Làng năng lượng mặt trời
(19:49:09 PM 18/06/2011)
Làng Bình Kỳ 2, P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có 300 hộ dân nhưng gần 200 hộ đã được sử dụng bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Chị Nguyễn Thị Bé dùng bếp năng lượng mặt trời để đun nước sôi hằng ngày-Ảnh: Q.T. |
Làng Bình Kỳ 2 cách danh lam thắng cảnh Non Nước - Ngũ Hành Sơn khoảng 2km. Khí hậu ở Đà Nẵng nắng nhiều nên việc sử dụng bếp năng lượng mặt trời khá hiệu quả. Sau tết trời nắng đẹp nên nhà nhà ở ngôi làng này đều sử dụng bếp năng lượng mặt trời để nấu nướng thức ăn, nấu cám heo và đun nước sôi.
Đây là ngôi làng thuần nông, nguyên liệu đun chủ yếu của họ trước kia là rơm rạ, lá dương liễu, củi. Từ khi có bếp năng lượng mặt trời, người dân được giải quyết vấn đề chất đốt và có ý thức bảo vệ môi trường.
Dân ủng hộ
Chị Nguyễn Thị Ánh Minh đứng giữa sân nhà để nấu món canh rau, khoảng 20 phút nồi canh sôi. Trước đó chị cũng đã nấu cơm từ bếp này.
“Rứa là lâu lắm rồi, lúc nắng to thì 15 phút là xong. Có cái bếp này tiện lắm, tiết kiệm được tiền mua củi mà lại đảm bảo sức khỏe” - chị Minh nói.
Cách nay gần hai năm, chị và một số hộ khác được nhận bếp năng lượng mặt trời đợt đầu tiên. Chị kể lúc đầu không dám nhận vì thấy bếp như cái nón (hình parabol) làm bằng sắt, không biết có sử dụng được không.
Nhưng hội phụ nữ làng động viên, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn cách sử dụng nên chị mạnh dạn nhận về nấu thử.
“Cứ 30 phút ra điều khiển hướng bếp cho đúng hướng nắng mặt trời là trong vòng 20 phút ấm nước đã sôi, một giờ thì cơm canh xong xuôi. Nấu xong xếp vào tường, bữa khác đưa ra nấu tiếp. Rất đơn giản”. Trước đây, nhà chị mỗi tháng tốn 300.000 đồng tiền củi nhưng giờ dùng bếp năng lượng mặt trời thì tiền giảm còn một nửa.
Đề tài nghiên cứu “Triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi TP Đà Nẵng” do PGS.TS Hoàng Dương Hùng thực hiện tại “làng năng lượng mặt trời” Bình Kỳ 2, được Hội đồng Khoa học TP Đà Nẵng nghiệm thu tháng 12-2008. Đề tài đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. |
Chị Lê Thị Diệu Hương cho biết: “Tui làm công nhân giày da, chồng là thợ hồ, thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới hai triệu đồng nhưng có hai con nhỏ nên mọi khoản chi tiêu phải dè dặt. Trước đây, một bình gas nhà chỉ dùng được hai tháng, nhưng bữa nay dùng bốn tháng chưa hết”.
Vì đi làm xa nên hai vợ chồng chị sáng nào cũng phải dậy thật sớm để đi làm, trưa phải về nhà vì hai con còn nhỏ. Tất cả thời gian ở nhà đều dành chăm sóc con.
“Có bếp rồi nên khi làm về, tui có thời gian chăm sóc con hơn vì có chồng nấu nướng, bếp này đàn ông cũng nấu được” - chị Hương kể.
Từ ngày có bếp năng lượng mặt trời, cô bé Hồ Thị Tuyết Trinh - lớp 11 Trường THPT Ngũ Hành Sơn - thích nấu ăn hơn. Trinh kể: “Lúc trước cứ đi học về là em chui vào bếp, nhóm được lửa là mồ hôi ra như mưa. Giờ chỉ cần kéo cái bếp ra đặt giữa sân ít phút là nấu được”.
