Thường xuyên đạt được mức lợi nhuận ngàn tỷ đồng, Masan là một trong những đơn vị được đánh giá là rất thành công. Thành công này có được một phần do Masan chăm quảng cáo. Ngân sách dành cho quảng cáo của ông lớn ngành tiêu dùng này rất “khủng”.
Năm 2013, chi phí quảng cáo và khuyến mại của Masan đạt 279,74 tỷ đồng, bằng 62% lợi nhuận sau thuế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các sản phẩm của Masan như Mì Omachi, nước mắm Chinsu, nước mắm Nam Ngư, hạt nêm Chinsu, mì Tiến Vua,…. luôn chiếm thời lượng đáng kể trên sóng truyền hình trong những khung giờ vàng.
Chuyện Masan quảng cáo nhiều chẳng có gì đáng phàn nàn vì doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu quảng cáo sản phẩm rộng rãi tới người dùng, vấn đề chỉ là doanh nghiệp nào có quỹ dành cho quảng cáo, truyền thông nhiều hơn mà thôi. Thế nhưng các TVC quảng cáo của Masan thường xuyên “gây bão” vì độ sai lệch.
Năm 2013, không biết bao nhiêu bài báo đã phân tích, mổ xẻ với tính trung thực trong các TVC quảng cáo của Masan. Thậm chí có báo còn không kiêng nể khi dùng thẳng từ “lừa” để nói về những TVC quảng cáo từ mỳ ăn liền, nước mắm tới hạt nêm của Masan.
Người tiêu dùng Việt vốn sợ bột ngọt. Masan “đánh” vào tâm lý này bằng cách quảng cáo Chinsu “hạt nêm không bột ngọt”. Sau khi mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, dư luận mới ngã ngửa khi biết Chinsu không chứa bột ngọt và chứa bột… siêu ngọt.
Cũng mang nhãn hiệu Chinsun, nước mắm Chinsun được quảng cáo là “hảo hạng”. Không biết Masan lấy tiêu chí gì để đánh giá “hảo hạng” nhưng theo TCVN 5107:2003 thì nước mắm có độ đạm trên 30 độ được xếp vào loại đặc biệt, trên 25 độ là loại thượng hạng. Còn độ đạm của Chinsu là 12.
“Mỳ Tiến Vua - Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành) xuất hiện ra rả trên truyền hình khiến người tiêu dùng đặt trọn niềm tin cho sản phẩm này. Thế nhưng qua kiểm nghiệm, Mỳ Tiến Vua được xác định là có Transfat.
Masan từng khẳng định, ăn mỳ khoai tây không lo bị nóng. Vì vậy, mỳ khoai tây Omachi khắc phục được nhược điểm “nóng” của đa số các loại mỳ ăn liền khác trên thị trường. Nhưng trên thực tế, Omachi chỉ có đúng 5% khoai tây.
Ông lớn “quên” cổ tức
Masan là một trong những Tập đoàn nổi tiếng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nổi tiếng vì sự giàu có, nổi tiếng vì scandal quảng cáo và nổi tiếng cả về chuyện thường xuyên “quên” chia cổ tức cho cổ đông.
Masan niêm yết trên sàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009. Trải qua 5 năm là đại gia sàn chứng khoán, chưa năm nào Masan chia cổ tức cho cổ đông. Cứ mỗi kỳ đại hội cổ đông diễn ra, điệp khúc “xin không chia cổ tức” liên tục xuất hiện.
Năm 2013, khoản lợi nhuận chưa phân phối của toàn tập đoàn là hơn 6.357 tỷ đồng. Nguồn tiền dồi dào nhưng Masan vẫn không chia cổ tức cho cổ đông. Theo kế hoạch, Masan sẽ dùng toàn bộ số vốn trên để tái đầu tư vào các lĩnh vực và thực hiện thêm các thương vụ M&A khác.
Khi bị cổ đông chất vấn liệu bao giờ Masan mới trả cổ tức, ông Quang kể một câu chuyện đầy ẩn ý. Ông Quang nói "nếu sáng có trứng gà ốp la, tối có trứng gà cho món khác thì cuộc sống sẽ rất vui. Nếu làm thịt con gà đi thì chúng ta chẳng còn gà để đẻ trứng mà ăn. Chuyện trả cổ tức hay không sẽ thuộc quyền của cổ đông, nhưng nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư thì chúng ta sẽ không có gì cả".
"Mẹ" Masan thường xuyên "khất" cổ tức trong khi "con" Masan Consumer lại rất rộng tay. Masan Consumer từng gây xôn xao khi trong tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Masan Consumer đề xuất mức cổ tức 2013 và tạm ứng cổ tức 2014 là 110% bằng tiền mặt. Ngoài ra, Masan Consumer dự kiến sẽ phát hành gần 4 triệu cổ phiếu ESOP.
Hiện nay, Masan “mẹ” sở hữu 77,4% cổ phần của Masan Consumer, đơn vị trực tiếp các sản phẩm mỳ ăn liền, nước mắm,…. Sau khi Masan Consumer chia cổ tức, Masan “mẹ” sẽ nhận được 4.490 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền ngàn tỷ trong quỹ, Tập đoàn Masan rất dư dả tiền mặt. Thế nhưng Masan vẫn khiến cổ đông phải mòn mỏi chờ cổ tức.