»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:20:15 PM (GMT+7)

Gỗ lậu vào mùa

(19:37:48 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cuối năm, nạn khai thác gỗ lậu ở các cánh rừng già Quảng Nam trở nên sôi động. Nhiều khu rừng ven đường Hồ Chí Minh đã bị triệt hạ không thương tiếc

 

 

Để vào được những khu rừng bị tàn phá trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi phải nhờ một thanh niên địa phương từng là “lâm tặc” tên A Lăng Ch. (ngụ xã A Vương, huyện Tây Giang - Quảng Nam) dẫn đường với thù lao 200.000 đồng/ngày.

 

 

Ch. nhận lời nhưng ra điều kiện: “Không được lại gần nơi dân khai thác gỗ lậu hoạt động, nguy hiểm đến tính mạng đó”. Ch. còn dặn chúng tôi nếu có ai hỏi thì cứ bảo là người bà con ở xuôi lên, đi theo vào rừng đốt tổ ong lấy mật.

 

 

Tan hoang rừng già

 

 

Chúng tôi lội bộ hơn 20 km vào những cánh rừng già ở Tây Giang và Đông Giang – Quảng Nam. Vừa bước chân đến con suối A Reng, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục khúc gỗ tập kết sẵn bên bờ để chuẩn bị đưa về xuôi. Săm soi những khúc gỗ, Ch. cho biết: “Bãi gỗ này đã được tập kết về đây hơn nửa tháng nay nhưng có lẽ do lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần  tra nên những tay lâm tặc chưa thể đưa đi được”.



 

Một cây rừng bị xẻ thịt trong rừng già Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG DŨNG - C.T.V

 

 

 

Những ngày cuối năm, nạn khai thác gỗ lậu ở các cánh rừng già Quảng Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều khu rừng ven đường Hồ Chí Minh bị triệt hạ không thương tiếc. Lội bộ thêm chừng 5 km, chúng tôi đến một khu rừng già đã bị phá tan hoang. Những cổ thụ to lớn, trong đó nhiều cây có đường kính đến 1 m, đã bị cưa xẻ nằm la liệt.

 

 

 

Cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn ngã, chờ xẻ

 

 

Với một cây to bị triệt hạ, lâm tặc chỉ chọn lấy một vài đoạn gỗ tốt để xẻ ra từng khúc rồi mới đưa xuống núi. Trong cánh rừng, những gốc cây trơ trọi như ngước mặt lên trời kêu cứu. Theo A Lăng Ch., bọn khai thác gỗ lậu thường chọn những cây to ở cạnh bờ suối để khai thác trước, tiếp đến mới triệt hạ những cây trên đồi. “Cạnh suối thì việc vận chuyển thuận lợi, dễ dàng hơn trên đồi cao” – Ch. giải thích.

 

 

Đi thêm khoảng 2 km, chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa ầm ĩ của dân khai thác gỗ lậu đang triệt hạ cây rừng. A Lăng Ch. chần chừ rồi ra hiệu cho chúng tôi quay lui.

 

 

Ngang nhiên chuyển gỗ lậu

 

 

Vào mùa gỗ lậu gần Tết, dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường kiểm tra nhưng dọc theo đường Hồ Chí Minh, từ thị trấn P’Rao – huyện Đông Giang qua những cánh rừng thuộc thủy điện A Vương và đến Thành Mỹ - huyện Nam Giang, chúng tôi vẫn bắt gặp những chiếc mô tô ngang nhiên chở gỗ lậu. Lúc mặt trời vừa buông xuống, từng nhóm người tụ tập ở bìa rừng, ven suối để chuẩn bị công đoạn cuối cùng chuyển gỗ về xuôi.

 

 

 

Cây rừng bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc

 

 

Theo ông Đỗ Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, dân khai thác gỗ lậu rất ranh ma  nên rất khó truy quét. “Dọc đường Hồ Chí Minh, lâm tặc luôn bố trí người túc trực thường xuyên để quan sát, nếu thấy lực lượng kiểm lâm hay ô tô biển số xanh xuất hiện là chúng thông báo bằng điện thoại để dừng ngay việc chuyển gỗ ra đường” – ông Tuấn cho biết.

 

 

Thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang về đêm thật nhộn nhịp. Hàng chục chiếc xe khách liên tục đổ dốc về xuôi. “Làm gì có khách mà chạy, hầu hết là xe vận chuyển gỗ lậu đó!” - một người dân ở Thành Mỹ khẳng định.

 

 

Năm 2010, chỉ riêng Hạt Kiểm lâm Nam Giang đã phát hiện, lập biên bản đến 209 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 12 ô tô, 22 mô tô, 7 chiếc ghe, một xe bò kéo; 174 m³ gỗ tròn và 282 m³ gỗ xẻ. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm Đại Lộc cũng phát hiện 115 vụ, tịch thu 84 m³ gỗ tròn và 316 m³ gỗ xẻ hộp.

 

 

Ngổn ngang gỗ lậu tại Hạt Kiểm lâm Nam Giang

 

 

Lượng gỗ mà các hạt kiểm lâm Nam Giang, Đông Giang, Đại Lộc... thu giữ đã chất thành nhiều đống to, để ngổn ngang ngoài trời và bắt đầu mục nát dần. Theo ông Đỗ Tuấn, dù gỗ tịch thu để lâu ngày đã xuống cấp nhưng hạt cũng đành chịu do không bán được.

 

“Do quy định khung giá bán thanh lý gỗ năm 2010 của UBND tỉnh Quảng Nam cao hơn năm trước nên dù chúng tôi đã ra 4 lần thông báo bán thanh lý nhưng chẳng thấy ai đến hỏi mua. Hiện lượng gỗ thu giữ của lâm tặc còn ở Hạt Kiểm lâm Nam Giang là 240 m³” – ông Tuấn cho biết.

Lâm tặc lộng hành

“Tình trạng lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm trong năm 2010 là đáng báo động” - ông Đỗ Tuấn nhấn mạnh. Chỉ trong năm qua, tại Nam Giang đã có đến 7 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm.

 

Trong đó, vụ gây kinh hoàng nhất xảy ra ngày 15-9. Hôm đó, vào lúc chạng vạng, 5 lâm tặc đi trên 5 mô tô chở gỗ lậu chạy vượt trạm kiểm lâm đóng tại đường vào thị trấn Thành Mỹ.

 

Phát hiện xe chở gỗ lậu, kiểm lâm viên Lê Hoàng Hải hạ thanh chắn xuống liền bị 5 tên này nhào đến đánh bất tỉnh rồi lên xe tẩu thoát.

 

Tại Đại Lộc cũng xảy ra hàng loạt vụ lâm tặc khiêu khích và tấn công lực lượng kiểm lâm.

 

Vụ chấn động nhất vừa xảy ra vào đêm 5-1-2011. Đội Kiểm lâm cơ động số 2 - Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc đi tuần tra, phát hiện một ô tô khả nghi  nên ra hiệu dừng để kiểm tra.

 

Những đối tượng trên xe bất ngờ dùng gậy gộc vây đánh 5 kiểm lâm viên khiến họ bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

 

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang cho biết thời điểm gần Tết là mùa làm ăn của bọn khai thác gỗ lậu.

 

“Chúng tôi đã yêu cầu tăng cường thêm lực lượng cảnh sát cơ động túc trực cùng kiểm lâm ngăn chặn gỗ lậu nhằm cứu những cánh rừng già khỏi bị tàn phá” - ông Tuấn cho biết.

Theo HOÀNG DŨNG /NLĐO
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Gỗ lậu vào mùa

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI