Cứu sống những đứa trẻ 'phải' chết
(19:41:35 PM 18/06/2011)
Chị Phương và mẹ con Hồ Thị Thước. Ảnh: Nguyễn Thành.
Lấy đứa đầu, bỏ đứa sau
Chị là Trịnh Thị Thùy Phương, Trưởng phòng khám đa khoa xã Phước Chánh, mảnh đất đặc biệt khó khăn với hầu hết là đồng bào dân tộc Mơ Nông. Những hủ tục bao đời còn đeo đẳng trong tâm trí và quan niệm của người dân nơi đây.
Trong đó có hủ tục kiêng kị chuyện song sinh. Tập tục của đồng bào ở đây là nếu đẻ sinh đôi, nghĩa là bị ma ám, nên phải giết đứa sinh sau. Giết rồi bỏ vào rừng để con ma không biết cách quay về quấy phá. Vì hủ tục đó mà nhiều sinh linh chỉ được sống trong bụng mẹ, vừa cất tiếng chào đời đã đối diện với cái chết chỉ vì sinh ra sau anh, chị mình...
Năm 1984, Trịnh Thị Thùy Phương cô gái quê Quảng Nam đang làm việc ở một lâm trường tại Cà Mau xa xôi, bỏ nghề xin thi vào lớp sơ cấp y tế. Ra trường, chị về lại Quảng Nam tình nguyện lên xã Phước Công – Phước Sơn. Sau khóa đào tạo y sĩ vào năm 1990, ra trường chị lại lên núi.
Chúng tôi tới thăm phòng khám đa khoa gặp đúng khi trời đổ mưa giông. Con đường từ thị trấn Khâm Đức vào Phước Chánh mịt mùng với những dốc cao hun hút. Mang tiếng phòng khám đa khoa khu vực cho 5 xã vùng cao, nhưng 10 năm thành lập cũng chỉ mới được cái máy thở, ọp ẹp cùng 5 giường bệnh, với mình chị Phương làm mọi việc.
Chị Phương đang ngồi đối diện với cặp vợ chồng trẻ người dân tộc. Chị lấy cặp nhiệt, ống nghe khám cho cô vợ rồi lớn giọng với anh chồng kia: “Để vợ đó. Tau có cách chữa rồi”, cả hai vợ chồng răm rắp nghe lời. Chị Phương kể, cô vợ được đưa đến phòng khám trong tình trạng sốt li bì, lên cơn co giật, nhưng người chồng nằng nặc đòi đưa về để cúng. Phải cúng gà, cúng lợn mới đuổi con ma ra khỏi người được. Thuyết phục mãi, anh ta mới cho khám chữa. Một ngày làm việc của chị Phương thường vấp những ca bệnh như vậy, cũng chỉ vì tục cúng bái, thần linh còn ám ảnh trong tiềm thức của người bệnh.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Phương dẫn chúng tôi đến thăm nhà Hồ Thị Thước, thôn 3 Phước Chánh. Mới 18 tuổi, Thước đã có 2 con lên 3 tuổi. Hai cháu là một trong những cặp song sinh được chị Phương cứu sống. Gặp chị, Thước vui mừng lắm. Bế đứa bé gái trên tay, chị Phương ôm ấp và hôn đứa trẻ như con đẻ mình. “Vì Thước và vì đứa trẻ này mà chị Phương suýt mất mạng đó. Mẹ con em sống được đến hôm nay là nhờ chị Phương”, Hồ Thị Thước nói giọng biết ơn.
Cách đây ba năm, Thước mang thai và hạ sinh đứa con trai đầu lòng, cả nhà lập tức tổ chức cúng bái ăn mừng. Khi ấy Thước vẫn đau quằn quại và băng huyết liên tục. Cô được đưa đến phòng khám trong tình trạng nguy kịch, chị Phương đứng ra cấp cứu và phát hiện trong bụng Thước vẫn còn một đứa trẻ nữa. Tiến hành phẫu thuật lấy ra một bé gái, cứu sống cả hai mẹ con. Biết tin, chồng Thước bỏ về làng báo lại sự việc với người thân và dân làng biết, tổ chức cúng bái trừ tà đuổi ma.
Sau gần 1 tuần nằm ở phòng khám Thước ẵm con về nhà. Vừa về đến đầu làng Thước bị chồng đuổi thẳng, bảo nếu không giết đứa bé thì đừng về làng và dọa giết luôn cả hai mẹ con. Thước bồng con chạy về phòng khám tìm gặp chị Phương để trốn nhờ trong phòng.
Một ngày sau, chồng Thước biết vợ vẫn nuôi đứa bé và trốn ở phòng khám, tức tốc chạy lên. Chị Phương vừa mở cửa đã bắt gặp con dao của người chồng vung lên đòi chém. Dân làng vây lại can ngăn giật lấy dao nhờ đó chị Phương mới thoát chết. “Phen đó tôi cũng mất hồn. May sao dân làng can ngăn kịp không cũng chết theo mẹ con nhà nó rồi”, chị Phương tâm sự.
Chồng Thước không làm gì được đùng đùng bỏ về. Một mình chị Phương lặn lội đến nhà bố đẻ của Thước thuyết phục ông bà nuôi đứa bé. Bố Thước gật đầu ưng thuận. Đứa bé được ông bà ngoại nhận nuôi. Hằng ngày, Thước trốn chồng lén sang cho con bú. Đứa bé dần dần lớn lên trong những cơn khát sữa. Chị Phương lại đứng ra xin phòng LĐ - TBXH huyện chính sách tiền trợ cấp cho cháu bé.
Thấm thoắt bé gái đã lên ba, chồng Thước là Hồ Văn Bi không dọa giết nữa, nhưng vẫn nhất quyết không nhận con, không để con về nhà. Có lẽ cũng thấy thương con nhưng đối với chàng trai người dân tộc này, bóng ma còn ám ảnh nên mỗi lần hỏi về đứa bé, anh đều thảng thốt hoảng sợ. “Tôi chỉ mong có ngày nó nhận lại con mình. Con bé kháu khỉnh thế kia người ngoài còn thương nói gì ruột rà máu mủ”, chị Phương nói.
Một cặp song sinh hiếm hoi được bố đẻ thừa nhận ở Phước Chánh.
Cuộc chiến với hủ tục
Trường hợp như Thước ở các xã vùng cao Phước Sơn không phải chỉ có một. Đã có trường hợp trẻ song sinh đẻ trong nhà hay nương rẫy đã bị giết đi. Biết tin, chị Phương đau lòng như chính mình mang nợ với những đứa trẻ xấu số. Từ ngày nhận công tác đến nay, 8 cặp song sinh chào đời ở phòng khám là 8 lần chị Phương phải đối đầu với chồng sản phụ và gia đình họ để cứu sống những đứa trẻ, không ít lần chịu cảnh hiểm nguy. Và rồi sau đó chị phải tìm được người nhận nuôi, xin tiền trợ cấp, đứng ra lo từ hộp sữa, miếng cơm manh áo cho những đứa trẻ này.
Người dân thôn 7 Phước Chánh vẫn nhớ chuyện chị Phương cứu con gái của Hồ Văn Hiếu khi vợ anh ta sinh đôi. Không dọa giết, nhưng Hiếu bắt vợ phải bỏ con, cho ai thì cho.
Chị Phương vận động mãi Hiếu mới chịu để vợ nuôi cả hai. Con gái đã 4 tuổi nhưng Hiếu cũng không chịu nhận con, vẫn cho rằng chị Phương là người giữ con gái anh ta lại làm ma! Chị lại đứng ra vận động: “Con gái mày bằng da bằng thịt đó. Rượu chè cả ngày không chịu làm ăn còn nói vợ nói con tội nghiệp. Tu chí nuôi con ăn học rồi nó sẽ báo hiếu mày về sau”. Thuận lòng, Hiếu dần dần thay đổi.
Hay như hai đứa trẻ của vợ chồng Hồ Văn Linh - Hồ Thị Trà ở thôn 4. Chồng đào hố xong định đem con chôn sống, may chị Phương có mặt kịp thời ra tay cứu đứa bé từ huyệt do chính cha đẻ nó đào sẵn. Đứa bé giờ đã chập chững biết đi biết nói, nhưng hai vợ chồng Linh - Trà thường cãi vã nhau chỉ vì nó. Những câu chuyện đau lòng làm chị Phương phải nhiều đêm trăn trở. Những đứa trẻ được chị cứu đã có quyền được sống như bao đứa trẻ khác, nhưng quyền được yêu thương che chở từ những ông bố thì chị vẫn chưa giành lại được cho các cháu.
Anh Nguyễn Thế Thọ - Phó phòng Văn hoá thông tin huyện Phước Sơn, chia sẻ: “Khoảng chục năm về trước, hủ tục của dân làng còn nặng nề lắm, nhưng nhờ sự vận động, giáo dục của chính quyền, nhận thức của bà con đã dần thay đổi. Dân làng không còn đem con bỏ vào rừng như trước đây nữa. Nếu có thì đó cũng chỉ là trường hợp đơn lẻ, hiếm hoi lắm mới xảy ra. Trình độ dân trí của người dân đang từng ngày được nâng cao, giáo dục về tận thôn bản nên người dân hiểu và đang dần xoá bỏ, xây dựng đời sống văn hoá mới”. Anh Thọ vốn là người dân tộc Mơ Nông nên biết rất rõ những luật tục và lời nguyền mà dân mình đặt ra. Anh cũng chính là người tiên phong chống lại hủ tục này.
"Hai đứa trẻ của vợ chồng Hồ Văn Linh - Hồ Thị Trà ở thôn 4. Chồng đào hố xong định đem con chôn sống, may chị Phương có mặt kịp thời ra tay cứu đứa bé từ huyệt do chính cha đẻ nó đào sẵn. Đứa bé giờ đã chập chững biết đi biết nói."
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.