»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:26:46 PM (GMT+7)

Hùng đởm, mê muội và khốn khổ

(19:39:19 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cuối năm nay, đại diện Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA) cho hay, một nghiên cứu chính thức lần đầu tiên ở Việt Nam về các loại dược liệu thay thế mật gấu sẽ được công bố. Nhưng, từ kết quả khảo sát tình hình sử dụng mật gấu được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) bố cáo ngày 23-11 thì thấy, ngay cả sau khi công bố danh mục cỏ cây thay thế, thú nghiện cái mà y học cổ truyền gọi là hùng đởm này có lẽ còn lâu mới suy tàn.

Từ chuyện Hoàng biệt dược

Hoàng to cao, công tác tại một cơ quan huyện, nay chuyển sang phòng văn hoá tỉnh H. Bà xã chê anh yếu như sên. Thế là, nghe ai nói ở đâu có cao hổ, sừng tê, hoặc các loại biệt dược chính hãng, anh lại  tầm bằng được. Có lần, để kiếm một miếng cao hổ bằng ngón tay, anh mất hơn hai tháng lương và vay thêm một khoản lớn nữa. Biệt hiệu Hoàng biệt dược có từ đấy.

 

Những[-]lọ[-]mật[-]gấu[-]mua[-]được[-]ở[-]Phúc[-]Thọ,[-]Hà[-]Nội,[-]đầu[-]tháng[-]10-2010

Những lọ mật gấu mua được ở Phúc Thọ, Hà Nội, đầu tháng 10-2010

 

Bẵng một tháng, một hôm, có ai đó vỗ vai tôi. Ngước lên thấy một bộ mặt lạ hoắc, to tướng và dữ tợn. “Sao ngẩn tò te ra thế kia. Không nhận ra tớ sao”. Cả giọng ồm ồm, tôi nghe cũng lạ hoắc. Tôi ngơ ngác lắc đầu, chữa ngượng: “Xin lỗi...dạo này ...tôi đãng trí lắm. Anh là ai thế ạ”. Một cú vỗ như trời giáng làm tôi muốn sụm vai: “Cái đồ… Hoàng đây, Hoàng biệt dược đây”.

 

Cái mặt trắng trẻo đâu rồi? Sao lại sưng húp, đỏ tấy và nổi đầy mụn, đến nỗi cặp mắt hai mí to đen, thường hút hồn phái nữ, nay thành một mí và hùm hụp. Cả giọng nói nữa, khàn như vịt đực. Hoàng buông một câu: “Tại vợ tớ cả đấy”. “Sao, bị vợ đánh à?”. “Không. Nhưng mà...”. “Vợ không đánh sao mặt sưng húp lên thế kia?”. “Thì đã bảo... chung quy cũng tại vợ. Do  mật gấu đấy”.

 

Tháng trước, Hoàng nghe bạn mách, trên Hòa Bình có trại gấu chuyên bán mật xịn. Sẵn có món nhuận bút vừa nhận từ viết dự án về làng văn hoá, Hoàng tức tốc lên đường và vác vài trăm xê xê để dùng dần. Chưa bao giờ mật gấu rẻ như bây giờ, chỉ 20.000 – 40.000 đồng/cc, trong khi, cách đây dăm năm đổ về trước, giá không dưới 150.000 đồng/cc.

 

Báo chí gần đây nói về tác dụng giả dược của mật gấu, uống vào vô tác dụng thậm chí còn có hại, Hoàng đã định buông. Nhưng vào website http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/baiviet/29_402.htm của một bác sỹ có tiếng, đọc được bài viết về cách nhận biết mật gấu thật, trong đó, nêu rõ công dụng của mật gấu, Hoàng tìm lại được niềm tin.

 

Hoàng pha vào một lít rượu tốt, cứ mỗi tối đem ra uống một chén lớn. Ròng rã một tháng, khoẻ đâu chả thấy, chỉ thấy ngứa ngáy khắp người. Rồi mặt anh… Bác sỹ cho biết anh đã dùng phải loại mật gấu nhiễm vi khuẩn và các loại tạp chất độc hại. Hoàng cãi, mắt anh nhìn người ta hút mật từ con gấu lớn, sao lại bảo là nhiễm khuẩn và tạp chất.

 

Đến phát hiện mới về hùng đởm

Tại buổi công bố hôm thứ ba ở Hà Nội về điều tra công phu của ENV kéo dài gần một năm về “thái độ và hành vi đối với việc sử dụng mật gấu ở Việt Nam”, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tại Việt Nam, cho Tiền Phong hay, cứ hai mẫu hùng đởm mà anh cho hút từ những con gấu trong số 69 con đang được cứu hộ tại trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, thì một mẫu được xác định nhiễm vi khuẩn có hại, nhất là, chứa các hoạt chất có nguy cơ gây ung thư cho người dùng.

 

“Tất cả các xét nghiệm đã và đang được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai”, TS. Tuấn Bendixsen, chuyên gia thú y quốc tế, nói. “Chúng tôi hút mật theo quy trình và bằng các thiết bị tiệt trùng ngặt nghèo. Các vi khuẩn và hóa chất độc hại kia có thể đã có sẵn trong túi mật của gấu trước khi chúng được cứu hộ”.

 

“Mật[-]gấu[-]nuôi[-]hầu[-]như[-]không[-]có[-]tác[-]dụng[-]gì.[-]Không[-]những[-]thế,[-]nó[-]còn[-]có[-]thể[-]chứa[-]vi[-]khuẩn[-]độc[-]hại[-]và[-]chất[-]gây[-]ung[-]thư”,[-]TS[-]Tuấn[-]Bendixsen

Mật gấu nuôi hầu như không có tác dụng gì. Không những thế,

nó còn có thể chứa vi khuẩn độc hại và chất gây ung thư”,

TS Tuấn Bendixsen (Nguồn ENV)

 

Do hầu hết số gấu cứu hộ được đưa về từ khắp nơi suốt năm rưỡi qua, TS Tuấn Bendixsen tin tỷ lệ mật gấu hỏng lưu hành trên thị trường không thấp hơn tỷ lệ nghiên cứu từ trại cứu hộ của ông nếu không muốn nói còn cao hơn. Được biết, các mẫu hùng đởm đem đi xét nghiệm tìm tạp chất nguy hiểm chỉ lấy từ những con gấu còn khỏe khi về trại cứu hộ. Những con mà túi mật bị hủy hoại nghiêm trọng thì không được lấy mẫu.

 

Đến nay, không dưới 25 con gấu sống ở trại cứu hộ Tam Đảo trong điều kiện khuyết một bộ phận quan yếu mà tạo hóa ban cho, giúp tiêu hóa thức ăn, bảo vệ các phủ tạng khác trong cơ thể. “Kiểm tra thấy các túi mật không còn tác dụng nữa, lại chứa các chất độc hại cho gấu, chúng tôi buộc phải cắt hết chúng đi”, TS Tuấn Bendixsen, nhà khoa học Úc gốc Việt, kể.

 

Thế mà hàng ngàn xê xê hùng đởm năm ăn năm thua vẫn cứ được sản xuất tì tì chủ yếu từ trên 3.500 con gấu được gắn chip và nuôi nhốt trong các chuồng trại hầu hết dưới tiêu chuẩn bốn năm qua.

 

Nhưng ngay cả số mẫu không phát hiện vi khuẩn hay hóa chất độc hại, hút từ gấu nuôi nhốt, nghiên cứu mới nhất của AAF một lần nữa khẳng định hầu như không có tác dụng chữa bệnh…

 

Số còn lại được cung cấp từ nguồn gấu hoang dã. Đây là nguồn hoàn toàn bí ẩn. Không ai cung cấp được số liệu chứng minh chúng nhiều hơn hay ít hơn số mật từ gấu nuôi. Cũng chưa nhiều tài liệu nói về tác dụng thực của mật gấu tự nhiên đến đâu. Chỉ biết, dòng sông ngầm này vẫn chảy không ngừng.

 

Chris Gee, Giám đốc Chương trình Động vật Hoang dã Quốc tế (WILDLIFE), ước tính Việt Nam chỉ còn chừng vài trăm con. “Các loài gấu ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Sáng lập ENV, lo ngại. Bà Quyên, còn là tác giả chính của khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về sử dụng mật gấu, cũng cho rằng nguồn gấu vào thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Lào. Vụ bắt ba con gấu ở các tỉnh Điện Biên và Nghệ An mới đây là một dấu hiệu. Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo mới tiếp nhận ba con gấu con nhập lậu từ Lào. Số gấu thực tế vào Việt Nam nhiều hơn số gấu bị bắt nhiều lần, Chris Gee nhận định.

 

Dửng mỡ

Giữa làn ranh tranh tối tranh sáng về lợi và hại, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên chiến với việc dùng mật gấu đi kèm với hàng loạt chiến dịch vạch trần sự thật của mật gấu. Vậy ai là nhóm tiêu dùng cái thứ hùng đởm ấy nhiều nhất và vì sao?

 

Cuộc điều tra trên hơn 3000 đối tượng ở ba thành phố lớn nhất nước, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và Đà Nẵng thông qua phỏng vấn qua điện thoại đưa ra nhiều phát hiện. Nhóm dùng nhiều nhất hóa ra chủ yếu là những người có học, từ trung học trở lên và có tiền, dù giá mật gấu giờ đây rất rẻ. Đáng chú ý, uống mật gấu để chữa bệnh, nhóm cao niên (từ 60 tuổi trở lên) và nhóm thanh niên (từ 16-29 tuổi) xài nhiều nhất. Tại Đà Nẵng, 10 người được hỏi cho biết họ còn dùng mật gấu để… nhỏ mắt. Nhóm tuổi từ 30-59, độ tuổi thường kiếm nhiều tiền nhất, lại dùng hùng đởm để giải sầu là chính, pha vào rượu, và cả vào cháo, cho lên màu xanh sành điệu. Lấy mật gấu để thỏa các cơn dửng mỡ còn có cả nữ mặc dù tỷ lệ sử dụng của nhóm này thấp hơn nam giới 12 lần…

 

Trích[-]hút[-]mật[-]từ[-]gấu[-]nuôi[-]ở[-]một[-]trại[-]gấu[-]của[-]Việt[-]Nam

Trích hút mật từ gấu nuôi ở một trại gấu của Việt Nam

 

Thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức lâu dài nhằm “thay đổi niềm tin về sự kỳ diệu của mật gấu”, đồng thời khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế mật gấu bằng cả thảo dược lẫn tây y, là ước vọng hàng đầu của nhóm khảo sát. Chris Gee cho hay, muộn nhất, khoảng cuối tháng 12, phối hợp với một đơn vị dược liệu ở Việt Nam, WSPA sẽ công bố báo cáo đầu tiên về các loại dược liệu có tác dụng tương đương và có thể thay thế mật gấu. “Chúng ta phải đưa ra một lựa chọn khó khăn. Việt Nam không thể có cả hai, gấu và mật gấu” là thông điệp từ ENV.

 

Lựa chọn thật không dễ dàng vì hầu như vẫn nhan nhản giới thiệu của các thầy thuốc đông y về tác dụng của thứ có vị đắng hơi ngọt, tính lạnh ấy, đại loại có tác dụng phá ứ hồi sinh (trường hợp ngã bất tỉnh); chữa đau nhức do huyết ứ, chữa co giật, vàng da.

 

Nhưng cũng có quyền hy vọng khi thấy một nửa trong số người từ bỏ hùng đởm được ENV hỏi thừa nhận họ bỏ là do thấy nó không có tác dụng… 

 

Mật gấu dễ bị sâu, mốc, nên, khi bảo quản theo lời khuyên của thầy thuốc, Hoàng biệt dược phải tìm cách tránh ẩm nóng, công phu cất nó trong hộp kín có chất hút ẩm. Thế mà mới rồi, cái mặt sưng vù, nổi mụn nhọt, Hoàng phát ra giọng khàn khàn: “Tớ đem chỗ mật gấu còn lại đổ vào nồi cám lợn. Sư tử Hà Đông thấy thế gầm lên “Lại muốn con lợn có cái mặt như của anh hay sao”. Mụ ấy đùng đùng đổ cả nồi cám lợn xuống cống. Cậu bảo tớ phải làm gì bây giờ”. 

 

M., làm việc tại một cơ sở chuyên sản xuất than hoạt tính ở tỉnh Hòa Bình, bị bác sỹ kết luận ung thư phổi từ 10 năm nay. Nghe mách bảo, mỗi năm, ông lùng mua bằng được một túi mật gấu tự nhiên để uống. Mỗi túi mật ông lấy với giá 10 triệu đồng là một con gấu đi tong. Năm nào, ông cũng làm môt túi và, vì thế, ông trở thành chuyên gia nhận biết, bảo quản mật gấu tự nhiên.

 

 

Ông vanh vách, thứ nhất, hãy quan sát túi mật; khi cắt ra, giữa đám đen có hạt lổn nhổn màu vàng óng đặc trưng. Nếm thấy vị đắng, sau có cảm giác mát, ngọt, dính lưỡi. Ngậm lâu sẽ tan hết. Mật giả sẽ không dính lưỡi, không mát, không bóng, có mùi tanh khó ngửi. Cách thử thứ hai, ông cắt một mẩu, đưa vào lửa rồi chỉ cho chúng tôi xem nó không cháy vì là mật gấu thật.

 

 

Trước mặt cả TS Vũ Bằng, thầy địa lý nổi tiếng ở Việt Nam trong tìm nước và dị vật ngầm bằng khung dây, ông lấy một hạt trong túi mật thả vào cốc nước trong. Các sợi vàng thõng xuống đáy cốc, hạt mật quay tròn. Ông hoan hỉ: “Đấy mới là mật thật, mật gấu tự nhiên”. Hợp đồng của ông là dài hạn, thường mua vào cuối năm tại một địa điểm ở tỉnh Sơn La. Gấu hoang dã ấy ở đâu ra?

 

Theo Quốc Dũng (Tiền Phong)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Hùng đởm, mê muội và khốn khổ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI