Bản làng đủng đỉnh trước tử thần
(19:36:43 PM 18/06/2011)
“Miệng tử thần” cứ há toang hoác cả gần chục năm nay cũng không làm người dân Nậm Kinh thấy sợ!
Định mệnh biết trước
Bản Nậm Kinh nằm ngất ngưởng lừng chừng núi Nậm Kinh. Bản có 49 hộ là dân tộc Dao Tẻn. Vào mùa mưa năm 2002, nhân dân trong bản bỗng phát hiện một vết nứt dài cả cây số rộng toang hoác như cái giao thông hào chạy viền ngay dưới chân bản. Cứ mỗi trận mưa, đất đá lại tụt vào vết nứt ấy ầm ầm cứ như có cả đàn voi đang xung trận với thanh la não bạt gõ ầm ĩ. Cùng với đó, nương lúa, nương bông của bà con cứ bị cái “miệng tử thần” kia liếm dần và đến cả con đường lên bản cũng bị chặt đứt làm đôi. Hễ trâu, dê rơi vào vết nứt này đều có chung một kết cục là chết.
Vết nứt cứ mỗi ngày một rộng đặc biệt là sau mỗi trận mưa. Có người bảo ngồi trong nhà mà nhìn đồi núi cứ rung rinh như thể cả bản đang trôi về phía vết nứt!
Nhân dân rất hoang mang, hoảng hốt, chạy đôn chạy đáo xin được di chuyển. Chính quyền xã cũng “căng” không kém, lập tức đến tận hiện trường khảo sát, đánh giá cụ thể, chính quyền huyện cũng ngay lập tức chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tìm biện pháp nhanh chóng đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Với tinh thần cứu người như cứu hoả, các ngành liên quan đã triển khai các biện pháp đồng bộ như san gạt mặt bằng, chuẩn bị nơi ăn chốn ở tạm và tổ chức di chuyển dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Nhưng sau mùa mưa năm đó, cái “miệng tử thần” kia dường như vào dịp ngủ đông, dù vẫn há hoác nhưng đã thôi cựa quậy. Lúc đó bản Nậm Kinh đã có 14 hộ di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, lập bản Nậm Kinh mới; các hộ còn lại cũng đang rục rịch chuyển đi, nhưng thấy tình hình bớt “nóng” lại… thôi.
Từ đó đến nay, cứ mỗi mùa mưa, vết nứt (bây giờ đã thành một khe suối cạn) cứ rộng mãi ra, dài thêm ra, tiện quanh triền núi nơi bản Nậm Kinh. Một phần đất ruộng, đất nương của bà con đã bị “ăn” mất, nhiều trâu, dê ngã chết ở đây. Con đường lên bản đã hoàn toàn bị chia đôi, phải mở đường mới.
Để đến được bản, chúng tôi phải vượt qua con dốc gần như dựng đứng, dài cả cây số. Xe và người vừa trườn, vừa bò, hì hục cả giờ đồng hồ mới tới nơi. Vết nứt nằm ở phía chân bản và chẳng khó khăn gì để nhìn thấy vì sau gần 10 năm, từ vết nứt ban đầu giờ đã thành một vực sâu cả chục mét, khoảng cách giữa hai mép vực cũng dài đến 20m. Nước dưới khe dù không lớn nhưng do đứt gẫy đột ngột của địa hình tạo thành những dòng thác liên tiếp dưới đáy vực, âm thanh dội lên nghe như nước lũ mùa mưa.
Bản Nậm Kinh nằm ngay phía trên mép vực. Những nếp nhà xếp san sát nhau, lẩn mình trong rừng cây cổ thụ khá nên thơ và thanh bình. Bản làng hắt lên nền xanh của cây rừng ánh sáng bàng bạc của những mái nhà vừa được phủ tấm lợp mới được cấp. Nhìn từ xa, cả bản giống như đang ở trên một đụn đất đắp trên sườn con trâu mộng khổng lồ và phía dưới đụn đất ấy là một vết cắt dài như muốn tách cả khu vực này rời khỏi cái lưng trâu ấy. Chẳng may có một cú “cựa mình”, một trận mưa lớn thì chẳng ai dám chắc đụn đất với hàng trăm sinh mệnh kia sẽ về đâu. Người dân thừa nhận rằng không chóng thì chầy bản cũng sẽ bị tụt theo vết nứt nhưng di chuyển thì không ai chịu đi!
Người dân bản Nậm Kinh vẫn vô tư sống, sinh hoạt, chơi đùa bên vết nứt.
“Chết thì thôi!”
Người dân vẫn làm hương, vẫn nấu rượu, đẽo cày trong bản, đám trẻ con vẫn chơi đùa bên vết nứt, các cụ già vẫn trầm ngâm bên nong bông, mẹt kén,… Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như thời xa xưa, cái thời vẫn chưa có sóng điện thoại phủ lên đây, chưa có xe máy dựng gầm sàn và chưa có cả cái “miệng tử thần” cứ toang hoác mà “ngoe nguẩy” thỉnh thoảng lại “táp” một miếng rõ to vào vườn bông, nương ngô, nương tràm của nhà nào đó.
Thanh bình mà lạnh lẽo. Cái không khí nghe như rờn rợn cứ bao phủ đất này.
Tiếp chúng tôi khi đã ngà ngà rượu, ông Vàng A Nhàn - Trưởng bản Nậm Kinh - cho biết ông mới được nhận chức trưởng bản vì trưởng bản cũ đã gương mẫu chuyển xuống bản mới. Hỏi về vết nứt và những nguy cơ của nó, ông Nhàn bình thản: “Có sao đâu mà! Nó vẫn nứt cả chục năm nay nhưng có thấy bị làm sao đâu! Dân bản không thích đi nơi khác vì ở đây quen rồi, hơn nữa đi nơi khác ở phải đi làm ruộng làm nương xa nhà nên không thích. Tôi cũng tuyên truyền cho bà con về sự nguy hiểm này nhưng bà con không thích. Tôi cũng không thích đi đâu cả!”.
Bất ngờ trước câu trả lời của người được cho là uy tín, thông thái, tiến bộ nhất bản này, tôi hỏi: “Thế bản không sợ bị vùi lấp à? Sao trưởng bản không làm gương di chuyển cho bà con học theo?”. Ông Nhàn thản nhiên: “Chết thì ai chả sợ. Nhưng riêng tôi thì tôi cũng không thích đi. Chết thì thôi!”.
Khi trả lời câu này, ông Nhàn có biết chỉ mới cách đây vài tháng, tại bản Hán Tàu Dê (xã Chế Cu Nha - Mù Căng Chải - Yên Bái) có 7 người chết cùng một lúc khi đang thu hoạch ngô trên nương vì bị đất sạt lở vùi lấp? Ông có biết cách đây chưa lâu, tại xã Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) 4 hộ dân cũng bị đất vùi lấp chỉ trong 1 đêm?
- Chính quyền địa phương đã dùng đủ mọi biện pháp từ tuyên truyền, vận động bà con di chuyển, đến tìm mặt bằng dựng bản mới, thậm chí hỗ trợ thêm tiền để bà con bảo vệ tính mạng của chính mình nhưng người dân vẫn thờ ơ… - Trước khi lên bản, chúng tôi đi qua điểm bản Nậm Kinh mới. Ở đây đồng bào đã dựng được nhà sàn mới, cũng tấm lợp, cũng nước sạch về đầu bản, trường học trong thôn, giao thông thuận tiện... Những hộ đã di chuyển cũng đã nhận được tiền hỗ trợ (5 triệu đồng/hộ), yên tâm an cư và đang lạc nghiệp tại nơi ở mới. - Ông Tẩn A Chẩu - Chủ tịch UBND xã Căn Co - thở dài: “Ôi, mệt lắm! Cũng là đồng bào của tôi đấy nhưng không hiểu sao họ không đi cho. Họ còn viết hẳn bản cam kết, cả bản ký tên với nội dung tình nguyện ở lại bản, chết thì thôi! Năm nào, tháng nào, trong cuộc họp trưởng bản nào tôi cũng nói, nói mãi, cứ tưởng mưa dầm thấm lâu. Nào ngờ đâu vẫn vào đấy! Xã mệt, huyện mệt, các ngành cũng mệt với Nậm Kinh lắm, nhất là ngành y tế với giáo dục”.
|
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
- Độc đáo cảnh sắc, văn hóa của vùng đất Phú Yên
- Khung cảnh biển mây tựa chốn thiên đường ở Sa Pa
- Việt Nam vào top quốc gia được yêu thích nhất thế giới
- Check-in "vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây nguyên: Tà Đùng cái tên khiến bạn giật mình
- "Vương quốc”" lò gạch trăm tuổi ở miền Tây
- Quy Nhơn, thành phố Du lịch sạch Asean 2020
- Đón “DisneySea” của Việt Nam, Nam Phú Quốc xứng tầm thiên đường du lịch, giải trí
- Du lịch Quảng Ninh: Vẫn nhiều kho báu bị bỏ quên?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.