(Tin Môi Trường) - Trước khi thành lập và trở thành lãnh đạo của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Aliababa Tây Bắc TP.HCM…, ông Nguyễn Thái Luyện từng làm việc cho các công ty chuyên bán đất nền ở nhiều tỉnh giáp ranh TP.HCM.
Đại gia rởm?
Gần đây, sự việc bán “vịt trời chính chủ”, ở dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) làm cho những công ty này và cái tên CEO Nguyễn Thái Luyện “nổi như cồn”.
Đặc biệt trước đó, khi bị báo chí nêu tên vì cách làm ăn mập mờ ở các dự án quanh sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã đưa ra chiến lược tuyên chuyến truyền thông để khẳng định “chính mình”. Thế nhưng, đại diện chính quyền huyện Long Thành “bóc mẽ”, không có bất kì dự án nào trên địa bàn do công ty mang tên Alibaba làm chủ đầu tư.
Theo thông tin doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (CTCP Địa ốc Alibaba) đăng ký vào kinh doanh vào ngày 5.5.2016, mã số doanh nghiệp 0313788565, trụ sở chính đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Ngày 3.12, 2016 thực hiện thay đổi lần thứ nhất, tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, trụ sở được dời về số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ngày 26.9.2017, thay đổi lần hai với vốn điều lệ tăng chóng mặt 1.600 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông gồm: Ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ, Bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Một trụ sở của địa ốc Alibaba vắng bóng người sau khi công ty này bị lật tẩy vì bán "vịt trời"
Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, mã số doanh nghiệp: 0314675116, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12.10.2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 25.10.2017 dời địa chỉ trụ sở chính về số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ba cổ đông chính gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ, Ông Lê Xuân Sơn 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ, Bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp 600 tỷ đồng tương đương 5% vốn điều lệ do Ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, mã số doanh nghiệp: 0310511406, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11.12.2010 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng, chỉ có 01 thành viên là Ông Nguyễn Thái Luyện và cũng là người đại diện pháp luật. Trụ sở chính đặt tại 146/59/6 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh.
Ngày 05.08.2017 đăng ký thay đổi lần thứ 1 với tên mới là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 27.09.2017, trụ sở chính đặt tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
CEO Nguyễn Thái Luyện và sự huy động vốn ảo
Theo tìm hiểu của PV, ông Luyện sinh năm 1985 và đăng ký hộ khẩu tại 65 Đào Duy Từ, xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chỗ ở hiện tại, 146/59/6 Vũ Tùng, P.2, quận Bình Thạnh. Giám đốc, đại diện pháp luật của CTCP Địa ốc Alibaba, ông Nguyễn Thái Lĩnh sinh năm 1989, em ruột của ông Luyện.
Trước khi trở thành CEO của các công ty này, ông Luyện là nhân viên cho vài công ty môi giới đất nền trên địa bàn lân cận TP.HCM.
Nói về sự bất thường vốn điều lệ của các công ty trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường khi mang đối chiếu với các tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 01 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng, 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng (tính đến năm 2016).
Trong thư xin lỗi khách hàng, ông Luyện cho rằng mình là CEO "cùi bắp" và nhận sai khi bán thứ không phải của mình
“Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản.
Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh đến 7.800 tỷ đồng, Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng, bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng là không bình thường”, ông Châu nhận xét.
Ngoài ra, chi tiết đáng chú ý là ở dự án đất nền 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư và nhận đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên sau đó, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc lên tiếng bác bỏ “bánh vẽ” của hai công ty trên, và xác nhận dự án chỉ đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Một thành viên trong quá trình góp vốn điều lệ ở Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc tiết lộ, đây chỉ là con số được đưa ra chứ thực chất chưa có vốn để góp vào. Phải đợi đến khi đấu thầu xong dự án mới huy động.
Riêng ở Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. “Số vốn điều lệ lớn, chưa biết Ông Nguyễn Thái Luyện đã góp đủ vốn điều lệ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế qua các năm như thế nào, nhưng lại đăng ký góp đến 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh cũng là điều không bình thường”, ông Châu phân tích.
Ông Châu kết luận, tất cả những bất thường trong việc đăng ký vốn điều lệ trên là do Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng, nhưng do có sơ hở, lỏng lẻo và bị kẻ xấu lợi dụng khe hở.