Hai anh em chung vợ
(19:34:22 PM 18/06/2011)
Chuyện buồn bên núi
Đến xã Hồng Kim, hỏi gia đình anh em ông Hồ Văn Tuol và Hồ Văn Tua không người dân nào là không biết. Thậm chí nhiều người còn đọc vanh vách tên tuổi 10 người con trong gia đình này. “Chuyện nhà đó bi kịch lắm, dân bản muốn quên đi nhưng vẫn phải nhắc tới để răn dạy con cháu mình”- bà Căn Liên, một người dân ở đây, nói sau khi chỉ cho chúng tôi đường đến nhà anh em ông Tuol.
Ngôi nhà bằng gỗ khá tươm tất của gia đình anh em ông Tuol nằm cách trụ sở UBND xã Hồng Kim chừng 150m. Trên chiếc chiếu được trải ngay giữa gian nhà chính, ông Tua ôm đàn ngồi hát. Khuôn mặt của ông đăm chiêu, mắt nhìn xa xăm vào những ngọn núi heo hút. Tiếng đàn, lời ca cũng buồn thảm như chính chuyện tình của ông.
Bà Căn Y (đội nón) và ông Tua (thứ hai bên trái) cùng con trai, con rể trong gia đình
Thuở thanh niên, bà Căn Y là người con gái đẹp nức tiếng ở xã Hồng Kim cũng như huyện vùng cao A Lưới. Trai bản từ các vùng dập dìu kéo về ngỏ lời yêu thương nhưng tất cả đều bị bà từ chối. Rồi bà tham gia lực lượng du kích địa phương, vận chuyển lương thực phục vụ bộ đội đánh Mỹ. Trong những ngày băng rừng vượt suối làm nhiệm vụ, bà đã gặp và yêu thương ông Tuol, lúc đó cũng là một du kích địa phương. Rồi họ cưới nhau trong nghèo khó nhưng thật sự hạnh phúc.
Tuy nhiên, sau ngày về nhà chồng, cuộc sống của bà Căn Y là những tháng ngày lạnh lẽo bởi ông Tuol thường xuyên xa nhà chiến đấu. Ông Tuol có người em ruột tên Tua là một giáo viên công tác ngay tại địa phương, ở chung nhà với chị dâu. Là người có biệt tài đàn giỏi hát hay, lại là một trí thức nên ông Tua được rất nhiều cô gái trong vùng để ý. Tuy nhiên ông Tua quyết định tạm gạt tình cảm trai gái sang một bên để dồn tâm sức cho sự nghiệp dạy chữ.
Nhưng rồi quyết tâm của ông không chống lại được định mệnh. Khi ông lảng tránh ánh mắt yêu thương của những cô gái tuổi cập kê thì lại “dính” vào mắt xanh của người chị dâu đang sống những tháng ngày cô quạnh. Sự nông nổi của tuổi thanh niên đã khiến ông và bà Căn Y không còn giữ được tình cảm chị dâu em chồng nguyên bản.
Điều kỳ lạ là, sau khi biết chuyện tình cảm giữa vợ và em trai mình, ông Tuol không hề giận dữ mà lại hết mực vun đắp cho tình yêu của hai người. Ông Toul dẫn ông Tua đến nhà bố mẹ bà Căn Y xin bố mẹ vợ cho em trai mình ăn nắm xôi để chính thức trở thành chồng của bà Căn Y. “Bố mẹ Căn Y đồng ý cho mình ăn nắm xôi nên mình trở thành người chồng thứ hai của con gái họ”- ông Tua nhớ lại.
Việc bà Căn Y trở thành vợ chung của hai anh em ruột khiến dư luận ở A Lưới lúc bấy giờ hết sức xôn xao. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt chuyện hôn nhân này vì cho rằng đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng luân thường đạo lý. Nhiều người khác lại cảm thông và xúc động trước tình thương hiếm có của anh em ông Tuol.
Không biết ai là con mình!
Sau ngày bà Căn Y sinh đứa con đầu lòng tên Xuân không lâu thì đất nước thống nhất. Ông Tuol trở về quê bươn chải mưu sinh với nương rẫy, còn ông Tua tiếp tục sự nghiệp dạy chữ ở gần nhà. Thỉnh thoảng người dân địa phương bắt gặp cảnh bà Căn Y đi làm với ông Tuol vài ngày, rồi lại đi cùng ông Tua vài bữa. Thời gian đầu, người dân rất ái ngại khi chứng kiến cảnh tượng cười ra nước mắt này nhưng rồi gặp nhiều thành quen.
Rồi bà Căn Y tiếp tục sinh ra 9 người con nữa. Chính bà cũng không thể biết trong số 10 người con mà mình sinh ra ai là con của ông Tuol và ai là con của ông Tua. “Từ ngày cưới chồng hai, gia đình mình đã thống nhất cách gọi cho các con. Ông Tuol là anh nên được mấy đứa gọi là bố, còn ông Tua là em nên gọi là chú”- bà Căn Y thành thật kể.
Những người con do bà Căn Y sinh ra ngày càng lớn trong khi sức khỏe của ông Tuol ngày càng yếu dần. Ông Tua quyết định nghỉ việc dạy học để gánh vác chuyện kinh tế gia đình. Ông Tua và bà Căn Y không chỉ làm rẫy mà còn phát triển trồng lúa nước để có đủ gạo nuôi con.
Hôm gặp chúng tôi, ông Tua khoe: “Con của bố cả đó. Con Lý (Hồ Thị Lý) là con thứ hai, làm dâu ở Hồng Trung mà tuần mô cũng về thăm bố. Thằng Sơn là con út đang đi học…”. Rồi ông kể về tính cách và cuộc sống của Lành, Lai, Lê, Kên, Sâm, Sang, Sơn…, những người con mà ông không thể biết được ai là con thực sự của mình.
Chúng tôi nhận ra một nỗi buồn chất chứa trong ánh mắt của ông Tua khi ông kể về những người con trong gia đình. Dường như ông đang mong mỏi một ngày được các con gọi một tiếng bố như chúng nó vẫn thường gọi với anh trai ông.
Chị Hồ Thị Lý, người con thứ hai, có rất nhiều điểm giống ông Tua. Cả ông Tua và chị Lý đều tin chắc họ là cha con ruột nhưng họ không thể phá bỏ lời hứa với bà Căn Y để xưng hô bố con. “Đã nhiều lần mình hỏi vợ cặn kẽ để mong biết được đứa nào là con của mình nhưng Căn Y không thể nhớ được”- ông Tua tâm sự.
Chị Lê Thị Bảo, vợ của người con trai cả thì kể rằng, những ngày mới về làm dâu, nhiều lần chị gọi ông Tua là bố nhưng ông Tua lại bảo không nên gọi vậy vì sợ ông Tuol buồn! Gặp chúng tôi khi đang bị bệnh, ông Tuol tâm sự: “Mình sức khỏe yếu rồi và sẽ về với đất không biết khi nào. Mình muốn khi đó tất cả các con sẽ gọi Tua là bố để nó không còn phải buồn nữa”.
Hạnh phúc kỳ lạ
Bà Căn Y kể rằng, từ khi bà trở thành vợ chung của hai anh em ông Tuol, chưa bao giờ bà thấy giữa hai người đàn ông này xảy ra xích mích hay lời qua tiếng lại. Hai người chồng của bà lúc nào cũng cư xử với nhau một cách nhịp nhàng và luôn kính trên nhường dưới. Tình cảm không hề sứt mẻ của anh em ông Tuol khiến bà con trong thôn bản ngỡ ngàng.
“Nếu không có tình cảm anh em thương yêu nhau hết mực thì gia đình mình tan vỡ từ lâu rồi chứ không thể yên ấm đến ngày hôm nay” - bà Căn Y nói.
Chính bà Căn Y đã góp phần giúp hai người chồng của mình tăng cường tình cảm ruột thịt bằng sự khéo léo trong ứng xử. “Mình là người vợ của hai chồng nên phải biết chia sẻ tình cảm cho hai người công bằng, phải yêu thương hai người chồng như nhau. Chỉ cần thiên vị tình cảm cho một bên thì sẽ khó giữ được hạnh phúc gia đình”- bà Căn Y tiết lộ bí quyết làm vợ chung của hai ông chồng.
Năm nay, ông Tuol và bà Căn Y đều đã 70 tuổi, còn ông Tua cũng đã 66 tuổi và là những người già mẫu mực ở xã Hồng Kim.
- "Chuyện mình lấy vợ của anh trai là một sai lầm khó có thể tha thứ, nhưng dù sao cũng xảy ra rồi. Chừ mình chỉ có thể đối xử thật tốt với anh để mong anh xóa được vết thương lòng ngày nào". Ông Hồ Văn Tua - Ông Tua bảo rằng, điều ông mong muốn hiện nay là 10 người con ngày càng khôn lớn, trưởng thành và nhất là không lặp lại sai lầm như bố mẹ mình. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Vườn quốc gia Côn Đảo đón nhận bằng công nhận Cây di sản cho 24 cây trong vườn (28/11/2024)
- Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 (27/11/2024)
- Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò của VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước (27/11/2024)
- Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt (27/11/2024)
- Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường (26/11/2024)
- Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội (26/11/2024)
- Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn (26/11/2024)
- 25 tác phẩm được trao giải viết về "Cây di sản Việt Nam năm 2024" (26/11/2024)
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng” (24/11/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.