Về nơi đức vua hoá Phật
(09:47:47 AM 09/06/2012)
Ngoạ Vân đã bắt đầu thu hút khách hành hương về tham quan, lễ Phật. |
Dốc nối dốc
Anh bạn đi cùng cho hay, có hai con đường cùng dẫn về am Ngoạ Vân, một vòng theo đường chân núi bên bờ hồ Trại Lốc của xã An Sinh đi vào và một đường từ xã Bình Khê đi lên. Chúng tôi đi theo lối thứ nhất cũng là lối đi vốn ít khách hành hương biết đến hơn. Từ đập Trại Lốc, chiếc ô tô 7 chỗ bắt đầu men theo con đường đất đỏ tiến sâu vào núi. Con đường càng lúc càng xấu đi, những ổ voi, ổ gà liên tiếp, những mô đá nhô lên không định trước khiến chiếc xe liên tục bị chạm gầm, có lúc xe như quay tròn trên tảng đá lớn. Anh Long, tay lái quen thuộc với con đường khi làm dự án mấy tháng nay ở đây tỏ ra bình thản khi lao qua hàng chục đoạn suối cắt ngang đường, nhưng có chỗ xe lên giữa chừng vẫn phải lùi lại, tăng cầu hai, nhấn chân ga mấy lượt mới vượt được con dốc khúc khuỷu...
Đến suối Phủ Am Trà, được ví như chùa Trình của Ngoạ Vân, xe dừng lại để cả đoàn bắt đầu hành trình đi bộ. Lúc này, hành lý mang theo người gần như không có gì, mỗi người chỉ cầm một chai nước để uống dọc đường. Cả đoàn đi theo đường mòn dọc con suối lớn để xuyên rừng, những tán cây che phủ trên đầu, nước suối toả ra mát lạnh vậy mà khi dừng lại nghỉ dưới chân núi thì ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Đi tiếp là những đoạn dốc đứng, đường đất chưa có bậc nên cứ sau một chặng leo mọi người lại phải nghỉ cho đỡ mỏi. Mồ hôi thi nhau túa ra, mặt tôi nóng rực lên vì những chặng leo gắng sức. Ngay cạnh đường đi bộ, đội thợ đã làm một tuyến đường ray bằng cây rừng để vận chuyển cát, đá xanh, xi măng lên trên phục vụ dự án khôi phục hai ngọn tháp cổ ở khu vực Thông đàn. Anh Thịnh (cán bộ Tập đoàn An Viên (Hà Nội), đơn vị tài trợ cho dự án nói trên - PV) bảo: “Chúng tôi huy động thợ làm mất hơn một tháng mới xong được cây số đường rừng này đấy. Lúc đầu nó chỉ là một lối mòn nhỏ, cây cối um tùm, phải chặt cây, phát bụi rậm, cậy đá đi cho bằng phẳng. Lúc đầu ai cũng hăng, làm xong rồi mới thấy oải...”.
Từ trên nhìn xuống, tuyến đường ray tự tạo trông xa, sâu hút tầm mắt. Để vận chuyển đá hộc lên công trình, đội còn làm một con đường tương tự nhưng ngắn hơn từ Thông đàn chạy xuống con suối kế bên. Tuy vậy, những đoạn khác vẫn hoàn toàn sử dụng lao động thủ công để vận chuyển và toàn bộ là lao động người địa phương. Thế mới thấy sức người thật đáng nể. Chị Thêm chuyên lo hậu cần cho đội thợ ở đây bảo ngày ngày chị vẫn đi hai lượt như thế để lo tiếp phẩm, con dốc cao ngất ấy chị vẫn gánh được 20kg... Còn những người khác, họ ăn ở ngay tại lán trên núi, thi thoảng mới về nhà thôi. Ngày công lao động của chị cũng là mức thấp nhất ở đây được 160.000đ, chưa kể ăn uống. Nghe chị kể, tôi hiểu sự vất vả của công việc nhưng với đời sống còn nhiều khó khăn của bà con nơi đây thì mức thu nhập ấy cũng là niềm mơ ước của họ vậy.
Dự án đang thi công nên khu vực Thông đàn khá bừa bộn. Ngôi tháp lớn đã dựng xong phần tháp, đợi xử lý nền và chỉnh sửa thêm, ngôi tháp nhỏ mới dựng được một phần. Anh Thịnh bảo, khi phục dựng xong hai ngôi tháp, hoàn thiện khuôn viên, dự án sẽ trồng hàng tùng hai bên, xung quanh trồng một số loại cây để tạo cảnh quan, chứ nơi này trước đây toàn cỏ gianh không cây gì mọc được.
Lên đến Thông đàn mới là già nửa hành trình. Ngoạ Vân với các điểm di tích kéo dài, trải rộng trên một diện tích lớn trong khi hệ thống đường sá đơn sơ thế này, công tác khai quật khảo cổ, cũng như trùng tu, tôn tạo di tích chắc chắn là vấn đề nan giải chưa thể một sớm, một chiều mà xong được.
Thăm chốn cửa thiền
Chặng đường buổi chiều của chúng tôi lên tới chùa chính Ngoạ Vân cũng không dễ dàng. Ở độ cao này, cây to ít hẳn đi, xung quanh ken dày những rừng tre mai rậm rạp. Chị Thêm bảo mùa này thì không có vắt nhưng mùa xuân, độ mưa dầm liên tục ấy thì vắt cũng nhiều lắm...
Cũng giống như khu vực Thông đàn, ngôi chùa đổ nằm trên một khoảng đất khá bằng phẳng. Anh bạn làm văn hoá dẫn đường cho hay, khu vực này đã được tiến hành khai quật khảo cổ, ngôi chùa đổ này có thể được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, kiến trúc đá cùng thời với ngôi chùa hiện nay ở phía trên. Nhưng không giống điểm chùa này, việc khai quật khu vực am Ngoạ Vân mới tiến hành sơ bộ được một phần, Phật hoàng tháp, am Ngoạ Vân và kể cả dấu vết ngôi chùa cổ vào thời Trần đều chưa tìm được dấu vết gì... Những công trình hiện nay tồn tại ở đây đều là kiến trúc của đời sau. Chùa, am nằm toàn bộ trên một dải đất hẹp tựa lưng vào vách núi, cạnh đó, thấp hơn một chút là Phật hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp, còn lại là thung lũng với diện tích rộng nhưng thấp hẳn xuống. Vậy là, những bí ẩn nơi đây vẫn chờ sự giải đáp của các nhà khoa học.
Trò chuyện với nhà sư trụ trì chùa, tôi được biết, ngôi chùa hiện nay được ông dựng lại từ khoảng hơn chục năm trước từ hệ thống tường móng cũ. Chùa chỉ có nhà sư và một bà vãi già trông nom, trước đây cũng có một vài người nữa nhưng có lẽ do không chịu được điều kiện khắc nghiệt nơi đây nên đã dời đi cả. Bà vãi già thân thiện chia sẻ rằng, nơi đây gần như quanh năm mây phủ (Ngoạ Vân là nằm trên mây - PV), mùa đông lạnh lẽo rất khắc nghiệt nhưng mùa hè vào những đêm trăng sáng, ánh trăng vằng vặc toả xuống bao trùm vạn vật, khung cảnh đẹp tựa cõi tiên...
Chặng hành hương dài, khó khăn có lẽ vẫn là một thách thức lớn với khách hành hương khi đến Ngoạ Vân. Tuy vậy, chị Thêm cho hay, vài năm trở lại đây, lượng người đến đây đã tăng đáng kể, nhất là vào dịp mùa xuân, họ đi theo đoàn, tự trang bị mọi vật dụng ăn uống, lúc ngủ lại phòng khách của chùa, lúc mang theo cả bạt chăng lều ngủ qua đêm trong rừng. Chúng tôi gặp hai bạn trẻ là Liêm và Hương ở khuôn viên chùa Ngoạ Vân. Liêm cho hay, đầu năm nay, cậu đã về đây và ngủ lại một đêm, cậu thích không khí trong lành, cảnh trí còn hoang sơ tĩnh mịch nơi đây nên lần này đã rủ bạn trở lại. Nhìn nụ cười tươi trên gương mặt chàng trai trẻ, tôi hiểu chốn cửa thiền này không chỉ là điểm hành hương của người già mà dần đã có sức thu hút nhất định với cả những người trẻ, là cơ hội cho sự phát triển các điểm du lịch văn hoá tâm linh của địa phương trong một tương lai gần.
Thấy và ngẫm
Có hai câu chuyện trong chuyến đi làm tôi băn khoăn mãi, xin chia sẻ với bạn đọc. Lúc dừng chân nghỉ ở đường xuống, nhà khảo cổ trẻ Văn Anh (người đã có những phát hiện quan trọng khẳng định am Ngoạ Vân ở Đông Triều chính là nơi vua Trần Nhân Tông hoá Phật) chợt bảo: “Có lẽ cụ Trần Nhân Tông biết Yên Tử không phải nơi của mình nên khi sắp mất, cụ lại bảo đưa ta về Đông Triều...”. Tôi hỏi thêm, anh lý giải rằng: “Vì rằng, Yên Tử là nơi cụ về trụ trì sau khi thành đạo nhưng trước đó thì ngọn núi này đã có những người khác tu tiên đắc đạo rồi như đạo sĩ An Kỳ Sinh chẳng hạn. Sau này, đời nhà Lý khi phật giáo là quốc đạo thì nhiều người cũng đã đến đây tu hành. Cụ đã khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm nhưng vẫn là người đi sau, vì vậy, cụ đã chọn Ngoạ Vân, nơi có độ cao thấp hơn so với đỉnh chùa Đồng Yên Tử. Và đến vị tổ thứ hai là Pháp Loa, ông viên tịch tại chùa Quỳnh nhưng di chúc chọn núi Thanh Mai làm nơi an táng, cũng thấp hơn Ngoạ Vân, đến vị tổ thứ ba là Huyền Quang thì chọn một nơi thấp hẳn xuống là Côn Sơn để trụ trì rồi viên tịch...”. Lối tư duy của người xưa thật khiêm tốn, sâu xa, quả đáng để lớp hậu sinh phải suy ngẫm!
Còn câu chuyện thứ hai là khi cả đoàn đã xuống núi, trở ra. Đang đi, anh lái xe bỗng chỉ lên phía trước, nơi một nhóm thanh niên đang chở những thân gỗ lớn bằng xe máy, cành bị chặt hết, trơ trọi mấy cọc rễ cái và bảo: “Gốc mai vàng đấy, đào về, bôi thuốc kích thích rễ vào trồng là sống ngay. Cành đâm lộc ra, nở hoa đẹp lắm!”. Một người khác thì bảo, gần như lần nào vào đây, anh cũng gặp hiện tượng này. Chẳng mấy mà những cây mai vàng cổ thụ ở rừng này sẽ bị bứng đi hết!... Dọc đường đi và ngay đường vào Ngoạ Vân chỗ đập tràn hồ Trại Lốc đều có những biển cấm chặt cây, phá rừng trong khu vực di tích, tôi tự hỏi, các đơn vị chức năng liệu có hay biết hiện tượng này không?
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phú Yên thành lập Công viên địa chất
- Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam
- “Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
- Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun
- Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’
- Xá lợi tóc Phật được Myanmar bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào?
- Quảng Ngãi: Đảo Lớn từng có cây ré mọc, đảo Mù Cu chỉ có cây mù cu
- Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
- Cây còng "cô đơn" ở miền Tây thu hút nhiều người đến chụp hình
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.