Cạn kiệt dược liệu quý
(19:35:18 PM 18/06/2011)
Người dân thị trấn Nguyên Bình (Cao Bằng) chất dược liệu lên xe tải, đưa ra cửa khẩu bán - ảnh: Cao Bắc
Khai thác tận diệt
Chiều về trên núi rừng Bản Cuốn, xã Hưng Thịnh, H.Bảo Lạc, Cao Bằng. Từng đoàn người hối hả gồng gánh những bó cây sói rừng còn tươi nguyên cả rễ, lá đi bán. Tiếng cười nói râm ran, tiếng người hò nhau chất những bó cây to bằng một vòng tay người ôm lên chiếc xe tải lớn, tiếng đếm tiền xoàn xoạt.
Ở cái Bản Cuốn hơn 150 hộ dân này, nhà nào cũng có người đi khai thác dược liệu để bán, nhà nào ít thì có từ 1 - 2 người, nhà nhiều có tới 5 - 6 người, cả già, trẻ, gái, trai cùng tham gia vào công cuộc săn lùng cây thuốc đại quy mô này.
Gặp chúng tôi khi vừa bán xong bó thuốc, anh Nông Văn Phja (tiếng Tày có nghĩa là “đá núi”) dân tộc Tày, xóm Bản Cuốn, thật thà cho biết, anh và bà con dân bản có thêm cái nghề bán thuốc này được 3 năm rồi.
Cứ mỗi dịp nông nhàn, anh và mọi người lại lên rừng tìm cây thuốc bán. Trẻ con sáng đến lớp, chiều về đi chăn trâu cũng tranh thủ kiếm thuốc bán. Anh cũng không biết cái cây mang đi bán ấy họ mua về làm gì, chỉ biết người ta mua thì cứ bán. Nếu không bán cây đó thì chẳng biết làm gì để kiếm tiền.
Trước kia, cây sói rừng có nhiều lắm, quanh nhà, trong rừng, chỗ nào cũng có, một ngày anh có thể nhổ được hơn 1 tạ. Nhưng nay, cây thuốc cạn dần, phải vào tận rừng sâu mới có, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 10 - 15 kg.
Không ai thống kê được cả tỉnh Cao Bằng có bao nhiêu bản làng người dân đi khai thác dược liệu như Bản Cuốn, chỉ biết rằng ở bất cứ huyện nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những điểm thu mua. Cảnh những cây thuốc bị khai thác tràn lan, phơi đầy ngoài sân, hè phố như phơi thóc mùa gặt không có gì lạ với người Cao Bằng.
Không chỉ thu mua cây thuốc, thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc còn thu mua cao nấu từ cây si khiến cho nhiều người dân ồ ạt vào rừng chặt cây si đem nấu cao. Đến nay, si trong rừng đã bị chặt gần hết.
Từ thập niên 1970 trở về trước, cây dược liệu ở Cao Bằng đã được khai thác và bán cho nhà thuốc ở các tỉnh khác. Công ty dược phẩm Cao Bằng cũng thu mua và chế biến được một số loại thuốc. Từ những năm 1980, Công ty dược phẩm Cao Bằng giải thể, tình trạng khai thác và bán cây dược liệu sang Trung Quốc diễn ra rầm rộ.
Ông Nông Văn Thành ở thị trấn Nước Hai, H.Hòa An, gia đình nhiều đời làm thuốc gia truyền, cho biết trước kia, cây thuốc rất nhiều, chỉ bước chân ra khỏi nhà là gặp; bây giờ muốn tìm được cây thuốc, ông phải vào tận rừng sâu, có lúc đi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài cây. Những cây thuốc quý như cây kim tuyến, thanh thiên quỳ, bảy lá một hoa... trước kia rất nhiều thì nay gần như tuyệt chủng, chỉ còn sót lại rất ít trong rừng rậm hoang vắng ít người đặt chân đến.
Bán rẻ, mua đắt
Theo ông Hoàng Văn Bằng - Phó phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan Cao Bằng - thuốc là lâm sản phụ, người dân được giao rừng có quyền khai thác, việc mua bán vận chuyển, xuất khẩu chỉ cần chứng minh được nguồn gốc và nộp thuế là được. Chính quyền thờ ơ với việc bảo vệ cây dược liệu, người dân đương nhiên ít quan tâm đến giá trị y học của cây thuốc, họ chỉ thấy bán được tiền là lên rừng khai thác.
Nhưng nguy hại nhất là người dân vẫn coi cây thuốc là nguồn tài nguyên vô tận, do đó, họ khai thác theo kiểu hủy diệt, đào tận gốc, trốc tận rễ làm cho cây thuốc rất khó tái sinh.
Tiến sĩ Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết: Hiện nay, Cao Bằng đang có nguy cơ cạn kiệt các loại cây thuốc quý. Có một thực tế đáng buồn là sự hiểu biết của chúng ta về cây thuốc còn yếu kém.
Nhiều loại cây thuốc quý mà chúng ta thậm chí còn chưa biết tên, chưa biết công dụng là gì, người Trung Quốc thu mua giá rẻ mạt nhưng chúng ta vẫn bán. Ví dụ rõ nhất là cây sói rừng. Chúng ta chỉ biết cây sói rừng có thể chữa được một số bệnh thông thường như viêm khớp, đau đầu, tức ngực, đến khi bên nước bạn thu mua ồ ạt, chúng ta mới tìm hiểu kỹ thì phát hiện ra rằng, đây là cây thuốc cực quý, có dược tính cực mạnh, chữa nhiều bệnh như: lao phổi, rắn cắn, phong thấp, động kinh... và đặc biệt, nó được dùng để chữa ung thư trực tràng, gan, cuống họng...
Vậy mà các đầu nậu chỉ thu mua với giá rẻ mạt: 500 đồng/kg tươi, nay cây gần cạn kiệt nên giá thu mua tăng chút ít, nhưng cũng chỉ đến mức 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu những loại thuốc này từ Trung Quốc với giá hàng chục triệu đồng/liều. Với bài toán này, chúng ta đã bị lỗ cực lớn.
Tình trạng khai thác tràn lan và bán rẻ cây thuốc sang Trung Quốc ở Cao Bằng đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Vì sao những cây thuốc quý đó không được các nhà sản xuất, công ty dược phẩm, lương y trong nước thu mua để đến nỗi nguồn tài nguyên quý giá chảy sang Trung Quốc với giá rẻ mạt?
Những bài thuốc gia truyền của đồng bào các dân tộc Cao Bằng - nguồn tài sản vô giá đang ngày càng mất dần cùng với sự cạn kiệt, tuyệt chủng của các loại cây thuốc quý, ai là người chịu trách nhiệm?
Theo ước tính của Hội Đông y Cao Bằng, toàn tỉnh có tới gần 100 điểm tập kết, thu mua cây thuốc quy mô lớn, mỗi năm có 300 - 500 nghìn tấn dược liệu được tuồn qua biên giới sang Trung Quốc. Tính từ thập niên 1980 đến nay, trên dưới 10 triệu tấn dược liệu thô của Cao Bằng đã bị bán rẻ sang Trung Quốc. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.