»

Chủ nhật, 19/01/2025, 00:18:24 AM (GMT+7)

Cứu tinh nơi giời hành

(19:39:55 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Một người được mệnh danh là trùm đá quý bống nghĩ ra giải pháp làm chiếc thuyền không bao giờ chìm. Kể từ khi làm được cái phao cứu nạn không chỉ cho ngư dân mà còn cho những người, những em học sinh hàng ngày phải qua sông lụy đò để mưu sinh, để đến trường; ấy vậy mà ông như bị giời hành.

Không làm sao đưa nó đến được những nơi cần nó, những nơi thường xuyên bị mưa lụt, mà ông cũng gọi đấy là nơi giời hành.

 

 

Tiếp nối chương trình, ông Phó Chủ tịch Thường trực Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ), chủ trì hội thảo – điền dã tại Quảng Bình từ 15-16/10/2010 trịnh trọng mời kỹ sư Nguyễn Xuân An tóm lược nguyên nhân khiến giải pháp độc đáo – thuyền phao cứu người lâm nạn vì sao chưa được triển khai rộng rãi trong thực tiễn.

 

Sau lời mời, người điều hành đế thêm, do thời tiết bất thường, mưa chồng lên mưa, lũ chồng lên lũ, nhiều đại biểu tới trễ nên đề nghị diễn giả chỉ nói gọn 20 phút để các nhà khoa học, các nhà báo trao đổi đâu là rào cản khiến giải pháp thuyền phao chưa đi vào cuộc sống; đồng thời cùng nhau làm rõ thuyền phao trên thế giới và thuyền phao của kỹ sư Nguyễn Xuân An có phải là một. Nào ngờ, những lời chân tình ấy lại khiến không khí hội thảo trở nên khác thường...

 

 

Lòng thuyền thúng phao ngập nước, nhưng thuyền vẫn nổi

 

 

Cướp diễn đàn

 

 

Từ phía trái khán phòng, kỹ sư Nguyễn Xuân An bật dậy, cắp theo lỉnh kỉnh những thúng, những mủng phăm phăm bước lên diễn đàn với vẻ mặt căng như dây đàn. Chiếc mũ lưỡi trai mầu cứt ngựa chụp kín đầu vẫn không giấu nổi mái tóc trắng phau trùm lấp tận mang tai như đang bốc khói.

 

Tay phải quắp chiếc micro đưa lên sát miệng, tay trái vút theo lời: Tôi tới đây không phải để thanh minh, mà để nói cho rõ, để thao diễn trên sông, trên biển mong sao các vị tường tận. Giải pháp thuyền phao cứu người gặp nạn trên sông, trên biển đâu phải là sự ngộ nhận. Nó là công trình tự nghiên cứu, tự chế tạo của tôi. Đó là công trình có sự khẳng định của khoa học, của pháp lý.

 

Các sản phẩm của giải pháp đã được bộ, ngành liên quan nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu, chế tạo, hội thảo, thử nghiệm trên sông, trên hồ và trên biển với sự tham gia, chứng kiến của đông đảo bà con ngư dân cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… Đó là sản phẩm đã đoạt tới bốn giải thưởng quốc gia (*). Ấy là chưa kể  “Ý tưởng vàng” do khán giả truyền hình trên cả nước bình chọn ngày 10/6/2006!...

 

Cứ thế, ông xả ra cả suối lời ập ào như gió như mưa, trộn trạo những sấm, những sét khiến người mới gặp lần đầu cứ ớ ra. Khi ấy, những người chủ trì hội thảo biết rõ cái tâm cái đức của kỹ sư với người nghèo, vội hạ hỏa, dánh trọn vẹn thời gian đã định để ông diễn giải, dù thời gian phải lấn quá giang...

 

Từng đứng cùng KS Nguyễn Xuân An trên đê sông Nhật Lệ ngập ngụa nước tại xã Quảng Hải vào buổi sáng gió mưa tầm tã giữa tháng 10 năm 2010.

 

Ông nghẹn ngào: Năm 2009 khi chiếc đò ngang định mệnh làm chết một lúc 43 người trên quãng sông này, tôi đã về đây để sẻ chia nỗi đau cùng họ. Cái chết của những người dân vô tội này cũng hệt như 19 em học sinh xấu số bị lật đò ngang trên sông Con Cuông tỉnh Nghệ An; hệt như những vụ lật đò, đắm thuyền ở hồ Phú Ninh (Quảng Nam), ở trên sông trên biển các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắc, Quảng Ninh. Bão ChanChu tháng 6/2006 cướp đi sinh mạng cả lúc 246 ngư dân, chỉ vớt được xác 20 người, còn 226 người vĩnh viễn ở lại với đáy biển khơi.

 

 

Trên diễn đàn hôm nay, lời ông An quánh lại: Những bi thương của ngư dân nghèo nơi chân trời góc biển đã thôi thúc lương tâm tôi, đã bắt tôi phải chi ra những đồng tiền của gia đình mình để đi tìm nguyên cớ gây nên những cú lật và chìm thuyền...

 

 

Bỗng dưng giọng ông lạc hẳn, môi nhệch nhạc, nước mắt nhòa nhoạt trên vết rạn chân chim, trên cả đôi gò má cao vồng... Kỹ sư địa chất kỳ cựu Nguyễn Xuân An, 76 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Đá quý, ăm ắp những truyền kỳ về đá đen, đá đỏ.

 

 

Vì sao lão giả an tri lại lùng bùng tạt ngang sang thuyền thúng, thuyền phao chẳng dính líu chi với cái nghề cái nghiệp địa chất cả đời gắn bện?

 

Vì sao ông dám bỏ cả đống tiền ky cóp, quên đi cả sức vóc đã mỏi mòn, lặn lội khắp các vùng chân sóng, sông sâu, hồ lớn để khảo sát, để sáng chế, để thử nghiệm cho tới khi túi vơi, bịch cạn mới tạo nên giải pháp thuyền phao cứu người lâm nạn?

 

Vì sao ông rất tự tin mỗi khi nói về giải pháp cứu nạn như định nghĩa chắc đinh: “Thuyền phao là thuyền không chìm, đồng thời cũng là phao cứu người khi không may gặp nạn và từ phao có thể trở lại thành thuyền”!...

 

Cho nên phải co ép thời gian, ông bức bối tại hội thảo tổ chức ngay bên bờ biển Nhật Lệ cũng là lẽ đương nhiên. Chỗ cần nói, lại không được nói hết ý. Đâu dễ dàng cho qua. Đã thế, đây đó không ít kẻ láu lỉnh đã mượn cớ vận dụng công trình sáng tạo của ông để làm ra các kiểu thuyền phao nhái mác. Ngay tại khán phòng hội thảo hiện diện chủ một doanh nghiệp nọ từng nhái thuyền phao Nguyễn Xuân An để kiếm lời, lại gia nhời ca tụng mời ông hợp tác, mời ông đến thăm!…

 

 

Thao diễn bên bờ Nhật Lệ

 

Như chiếc phao vợi bớt hơi, bỏ chiếc mũ le trên đầu, giọng ông mềm lại. Kỹ sư say sưa nói về bản chất của giải pháp thuyền phao, về những điểm mới khác biệt của thuyền phao với thuyền truyền thống. Nào là, thuyền phao là vật nổi không chìm.

 

Thuyền phao được lắp vật liệu nhẹ vào bên trong thành thuyền để làm phao. Thuyền được lắp van phao ở đáy để điều tiết nước. Thuyền có hệ thống dây an toàn, có quai phao giúp người không bị cách ly thuyền khi gặp nạn.

 

Vừa nói, ông vừa dùng những chiếc thúng, chiếc mủng để thao tác làm công cụ trực quan trong những trường hợp thuyền phao có thể làm bằng tre, gỗ như thuyền truyền thống hoặc có thể làm bằng tôn kim loại, bằng composite... Nào là, những tình huống có thể xảy ra khi sử dụng thuyền phao và biện pháp khắc phục... Nào là cấu trúc và tính mới khác biệt của thuyền phao…

 

Ông sôi nổi, cặn kẽ, tỷ mỉ cốt để mọi người nắm chắc vật liệu chế tạo và tính năng của các lớp vỏ thuyền, của phao, van phao, vành cao su chống va đập đến dây an toàn và quai phao… Nào là cơ chế hoạt động của thuyền phao, ở chế độ thuyền khi van phao đóng; ở chế độ phao, khi van phao mở…

 

Nào là các sự cố xảy ra khi thuyền phao bị lật ngửa hoặc lật úp và các biện pháp khắc phục… Nào là các kiểu thuyền phao đã được ông chế tạo như thuyền thúng phao an toàn cho người đi biển; thuyền thúng phao bằng tre AN-01-TP dùng đi lại và đánh bắt hải sản ven bờ; thuyền thúng phao bằng composite AN-03 dùng cho lưới cản và AN-05 dùng cho câu mực đại dương…

 

Chiều ấy (16/10/2010), thành phố Đồng Hới, Quảng Bình tầm tã mưa. Gió liên hồi quật quã. Biển thịnh nộ ùn ùn dâng sóng từng chập, từng chập ì ầm dội nước ngầu đục ngược dòng Nhật Lệ. Năm-sáu ngư dân trai tráng của làng chài cùng kỹ sư Nguyễn Xuân An đánh vật với gió mưa đưa hai chiếc thuyền phao ký hiệu AN - 05 bằng composite dùng cho câu mực đại dương, chuyển từ Quảng Ngãi ra để thao diễn cho các nhà báo, các nhà khoa học cùng đông đảo nhân dân sở tại chứng kiến.

 

 

Thuyền thúng phao lật úp, nhưng thuyền không chìm

 

 

Cho những nơi giời hành

 

Hình ảnh ấy của vị kỹ sư già khiến chẳng ai nỡ lòng lảng vảng trú bão, tránh mưa. Các nhà báo, nhà hình, nhà đài tìm mọi kế sách che mưa máy móc để ghi, để chụp những ngư dân giúp việc cho người kỹ sư già quyết liệt rập rềnh trên hai chiếc thuyền thúng phao cốt để nước ập vào.

 

Nước đầy thuyền, quả thật thuyền thúng phao vẫn nổi nênh trên nước. Van phao mở, càng lạ. Thuyền rềnh lên. Họ xô, lật úp thuyền. Không chìm. Đáy thuyền tròn vành vạnh nhô lên trên mặt nước hệt như chiếc thau nhôm úp ngược. Sóng rập dềnh, gió táp mạnh. Thuyền nhân không bị thoát ly khỏi thuyền bởi họ có dây an toàn móc vào đai lưng, đầu bên kia được buộc chắc vào cạp thuyền. Lát sau, họ cụm lại dùng quai phao lật thuyền trở lại…

 

Cuộc thao diễn thuyền thúng phao kéo mọi người vào cuộc bàn luận sôi nổi về ưu điểm nổi trội của thuyền phao và giải pháp đi vào cuộc sống. Người thì cho rằng cần gửi thông điệp hữu ích này đến quan chức các cấp từ trung ương tới địa phương mong họ biến thông tin thành nhận thức để hành động.

 

 

Vẻ mãn nguyện của KS Nguyễn Xuân An sau buổi thao diễn thuyền phao.

 

Người thì hiến kế nên cậy nhờ tới lòng hảo tâm để sản xuất thuyền phao cho dân nghèo, cho dân vùng trũng. Người lại bảo tìm cho được dự án, nhà đầu tư hay nhà kinh doanh để sản xuất cung ứng cho lao động nghèo. Trước hết nên tiếp cận bằng cách làm quà tặng cho họ.v v.và .v.v.

 

Kết cục, tất cả đều chung kiến nghị với các ngành các cấp nghiên cứu, giúp đỡ, tạo điều kiện để dân vùng biển, sông nước sớm được dùng thuyền phao thay thuyền thúng cũ để đánh bắt hải sản, làm phương tiện an toàn cho các khu du lịch; dùng thuyền phao làm vật nổi cứu hộ, cứu nạn đặt trên tàu thuyền thay phao bè; dùng thuyền phao làm phương tiện đi lại an toàn trên các vùng sông nước, làm thuyền và vật nổi cứu hộ cứu nạn cho các vùng lũ lụt, góp sức hạn chế hiểm họa bất thường của biến đổi khí hậu ở đất nước hình chữ S bốn mùa dầy đặc bão giông.

 

 

KS Nguyễn Xuân An tại hội thảo

 

 

Chúng tôi trở ra Bắc đúng ngày Hà Tĩnh, Nghệ An chịu trận mưa dữ dằn nhất (18/10/2010). Xóm thôn, làng mạc, ruộng đồng, phố xá mênh mang trong nước. Nơi trú lý tưởng của dân là mái nhà, nóc nhà. Cảnh tình thế ấy mới hay giải pháp thuyền phao và thuyền thúng phao của kỹ sư Nguyễn Xuân An sẽ không chỉ là phương tiện sinh nhai mà còn là phao cứu sinh, cứu hộ cho dân nghèo vùng lũ những đận giời hành như thế ấy.

 

(*) Bốn giải thưởng của giải pháp thuyền phao gồm Cúp vàng Techmart Việt Nam; Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của Bộ NN&PTNT; Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động VN và Bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích Sáng chế Thuyền phao số 754 của Bộ Khoa học Công nghệ

Bafi vaf ảnh của Nguyễn Uyển
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cứu tinh nơi giời hành

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI