng bảo vệ rừng, đã đổ xuống.

 

Anh Nguyễn Văn Hữu, cán bộ Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn, cho biết chính anh và đồng đội đã có lần chứng kiến gần 200 người đi săn và lâm tặc cùng vào rừng với cả trăm xe kéo, song đành bất lực. “Cánh thợ săn đến từ phía Tà Năng (Đức Trọng - Lâm Đồng) có khi đi cả đoàn tới 30 người với cả chục khẩu súng.  

 

Tôi đi cùng bốn cán bộ khác phải nhẫn nhục làm ngơ để bảo toàn lực lượng. Sau đó, khi nghe chúng tôi báo tin, lực lượng tiếp viện vừa tới thì toán thợ săn đã tiến sâu vào rừng, mất hút” – Hữu kể.

 

Cũng có lúc những kẻ săn thú đi đơn lẻ nhưng chúng lại là những tên cực kỳ hung hãn, luôn sẵn sàng dùng vũ khí chống trả các lực lượng chức năng.

 

Anh Hữu nhớ lại: “Có lần, tôi cùng các đồng nghiệp phải cải trang thành người dân tộc Rắc Lây bí mật ập vào lều một kẻ săn thú rừng, tiếp cận và khóa chặt tay chân gã mới khống chế và thu được một khẩu AK đạn đã lên nòng”. 

 

Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, ông  Đá Mài Soai, thở dài: “Môi trường sống của những con bò tót cuối cùng ở đây đang bị thu hẹp dần do lâm tặc khai thác gỗ trái phép ngày càng trầm trọng”.

 

Những năm gần đây, đã có hàng trăm vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện ở vùng rừng giáp ranh Ninh Thuận – Bình Thuận – Lâm Đồng, trong đó có hàng chục vụ đã khởi tố.  

 

Săn lùng ráo riết 

 

Bò tót, loài thú quý hiếm đã và đang bị những thợ săn liều mạng săn lùng. Những vụ án mới xảy ra gần đây đã một phần phản ánh điều đó. 

 

Cuối tháng 11/2008, Công an huyện Di Linh - Lâm Đồng đã phát hiện tám người ngụ tại Đức Trọng do Ya Bách cầm đầu đã dùng súng AK xâm phạm rừng giáp ranh săn bắn động vật trái phép. Nhóm này đã bắn hạ một con bò tót và tiến hành giết thịt trong rừng. Cũng trong khoảng thời gian này, tại tiểu khu 128, một con bò tót ước nặng hơn 500 kg ở tuổi trưởng thành đã bị Ya Tường, ngụ tại Đức Trọng, bắn hạ bằng súng carbin.

 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết Ya Tường là cán bộ xã đội. Vụ việc chỉ được công an phát hiện khi Ya Tường mang chiếc đầu bò tót bán cho một người ở thị trấn Di Linh. Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận phải di lý Ya Tường đi bộ vượt rừng bảy ngày liên tục mới vào đến hiện trường vụ án. Ya Tường khai nhận rằng sau khi bắn gục con bò tót này, hắn cùng con trai phải xẻ thịt và sấy cả tuần mới khô hết số thịt con vật xấu số. 

 

Trước đó, vào giữa tháng 10-2008, tại tiểu khu 124, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) cũng đã phát hiện và bắt quả tang Bontô Sa Nga và Konsa Ha Đa (ngụ tại huyện Lạc Dương - Lâm Đồng) đang gùi một đầu bò tót cùng một số thịt, da loài thú quý này, đi từ Bác Ái - Ninh Thuận về Lâm Đồng.  

 

Bontô Sa Nga và Konsa Ha Đa khai đã mua đầu bò tót của một người dân ở Bác Ái về làm vật trang trí. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà Nguyễn Văn Hùng cho biết theo kết quả giám định, con bò tót bị sát hại đã trưởng thành, nặng khoảng một tấn. Vụ án này đã được khởi tố ngay sau đó, song có lẽ chẳng cơ quan chức năng nào muốn tiếp tục phải khởi tố những vụ tương tự. Bởi, mỗi lần có thêm một vụ án như thế là thêm một cá thể trong đàn bò tót ít ỏi còn lại đã bị giết hại... 

 

Rời rừng Ma Nới, nơi những con bò tót ít ỏi còn hiện diện, chúng tôi vẫn nhớ mãi cảnh anh Nguyễn Văn Hữu sung sướng, tự hào khoe những dấu chân, những bức ảnh săn tìm được về loài thú quý hiếm này nhằm chứng minh chúng vẫn tồn tại ở vùng rừng giáp ranh.

 

Cũng như những người đang ngày đêm canh giữ đàn bò tót hiếm hoi ở Ma Nới, chúng tôi mong dự án bảo vệ loài thú có nguy cơ tuyệt chủng này, bảo vệ vùng rừng giáp ranh sẽ trở thành hiện thực với sự góp sức của các cơ quan chức năng.

 

(Theo Người Lao Động)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Máu bò tót, máu người

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI