»

Thứ bảy, 23/11/2024, 16:00:00 PM (GMT+7)

Công nghệ vác rừng về nhà

(19:46:03 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - “Chơi cây cảnh bây giờ là phải chơi những cây ”khủng” được bứng từ rừng sâu núi thẳm về mới hợp mốt, mới là tay chơi. Còn chơi ba cái cây vớ vẩn trồng trong chậu, xưa rồi. Phải là Sơn trắng vài chục năm tuổi, hay chí ít cũng là sộp, si, đa, mà phải được bứng từ rừng về cơ”.

Giám đốc một khu du lịch tầm cỡ đã nói như thế. ở xã Phước Minh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã hình thành một nghề chuyên vào rừng đào cây cảnh cung ứng cho thị trường.


Cây Sơn trắng này được đưa về từ vùng đụn Sơn Hải

Biến cây rừng thành cây cảnh

 

 

Trong vai một người đi tìm mua cây cảnh, chúng tôi đến thôn Lạc Tiến, thuộc xã Phước Minh, huyện Ninh Phước, vốn được gọi là làng cây cảnh. Gọi như vậy nhưng không phải vì dân ở đây chuyên chơi cây cảnh, mà vì đây là một địa chỉ chuyên cung cấp các loại cây cảnh có nguồn gốc tự nhiên, từ cây vài năm tuổi đến cây vài chục năm tuổi, số lượng bao nhiêu cũng có!



Anh Nguyễn Hay, ngụ ở thôn Lạc Tiến chỉ một cây Bồ Đề có gốc cỡ hơn một người ôm, giàn rễ phụ chằng chịt cho biết, cây này anh mới bứng về khoảng hơn một tuần và đang chờ bán, ra giá 16 triệu đồng.Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngừ anh nói như thanh minh: “Để bứng được cây và đem về tận đây, chỉ tính riêng tiền mướn xe cẩu đã tốn hết 5 triệu đồng rồi, và cũng phải mất đứt một tuần với năm thanh niên lực lưỡng mới bứng tận gốc “cậu chàng” được”. Anh nói 16 triệu là rẻ rồi chứ anh vừa mới bán một cây nhỏ hơn cái cây này cho một khu du lịch với giá 15 triệu đồng. Anh còn bảo nếu tìm được mối bán thì tiền huê hồng cho chúng tôi là 15 pha.

 

Cây da cổ thụ giá 16 triệu đồng

 

Anh Hay chưa phải là “đại gia” trong nghề đào cây cảnh. Người phải nói đến ở cái thôn Lạc Tiến này là ông Năm Cù Lao. Nhà ông Năm có ba người con trai thì cả ba đều lên núi đào cây cảnh. Muốn có cây cảnh đẹp thì phải vào sâu trong vùng núi Cà Ron, hay núi Đá Bạc giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng thì mới có hàng đẹp. Hàng của ông phần lớn là cây TagiLao (Bằng Lăng ổi), một loại cây nở hoa tím rất đẹp và rất lâu tàn. ở khu vực rừng nam Trung Bộ, có lẽ do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phần nhiều lại mọc trên các núi đá nên TagiLao ở đây có dáng rất đẹp, rất được ưa chuộng dù dáng cây trông rất nhỏ nhắn. Thế nhưng những gốc cây nhỏ xíu có dáng cực đẹp đang bày bán tại nhà ông Năm Cù Lao cũng phải đến chục năm tuổi là tối thiểu.

 

Tại một quán nước ven đường QL1A có bày đủ các loại cây cảnh đã được vào chậu đàng hoàng. Từ me, dầu, cóc, đa, sộp, si, bằng lăng... cây nào cũng sù sì, cằn cỗi như để minh chứng cho tuổi cao dầu dãi của mình. Bắt chuyện với anh chủ trẻ tên Minh mới biết các cây này có giá không dưới 10 triệu đồng một cây, vì chúng đã bén rễ được. Để có những cây này, anh phải lặn lội tới vùng rừng giáp ranh với Lâm Đồng mới tìm được và mỗi cây anh đã mất gần 1 triệu đồng tiền vận chuyển mới đưa về đây được. Anh còn khuyến cáo chúng tôi đừng ham mua của rẻ vì những loại cây như  thế mua về chưa chắc đã sống mà nếu có sống được thì cũng èo lên uột xuống, mất rất nhiều thời gian và công sức chăm sóc.

 

Chở cây rừng bằng đường biển

 

Sau một hồi say chuyện anh cũng hé lộ cho chúng tôi biết phần nào bí quyết của nghề “làm cây”. Để có được một gốc cây sống và “hét” được giá trên trời không phải chuyện dễ. Đầu tiên là vào rừng tìm cây, không biết ngày xưa người ta đi tìm trầm khổ như thế nào chứ cái nghề đi tìm cây cảnh khổ vô cùng, để tìm được một cây có cả dáng lẫn thế nhiều khi phải lang thang trong rừng sâu nhiều ngày liền, cơm đùm cơm nắm chứ không dễ như nhiều người vẫn tưởng. Tìm được cây ưng ý rồi thì dùng cuốc hoặc ní (xà beng) để đào, khi đào phải mở miệng thật rộng để lấy được nhiều rễ, cắt được rễ nào là phải lấy vải ướt bọc lại liền để chúng khỏi mất nước. Đào được cây lên thì dùng một cái bao có ủ sẵn đất trộn với tro trấu buộc lại rồi mới tìm cách vận chuyển về. Đem về đến nhà rồi thì phải chăm sóc sao cho đến khi vào chậu, canh chừng cho đến khi cây đâm những chiếc lộc non bé tí lúc đó mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì cây chắc chắn đã sống. Anh cho biết là mới bán cho một khách hàng ở Tây Ninh một xe tải toàn cây bằng lăng. Khi chúng tôi hỏi vận chuyển đi xa mà không sợ kiểm lâm sao? Anh cười khì: “Chuyện đó tôi lo, có điều nếu để tôi vận chuyển đến nơi mới nhận tiền thì mỗi chuyến phải trả thêm cho tôi 1,5 triệu đồng nữa! Muốn bao nhiêu cũng được...”.

 

Vụ chở cây Lộc Vừng bị kiểm lâm bắt giữ ngày 8-6-2009

 

Để tránh bị kiểm lâm phát hiện, những người chuyên đi làm cây sẵn sàng thuê ghe chở về vùng biển Cà Ná rồi mới vận chuyển lên bờ. Những cây cảnh này thường được bứng từ vùng đụn Sơn Hải (xã Phước Dinh, Ninh Phước), vùng này nổi tiếng là có nhiều cây Sơn trắng cổ thụ có dáng và thế rất đẹp. Hôm chúng tôi đi thực tế để thực hiện bài viết này thì gặp ngay một chiếc ghe chở từ Sơn Hải về Cà Ná bốn cây Sơn trắng, mà theo như lời Năm Si (một trùm cây cảnh ở xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận) thì cây nhỏ nhất cũng có trên chục năm tuổi. Chỉ vào một cây có dáng rất đẹp, Năm Si đưa ra một cái giá trên trời: 10 triệu đồng. Mười triệu cho một cái cây mới bứng từ rừng về mà theo những tay chơi cây lão luyện thì mua những loại này là năm ăn, năm thua. Mua về mà chăm sóc đúng cách, cây sống được thì mỗi cây ít lắm cũng lãi vài ba triệu. Còn nếu chết thì coi như thua. Có điều loại cây Sơn trắng này khiến cho nhiều dân chơi cây đã phải mắc lừa. Loại cây này mặc dù cắt hết rễ nhưng cành lá không bị khô héo ngay mà ít nhất cũng vài ba tháng sau mới héo lá. Đây chính là yếu tố khiến nhiều người ham cây đẹp thua đau. Mua về đưa vào chậu hay trồng ngoài sân suốt một thời gian dài sau đó cây vẫn tốt tươi, đôi khi gần cả sáu tháng trời. Đùng một cái, ngủ một đêm thức dậy chủ nhân của nó bỗng tá hỏa vì cành lá đã héo rũ tự bao giờ.

 

Hậu quả nhãn tiền

 

 


Ở Phước Minh “người người đào cây, nhà nhà bán cây”. Cũng đúng thôi vì ở đây người dân canh tác hoàn toàn nhờ vào nước trời, một năm một vụ mà cũng vô cùng bấp bênh. Trước kia thì vào rừng chặt củi hầm than. Nhưng từ khi khu công nghiệp muối Quán Thẻ bắt đầu khởi động thì đất đai nhà nước thu hồi giao lại cho khu công nghiệp. Đất đai không còn, chẳng biết làm gì, thôi đành vào rừng đào cây cảnh bán kiếm tiền. Thế là rừng ở đây vốn đã tiều tụy nay lại càng tiều tụy hơn. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, người xưa nói chẳng sai bao giờ. Phước Minh vốn là vùng trọng điểm hạn của tỉnh Ninh Thuận, vì rừng có còn đâu mà giữ nước. Cho nên mùa khô thì thiếu nước triền miên, đến nước sinh hoạt cũng phải đi mua, lấy đâu ra nước mà sản xuất. Mùa lũ thì đây lại trở thành một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất. Cứ sau một mùa hạn hay lũ lụt thì Phước Minh bao giờ cũng là một trong những địa phương được nhà nước cứu trợ khẩn cấp. Cứ nhìn vào những dãy núi trơ trụi ở khu vực này sẽ hiểu được vì sao lại như thế. Thế nhưng oái ăm thay, người dân ở đây nếu không vào rừng khai thác những nguồn lợi của rừng thì cũng chẳng biết làm gì! Cái viễn cảnh ngày mai sẽ được vào làm công nhân ở khu công nghiệp muối Quán Thẻ xem ra hãy còn xa vời lắm. Chẳng lẽ cứ ngồi chờ cho đến ngày đó thì lấy cái gì bỏ vào miệng đây? Nhưng để tồn tại mà phá rừng theo kiểu đào tận gốc, trốc tận rễ như thế thì tàn nhẫn với rừng quá.

 

Vĩ thanh




Trong thời gian qua, thỉnh thoảng chính quyền địa phương cũng mở vài cuộc thu gom cây cảnh. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Khi lực lượng chức năng rút đi thì người dân lại tiếp tục vào rừng làm cái việc hủy diệt rừng một cách không thương xót. Khi chúng tôi đang hoàn tất bài viết này thì nhận được tin lực lượng Kiểm lâm huyện Ninh Phước đang mở chiến dịch thu gom cây cảnh ở Phước Minh. Nhưng có một điều chắc chắn rằng sau đó mọi việc “vũ như cẩn”. Chúng tôi nghĩ, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích họ chăn nuôi các loại gia súc có thế mạnh ở địa phương... Có như thế may ra cuộc sống người dân mới có thể ổn định và những giọt nước mắt của rừng không còn chảy nữa, mới có thể chấm dứt được tình trạng hủy diệt rừng một cách tàn nhẫn như đang diễn ra.

 

 

(Theo Hoafng Công/Báo Công An TP HCM)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Công nghệ vác rừng về nhà

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI