»

Chủ nhật, 19/01/2025, 12:44:09 PM (GMT+7)

Biếu thóc xin con

(19:45:54 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Một người phụ nữ vì lý do tế nhị nào đó không lấy được chồng, dũng cảm vượt qua khuôn phép, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu để kiếm cho mình một đứa con không còn là chuyện lạ.

Đường vào xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Nhưng một làng có đến mấy chục người đàn bà vướng vào hoàn cảnh éo le muộn màng, và họ “tranh thủ” được sự cảm thông của mọi người, chủ động đi “xin” con rồi... trả bằng thóc thì lạ! Chuyện khó tin đó diễn ra ở xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình...

 

25 tuổi đã muộn

 

Người phụ nữ đầu tiên tôi gặp ở An Hiệp chưa già, chị tên V. (vì lý do tế nhị  nhân vật trong bài viết xin được giấu tên- NV), sinh năm 1975, nhưng ở cái tuổi này ở những vùng quê Bắc Bộ mà vẫn chưa có chồng đã bị xếp vào dạng... ế. Sinh ra trong một gia đình có sáu anh em, trên chị là năm anh trai. Không nhan sắc, bị bệnh tim bẩm sinh; đã vậy trong một lần chơi đùa, người anh trai thứ hai nghịch ác nhặt một viên đá dăm bỏ vào tai chị. Thế là bị thêm chứng ngãng tai từ đó.

 

“Ở quê tôi chủ yếu làm nông nghiệp, cần có sức khỏe, mà tôi thì ốm đau luôn. Cùng trang lứa với tôi người ta làm quần quật suốt ngày, từ sớm tinh mơ cho đến tờ mờ tối. Hết công việc đồng áng của nhà thì đi gặt, đi cấy thuê. Mùa vụ qua rồi thì đi đội đá, đội cát ngoài đê.

 

Công việc nặng nhọc đấy nhưng còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, mười tám hai mươi đã đi lấy vợ lấy chồng hết. Trong khi đó vì ốm yếu nên ngày ngày, tôi chỉ có mỗi việc dắt trâu ra đồng chăn cùng với đám con nít. Không phải tôi không nghĩ đến chuyện chồng con nhưng biết phận mình, thích ai tôi cũng chỉ thích âm thầm, không dám bộc lộ. Điều kiện vật chất thiếu thốn, ăn uống kham khổ, cô bảo, sao mà chẳng chóng già! “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, 21 tuổi đã bị coi là dạng ế, trẻ con trong làng đặt vè đọc trêu tôi mỗi khi làng có đám cưới đám xin.

 

Cũng có người đánh tiếng mối mai này nọ nhưng đối tượng toàn những người hoặc bỏ vợ hoặc không tàn tật, nát rượu thì cũng “cám hấp trên vung”. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ thế này, thà ở vậy cho xong chứ lấy về rồi lại khổ một đời, làm thân trâu ngựa cho nhà người ta... thì lấy làm gì. Làng tôi có mấy người nhắm mắt đưa chân, gương bằng cái liếp tày trời ra đấy. Sống không đợ, ở không xong bị chồng đánh đập dữ quá ôm con về nhà bố mẹ để rồi chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. Lúc ấy, vì sợ rơi vào hoàn cảnh tương tự nên nghĩ thế chứ trong đầu nào đã có tư tưởng xin con xin cháu gì đâu. Nghĩ đến thôi còn chẳng dám nữa là...”.

 

25 tuổi, chị V. bị coi là ế thực sự. Người làng chẳng có ai nhắc đến chuyện chồng con của chị nữa, ngoài bố mẹ già mỗi ngày một lo lắng cho cuộc sống của chị về sau. Giống như những nhà có con gái đến tuổi lấy chồng, bố mẹ chị V. cũng nhờ người lên phố huyện đánh cho chị đôi toòng teng với cái dây chuyền vàng, tổng cộng hai chỉ rưỡi.

 

Chị V. kể lại, nghe xót xa. “Chưa hết, ông bà còn cắt cho một nền đất để làm nhà, giống như ngầm thông báo với mọi người tôi có của hồi môn xem có ai ngó ngàng gì đến nhưng tuyệt nhiên không. Ở tuổi tôi hầu hết đều đã có vợ có chồng, không thì cũng đi làm ăn xa, trong làng chỉ còn có người già và trẻ con hoặc những người người cùng cảnh ngộ. 28 tuổi, tôi quyết định xin đi một đứa con giống như nhiều chị trong xã đã làm trước đó để còn có nơi nương tựa lúc tuổi già. Nghĩ thì đơn giản vậy nhưng khi thực hiện không hề dễ. Chú bảo, người đàn ông dù có trăng hoa đến mấy cũng vẫn sợ hạnh phúc gia đình mình bị phá vỡ chứ, phải không?”.

 

Khác với chị V., chị Phan Thanh B. ở xóm 5 là cán bộ trong BCH Hội phụ nữ xã. Không “đui què mẻ sứt” hay mắc phải “dị tật” gì, chỉ đơn giản suốt những năm tháng tuổi trẻ chị mải mê làm việc phụng dưỡng cha mẹ già yếu ốm đau đến khi ngoảnh lại tuổi xuân đi qua lúc nào không biết. Cha mẹ già mất, lúc này chị  mới thấm thía nỗi cô đơn. 40 tuổi, chị B. viết đơn xin nghỉ công tác, quyết định xin một đứa con. Nhiều người thông cảm với hoàn cảnh của chị khuyên chị cứ làm việc bình thường nhưng chị kiên quyết: “Tôi thế này còn bảo được ai nữa!” và bàn giao hẳn công việc trước khi con chị cất tiếng khóc chào đời.

 

“Ai cho tôi đứa con tôi biếu 3 tạ thóc!”

 

Nghĩ là làm. Một lần người đàn ông chị V. yêu thầm hồi còn con gái về làng thăm quê, chị đón ở bờ đê và bóng gió xa xôi chuyện chị muốn xin anh một đứa con. “Anh ấy nửa đùa nửa thật: Tối anh đến nhé!- chị V. kể. Không ngờ, tối anh ấy đến thật. Sau khi làm xong “chuyện ấy”, anh đưa cho tôi một viên thuốc và bảo tôi uống. Tôi ngoan ngoãn nghe lời. Mãi chẳng thấy mình có thai, hỏi mấy chị cùng cảnh ngộ tôi mới biết rằng đó là thuốc tránh thai khẩn cấp. Năm sau tôi đánh tiếng: Ai cho tôi xin đứa con tôi biếu 3 tạ thóc. Chẳng ai cười tôi cả vì nhiều chị cùng cảnh ngộ trong làng đã từng làm như vậy. Bây giờ tôi đã có một đứa con trai...”

 

Không dạn dĩ như chị V., chị Phan Thanh B. xử sự kín đáo hơn với đối tượng mà mình muốn xin con. Ban đầu, chị mời anh T., tên người đàn ông là bố đứa con của chị sau này, vào nhà uống nước. Vài lần như vậy, chị B. nói thẳng với anh T. nguyện vọng của mình. Không ngờ anh T., đã có vợ và bốn cô con gái, không từ chối mà đồng ý ngay, lại còn ngỏ ý muốn cưới chị B. làm vợ lẽ. Chị B. khảng khái: “Tôi không lấy lẽ. Tôi chỉ muốn xin anh một đứa con, anh cho thì cho, không cho tôi đi xin người khác!”... Chuyện này về sau bị đồn đại ra ngoài. Chị B. có mang rồi sinh con, hàng xóm và cả vợ của anh T. cũng quà cáp tìm đến thăm. Người làng kháo nhau: Thằng bé giống bố như đúc!...

 

Chị B., năm 38 tuổi có thai. Ai hỏi chị cũng ôm cái bụng chửa vượt mặt lắc đầu cười. Để em gái mình không bị người làng dò hỏi dễ gây cho chị tủi thân, anh trai chị B. “tuyên bố” với mọi người ở ngay quán nước đầu làng: “Nó đi làm Ô sin cho một anh lái tàu chở than ngoài Quảng Ninh rồi có mang. Cũng may, vì như vậy tránh được cái trường hợp bố con giáp mặt nhau ngoài đường không dám nhận nhau. Khổ lắm!”.

 

Chị M. thì khác: “Vì là giáo viên nên mới đầu mình cũng ngần ngại, sợ phụ huynh học sinh không hiểu nói này nói nọ thì mình biết dạy ai. Nhưng rồi đồng nghiệp động viên, lãnh đạo nhà trường tuy không nói ra nhưng cũng ngầm ủng hộ nên mình “nhắm mắt làm liều”. Vì là giáo viên nên việc này lại đâm ra khó, nhiều người đàn ông đều đồng ý khi mình ngỏ lời nhưng rốt cuộc lại từ chối sợ mẹ con mình sẽ gây phiền hà, rắc rối về sau. Chẳng biết làm cách nào mình đành đánh tiếng:

 

“Ai cho tôi đứa con, nếu là gái tôi biết 3 tạ thóc, con trai tôi xin biếu 4 tạ”... Chuyện đánh tiếng xin con rồi trả bằng thóc ở An Hiệp giờ không còn lạ, thậm chí nhiều người còn gọi đó là “ngụ ngôn” của làng. Nhưng thực tế, chẳng người đàn ông nào lại dám lấy “công” trong chuyện này. Một vài người trót lấy chỉ dám sử dụng một cách lén lút, sau này vẫn còn bị dân làng chê cười mãi.

 

Nỗi niềm khó nói

 

Ở An Hiệp, không chỉ có chị Phan Thanh B., chị V., chị M., chị Ô.,... mà còn rất nhiều phụ nữ khác đã xin con và thực tế cuộc sống của họ còn khó khăn nhưng gian nhà của các chị đã bớt trống trải vì có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ. Những đứa trẻ ra đời dù không có bố nhưng tuyệt nhiên không bị bạn bè, xóm làng dị nghị, ngược lại các em đều được yêu quí và đối xử công bằng như những đứa trẻ khác. Và cũng mừng là các em ra đời đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Một cán bộ xã cho biết.

 

Nhưng trước thực trạng có quá nhiều phụ nữ ở An Hiệp rơi vào trường hợp không chồng có con, dù được dân làng thông cảm nhưng về mặt xã hội thì cần phải “xem xét”. Một cán bộ giấu tên thẳng thắn. “Tuy họ có bớt đi nỗi cô độc nhưng làm sao thoát khỏi cái đói cái nghèo? Những đứa trẻ sinh ra dù được xã hội thừa nhận nhưng tâm hồn và tương lai của chúng thì sao, đấy là điều mà chúng ta sẽ phải nghĩ đến!”. Chúng tôi được biết, ở An Hiệp nông nghiệp vẫn là nghề chính nên nhiều gia đình đầy đủ vợ chồng khỏe mạnh còn gặp phải rất nhiều khó khăn chứ nói gì đến những phụ nữ một thân một mình nuôi con, hầu hết lại ở trong độ tuổi đã cao.

 

Mặc dù ở xóm Bến (An Hiệp nằm giáp với một nhánh của sông Hồng) có nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng các chị cũng không thể vác đá, đội cát được mãi cho dù mỗi buổi có thể kiếm được từ 15- 20 ngàn. “Đứng trước những khó khăn trong cuộc sống có thể nhìn thấy được, chính quyền đã vận động nhưng xem ra không ăn thua. Những người phụ nữ này có cái lí của họ. Chính cái ước muốn bản năng của người phụ nữ là có một đứa con do chính mình đẻ ra đã khiến cho cuộc sống của họ thêm khó khăn, thiếu thốn dù đó là những khó khăn, thiếu thốn trong hạnh phúc!”- vị cán bộ này kết luận, trước khi buông một tiếng thở dài.

 

 

(Theo Đafo Nguyễn/Tiền Phong)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Biếu thóc xin con

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI