(Tin Môi Trường) - 68 năm về trước đã xảy ra vụ phơi nhiễm chất độc dioxin tại thành phố Nitro (Mỹ). Sau đó, Monsanto vẫn khăng khăng cho rằng dioxin không gây bệnh ung thư.
Kỳ 1: Monsanto: hủy diệt môi trường, đồng phạm chiến tranh...
Kỳ 2: MONSANTO HỦY DIỆT MÔI TRƯỜNG - KỲ 2: Monsanto là ai?
Kỳ 3: MONSANTO HỦY DIỆT MÔI TRƯỜNG - KỲ 3: Nửa thế kỷ Monsanto buôn thần chết
Ngày 31-8-2006, các cựu binh Hàn Quốc đến trước Nhà Trắng biểu tình đánh động dư luận về chất độc dioxin - Ảnh: UPI
Monsanto bắt đầu sản xuất thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Năm 1948, Monsanto xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất hóa chất diệt cỏ 2,4,5-T tại thành phố nhỏ Nitro dọc sông Kanawha (bang Tây Virginia). 2,4,5-T là chất chiếm 50% thành phần chất độc da cam sau này được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Vụ kiện hơn 60 năm
Ngày 8-3-1949, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy của
Monsanto ở Nitro. Sau đó, hàng trăm công nhân nhà máy mắc bệnh trứng cá vì clor (chloracne) do phơi nhiễm chất dioxin (tạp chất phát sinh trong quá trình sản xuất 2,4,5-T). Cư dân Nitro đã khởi kiện tập thể đối với Monsanto.
Theo báo Le Monde của Pháp, đến tháng 10-2014 Tòa án tối cao ở bang Tây Virginia mới phán quyết buộc Monsanto bồi thường 93 triệu USD cho thành phố Nitro vì đã làm cư dân phơi nhiễm chất độc da cam.
Tiền bồi thường gồm 9 triệu USD tẩy rửa bụi nhiễm dioxin cho 4.500 hộ gia đình, 21 triệu USD chi xét nghiệm và 63 triệu USD chi cho các xét nghiệm bổ sung khi cần thiết.
Cư dân đã cư trú tại Nitro từ ngày 1-1-1948 đến ngày 3-9-2010 sẽ được kiểm tra nhiễm dioxin trong suốt 30 năm.
Họ có quyền khởi kiện cá nhân đối với
Monsanto nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đã bị thiệt hại vật chất do phơi nhiễm dioxin.
Một văn phòng được lập ra để tổ chức công tác xét nghiệm. Một luật sư được tòa chỉ định phụ trách giám sát.
Trong bài viết đăng ngày 2-12-2013, ông André Bouny người Pháp, chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho biết Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã khuyến cáo người dân có thể kiện Monsanto về hành vi gian lận do che giấu tình trạng nhiễm dioxin trong chất 2,4,5-T.
Ngoài ra, EPA cũng đề nghị có thể kiện
Monsanto về hành vi gian lận nghiên cứu y tế.
Monsanto đã sử dụng kết quả nghiên cứu ngụy tạo để cho rằng dioxin không gây ung thư và nhiều bệnh khác, trừ bệnh trứng cá do clor, đồng thời đã gửi mẫu giả không có dioxin cho cơ quan chức năng của chính phủ.
Sự thật bị ém nhẹm
Chất da cam được nhiều công ty Mỹ sản xuất, trong đó có Công ty đa quốc gia Dow Chemicals.
Một tài liệu nội bộ đã giải mật của Dow Chemicals ghi lại nội dung một cuộc họp bí mật của các nhà sản xuất chất da cam ngày 22-2-1965, trong đó có đại diện của
Monsanto.
Mục đích họp nhằm thảo luận các vấn đề nhiễm độc gây ra do một số độc chất có hàm lượng cao trong các mẫu hóa chất 2,4,5-T do quân đội Mỹ cung cấp.
Đại diện Dow Chemicals báo cáo một công trình nghiên cứu nội bộ đã chứng minh thỏ phơi nhiễm với dioxin đã bị tổn thương gan trầm trọng.
Vấn đề đặt ra là có nên báo cáo với chính phủ tính chất độc hại của dioxin hay không. Lúc bấy giờ đại diện Monsanto đã chỉ trích Dow Chemicals muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Bí mật này đã bị ém nhẹm tối thiểu bốn năm sau đó vào thời điểm cao trào của chiến dịch rải chất độc da cam của quân đội Mỹ ở Việt Nam.
Đến năm 1969, một công trình nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia (trực thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ) đã chứng minh tính chất độc hại của chất diệt cỏ 2,4,5-T. Chuột thí nghiệm phơi nhiễm với lượng 2,4,5-T cao đã bị dị tật bào thai và chết non.
Ngày 15-4-1970, Bộ Nông nghiệp Mỹ cấm sử dụng 2,4,5-T vì gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sang năm sau, quân đội Mỹ chấm dứt chiến dịch rải chất độc da cam tại Việt Nam.
Cựu binh Mỹ đi kiện
Năm 1978, cựu binh Mỹ Paul Reutershan mắc bệnh ung thư ruột đã đi kiện Monsanto và sáu nhà sản xuất chất độc da cam để đòi bồi thường.
Sau đó, hàng ngàn cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin cùng tham gia. Đây là phong trào kiện tập thể đầu tiên tại Mỹ đối với
Monsanto cùng các nhà sản xuất chất độc da cam khác.
Các cựu binh chứng minh họ bị nhiễm dioxin trong chất độc da cam ở chiến tranh Việt Nam và dioxin đã gây đủ thứ bệnh. Nhiều công trình khoa học đã được trình bày để khẳng định dioxin là tác nhân gây bệnh ung thư.
Để phản tố, Monsanto cũng trưng ra các công trình nghiên cứu đối với các công nhân trong vụ nổ nhà máy ở Nitro năm 1949 để kết luận không có liên hệ giữa phơi nhiễm 2,4,5-T trong chất da cam với bệnh ung thư.
Cuối cùng các cựu binh Mỹ chấp nhận giải pháp thương lượng với Monsanto. Ngày 7-5-1984, bảy nhà sản xuất chất độc da cam đồng ý bồi thường 180 triệu USD, trong đó Monsanto chi 45,5% theo lệnh của tòa. 40.000 cựu binh nhận được trợ cấp từ 256-12.800 USD tùy trường hợp.
Vụ kiện khép lại trong cay đắng bởi các cựu binh Mỹ chỉ nhận được khoản tiền nhỏ nhoi so với tiền bạc họ bỏ ra lo điều trị bệnh tật.
Sau đó, đến đầu thập niên 1990 mới lộ ra chuyện
Monsanto sử dụng công trình nghiên cứu ngụy tạo để chứng minh dioxin không gây ung thư.
Ngày 12-7-2013, Tòa án tối cao Hàn Quốc công bố phán quyết yêu cầu
Monsanto và Dow Chemicals bồi thường cho 39 nguyên đơn là cựu binh tham chiến ở Việt Nam với số tiền tổng cộng 466 triệu won (338.000 USD).
Tòa đánh giá có bằng chứng khẳng định mối quan hệ dịch tễ học giữa chất độc da cam và các bệnh về da mà các nguyên đơn mắc phải.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, Hàn Quốc đã đưa 320.000 binh lính tham chiến bên cạnh binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
50% trong số này mắc các bệnh liên quan đến chất độc da cam. Từ năm 1999 đến phiên tòa nêu trên đã có 16.000 cựu binh Hàn Quốc kiện các công ty Mỹ đòi bồi thường.
Năm 1966, sau khi quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bắt đầu thảo luận về tội ác
hủy diệt sinh thái.
Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế năm 1998 thừa nhận bốn tội gồm tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.
Nếu muốn Tòa án hình sự quốc tế xem tội ác
hủy diệt sinh thái là tội ác thứ năm, một quốc gia phải đề nghị tổng thư ký LHQ xem xét sửa đổi Quy chế Rome, sau đó quy chế sửa đổi phải được LHQ thông qua.