Chị Ngô Thị Cúc, mẹ Trinh, khoe: “Hai vợ chồng tui là thợ xây, việc nấu nướng đều do Trinh đảm nhận hết. Có bếp này Trinh không phải vào bếp nấu ăn với mịt mù khói, còn hai đứa em Trinh không phải vất vả đi kiếm củi”.
Ngoài bếp, nhà chị Cúc còn được tặng thêm hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời trị giá năm triệu đồng. Chị Cúc kể thêm: “Nước trên bình luôn nóng, phải pha với một ít nước lạnh mới dùng được. Cả nhà tui khỏe hơn vì tắm giặt, rửa chén bát bằng nước nóng nên diệt được vi khuẩn”.
Ông Huỳnh Kim - phó chủ tịch UBND P.Hòa Quý - cho hay từ khi có bếp năng lượng mặt trời, dân không còn chặt phá cây lấy củi, tiết kiệm được chất đốt, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường.
Chị Ngô Thị Cúc lấy nước nóng từ hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời -Ảnh: Q.T. |
Hạn chế ô nhiễm môi trường
Toàn bộ kinh phí dự án do Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) và TP Đà Nẵng tài trợ, được triển khai từ năm 2007.
PGS.TS Hoàng Dương Hùng - phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chủ nhiệm dự án - cho biết: “Dự án này hướng đến người dân nghèo khó khăn về chất đốt, chúng tôi chọn Bình Kỳ 2 làm nơi triển khai dự án”. Theo khảo sát, Bình Kỳ 2 có 50 phần trăm hộ nghèo, việc dân sử dụng chất đốt trong nấu nướng đã ít nhiều làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe…
“Để người dân ủng hộ, chúng tôi phải tổ chức nhiều buổi tập huấn, đến tận nhà hướng dẫn cách sử dụng bếp và lắng nghe ý kiến của dân. Bên cạnh đó phải phân tích cho họ hiểu được sự ô nhiễm môi trường và việc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào khi đun nấu theo cách truyền thống” - ông nói. Chị Phạm Thị Hạnh, cán bộ phụ nữ làng Bình Kỳ 2, chia sẻ: “Giờ thì tất cả chị em rất thích vì sự tiện dụng, không ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu nướng. Nhiều chị còn đến tận nhà tôi để trình bày mong có được một cái bếp”.
Bếp năng lượng mặt trời sử dụng ở Bình Kỳ 2 được thiết kế gồm: hộp bảo vệ làm bằng gỗ, mặt phản xạ bên trong bằng kim loại như nhôm, thép trắng hoặc inox đánh bóng nhẵn có độ phản xạ cao, gương phản xạ nhận ánh sáng từ mặt trời, nồi chứa thức ăn được sơn màu đen hấp thụ ánh sáng tốt, tấm kính trong dày 2-3mm có tác dụng tạo lồng kính và giảm tổn thất nhiệt khi nấu, lớp vật liệu cách nhiệt là bông thủy tinh hoặc bằng rơm rạ, trấu.
Ngoài ra bếp còn có trụ xoay để chỉnh hướng đón ánh sáng mặt trời và một đế đặt nồi nhằm ngăn cách giữa nồi và các bộ phận khác của bếp.
Hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời gồm một bình chứa và hai bộ phận hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời (collector). Loại này thường được dùng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn với mục đích tắm giặt, rửa chén bát, hâm nóng nước bể bơi và đun nước nhằm tiết kiệm năng lượng.
Nhiệt độ không khí trong bếp là 67OC, nhiệt độ của sản phẩm nấu các món ăn như cơm, nước sôi, kho cá là 95-102OC và có thể lên tới 405OC. Còn đối với hệ thống đun nước nóng, nhiệt độ nước tại bình chứa là 69OC, khi sử dụng nước là 61OC. Giá thành khoảng 1-1,5 triệu đồng/bếp và 5 triệu đồng/hệ thống nước nóng.
PGS.TS Hoàng Dương Hùng kết luận: “Các hệ thống này rất thuận tiện trong việc sử dụng, lắp đặt và di chuyển. Khi sử dụng sản phẩm được đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường vì sử dụng năng lượng sạch. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng bằng pin mặt trời tại làng này”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.