Biển khơi mùa "giông bão"
(19:46:17 PM 18/06/2011)
Đỏ mắt ngóng chồng
Những phụ nữ Lý Sơn mỏi mắt chờ chồng. Ảnh: Nam Cường |
Tôi tìm đến nhà anh Dương Văn Hưởng - thuyền trưởng tàu QNg 6597, đồng thời là người anh sinh đôi của anh Dương Văn Thọ. Ngôi từ đường của tộc họ Dương nghi ngút khói, nhưng trống vắng, hanh hao trong nắng.
Anh Hưởng cùng ba thuyền viên tàu QNg 6597 là Nguyễn Được, Mai Văn Được và Nguyễn Văn Thành vẫn đang bị giữ ở Hoàng Sa.
Chị Bùi Thị Giàu - vợ anh Hưởng ngồi rầu rĩ. Theo lời anh Thọ, rạng sáng 23/6, khi tàu về tới Lý Sơn, thông tin cho gia đình anh Hưởng biết, chị Giàu khóc ngất lên ngất xuống.
Chị Giàu bị chứng bệnh đau nửa đầu, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, lo cơm nước dọn dẹp việc vặt. Mọi chi tiêu cùng việc nuôi ba đứa con ăn học đều dựa cả vào những chuyến đi biển biền biệt của anh Hưởng.
Tháng trước, khi anh đi biển, hai đứa con gái Dương Thị Lớn (1992) và Dương Thị Trinh (2002) lên nhà người bà con ở Đắc Lắc chơi, giờ đây trong nhà chỉ còn chị Giàu và đứa con trai Dương Văn Nhiều. Tám tuổi, cháu bé Nhiều vẫn ngơ ngác không biết rằng, gia đình đang có biến cố.
Chị Giàu thẫn thờ: “Nhà chẳng có ruộng, cũng không làm tỏi, mà anh Hưởng đi biển có phải chuyến nào cũng lời đâu. Giờ nghe nói phải bỏ ra những 180 triệu mới được về, chết mất”.
Đường đến nhà của anh Nguyễn Chí Thạnh đầy cát. Anh Thạnh là thuyền trưởng của tàu QNg 6517, bị phía Trung Quốc bắt giữ ngày 17/6. Hiện, anh Thạnh cùng ba thuyền viên là Huỳnh Miễn, Dương Văn Hiếu và Nguyễn Minh Trinh bị tạm giữ tại Hoàng Sa.
Buổi trưa Lý Sơn nóng như nung người, chị Phạm Thị Bé suốt trưa ngồi bên bậu cửa, đôi mắt vô hồn nhìn vào xa xăm.
Là chủ tàu, nhưng hoàn cảnh gia đình anh Thạnh, chị Bé cũng chẳng hơn gì so với những thuyền viên. Chị Bé không giấu được sự hoảng hốt: “Điều em sợ nhất lúc này là anh Thạnh có mệnh hệ gì, thì mẹ con làm sao sống nổi. Mấy lần, em khuyên ảnh ráng chữa xong bệnh xơ gan rồi hẵng đi nhưng nhà nghèo quá nên ảnh cứ quyết ra khơi kiếm tiền. Ở nhà hay đi trên thuyền còn có thuốc men chứ bị họ bắt giam thế rồi biết sự thể ra sao?”.
Bé gái Nguyễn Thị Ánh Hồng con anh chị mới được 19 tháng. Và trên hết, căn bệnh xơ gan bất cứ lúc nào cũng có thể gây nguy biến cho anh Thạnh.
Trong số những người đàn bà chờ chồng trở về, chị Bùi Thị Lành đang một nách bốn đứa con, là người vất vả nhất. Chồng chị Lành - anh Dương Thành Vinh, thuyền trưởng tàu QNg 6364. Anh Vinh cùng ba thuyền viên Bùi Văn Thuê, Nguyễn Xuân Canh và Thái Văn Dương đang bị giữ.
Chị Lành nức nở: “Một nách bốn con nhỏ đều nhờ cả vào số tiền ít ỏi đi biển của anh Vinh. Chắc chắn, chúng tôi không đào đâu được số tiền lớn như vậy để nộp cho họ. Giờ biết làm sao?”.
Mùa giông bão
Những tờ biên bản phạt tiền này có thể đẩy nhiều gia đình ngư dân nghèo xuống vực thẳm. Ảnh: PV |
Ngồi trao đổi với tôi, thỉnh thoảng ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn lại lắc đầu: Nhiều lần họp dân, tôi nhắc nhở bà con ngư dân không nên đi quá xa, nhưng dân mình nhiều khi mải mê theo luồng cá nên thường bị bắt giữ.
“Nhiều lắm anh ạ, không thể nhớ hết được mấy năm qua ngư dân Lý Sơn bị bắt bao nhiêu lần. Đây cũng là vấn đề làm tôi đau đầu suy nghĩ mà chưa biết gỡ cách nào”.
Theo UBND huyện Lý Sơn, từ năm 2002 - 2007, có 38 tàu cùng 468 ngư dân bị bắt giữ trong lúc đánh bắt ngoài khơi, chủ yếu là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, số tiền phạt mỗi tàu thông thường từ 50 - 70 ngàn Nhân dân tệ. Ngoài ra, nhiều tàu còn bị phạt tịch thu tàu cùng tài sản trên tàu, với giá trị tương đương.
Ông Võ Xuân Huyện cũng cho hay, ông hơi bất ngờ là năm 2008, tuyệt nhiên không có tàu ngư dân nào bị phía Trung Quốc bắt giữ. Tuy nhiên, ông Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn chẳng thể vui được lâu, vì trong vòng sáu tháng đầu năm 2009, có sáu tàu của ngư dân huyện bị phía Trung Quốc bắt (tính cả ba tàu bị bắt ngày 16 và 17/6).
Không khí tại nhà anh Nguyễn Chí Thạnh u ám hơn cả bởi ngoài việc anh Thạnh bị bệnh nặng thì tàu QNg 6517 của anh cũng bị hư hỏng. Theo lời kể của các thuyền viên được trở về, ngày 17/6, sau khi cột tàu anh Thạnh để lai dắt, do tàu Trung Quốc lớn hơn, lại đi tốc độ nhanh nên đã làm hở ván tàu QNg 6517, nước tràn vào làm hỏng máy.
Chị Bé - vợ anh Thạnh, tuyệt vọng: “Vợ chồng mới cưới, vốn liếng chẳng có đành vay mượn bà con, ngân hàng được 250 triệu đóng tàu cho ảnh đi biển. Giờ thì mất trắng rồi”.
Bây giờ đang là mùa cá Nam, mùa làm ăn lớn nhất của ngư dân, không ngờ lại chính là mùa bão giông dữ dội với những lao động nghèo trên biển nơi đây.
Trung tá Võ Thanh Hường - Chính trị viên Đồn biên phòng 328 (Lý Sơn) cho biết: Trong tháng 2/2009, có ba tàu cá của Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ. Đó là các tàu QNg 6101 (thuyền trưởng là ông Lê Vĩnh, thôn Tây xã An Vĩnh) trên tàu có bảy lao động; tàu QNg 96514 (thuyền trưởng là ông Đặng Thu), trên tàu có 16 lao động; tàu QNg 6326 do Trần Văn Trường làm chủ, tàu có 15 lao động. Cả ba tàu này phải nộp phạt tổng cộng 190 ngàn Nhân dân tệ mới được thả về. |
(Theo Nam Cường/Tiền Phong)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.