Doanh nghiệp » Doanh nghiệp đen
Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế xả nước thải ô nhiễm
(21:14:58 PM 17/09/2011)
Dân khổ vì ô nhiễm - Ảnh minh họa
Thiện Kế là xã miền núi, có 6 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Sán Dìu, Dao, Hoa, Tày, Cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, toàn xã còn hơn 31% hộ nghèo (425 hộ). Ông Đặng Hữu Thắng, Trưởng thôn Kế Tân (xã Thiện Kế) bức xúc: Hiện thôn tôi có 26 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế, đáng chú ý, gần đây nước giếng của nhiều hộ có mùi khét không thể dùng được nên hàng ngày phải mang can đi lấy nước về dùng rất vất vả.
Cũng theo ông Thắng, vụ lúa xuân vừa rồi nhà ông có 5 sào ở cánh đồng Cóc Mỵ bị ảnh hưởng do nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế nên năng suất lúa giảm khoảng 60% chỉ còn dưới 1 tạ/sào.
Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Kế Tân thở dài: Ngoài 2 sào lúa bị giảm năng suất, gia đình tôi còn 40 con vịt, gà chuẩn bị bán thì sau một trận mưa uống phải nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế cũng lăn quay ra chết.
Gia đình ông Đặng Hữu Ngợi – một gia đình chính sách của thôn Kế Tân thì đang dở khóc, dở cười không biết xoay sở thế nào, cách đây vài năm gia đình ông thuê người chuyển đổi 3 sào lúa đào thành ao thả cá, vừa qua, sau trận mưa nước thải Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế theo nước suối Cóc Mỵ tràn vào ao làm cá chết trắng, hiện ao vẫn bỏ hoang, cá thì không dám nuôi tiếp, chuyển đổi lại để trồng lúa thì không được.
Cùng chung nỗi bức xúc với nhiều hộ khác trong thôn là ông Vũ Văn Thức, Trưởng thôn Ninh Tân (xã Thiện Kế), ông Thức ngao ngán: Chiếc giếng khơi của gia đình tôi được đào từ năm 1974, nước rất trong và sạch, nhưng cách đây 3 năm sau một trận lũ, nước thải Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế theo dòng nước ngập tràn khắp thôn làm giếng nhà tôi và 9 hộ khác sống ven suối Cóc Mỵ bỗng nhiên xuất hiện mùi hôi và khét không thể dùng được. Không còn cách nào khác, gia đình tôi đã phải đầu tư 10 triệu đồng khoan giếng trên đồi cao cách nhà 100 m và lắp đường ống… dẫn nước về dùng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phân tích mẫu nước thải lấy tại hồ Bộ Đội – hồ thủy lợi rộng hơn 1,7 ha chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, được Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế (khi còn là mỏ Vonfram Thiện Kế ) năm 1992 thuê mượn trong vòng 10 năm, với giá trị hơn 10,3 triệu đồng của UBND xã Thiện Kế để làm hồ chứa nước thải của Xí nghiệp. Phiếu kết quả, số 2010/108/CNMT 01 và 02, ngày 23/7/2010 của Trung tâm này xác định: hàm lượng Asen cao vượt quy chuẩn Quốc gia cho phép 1,92 lần; chỉ số PH = 2,88 chứng tỏ nước có tính axit cao và có khả năng ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi…
Được biết, vụ lúa mùa hiện nay, xã và các thôn chưa có thống kê diện tích lúa bị ảnh hưởng, nhưng vụ lúa xuân trước đó theo Báo cáo số 110/BC-NN, ngày 9/4/2011, của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Dương, diện tích lúa bị chết và sinh trưởng rất kém. Diện tích lúa của 67 hộ dân ở 3 thôn Ninh Tân, Kế Tân và Vạt Chanh, xã Thiện Kế là 63.138 m2. Trong đó, diện tích lúa bị chết là 11.347 m2, còn lại là diện tích lúa sinh trưởng rất kém (cây lúa bị vàng, còi cọc)…
Sau nhiều lần làm việc giữa các ban ngành của huyện Sơn Dương, UBND xã Thiện Kế, đại diện các thôn với Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế để xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục hậu quả, Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế đã nhất trí hỗ trợ diện tích lúa bị hại trong tháng 6/2011, với tổng số tiền gần 79 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế vẫn chưa thực hiện đúng cam kết hỗ trợ cho những hộ dân có lúa bị thiệt hại. Ngày 7/9/2011, UBND xã Thiện Kế lại tiếp tục có Văn bản số 45/UBND yêu cầu Xí nghiệp thực hiện việc hỗ trợ cho nhân dân 3 thôn có diện tích lúa bị thiệt hại do nước thải của Xí nghiệp gây ra.
Mặc dù đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải và Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế cũng đã cam kết hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng, nhưng khi làm việc với chúng tôi ông Lê Văn Thực, Giám đốc Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế vẫn cho rằng: Nguyên nhân ô nhiễm môi trường làm lúa, cá, gia súc, nước giếng của người dân không sử dụng được… là do người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe (Vườn Quốc gia Tam Đảo) gây ra.
Về vấn đề này, ông Dương Chí Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế và ông Trần Quốc Huy, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thiện Kế (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) khẳng định: Việc ông Thực, Giám đốc Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế đổ lỗi gây ô nhiễm môi trường do người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe gây ra là hoàn toàn vô lý!
Ông Huy giải thích: Từ khi Vườn Quốc gia Tam Đảo thành lập chốt kiểm lâm trên núi Ba Khe (tháng 1/2011 đến nay), chốt lúc nào cũng có 4 người trực nên không có việc người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe. Còn ông Thành giải thích thêm: Nếu có tình trạng người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe, thì nước ô nhiễm cũng chảy theo suối Ba Khe ra sông Phó Đáy, chứ không thể chảy vào hồ Bồ Đội rồi theo suối Cóc Mỵ và mương dẫn nước chảy xuống các cánh đồng … làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng trên, bà con các dân tộc 3 thôn: Ninh Tân, Kế Tân và Vạt Chanh, xã Thiện Kế rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp người dân ổn định đời sống trên mảnh đất quê hương đã gắn với gia đình, tổ tiên họ từ ngàn đời nay.
Vũ Quang Đán/TTXVN
Ý kiến bạn đọc về: Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế xả nước thải ô nhiễm
-
Dương Tuấn Anh (14:03:58 PM 05/07/2013)Chuẩn rồi đó !
Tôi là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nơi đây ! chuyện xí nghiệp của mỏ khai khoáng làm nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm là diễn ra từ rất lâu trên địa bàn ! việc chặn các dòng chảy để xử lý nước thải là rất kém và ko có đầu tư ! mỗi trận mưa nước lớn dẫn đến các hồ chứa nước để bùn đỏ lắng đọng bị vỡ làm cho cánh đồng Cóc Mỵ gập tràn bùn đỏ của xí nghiệp thải ra ! tôi từng thả trâu quanh khu vực của mỏ thì cũng được biết khoảng từ năm 2006 2008 xí nghiệp có một bãi xử lý tẩy rửa quặng nằm ở cái đập đầu tiên cạnh cây đa khu để xăng dầu xí nghiệp! chất tẩy rửa này làm cho Asen ra khỏi quặng vôn ! mà nguồn nước này chảy trực tiếp xuống hồ bộ đội nơi mà nhà báo đã nói đến ! độ mất an toàn của khai thác tại mỏ cũng chưa được đề cập đến ! chẳng riêng gì 3 thôn vạt tranh và kế ninh tân ! các thôn thuộc vùng hạ lưu dưới dòng suối thiện cũng là các nạn nhân của đất bùn đỏ nhưng ko có chất asen thải ra trực tiếp mà thôi !
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng
- Công an tỉnh Long An vào cuộc điều tra công ty Hưng Nông gây ô nhiễm môi trường
- Xử phạt Công ty xi măng Thành Thắng trên 1,8 tỷ đồng
- Công ty TNHH Quốc tế Formosa nợ tiền nước: Giao công an xác minh
- Công ty AIT bị phạt 325 triệu đồng vì phá 2,61ha rừng ở Thanh Hóa
- Mập mờ giấy phép khai thác khoáng sản để "qua mặt" chính quyền?
- Xả thải vượt 480 lần quy chuẩn, Công ty CP Paishing Việt Nam bị xử phạt 294 triệu đồng
- Vi phạm lĩnh vực khoáng sản, Tập đoàn Hoa Sen bị xử phạt 120 triệu đồng
Bài viết mới:
- Vườn quốc gia Côn Đảo đón nhận bằng công nhận Cây di sản cho 24 cây trong vườn (28/11/2024)
- Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 (27/11/2024)
- Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò của VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước (27/11/2024)
- Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt (27/11/2024)
- Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường (26/11/2024)
- Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội (26/11/2024)
- Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn (26/11/2024)
- 25 tác phẩm được trao giải viết về "Cây di sản Việt Nam năm 2024" (26/11/2024)
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng” (24/11/2024)
Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"
(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
(Tin Môi Trường) - 5ha khu vực cánh rừng Net Zero của Vinamilk phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã bước sang năm thứ 2 trong dự án kéo dài 6 năm (2023-2029). Nhiều hoạt động nghiên cứu, đồng hành, báo cáo đã được doanh nghiệp thực hiện, trong đó có các chuyến đi trực tiếp tham gia khoanh nuôi rừng của nhân viên diễn ra đều đặn hàng năm.
Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường
(Tin Môi Trường) - Cáp treo Hương Bình có tổng mức đầu tư 1.726 tỷ đồng giúp việc di chuyển từ chùa Hương (Hà Nội) tới hang động chùa Tiên (Hòa Bình) chỉ hơn 9 phút, thay vì mất 2-3 giờ di chuyển 50km đường bộ.