Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu (kỳ 1)
(19:50:36 PM 18/06/2011)
Đúng dịp miền Trung vào giữa mùa mưa, chúng tôi trở lại Cầu Treo, một trong những cửa khẩu nhộn nhịp và có tiềm năng nhất miền Trung. Xanh bạt ngàn cả một dải biên giới Việt-Lào. Có lẽ ít ai biết lẩn trong đại ngàn ấy có mấy dự án thủy điện bị không chỉ dân địa phương mà cả ban lãnh đạo của cả một xã phản ứng quyết liệt. Quần thể ba nhà máy thủy điện nhỏ tọa ở xã Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh, phía bắc miền Trung và là một trong những tỉnh nghèo nhất nước.
Cầu xi măng lớn trên bãi cát và đá gần trụ sở xã Sơn Kim, từng bắc qua dòng chảy chính của suối Nậm Sốt. Lũ quét năm 2002 khiến 100 ha diện tích canh tác của thôn Kim An, mà đương kim Chủ tịch UBND Xã Sơn Kim từng làm trưởng thôn, bị vùi dưới cát dày 1-3 m. | Trước đây, lội qua suối Nước Sốt này, nước ngập đến thắt lưng, giờ cạn gần trơ đáy |
KỲ I - Bên ni đổ sang bên tê
Đúng dịp miền Trung vào giữa mùa mưa, chúng tôi trở lại Cầu Treo, một trong những cửa khẩu nhộn nhịp và có tiềm năng nhất miền Trung. Xanh bạt ngàn cả một dải biên giới Việt-Lào. Có lẽ ít ai biết lẩn trong đại ngàn ấy có mấy dự án thủy điện bị không chỉ dân địa phương mà cả ban lãnh đạo của cả một xã phản ứng quyết liệt. Quần thể ba nhà máy thủy điện nhỏ tọa ở xã Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh, phía bắc miền Trung và là một trong những tỉnh nghèo nhất nước.
Trước khi dẫn khách lên tận hiện trường khảo sát, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch UBND Xã Sơn Kim I, đưa chúng tôi xem một đơn kiến nghị nom không giống các đơn thông thường. Đấy là lá đơn của tập thể bộ máy lãnh đạo xã đương nhiệm, với bốn chữ ký và dấu tròn đỏ chót của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, và Mặt trận Tổ quốc Xã Sơn Kim. Đơn lên huyện Hương Sơn, được huyện ủng hộ.
Thường trực HĐND huyện Hương Sơn có văn bản gửi tỉnh nêu “có nhiều ý kiến phản ánh gay gắt” và “đề nghị tỉnh cân nhắc, xem xét quyết định, không nên thi công công trình Rào Àn”. Nhưng tỉnh bác đề nghị này. Sau đó, huyện đột nhiên đổi giọng.
Đơn xoay quanh việc xây dựng dự án thủy điện Hương Sơn công suất 33 MW từ năm 2002 và bỏ dở cho đến giờ cùng hai dự án thủy điện sắp khởi công gần đó là Rào Àn I và Rào Àn II, công suất lần lượt 16 MW và 8,1 MW. Lợi ích đã rõ. Tỉnh nghèo vừa vinh dự góp điện cho điện lưới quốc gia vừa có thêm tiền cho ngân khố địa phương thông qua thu thuế. Mai đây, thủy điện còn góp phần bảo vệ rừng, lãnh đạo tỉnh bảo thế.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) tháng 3/2004 của Viện Khoa học Thủy lợi, được chủ đầu tư thuê, nói thêm: “Ngoài tác động (phát điện), công trình còn điều tiết dòng chảy ở hạ du về mùa khô, nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm, cải thiện và phục hồi điều kiện vi khí hậu và tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch sinh thái”.
Mục tiêu tốt đẹp như thế, rồi thủy điện Hương Sơn chỉ làm mất một ít đất rừng và đem lại rất nhiều lợi ích như ĐTM và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nói, tại sao dân không vui?
Mấy bạn bên Trung tâm Người&Thiên nhiên từ Hà Nội vào thành phố Vinh, Nghệ An, thuê một ô tô hân hoan bon bon trên quốc lộ 8A, con đường từng được gắn biển “đường đẹp nhất Việt Nam”, tiến sát cửa khẩu Cầu Treo. Ông việt và tôi bám theo họ lên thủy điện Hương Sơn đang dở dang. Đường 25 km lầy lội, lở loét. Tài xế Viên quê xứ Nghệ bảo xe Mekong của anh leo núi ngon. Được 15 km, nó khựng lại. Ông Việt nhảy ào xuống, rảo trong mưa phùn. Cả lũ lao theo, nhằm đỉnh núi, nơi đặt đập thủy điện.
Đơn với bốn chữ ký và dấu của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, và Mặt trận Tổ quốc Xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh miền trung Hà Tĩnh, phản đối thủy điện trên thượng nguồn sông Ngàn Phố, giáp biên giới Việt-Lào.
Còn chút mà phá nữa là hết
Chúng tôi bì bõm trên con đường ngoằn nghèo hai bên mái ta luy. Một bên là núi bị bạt hơn sáu năm mà đất đỏ vẫn tươi như thể mới bạt hôm qua. Bên kia là đại ngàn mà ông Việt bảo phải gọi là rừng nguyên sinh mới đúng. Đất đá bên ta luy dương đổ sang ta luy âm. Cây rừng dưới vực chết la liệt. Nhà đầu tư cam kết bảo vệ môi trường khi thi công. Nhưng “họ đào đất, bạt núi bên ni đổ sang bên tê, chứ không chở đi nơi khác”.
Giọng ông dội vào vách núi: “Rừng đại ngàn bên phải cầu Nước Sốt để làm thủy điện Hương Sơn. Nay bên trái Nước Sốt cũng là 10.000 ha rừng nguyên sinh khác, lại định thêm thủy điện Rào Àn I và Rào Àn II. Cái chi chứ phòng chống lũ quét chắc là không được nữa. ĐTM mô, tui nỏ biết. Chừ sông nước đục ngầu. Lòng hồ thủy điện đều là đại ngàn. Còn chút rừng mà phá nữa là hết”.
Báo cáo ĐTM nói thời gian thi công chỉ 1 – 2 năm nên tác động đến môi trường không đáng kể. Hơn bốn năm trôi qua, mọi thứ vẫn ngổn ngang. Đi một quãng, chúng tôi gặp những bãi gỗ hai người ôm không xuể. “Khai thác rả rích từ năm 2002 chứ không phải đợi đến khi có ĐTM”, ông Việt nói tiếp.
Lúc đầu tỉnh cho 105 ha rừng để nhà đầu tư làm thủy điện. Đến năm 2006, điện chưa có để phát lên lưới quốc gia như cam kết. Thế mà đến tháng 4/2007, dự án được phép mở thêm 111 ha. Ông Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Hương Sơn, nói diện tích rừng bị khai thác không phải là (105 111 =) 216 ha nữa mà là 225 ha. Còn ông Việt bảo 300 ha, bằng Hồ Tây ở thủ đô Hà Nội.
“Tui sinh ra và lớn lên ở đây, hai năm làm trưởng thôn Kim An, hai năm phó chủ nhiệm hợp tác xã, năm năm xã đội trưởng, bảy năm phó chủ tịch xã, và tám năm làm chủ tịch xã kể từ năm 2000. Cả Hương Sơn này, tui thuộc lòng bàn tay”. Ông Việt bảo cả đời ông chưa từng thấy ai vào đây trồng rừng. Kể từ khi ông làm lãnh đạo xã, ông cũng chưa thấy những khu rừng đang nhường chỗ cho công nghiệp kia được xếp vào nhóm rừng sản xuất cho đến khi có dự án thủy điện Hương Sơn.
Dự án thủy điện Hương Sơn với ĐTM tháng 03/2004 có dấu hiệu vi phạm các qui trình pháp lý. Sai phạm dễ thấy đầu tiên là dự án hoạt động từ năm 2002 mà hai năm sau mới cho làm ĐTM ở một khu vực nhạy cảm, nơi được Chính phủ qui định là vùng biên giới chiến lược của quốc gia.
“Hoạt động của dự án vẫn là bí ẩn. Dân không biết rõ nhà đầu tư là ai, công ty cổ phần là của ai. Bà con chỉ biết kháo nhau về ông nọ, bà kia có cổ phần”, Chủ tịch Việt nói. Một lãnh đạo cao nhất của huyện Hương Sơn giai đoạn 2002 – 2003 bày tỏ: “Nguyện vọng của dân và ý kiến của lãnh đạo huyện Hương Sơn thời đó không được đề cập trong cả tư duy và những hành vi tối thiểu mà một dự án thuỷ điện cần phải biết và ứng xử”.
Chúng tôi dừng bước ở thượng nguồn. Trên đó nữa là nơi đặt tổ máy phát điện Hương Sơn. Hôm qua, ở hạ nguồn, chúng tôi đi trên cây cầu xi măng lớn nằm trên cạn, giữa bãi cát mênh mông và đá lổn nhổn gần trụ sở xã. Bãi cát và cầu cạn ấy hóa ra từng nằm dưới dòng chảy chính của con suối mang tên Nậm Sốt.
Lũ quét năm 2002 khiến 100 ha diện tích canh tác của thôn Kim An mà ông từng làm trưởng thôn bị vùi dưới cát dày 1-3 m. Không ngẩng mặt lên để thấy rừng xanh sát nách VQG Vũ Quang, tôi cứ ngỡ đang ở hoang mạc. Cánh đồng Khe Sú từng được mệnh danh là vựa thóc, nguồn sống của 4700 nhân khẩu. Nay toàn xã còn 70 ha đất canh tác trong đó 20 ha sản xuất một vụ vì thiếu nước. “Mỗi nông dân Sơn Kim I chỉ còn 100 m2 đất nông nghiệp. Dân không biết mần chi mà ăn”, ông Việt nói.
Tôi gặp hai thanh niên chưa đến băm đang xúc cát lên xe công nông ở nơi từng là cánh đồng canh tác trước khi lũ quét về. Một trong hai người là Quang, 23 tuổi. Hoài, giáo viên cấp II và là vợ Quang, hơn chồng hai tuổi. Cô kể, hai vợ chồng mua chiếc xe tự chế 25 triệu đồng bằng tiền vay ngân hàng. Mỗi ngày, họ xúc sáu xe cát, bán quanh xóm được 60.000 đồng/xe. Đến nhà Quang, chúng tôi còn phát hiện xóm của anh chuyên săn thú rừng ở VQG Vũ Quang. “Nỏ thế, lấy chi mà ăn”. Hoài khoe chồng thường lên rừng săn khỉ và vooc về để cô có dinh dưỡng sinh và nuôi con gái 20 tháng tuổi. Thế không chăm rừng à? Giao gần hết cho các ông lớn rồi, Chủ tịch Việt giải thích.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 (Điểm 8, Điều 20); Thông tư 08/ 2006/TT – BTNMT của Bộ Tài nguyên&Môi trường ngày 08/9/2006 về việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Khoản 2, Phần III), các đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện cần có vai trò, tiếng nói, có quyền phản biện.
(Còn nữa)
Kỳ 2 - Trời của ta, nước không còn của ta
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.