Cụ già mù dắt chó đi ăn mày
(19:35:55 PM 18/06/2011)
Một cuộc đời bi kịch
Cánh đồng xã Tân Dương (Thủy Nguyên, Hải Phòng) nằm bên kia sông Cấm, là một bãi cỏ hoang lút đầu. Nơi ấy, có một xóm của những người ăn mày, gồm hơn chục hộ gia đình.
Ông Lê Thế Minh ngồi trầm ngâm trước túp lều trát đất. Nhà ông ngay mép hồ nước thải của một nhà máy. Mặt ông hênh hếch lên trời, đôi mắt như hai hòn bi ve. Hàng xóm bảo ông Minh ít nói, ít tiếp xúc với xung quanh, kể cả những người cùng cảnh ăn mày, chỉ lẩn thẩn cả ngày với con chó.
Ông Lê Thế Minh trước ngôi nhà tranh vách đất ở "xóm ăn mày".
|
Ông Lê Thế Minh sinh năm 1930. Ông không nhớ cụ thể tên làng, chỉ láng máng ở huyện Đông Hưng (Thái Bình). Hồi ông 6-7 tuổi, bố mẹ bị bom Pháp giết, anh em đi ở cho người nhà giàu.
Mới sinh ra, mắt ông đã mờ, đến năm 10 tuổi thì mù hẳn. Nạn đói 1945 đã khiến cả làng ông tứ tán đi khắp nơi ăn mày. Cậu bé Minh cũng được người làng dắt đi, rồi thất lạc luôn.
Cuộc hành hương trốn nạn đói của cậu bé Minh lên đến tận Hà Nội. Chuyến đi kéo dài cả tháng và đồ ăn chỉ là cỏ dại ven đường. Phần lớn số người làng đã chết đói dọc đường. Ông Minh bảo, giờ đây, nếu không xin ăn được, ông cứ vặt lá, nhổ cỏ quanh nhà ăn, cũng qua cơn đói.
Ông Minh bị mù từ khi còn nhỏ. Đôi mắt ông như hai hòn bi ve.
|
Không nhà không cửa, không người thân thích, Minh làm thuê cho các tiểu thương ở chợ. Minh làm đủ việc, từ quét chợ, xay thóc, bốc vác… cốt là có miếng ăn. Ngày làm hùng hục, tối no bụng thì rúc vào gầm bàn ngủ. Không chợ nào từ Hà Nội xuống đến Hải Phòng, Minh không có mặt xin việc làm thuê. Tiểu thương buôn bán thương cảnh mù lòa, nên thường gọi cậu làm để cậu có miếng ăn vào bụng.
Hồi vạ vật kiếm sống ở ga Hải Dương, ông gặp một người đàn bà cùng cảnh ăn mày. Vợ ông cũng chả rõ quê mình ở đâu. Họ sống vạ vật đầu đường xó chợ với nhau, mà cũng đẻ tới 4 đứa con. Vợ ông mất cách đây 20 năm vì lên cơn hen, tắc thở.
Ngôi nhà tồi tàn của ông Minh, nơi ông sống cùng chú chó.
|
Tôi hỏi: “Con cái của ông đâu cả, mà để ông sống một mình thế này?”. Ông Minh nói gọn lỏn mỗi câu: “Chết hết rồi”. Nhắc đến con cái, khuôn mặt ông lộ vẻ cay đắng. Tìm hiểu quanh xóm, mới biết cả 4 người con của ông đều nghiện ngập, người đã chết, người ở tù. Không thiết gì con cái, ông theo những cư dân ăn mày ra giữa cánh đồng dựng lều ở.
Chó dắt đi ăn mày
Lúc tôi xắn quần lội dọc đoạn ngõ sình lầy ngập nước vào nhà ông Minh, một chú chó xông ra sủa ăng ẳng. Ông Minh bảo: “Ngoan nào!”, tức thì nó lùi lũi đi vào trong nhà rồi ngồi phục ở cửa.
Tôi ngó kỹ căn nhà như cái chuồng gà, thấy tài sản gồm có: một cái thùng rách chứa nước mưa, một cái ấm, một cái xoong méo mó, hai cái chăn bông, và một dây quần áo cả cũ lẫn mới.
Tôi thắc mắc sao ông mua lắm quần áo thế, ông giải thích: “Cả đời tôi chưa từng mua cái gì ngoài gạo. Cả ngôi nhà này toàn là đồ đi xin. Tôi xin tre mục dựng nhà, xin rơm trộn bùn trát vách, nhặt áo mưa rách để che, bạt rách lợp mái. Cái bàn thờ là của một người ăn mày hàng xóm vớt được ở sông Cấm đem về cho. Quần áo, chăn màn toàn là của người chết đấy. Người nhà họ chết, họ không đốt thì đem cho những gia đình ở xóm ăn mày này đấy”.
Ông Minh lần mò chiếc gối ôm cáu bẩn kể: “Ngày trước, có cô gái 20 tuổi, con nhà giàu, chết tai nạn giao thông, người nhà cô ta chở một xe tải quần áo, đồ dùng của cô ta đến. Quần áo con gái thì tôi không mặc được, nên xin cái gối ôm này về gác đầu cho đỡ mỏi”.
Năm ngoái, một nhà hảo tâm phát đồ cho cả xóm, rồi qua nhà ông hỏi: “Ông thiếu gì, tôi sẽ giúp”. Ông Minh bảo: “Những kẻ ăn mày như tôi cái gì chả thiếu. Nếu anh có lòng tốt thì tặng tôi con chó hoặc con mèo để nó bắt chuột. Lũ chuột cắn nát hết quần áo, chăn màn, xơi hết cả đồ ăn của tôi. Bọn chuột đói còn cắn rách cả ngón chân tôi”.
Hàng ngày, chú chó dắt ông Minh vào trung tâm TP. Hải Phòng để ăn mày.
|
Giữ lời hứa, nhà hảo tâm nọ dắt đến một con chó con. Ông ta bảo, tặng ông con chó để nó vừa đuổi chuột, vừa sủa ăng ẳng cho ông đỡ buồn.
Sự có mặt của con chó đã chấm dứt bao năm cô đơn của ông già mù ăn mày. Ông yêu chó hơn cả bản thân mình. Những ngày không xin đủ cơm thừa, ông nhường hết cho chó.
Người dân sống dọc đê sông Cấm bên xã Tân Dương, người đi phà Bính, rồi người dân ở một số con đường, khu chợ thành phố cảng đã quá quen thuộc với hình ảnh con chó đeo cái chuông nhỏ kêu kính coong đi trước, ông già mù lẫm chẫm theo sau. Có cái chuông ở cổ, con chó ở đâu ông cũng biết. Tiếng chuông cũng gây chú ý cho người qua đường.
Ngày nào cũng vậy, ông Minh và chú chó đều dậy từ 5 giờ sáng, lò dò đi dọc sông Cấm, qua phà Bính, lang thang dọc các con phố, khu chợ để xin ăn. Ai cho cái gì, ông xin cái đó. Chiều xuống, con chó lại dắt ông về căn nhà rách ở bãi hoang. Mỗi ngày, ông và chú chó đi trung bình 15 cây số. Con chó mắt sáng nên đi trước, dắt ông chủ mù theo sau.
Một góc xóm ăn mày, nơi ông Minh trú ngụ.
|
Từ ngày có chú chó này, ít khi ông bị ngã và cũng không bị lạc đường nữa. Nó dắt ông đi về rất đúng giờ và đúng tuyến. Ông Minh yêu con chó hơn cả tính mạng mình, nên đêm nào cũng vậy, sau bữa tối, ông và chó cùng lên giường nằm nói chuyện, rồi chìm vào giấc ngủ.
Ông Hoàng Ngọc Khải, nhà đằng sau nhà ông Minh, cũng mù lòa, cũng ăn mày, kể: “Ông Minh trông thế mà nhiều bệnh lắm. Mấy năm trước có bác sĩ tình nguyện vào xóm khám bệnh, họ kết luận ông ấy bị loét dạ dày và suy thận, không điều trị ngay thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Nhưng ở xóm ăn mày này làm gì có tiền mà đi viện nên mặc kệ thôi. Gần đây ông ấy hay đau đầu, đêm cứ rên ư ử. Tôi lần mò sang, thấy con chó không sủa mà cũng cứ rên ư ử như ông ấy”.
Thi thoảng, ông Minh ngồi uống trà với ông Khải. Vợ ông Khải bảo, hai ông mù ngồi rót trà mời nhau nhưng toàn rót vào tay nhau thôi. Cứ sau mỗi cuộc trò chuyện, ông Minh lại dặn ông Khải: “Khi nào con chó chết, chắc tôi cũng chết theo nó. Nhờ ông nói với hàng xóm bó chiếu chôn nó cạnh tôi nhé!”.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.