Góc khuất Sa Pa - Bán cả con vì đói khát!
(19:48:56 PM 18/06/2011)
Sa Pa (Lào Cai), đã bắt đầu là thiên đường du lịch của Việt Nam từ hơn 100 năm trước, kể từ khi người Pháp "dang tay mở khóa động đào". Tôi đã thâm nhập thế giới cùng khổ, lấm láp giữa thiện và ác ở
Như Lao Động Cuối tuần Tết 2009 đã đăng tải phóng sự "Từ trong hang núi bước ra", tôi - nhờ có tham gia cứu các cháu Pan và Dung (đều là bé gái, sáu tuổi) ra khỏi hang đá tràn ngập khói thuốc phiện (cháu Dung đã có xét nghiệm kết luận nghiện ma túy) để đưa các cháu đến trường - nên giới người rừng ở Sa Pa rất tin tưởng. Pan và mẹ đẻ của cháu giờ đây tự tin đưa tôi thâm nhập thế giới cùng khổ, lấm láp giữa thiện và ác ở
Trong hang tối, Sùng A Cổ nằm khò khè, tiếng thở tình như đứa bé đã lả đi vì sặc nước. Tôi lật cái "tử thi" biết nói của Cổ lên, hang tối, chui vào hang như rúc xuống lòng cống. Cổ 35 tuổi mà già sọm, da bọc xương, tóc dài như thổ phỉ. Dễ đến cả năm trời Cổ chưa tắm.
Cổ người ở bản Chu Va 12, Bình Lư (tỉnh Lai Châu), lang thang ở "thiên đường du lịch" đã vài năm. Vợ Cổ cũng tên là... Cổ - Giàng Thị Cổ, 26 tuổi, mà hom hem, rách bẩn như bà lão ăn mày. Cả hai đều nghiện ma túy. Có một sự thật mà rất nhiều người ở Sa Pa đã kể với tôi, nay tôi vào hang thối, ra lều bẩn, giữa đêm khuya tìm kiếm đúng cả vợ lẫn chồng Cổ để nghe chính họ nói ra thảm trạng.
Lần thứ hai chúng tôi trở lại, hang núi đã bị cán bộ Sa Pa cho người lên đốt cháy rụi. Vợ chồng Cổ và 6 người nghiện ăn hang ở lỗ bèn dạt xuống một ngôi nhà hoang, chỉ cách sân quần vợt nổi tiếng giữa trung tâm thị trấn thiên đường du lịch có 30m để tiếp tục cuộc đời vật vạ. Nam, phụ, lão, ấu - ai cũng nghiện, và quá nửa đã dám tự tuyên bố mình bị HIV/AIDS lở loét tanh òm, họ cứ nằm din dít, chịn tựa vào nhau mà đốt giẻ rách, các mảnh vụn nilông khét mù mà sưởi, mà ngủ. Họ sống qua ngày bằng cơm thừa canh cặn của Sa Pa lộng lẫy.
Vợ Cổ chích hút ma túy bằng tiền vừa bán đứa con trai bảy tháng tuổi, "no dồn đói góp", chích nhiều quá, sốc thuốc, ngã sấp mặt vào đống lửa, đang bị bỏng nặng, suốt ngày nằm trong lều, đốt nilông khói đen hắc đến mức đen kịt mặt mũi để sưởi ấm trong lạnh giá, sương muối Sa Pa.
Giàng Thị Cổ kể: Nhớ con lắm. "Nó" (người mua trẻ em) bảo bán cho nó, nó đi nó nuôi, lúc mình nhớ con thì đến nhà nó, nó cho xem lại cái ảnh thằng Sùng A Thò (tên cháu bé). Bán con cho cái nhà ở gần cổng chợ Sa Pa ấy. Bán được hai triệu rưỡi, nó bảo là phải bế con xuống tận thành phố Lào Cai giao cho nó (có thể đối tượng sợ công an, hoặc đối mặt với các thủ tục hành chính và hình sự khác nếu mang đứa trẻ đi từ Sa Pa).
Hai vợ chồng mình đi, họ bắt thay quần áo sạch sẽ (quần áo họ cho) rồi mới đi theo họ (một số người trong cuộc kể rằng, nếu mặc quần áo người thiểu số bế đứa trẻ đi thì sẽ không an toàn, vì công an sẽ biết là người nghèo cõng con đi bán). Thằng cu A Thò cũng được "người mua" tắm rửa kỹ càng, thay quần áo mới, xức nước hoa rồi bảo hai vợ chồng mình bế đi.
Đang dở câu chuyện trong mùi khét lẹt do đốt giẻ rách và túi nilông nhặt ngoài bãi rác để sưởi, thì tiếng Giàng Thị Cổ nấc lên, khiến tám con nghiện có mặt nhất tề hoảng hồn. Cổ gào gổng: Hu hu, giờ mình nhớ con quá. Tiền thì ra khỏi thành phố đã bị mất hết cả. Mình xuống nhà ấy bảo nó cho xem ảnh thằng cu A Thò. Nó không cho xem, nó chỉ cho chồng mình xem thôi. Vì mình xem là mình khóc ầm lên, nó sợ.
Sùng A Cổ đỡ lời vợ: Lúc bọn mình đói quá, bà người Mán (Dao) bảo bán nó đi. Bán được tiền, mà nó cũng sướng đời nó, chả biết nó có được sung sướng thật không? Chứ mình đói quá. Mình không còn tiền hít heroin, giờ uống thuốc cảm 500 đồng/viên để cho bớt vật thuốc thôi. Hôm bán con, người ta bảo mình ký vào giấy tờ, mình bảo mình thề đấy, không biết một chữ nào đâu. Họ bảo, thế thì thôi, không biết viết thì không sao đâu. Lấy tiền về, mình lại đánh mất tiền vì cái túi quần người ta cho mình mặc nó bị thủng. Vợ mình hút thuốc phiện, lại ngã vào bếp lửa, chắc nó chết mất, mà chẳng có tiền đi chữa bệnh.
Lời của người nghiện dễ gây cho ta cảm giác thiếu tin tưởng. Tôi đã yêu cầu vợ chồng Cổ đưa đến tận nhà cái người mà Cổ bảo đã "mua" con của Cổ, cùng đi có các nhân chứng đã tường thuật câu chuyện trên.
Người đàn bà bán hàng, là chủ một tòa nhà đẹp ở ngay cổng chợ Sa Pa (cùng gia đình) miễn cưỡng công nhận: Đúng, chị ta có "làm phúc" bằng cách giới thiệu cho một người ở dưới xuôi (?) lên nhận con của vợ chồng Cổ làm con nuôi. Có trả tiền đàng hoàng, có mang con về TP.Lào Cai giao nhận.
Chị này từ chối cung cấp địa chỉ của người mua trẻ, bằng cách nói "không biết người mua là ai, không có địa chỉ" (?). Chị ta còn than vãn: Từ hôm "bán mua" xong, liên tục, vợ chồng Cổ cứ kéo đến xin xỏ, chị phải cho nhiều thứ cho nó êm chuyện. "Rõ khổ, có lần bọn nghiện nó còn kéo đến rất đông, cứ như là bắt đền gia đình tôi ấy".
***
Tôi đã lạnh người, lạnh ớn sống lưng đến tận giờ phút này, khi nghe câu hỏi của người đàn bà đang bế đứa con đỏ hon hỏn: "Có phải nhà báo đến mua con của mình không?". Thác Bạc, Cầu Mây là hai điểm nhấn, như là linh hồn của khu du lịch Sa Pa.
Cầu Mây cách thị trấn khoảng 10km, ở vào địa phận bản Giàng Tà Chải, xã Tả Van, chỉ có thể đến đó bằng cách đi bộ trèo dốc. Cách Cầu Mây nửa tiếng đi bộ nữa, đi tít hút vào trong hoa cỏ dại và sương mù dày đặc, có một căn lều cô độc, rách rưới, chỉ rộng khoảng 4m2.
Phải thông qua ông Giàng A Chu, ông Chu cử một trong chín người con của ông, là cậu bé Chơ dẫn đường, chúng tôi mới tìm được túp lều liêu xiêu trong gió lạnh này. Đây là nhà của Giàng A Dình, vợ Dình mới 25 tuổi, qua bốn lần đẻ, cô không nhớ tên của chính mình.
Đứa con cô đang bế trên tay bé bằng bắp chân, đỏ hỏn, mắt nhắm tịt, được cuốn tã lót bẩn thỉu. Căn nhà giữa hoang vu được rào hai lần bằng cách xếp đá khá đẹp. Nó đẹp ở góc độ của nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim hay du hí, chứ với Giàng A Dình, thì rào đá, xếp gỗ, phủ bạt là một việc chẳng đặng đừng. Một việc như là bản năng sinh tồn.
Vợ Dình bảo: "Mình chưa kịp đặt tên cho đứa bé này. Mới đẻ được mấy ngày mà. Đứa trước, là con gái, vì nó lớn, nên mình bán được ba triệu rưỡi. Mình đã bán rồi, lấy tiền rồi, ăn hết tiền ấy rồi (các nhân chứng, có một người tự giới thiệu là công an viên của bản đều xác nhận điều này). Đứa này là con trai, mình đẻ trong lều, lúc 03h00 chiều, mình tự dùng dao cắt rốn cho nó. Người ta đã mua đứa này rồi. Nhưng vì nó còn bé quá, người ta cho mình thêm 500 nghìn và một cân thịt lợn để mình nuôi nó thêm ít ngày nữa, cho nó khỏe một tí nữa, rồi người ta sẽ đưa đi. Lúc đưa đi người ta mới trả nốt 3 triệu đồng".
Cái người tự giới thiệu là công an viên của bản cho biết: Bản Giàng Tả Chải có hơn 600 dân. Nhà Dình nghèo lắm. Hai đứa con trai của Dình ngơ ngác đứng ngoài đồi nương nhìn khách lạ. Chợt vợ Dình như nhớ ra điều gì, hỏi độp vào mặt tôi: "Mày là nhà báo à? Có phải mày đến mua con tao không?".
Vợ Dình tưởng tôi tên là Nhà Báo, giống như chồng cô tên là A Dình vậy. Và, theo tư duy của vợ Dình, chẳng có lý do gì để có người lạ đến túp lều giữa rừng của cô, ngoài cái việc một người tên là Nhà Báo đang đến "bắt" đứa bé mang đi như đã đặt cọc tiền và đã giao hẹn. Nhiều nhân chứng và vợ Dình đều cho biết: Qua một người mai mối trên Sa Pa, người ở dưới xuôi đã lên, đã đưa ít tiền cho Dình, đã hẹn ngày mang đứa bé đi. Cái người ấy là ai, đã đưa bao nhiêu tiền, vợ Dình không được biết. Việc giao dịch hoàn toàn là do Dình quyết.
Tôi đem bánh kẹo và những đồng tiền nhỏ bé mình có được quay lại túp lều, đặt vào tay vợ Dình. Cô rơm rớm nước mắt: Chưa có ai cho vợ Dình cái gì như thể hôm nay. Cho tiền mà lại không bắt con của cô đi. Vợ Dình trật hai bầu vú thây lẩy, trắng muốt ra cho con bú. Thảng nghe tiếng vợ Dình thủ thỉ (A Chơ dịch): Con bú đi, rồi không bao giờ được bú mẹ nữa. Trong nhà không có gạo, không có tiền, cái lều nó cũng ngá (ngã, đổ) rồi.
Đứa bé như con mèo con đỏ hỏn chợt cục cựa, mặt nó, bàn tay bé như cọng ngó sen non mỡn của nó cọ vào bầu ngực mẹ tin cậy. Nó không biết rằng, vì đói khát, có một cuộc dứt tình khủng khiếp sẽ đến trong vài ngày nữa; và nó không bao giờ còn được nương tựa vào bầu ngực của tình mẫu tử ruột rà kia nữa. Người ta sẽ mang nó đi đâu và làm gì với nó?
Chỉ còn vài ngày nữa là đứa bé đỏ hỏn này phải rời hai bầu sữa mẹ Dình (ảnh trái). Vợ chồng Sùng A Cổ - sau khi bán đứa con trai bảy tháng tuổi - cả hai lại tiếp tục tràn ngập trong thuốc phiện. Vợ Cổ sốc thuốc, ngã vào bếp lửa (vết thương còn trên đầu gối).
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.