Hãi hùng làng dược liệu!
(19:42:30 PM 18/06/2011)
Tận dụng triền đê để phơi bản hạ. Ảnh: D.H.
“Trơ gan” cùng rác
Về thôn Thiết Trụ vào những ngày làm ăn cao điểm của địa danh nổi tiếng làm ra hàng chục loại dược liệu quý cung cấp cho mọi loại thị trường thuốc bắc trong và ngoài nước mới thấy độ “chuyên nghiệp hoá” của bà con làm nghề nơi đây. Ngoài những dược liệu trồng được, một phần đáng kể một vài loại thuốc như bản hạ, bạch chỉ... được thu gom từ vùng miền núi phía bắc về như Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La. Song những liều thuốc quý chữa bệnh cứu người ấy đang bị “đối xử” không thương tiếc.
Hàng được chất đống trong các bao tải ùn ùn kéo về đổ hết ra sân bãi bằng đủ các loại phương tiện, từ xe đạp, xe cút kít đến xe máy, thậm chí cả xe tải. Hàng chục bao tải thuốc nằm lăn lóc giữa sân nhà cáu bẩn, có nơi còn chất hết ra đường làng, bờ ao, mặc cho mưa nắng hoặc rác thải.
Dọc triền đê vào thôn Thiết Trụ, không khí làm việc khá tấp nập khi bà con đang tranh thủ nắng to để phơi bản hạ (hay còn gọi là củ nưa). Bờ đê lô nhô rác và thậm chí cả phân bò, phân trâu trở thành nơi tập kết nguyên liệu của nhiều hộ dân. Củ nưa sau khi hấp chín bằng lưu huỳnh (hấp diêm sinh) được chẻ ra thành những lát mỏng như sắn lát và phơi khô khoảng bốn con nắng.
Ông Quất - một “lão làng” dược liệu trong thôn - vừa cật lực rải thuốc, vừa giảng giải: “Riêng thứ thuốc bản hạ này thì không trồng được, mà là tận thu từ thiên nhiên. Chúng tôi làm lâu năm nên có mối từ miền núi đưa hàng xuống tận nơi. Để cho ra một mẻ thuốc khô nhập cho mối buôn mất nhiều công sức lắm. Riêng khâu phơi khô là cứ phải canh đúng con nắng to thì thuốc mới không bị mốc”.
Thúng đựng thuốc vẫn còn lem nhem bùn đất và dụng cụ để rải thuốc được tận dụng từ cái... xúc rác. Hãi hùng hơn, cạnh thảm phơi thuốc chình ình ngay mấy đám... phân trâu ruồi nhặng vo ve. Song dường như chẳng ai để ý đến những “chướng ngại vật” nhỏ nhặt đó, mà vẫn vô tư xúc thuốc, hối hả phơi cho được nắng ban trưa.Sân phơi không chỉ được tận dụng từ triền đê, mà ngay cả bờ ao làng cũng trở thành sân bãi như thường. Dọc đường vào thôn, thuốc được tập kết chất lăn lóc đầy hai bên đường, cạnh những đống rác to tướng.
Hai bên bờ ao làng, cơ man nào là bạch chỉ được vô tư rải trên kè ao, thậm chí xen lẫn giữa bao nhiêu rác thải, ruồi nhặng và mùi rác bốc thum thủm. Dừng chân tại nhà chị Liên – một hộ làm dược nhỏ lẻ - đang tất bật đóng gói cỏ ngọt. Người phụ nữ dáng vẻ phốp pháp xởi lởi ngồi bệt giữa sân nhà, xung quanh là cỏ ngọt vừa được sấy khô bày hết ra sân không hề lót thảm bạt.
Thi thoảng người đi qua vô tư giẫm đạp lên dược liệu quý. Với tay bốc một nhánh cỏ giữa sàn nhà đưa cho tôi, chị hồ hởi: “Đây, cô nhấm thử xem có đúng là cỏ ngọt “xịn” không. Ngọt còn hơn cả mì chính ấy chứ!”. Cực chẳng đã, tôi phải nhằn một miếng cỏ ngọt đưa vào lưỡi. Vừa nhấm, vừa tưởng tượng đến thứ thuốc chữa bệnh đường ruột trong dân gian được “phơi” ngay dưới nền sân cáu bẩn mà tôi chợt rùng mình...
Lạm dụng lưu huỳnh
Không thể phủ nhận là so với các thôn khác, diện mạo thôn Thiết Trụ khá khang trang, nhà cửa to rộng, đường sá cũng đàng hoàng hơn. Bản thân Trưởng thôn – ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định, nhờ có nghề làm dược liệu mà không ít hộ dân trong thôn thoát nghèo, thậm chí giàu lên trông thấy. “Nghề làm thuốc ở thôn có từ bao đời nay, bà con tự tay trồng ra cả mấy chục loại thuốc quý. Nhưng giờ dân cư ngày càng đông, đất nông nghiệp thì thu hẹp nên dân thuê đất bãi sông Hồng hoặc những nơi khác để trồng thuốc” – ông Kiên cho hay.
Cả thôn Thiết Trụ có hơn 900 hộ dân thì 100% đều làm nghề dược liệu, tuỳ quy mô lớn bé. Hộ nào không trồng được thì thu gom, mua đi bán lại. Thị trường thuốc của thôn không chỉ các tỉnh lân cận, một số tỉnh phía nam, mà còn vươn sang tận Trung Quốc.
Chính việc làm thuốc tràn lan, khâu sản xuất sơ chế quá đơn giản và thủ công nên việc kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh của thuốc vẫn bỏ ngỏ. Một trong những công đoạn quan trọng nhất trong chế biến dược liệu tại đây là hấp sấy thuốc bằng lưu huỳnh (hấp diêm sinh).
Tại nhà ông Quất, vừa lôi một mẻ hấp bản hạ từ lò ra, tôi choáng váng và suýt ho sặc sụa vì mùi lưu huỳnh bốc lên nồng nặc. Củ bản hạ vừa được hấp chín sờ vào bùi tay như củ sắn, không được cạo sạch vỏ, mà vẫn nguyên rễ và bùn dính nhơm nhớp tay, đưa lên mũi ngửi thì sộc vào mũi mùi hăng hắc của lưu huỳnh.
Ông Quất trấn an: “Cứ yên tâm chất lượng, mới đầu thì mùi khó chịu, nhưng sau khi phơi khô qua bốn con nắng thì hết mùi ngay!”.
Không chỉ bản hạ, hầu hết các dược liệu khác đều được sơ chế bằng cách hấp diêm sinh. Ngày cao điểm, nhà nào cũng đốt lò khiến cả một vùng quánh đặc mùi lưu huỳnh, không ít người thấy khó thở, đau đầu mặc dù đã bịt kín mặt bằng khăn tay hoặc khẩu trang khi sơ chế. Nguy hại hơn, thuốc sau khi hấp chín được rửa lại bằng nước và nguồn nước thải này được đổ thẳng trực tiếp ra ao, hồ hoặc cống rãnh.
Ngoài đồng, nhiều khoảnh đất trống được tận dụng làm nơi trữ dược liệu sau khi sơ chế xong. Bạch chỉ, hoài sơn, bản hạ, diêm trứng... được phân loại và đựng trong bao tải rồi cứ thế quây lại bằng tấm cót phủ bạt, phơi sương phơi gió ngoài đồng, chờ mối buôn đến thì chất lên xe toả đi khắp nơi.
Bạch chỉ “trơ gan” cùng rác thải. Ảnh: D.H.
Chất lượng dược liệu, ai hay?
Một con số đáng giật mình được UBND xã Bình Minh cung cấp là hơn 3/4 nguồn hàng tại phố Lãn Ông (Hà Nội) – con phố chính cung cấp thuốc bắc cho thủ đô và các tỉnh phụ cận được nhập từ thôn Thiết Trụ.
Anh Trung – một chủ cửa hàng thuốc bắc tại đây, cho biết: “Nguồn thì lấy từ nhiều nơi vì thuốc thì hàng trăm, hàng nghìn vị, Thiết Trụ chỉ cung cấp một phần, nhưng hầu hết các chủ buôn đều muốn săn hàng tại đây vì giá rẻ, lại gần. Cứ lúc nào có đợt thuốc ngon lành là chúng tôi trực tiếp xuống thôn nhập hàng”.
Theo anh Trung, giá bản hạ khô được nhập 10.000đ/kg, cỏ ngọt 50.000đ/kg. Một số loại thuốc được sử dụng trực tiếp từ nguồn hàng tại đây, nhưng cũng có nhiều loại phải qua nhiều công đoạn khác như sao, tẩm...
Với cách thức mua đi bán lại, không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh miền Nam, thậm chí từ Trung Quốc (TQ) cũng trực tiếp đánh hàng từ Thiết Trụ. Một chủ hàng thuốc bắc khác còn cho biết, nhiều tay tư thương ở TQ sang tận nơi tận thu thuốc với giá rẻ rề, mang về nước sao tẩm chế biến rồi lại nhập ngược trở lại cho thị trường VN với giá trên trời. Nhất định không tiết lộ những loại thuốc được nhập từ TQ, người đàn ông này chỉ cho hay miễn chất lượng thuốc được đảm bảo, nhìn sạch sẽ, không ẩm mốc là có thể sử dụng ngon lành (?!).
Chúng tôi băn khoăn về việc lạm dụng chất hoá học trong hấp sấy dược liệu tại thôn Thiết Trụ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phạm Duy Hiển cho hay: “Đúng là vào thời điểm chính vụ, việc thu gom, quây sấy lưu huỳnh với mật độ dày đặc khiến không khí ô nhiễm, nước thải cũng ảnh hưởng đến nguồn nước trong quá trình sơ chế. Tuy nhiên, đó chỉ đơn thuần là vấn đề về môi trường, còn bản thân các dược liệu thì không ảnh hưởng về chất lượng.
Bà con vẫn làm thuốc theo phương thức thủ công từ bao đời nay mà chưa thấy có phàn nàn gì về chất lượng, nên về cơ bản không có gì nghiêm trọng”. Không rõ những khẳng định của vị chủ tịch dựa vào căn cứ nào, song một khi đã không thể “khuất mắt trông coi”, những dược liệu quý trực tiếp cho vào nồi, sắc lên và uống chữa bệnh mà sơ chế theo kiểu ở thôn Thiết Trụ cũng đủ giật mình thon thót. Không khéo, bệnh thì chưa khỏi mà còn vương thêm bệnh khác vào thân thì nguy!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.