»

Thứ bảy, 18/01/2025, 11:05:14 AM (GMT+7)

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang: Đừng làm mất đi lợi thế tài nguyên

(10:16:31 AM 04/06/2018)
(Tin Môi Trường) - Theo các nhà khoa học, dự án này sẽ phá vỡ đi dòng chảy tự nhiên vốn có, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là về môi trường

Dù đã có ý kiến phản biện của các nhà khoa học, đại diện cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang vẫn tỏ rõ quyết tâm thực hiện dự án "Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1".

 
Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp rất đồng tình (!?)
 
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang, cho biết quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như ngành nông nghiệp tỉnh này đều rất đồng tình với dự án thủy lợi trên sông Cái Lớn và Cái Bé. Bởi lẽ dự án còn gắn với hạng mục xây dựng âu thuyền trên 2 tuyến sông này. Mục đích chính của dự án là nhằm điều tiết tình hình mặn, ngọt một cách phù hợp nhất để phục vụ cho việc trồng lúa hay nuôi tôm. Trong khi đó, tình trạng nước ngọt từ thượng nguồn về ngày càng kém và xâm nhập mặn ngày càng tăng nên Kiên Giang đã đề xuất với Chính phủ nên cho triển khai sớm dự án này.
 
Dự[-]án[-]thủy[-]lợi[-]Cái[-]Lớn[-]-[-]Cái[-]Bé[-]ở[-]Kiên[-]Giang:[-]Đừng[-]làm[-]mất[-]đi[-]lợi[-]thế[-]tài[-]nguyên
Sông Cái Lớn sẽ bị chặn dòng nếu dự án thủy lợi được triển khai Ảnh: THỐT NỐT
 
"Nhà khoa học có quyền phân tích, đánh giá còn trên thực tiễn tại địa phương đã chứng minh rất rõ rồi. Ngoài dự án này, Kiên Giang còn mong muốn có đầy đủ 43 cống ngăn mặn và trữ ngọt lớn nhỏ từ TP Rạch Giá về đến huyện Kiên Lương để khép kín. Do đó, trong trường hợp nước từ đầu nguồn về kém thì sẽ cho đóng cống để xoay nước trở về vùng Tây sông Hậu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, khi cống Cái Lớn và Cái Bé hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ rất thuận lợi trong việc vận hành cũng như điều tiết nước cho cả vùng bán đảo Cà Mau" - ông Tâm khẳng định.
 
Phải tính toán hợp lý
 
Cũng theo vị lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, nếu Bộ NN-PTNT cứ chần chừ trước những đánh giá của các nhà khoa học thì thật khó cho địa phương. Ông Tâm khẳng định khi dự án đi vào hoạt động sẽ không xảy ra tình trạng tranh chấp nước mặn, ngọt giữa người dân trồng lúa với nuôi tôm vì ngành nông nghiệp đã thực hiện xong quy hoạch với sự đồng thuận cao từ phía người dân.
 
"Chúng tôi đã công bố quy hoạch cho người dân nắm để chủ động trong sản xuất. Việc này cũng đã được trình lên HĐND các cấp để phê duyệt quy hoạch. Chủ trương chung của tỉnh là diện tích trồng lúa phải từng bước khép dần để thay vào đó là nuôi tôm ở những nơi có đủ điều kiện nhằm đem lại lợi ích cho người dân theo hướng phát triển bền vững" - ông Tâm nêu quan điểm.
 
Tuy nhiên, theo ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, công trình ngăn dòng Cái Lớn - Cái Bé là có thể làm nhưng phải tính toán như thế nào cho hợp lý, làm hại môi trường ít nhất hoặc có lợi cho môi trường. Vì tất cả công trình xây dựng thì mục tiêu cuối cùng là phải bảo vệ cuộc sống của người dân và sự an toàn của họ. "Tôi thấy ở ĐBSCL làm các công trình thủy lợi theo kiểu chắp vá. Thấy xâm nhập mặn chỗ này thì làm cống ngăn mặn, thấy chỗ kia lũ lụt thì làm cống thoát lũ, trong khi cái cần nhất là một công trình thủy lợi hoàn chỉnh cho ĐBSCL. Nếu làm công trình tổng thể này rồi phân ra các tiểu công trình ngăn mặn, thoát lũ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, phát huy hiệu quả. Nếu làm kiểu chắp vá sẽ đội vốn cao, đôi khi công trình làm xong gây trở lại cho công trình sắp làm và ngược lại" - ông Vinh nói. 
 

GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:


Lo ô nhiễm môi trường
 
Chúng ta không nên cố gắng thực hiện các dự án ngăn mặn để tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa. Thậm chí, người dân và chính quyền ở các địa phương vùng ven biển nên xem đây là lợi thế riêng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo kiểu "sống chung với mặn". Bài học từ Hà Lan cho thấy cách nay gần 80 năm, họ đã thực hiện việc ngăn mặn, giữ ngọt nhưng rồi cũng phải phá bỏ nó đi để khai thông dòng chảy tự nhiên vì có quá nhiều hệ lụy, nhất là phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái.
 
Dứt khoát dự án này sẽ phá vỡ đi dòng chảy tự nhiên vốn có. Một khi dòng nước không vào hay ra được thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là về môi trường. Hơn nữa, việc đầu tư cho dự án này sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì phát sinh thêm nhiều khoản chi phí khác như chi phí vận hành, đưa giá thành sản xuất của nông dân tăng theo, trong khi giá cả nông sản luôn bấp bênh.
 
ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Giảm vụ lúa, đưa lũ trở lại
 
Vào mùa khô năm 2016, dù hạn mặn gay gắt nhưng ĐBSCL vẫn xuất khẩu được khoảng 4,88 triệu tấn gạo. Cần xác định rõ vấn đề hạn do đâu ra? Là do mấy ô đê bao chiếm hết không gian trữ lũ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Do hiểu chưa đúng về an ninh lương thực, phải làm lúa 3 vụ, trong các ô đê bao bây giờ người dân làm ruộng, làm vườn lâu dài đất đai cạn kiệt.
 
Việc biện luận rằng các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm cạn kiệt nguồn nước cũng không chính xác. Vì khi nói tới thủy điện thì ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với ĐBSCL là phù sa và cá. Chuyện cần làm hiện nay là chuyển hướng nông nghiệp, làm ít đi nhưng giá trị cao hơn, giảm bớt số vụ để đưa lũ trở lại không gian trong vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tạo nên 2 túi nước khổng lồ cho ĐBSCL. Mùa khô nước trong túi nước đẩy ra sẽ giảm mặn cho vùng ven biển.
 
GS-TS NGUYỄN NGỌC TRÂN, thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia:

Không nên đắp đập để ngăn mặn, lợ
 
Cần có nhìn nhận đúng đắn để tránh những quan niệm sai lầm về tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến việc định hướng các biện pháp ứng phó không phù hợp và không hiệu quả. Cụ thể, ở đây là dự án về thủy lợi trên sông Cái Lớn và Cái Bé rất dễ gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng ĐBSCL do không có sự trao đổi dòng chảy với bên ngoài. Các tỉnh vùng ven biển cũng nên xem nước mặn, lợ là một dạng nguồn tài nguyên lợi thế và không nên đắp đập để ngăn lại.
THỐT NỐT - CA LINH (báo NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang: Đừng làm mất đi lợi thế tài nguyên

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.

Tin Môi Trường
 Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

(Tin Môi Trường) - Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) đã cố bố chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2024 là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI