»

Thứ bảy, 23/11/2024, 13:42:14 PM (GMT+7)

Bản săn gấu

(19:47:41 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Thật khó có thể tin, ở Hòa Bình, có một bản mà mỗi khi người dân hứng chí lại hè nhau vác súng vào rừng săn gấu, loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới.

Thật khó có thể tin, ở Hòa Bình, có một bản mà mỗi khi người dân hứng chí lại  hè nhau vác súng vào rừng săn gấu, loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới.

 

Kỳ 1:  Đột nhập  phường săn

 

Mấy ngày lang thang ở các bản làng của huyện Mai Châu (Hòa Bình) tôi đã vô tình gặp đoàn thợ săn của bản Nhuối (xã Tòng Đậu) đang ngồi tập hợp ở bìa rừng với súng ống nòng ngắn nòng dài lủng liểng.

 

Hàng chục thợ săn tụ họp dưới gầm nhà sàn chuẩn bị vào rừng giết gấu.

 

Trong vai khách du lịch bụi, tôi nhập vào đoàn hỏi vui: “Các bác chuẩn bị đi đánh giặc à?”. Một gã ngồi trên tảng đá, súng dựa vai cười ha hả: “Chú cứ vui tính. Bọn anh chuẩn bị vào rừng săn gấu đấy”.  

 

Thật khó có thể tin, chuyện săn gấu là phạm pháp, là có thể đi tù, song đám thợ săn này chẳng thèm giấu diếm, cứ bô bô “khai” thẳng với người lạ.

 

Tôi tìm cách nằn nì để được đi cùng đoàn thợ săn vào rừng chứng kiến cảnh sát hại loài thú quý hiếm.

 

Thợ săn Hà Văn Hoàn vai đeo khẩu súng dài ngoằng tròn mắt dọa tôi: “Tớ từng đi bộ đội, ở Trung đoàn phục vụ, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn bộ binh 50, lấy danh dự của một chiến sĩ tiên tiến khẳng định với cậu là trong rừng Phà Làm có con ma rừng, tóc nó màu đỏ hung, dài lượt thượt, cứ đêm xuống là đi ăn thịt người… Cậu đừng có dại mà đi theo bọn tớ!”. 

 

Họ ngồi kín đặc trên các tảng đá, trên lối đi vào rừng với súng ống tua tủa trên tay.

 

Tôi thừa hiểu ý gã thợ săn này, lôi chuyện ma quái ra dọa để tôi không đòi đi theo. Cuối cùng, để được đi theo đám thợ săn, tôi phải biếu họ 200 ngàn đồng, để họ mua mấy hộp mì tôm, bổ sung thêm lương thực cho cuộc luồn rừng.

 

Đoàn thợ săn tập hợp dưới chân ngôi nhà sàn của chị Lộc, ngay đầu bản Nhuối. Chị Lộc ngồi dặn dò đoàn thợ săn rất tỉ mỉ: “Săn được con nhím, con don, con cầy, con hoẵng gì nhớ để cho tôi đấy nhé!”.

 

Hóa ra, người đàn bà này là con buôn thú rừng. Ngôi nhà của chị ta nằm ở đầu bản Nhuối, lại ngay lối đi vào rừng, nên thợ săn bản Nhuối bắn được con gì, chị ta tóm được cả.

 

Trong lúc chờ đợi, thợ săn Lò Văn Linh nạp đạn cho tôi bắn thử. Mỗi lần bóp cò, tiếng nổ vang lên inh tai, khói thuốc mù mịt, nhưng đạn bay đến chỗ nào thì chịu, không ai tìm thấy vết tích.  

 

Tập bắn viên một mãi không trúng gốc cây, thợ săn Lò Văn Giang (anh em cọc chèo với Lò Văn Linh), đổ một vốc đạn ghém vào nòng, rồi nhồi thuốc nổ. Tôi bóp cò tiếp. Lại một tiếng đoàng, rồi khói bay mù mịt. Gốc cây xoan rừng loang lổ vì vết đạn. Cả trăm viên bi bằng hạt gạo, hạt đỗ phun ra cùng lúc như mưa vậy thì con kiến cũng khó thoát nếu vô tình ở trước nòng súng. Thế mới biết số phận đàn thú trước nòng súng kíp thật thảm hại!  

 

Chờ đợi chừng nửa giờ thì đoàn thợ săn tập hợp đông đủ. Tổng cộng có 40 người, toàn là thanh niên và người lớn tuổi của bản Nhuối. Người ngồi lố nhố dưới gầm nhà sàn nhà chị Lộc, người ngồi trên những tảng đá, gốc cây bên con đường mòn dẫn vào rừng sâu. Tôi có cảm tưởng đây là một tiểu đội chuẩn bị vác súng đi đánh giặc, hoặc ít ra là đi săn khủng long, voi ma mút, chứ không phải đi bắn mấy con thú nhỏ nhoi, tội nghiệp còn sót lại rất ít trong rừng.

 

Thợ săn Lò Văn Tôn đứng lên tảng đá tuyên bố lý do đi săn với các tay súng: “Theo thông tin tôi nhận được, khá chính xác, có hai con gấu ngựa, một con to, cỡ tạ rưỡi và một con nhỏ, có khả năng là hai mẹ con nhà gấu, về phá nương ngô cạnh rừng Phà Làm. Hôm qua về phá nương thì hôm nay nó chưa thể đi quá xa được. Nếu chúng ta đi nhanh, chỉ tối nay, cùng lắm là trưa mai sẽ hạ được nó”.  

 

Đúng lúc ấy thì mặt trời ló dạng khỏi đỉnh núi Pha Phưng, xua tan đám sương núi còn vảng vất dưới những tán rừng. Đoàn thợ săn bắt đầu rồng rắn lên đường nhằm hướng ngọn núi Phà Làm mà đi.

 

Truy tìm dấu vết gấu ngựa

 

Cuốc bộ chừng tiếng đồng hồ thì vượt qua sườn núi tiến vào khu rừng già Phà Làm. Đây là khu rừng già bạt ngàn, giáp với đại ngàn Đồng Bảng, Bo Bu, đặc biệt, cách đó không xa là Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò của Hòa Bình và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La).  

 

Với gương mặt đậm chất thợ săn chuyên nghiệp, khó có con thú nào có thể sống sót trước nòng súng.

 

Đi mãi, đi mãi cũng chỉ thấy rừng già thăm thẳm, hút tầm mắt, nhìn đâu cũng chỉ thấy rừng, bốn bề là rừng, rừng hoang sơ đến hoang hoải. Những cây sến, dổi, nghiến, lát to lừng lững, cao vút trên mây. Nhiều chỗ, tán cây ken dày đến nỗi ánh sáng không lọt xuống được.

 

Cuốc bộ đến gần trưa thì tới một thung lũng thơ mộng. Dưới thung lũng là những khoảnh nương xen lẫn với rừng. Mỗi khoảnh nương đều có một túp lều nho nhỏ, là nơi nghỉ ngơi của người làm nương.  

 

Theo đám thợ săn, những nương ngô, nương sắn này đều là của đồng bào Thái ở bản Nhuối. Đồng bào thường vào tận trong rừng già phát nương trồng sắn, trồng ngô, đợi đến mùa thu hoạch mới lại vào rừng thu hoạch.

 

Vì không có người hàng ngày trông nương, nên đám chuột rừng, lợn rừng, khỉ, gấu thường xuyên về phá nương của đồng bào. Bọn chuột rừng thì gặm nhấm từ gốc đến ngọn. Lợn rừng thì ủi bật gốc lên chén rễ, củ. Khỉ ăn no thì thôi. Riêng gấu phá hoại khủng khiếp nhất. Một ngày, một con gấu có thể phá nát một sào ngô, sắn.

 

 

Chính vì gấu phá nương mạnh nhất, nên không cần biết chúng là loài ghi trong sách đỏ, cấm săn bắn, hễ gấu về phá nương, người bản Nhuối lập tức vác súng truy tìm giết chúng.

 

Trong quá trình đoàn thợ săn cuốc bộ đến nương ngô giữa rừng Phà Làm, thi thoảng tôi lại nghe thấy tiếng đoàng vang lên giữa thinh không. Mỗi tiếng súng nổ, là một con don, con dúi, chuột rừng tử nạn. Chúng biến thành thức ăn cho 40 thợ săn bản Nhuối.

 

Chứng kiến nương ngô rộng mênh mông của đồng bào, cây thì đổ ngang, cây đổ ngửa, bị trốc rễ, gẫy ngọn, nhìn vào những vết chân trên mặt đất, đám thợ săn dễ dàng xác định là vết chân gấu ngựa.

 

Những thợ săn bản Nhuối đều rất thiện nghệ.

 

Đám thợ săn bản Nhuối mỗi khi kể về loài gấu, đều không khác gì chuyên gia về động vật. Họ hiểu biết tường tận về tập tính của loài gấu, rồi dựa vào các tập tính đó mà săn bắn gấu hiệu quả hơn.

 

Sau một hồi phân tích, phán đoán, thợ săn Lò Văn Tôn lại tập hợp mọi người thông nhất phương án tiêu diệt con gấu này. Anh ta chỉ tay về phía Tây và bảo rằng, mẹ con gấu ngựa này đã đi về phía rừng Mỏ Lệt.

 

Theo gã, nếu nó đi liên tục từ tối hôm qua đến trưa nay thì phải đuổi theo đến tối nay may ra mới gặp được nó. Nếu không đuổi nhanh, nó đi về phía Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, hoặc Xuân Nha là công toi.  

 

Nghe lời thợ săn Lò Văn Tôn, cả đám thống nhất phương án vừa đi vừa… chạy. Lúc này, đôi chân của tôi đã rã rời vì cuốc bộ leo núi liên tục từ sáng đến trưa. Không thể tiếp tục đi theo đoàn săn gấu, tôi đành tiếc nuối cuốc bộ ra khỏi rừng già.

 

Còn tiếp…

 

(Theo VTC)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bản săn gấu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI