Trong nước lũ lúa vẫn chín
(18:49:24 PM 27/09/2011)
Bắt cá trong mùa lũ. Ảnh: K.Q |
Đặt cược với lũ
Sáng 25.9, từ “rốn” vùng ĐTM, giữa mênh mông nước lũ, tôi điện thoại cho Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Long An hỏi tình hình lũ. Từ cách xa hơn 100 cây số, Giám đốc trung tâm - ông Trương Hữu Bình - dù là ngày nghỉ vẫn “trực chiến” ở cơ quan, đọc ngay các số liệu đo được lúc 7 giờ sáng: “Mực nước lũ tại Mộc Hoá 1,83m; tại Vĩnh Hưng 2,74m; tại Tân Hưng 3,10m; so với cùng kỳ năm 2010 cao hơn khoảng 1m.
Dự báo đỉnh lũ sẽ xuất hiện vào khoảng 15.10, khi ấy mực nước sẽ cao hơn hiện nay khoảng 0,4 - 0,5m; cao hơn đỉnh lũ năm rồi khoảng 1m; nhưng vẫn thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 0,7 - 1,0m...”. Ông Bình nói tiếp: “Đối với vùng ĐTM thuộc tỉnh Long An, lũ năm nay là lũ đẹp, không gây hại gì đáng kể, còn đem lại nguồn lợi phong phú cho nông dân, rửa sạch đồng ruộng, bồi bổ phù sa...”.
Lúc sáng, ngồi uống càphê với ông Hồ Văn Dân – Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - tôi thật sự bất ngờ khi ông cho biết, hiện ở đây vẫn còn gần 100ha lúa đang chín tới, dù nước lũ đã dâng cao gần 3m. Ông Dân cho biết, dù huyện không có chủ trương, thậm chí khuyến cáo, nhưng do lúa có giá, nên bà con nông dân đã tự phát gieo sạ hàng ngàn hécta lúa “vụ ba”. Một nửa sau của chu kỳ sinh trưởng vụ lúa này “cấn” vào mùa lũ. Tính từ đầu mùa lũ, mới có khoảng 15ha lúa bị thiệt hại do lũ, chính quyền và bà con đang tập trung bảo vệ gần 100ha lúa còn lại. Cũng theo ông Dân, thiệt hại do lũ đem đến là không đáng kể so với những gì mùa lũ năm nay mang lại cho người dân nơi đây.
Chạy xe gắn máy gần 20 cây số từ thị trấn Tân Hưng vào xã Hưng Điền B - nơi đang còn khoảng 70ha lúa “thách lũ” - tôi có cảm giác đi giữa biển nước mênh mông. Nước lũ ĐTM khi có gió cũng dậy sóng như sóng biển, không khí mát lạnh. Vào đến xã Hưng Điền B, tôi cảm giác hồi hộp khi trước mặt là “ốc đảo” ruộng lúa đang chín tới, xung quanh là mênh mông nước lũ.
Độ chênh lệch giữa mặt ruộng lúa và mặt nước lũ khoảng 2,5m, được ngăn cách bởi đê bao đất còn mới. Một nông dân tên là Trần Hùng Tráng đang gia cố đê bao, thỉnh thoảng “hét” vào điện thoại di động: “Chú Hai hả, điều ngay xáng cạp tới gia cố đê bao, nước đang “bò” vô, chỉ 2 tiếng đồng hồ nữa là bình địa... Út hả, mang ngay xẻng tới, tao đang đắp tay nè, tao mà không phát hiện kịp là nguy to...”. Một lúc sau, chúng tôi thấy chiếc xáng cạp lù lù rẽ nước lũ chạy tới, rồi nhiều nông dân khác xách cuốc xẻng chạy ra...
Đến lúc này, anh Trần Hùng Tráng mới có thể tiếp chuyện chúng tôi, anh nói: “Toàn khu vực trong đê bao có gần 800ha lúa, đã thu hoạch được hơn 90%, còn lại khoảng 70ha, của gia đình tôi hơn 10ha. Ngày nào tôi cũng ra thăm chừng đê bao, sáng hôm qua nước còn cách mặt đê 20cm, vậy mà sáng nay nước lũ đã “bò” qua đê. Tôi mà không phát hiện kịp, chỉ vài tiếng sau là bình địa...”. Số lúa của gia đình anh Tráng đang “treo” dưới nước lũ có giá trị 300 - 400 triệu đồng.
Người dân ĐTM bây giờ có tiềm lực mạnh nên mới dám “đặt cược” với lũ như thế. Theo tính toán của Hội Nông dân huyện Tân Hưng, chi phí sản xuất cho 1ha lúa hiện khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng. Vụ thu đông (vụ ba) này có năng suất khoảng 5,5 tấn/ha, nông dân bán lúa được khoảng 30 triệu đồng. Nếu tỉ lệ thành công 50%, vẫn có hiệu quả. Trong khi gần 2.000ha toàn huyện Tân Hưng mà chỉ có 15ha thiệt hại. Quá lời! Có thể những nhà quản lý sẽ phải có cái nhìn khác về “vụ ba” cho đến nay vẫn không được khuyến khích.
Hái bông điên điển. |
Cái lợi còn đang ở phía trước
Ngoài một vài “lõm” còn lúa được bảo vệ khô ráo, toàn bộ gần 300.000ha đồng ruộng vùng ĐTM thuộc Long An đang ngập sâu trong nước. Đã qua rồi cái thời hằng năm khi mùa lũ về là học sinh phải nghỉ học, vì trường lớp bị ngập sâu, đường đến trường cũng bị mất hút dưới biển nước. Không còn cái cảnh khi có lũ lớn là hàng ngàn gia đình phải gồng gánh ra che chòi sống tạm bợ ven QL62 và các tuyến đường lớn khác.
Cuộc sống người dân vùng ĐTM được cải thiện nhanh trong thập kỷ qua. Hầu hết đường giao thông nông thôn đã được tôn cao, hàng trăm cụm tuyến dân cư vùng lũ được xây dựng, toàn bộ trường lớp đã được xây dựng mới nơi cao ráo... là những điều kiện bảo đảm cho cuộc sống vẫn diễn ra bình thường trong mùa lũ, nhưng theo một sắc thái khác. Những ngày này, đi tới đâu trên vùng ĐTM, chúng tôi cũng thấy người dân mang đủ thứ đồ nghề đi bắt chuột, bắt cá, bắt rắn, bắt ếch...
Những người khác thì khai thác nguồn lợi mùa lũ một cách “hiền hoà” hơn bằng cách chèo xuồng đi hái bông điên điển, bông súng, gương sen... Tại các điểm thu mua đặt dọc theo các tuyến đường, giá các loại sản vật được chào mua: Rắn khoảng 100.000 đồng/kg; chuột khoảng 25.000 đồng/kg; cá lóc khoảng 30.000 đồng/kg; bông điên điển 15.000 đồng/kg; cọng bông súng 3.000 đồng/kg; gương sen 3.000 đồng/chục gương...
Đi trên QL62, chúng tôi thấy hàng đoàn xe tải từ trong ĐTM chạy ra “bên ngoài”, chở theo các loại sản vật mùa lũ đi bán cho người tiêu dùng ở Tân An, TPHCM và các tỉnh không có lũ. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng - ông Hồ Văn Bún - rủ chúng tôi chiều tối đến nhà ông “lai rai” rượu đế với mồi “cây nhà lá vườn”. Mâm rượu được dọn lên có đầy đủ các sản vật mùa lũ: Chuột chiên, canh chua cá linh nấu với bông điên điển, cá lóc nấu mắm ăn với bông súng, rắn nướng...
Ông Bún cho biết, các thức ăn do tự tay ông đi “cải thiện” trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. Ghé gia đình nông dân nào ở Vĩnh Hưng, tôi cũng thấy cá - chuột - rùa - rắn..., do họ “tự túc” trong mấy tháng mùa lũ. Một người chuyên săn bắt vào mùa lũ tên là Trần Văn Tám (ấp Rạch Bùi, thị trấn Vĩnh Hưng) cho biết: “Năm nay lũ lớn, tụi em mần ăn được. Dù đi bắt cá, bắt rắn hay bắt chuột, mỗi ngày em đều kiếm được một vài chục ký, bán được 500.000 - 700.000 đồng”.
Thế nhưng, cái lợi lớn nhất do mùa “lũ đẹp” năm nay mang lại vẫn còn đang ở phía trước. Nhấp ly rượu đế, cầm con chuột chiên bằng cổ tay đưa cay, ông Bún nói: “Con chuột này nếu còn sống, vụ mùa tới nó sẽ xơi ít nhất 5kg lúa”. Mùa lũ lớn đang quét sạch chuột, ốc bươu vàng, các ổ dịch bệnh, làm cho vụ đông xuân sau lũ người nông dân không phải mất hàng triệu đồng/ha để tiêu diệt chúng.
Anh nông dân Lê Văn Hùng ở ấp 5, xã Hưng Điền B thì có cách “đo” lũ khá thú vị: Để miếng ván xuống chân ruộng vào đầu mùa lũ, đến cuối mùa lũ lấy lên đo lượng phù sa lắng đọng trên tấm ván, dựa vào đó mà tính toán lượng phân bón trong vụ đông xuân sau lũ. Sau khi lặn xuống xem tấm ván, anh Hùng hể hả: “Chưa tới nửa mùa lũ mà phù sa lắng đọng cỡ này, năm nay ít nhất cũng được 3 ly (mm), lượng phân bón sắp tới chỉ cần một nửa...”.
Tôi trở về thị trấn Mộc Hoá tìm thăm anh Mười Nghĩa – Trưởng phòng VHTTDL huyện Mộc Hoá - mới biết anh đã về hưu, bán nhà ngoài thị trấn, về sống trong xã Tân Lập. Chuyện lạ, ở vùng lũ này, người ta rời đồng ruộng về sinh sống ở thị trấn, chứ sao lại có chuyện ngược lại. Đến lúc gặp anh Mười Nghĩa, anh nói sống trong vùng lũ thú vị hơn rất nhiều so với ở thị trấn: Không còn chịu cảnh ngập lũ như trước, thức ăn dồi dào, thiên nhiên thoáng đãng...
Anh Mười Nghĩa nói: “Lũ năm nay còn trên cả đẹp, tuyệt đẹp!”. Tôi chợt nhớ vào năm 2000 - năm mà nước lũ dâng cao nhất trong vòng 30 năm qua - huyện Mộc Hoá đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu ĐTM nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN 20.10. Hoa hậu ĐTM tất nhiên là phải đẹp, còn phải bơi xuồng giỏi, cấy lúa nhanh tay... Mọi chuyện chuẩn bị xong, bất ngờ nước lũ ập về trắng trời, mọi người phải lo “chống lũ”, bỏ qua chuyện “hoa hậu”. Từ đó tới nay không thấy ai nhắc chuyện “hoa hậu ĐTM”, ngoài ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An. Đánh giá toàn diện mùa lũ năm nay ở Long An, ông Đức kết luận: Trên cả đẹp, nếu là cô gái, lũ năm nay đáng gọi là “hoa hậu”!
Kỳ Quan (Lao động)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phú Yên thành lập Công viên địa chất
- Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam
- “Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
- Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun
- Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’
- Xá lợi tóc Phật được Myanmar bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào?
- Quảng Ngãi: Đảo Lớn từng có cây ré mọc, đảo Mù Cu chỉ có cây mù cu
- Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
- Cây còng "cô đơn" ở miền Tây thu hút nhiều người đến chụp hình
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.