»

Thứ bảy, 18/01/2025, 06:51:41 AM (GMT+7)

Phòng tuyến sông Như Nguyệt sắp trôi sông

(16:51:09 PM 02/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Đoạn sông Cầu chảy qua xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) xưa kia chính là phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cho xây dựng để đánh Tống (1077). Thế nhưng, cụm phòng tuyến sông Như Nguyệt năm xưa, nơi vang vọng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” bất hủ, giờ đang sắp trôi tuột xuống sông vì nạn… cát tặc!


Di tích lẫy lừng sắp… trôi sông



Khu di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt gồm 8 điểm, đều nằm trên địa bàn xã Tam Đa, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980.



Tôi về Tam Đa giữa trưa hè nắng như đổ lửa. Khúc sông yên tĩnh, thanh bình. Vài thuyền chài lững lờ trôi…



Có đến 4 chiếc thuyền lớn nằm im, chĩa xuống lòng sông những chiếc ống to bằng bắp chân người lớn, trông như những chiếc vòi bạch tuộc. Thêm vài chiếc nữa ì ạch nổ máy, chạy chầm chậm ven bờ ý chừng như thăm dò gì đó.

 



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Bụi tre trước cổng đền Phấn động chỉ còn cách mép nước 2 sải tay.

Chúng tôi dừng chân ở đền Phấn Động – điểm di tích lớn nhất, có tấm biển trang trọng đề “Di tích cấp quốc gia”, và chiếc cầu màu đỏ bắc qua dòng nước xanh dẫn vào đền. Chiếc cầu khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh cây cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn giữa thủ đô Hà Nội.

 

Đất Kinh Bắc với những đình chùa miếu mạo thâm u, cổ kính bao giờ cũng gợi cho người ta cảm giác yên bình, thanh tịnh, chứ không phải là sự dữ dội, đau khổ như câu chuyện mà những người trông coi đền ở đây kể cho chúng tôi nghe.
 


“Ôi, cái lũ đạo tặc, lũ… nghịch tặc! Chúng nó chẳng coi cái di tích quốc gia này ra gì. Cứ đà này, mấy tháng nữa chúng nó sẽ hút đổ hai bụi tre trước cửa đền kia, rồi thì hút cho đổ cả cái đền này!” – ông Nguyễn Hữu Lẫm, người trông coi đền Phấn Động ca thán một cách đau khổ và tức giận ngay khi chúng tôi vừa hỏi chuyện.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Các cụ trong BQL di tích đền Phấn Động bức xúc kể chuyện.

Người đàn ông gầy gò, mái đầu bạc chỉ còn phơ phất mấy sợi đen ấy kéo bằng được chúng tôi ra cửa đền ngay mép sông chỉ cái chỗ mà “bọn cát tặc” đang ngày đêm phá hoại. Chúng tôi bàng hoàng, vì nước sông Cầu chỉ còn cách cửa đền chừng 3m. Hai bụi tre chỉ cách sải tay nữa là cũng rơi tuột xuống sông. Từng cơn sóng nhỏ vỗ ì oạp vào bờ. Mép bờ chỗ này không thoải, mà thẳng đứng. Ông Lẫm bảo, bây giờ là mùa nước lớn, chứ mùa khô, có thể nhìn thấy cả những cái hố sâu mấy mét rất đáng sợ.

 

Chả riêng ông Lẫm, mà cả những vị thủ từ trông coi đền Thượng, đền Miễu cũng nhăn nhó thở dài khi nói về nạn khai thác cát ở đây. Ông Nguyễn Quang Học đắng đót nhìn chiếc tàu hút cát đang neo ngay dưới chân đền Thượng để… tránh nắng. Ông bảo: “Nhìn thế này thôi, chứ nó hút ngay dưới chân đền sâu cả chục mét rồi, chả biết rồi thì cả cái đền sẽ sụt xuống sông khi nào”.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Đền Miễu – nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ Thần gần như bỏ hoang.

Đền Miễu (đền Can Vang) nằm cách đền Thượng non cây số. Theo như lời ông Trần Thọ Lan, Trưởng BQL di tích đền Phấn Động thì đền Miễu xưa kia chính là nơi Lý Thường Kiệt cho đọc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” khiến quân giặc kinh hồn bạt vía. Đền Miễu vốn nằm trên một bãi đất rộng, nhìn sang dãy núi Tiêu Lát (Việt Yên, Bắc Giang), là doanh trại của hơn 30 vạn quân Tống. Giữa khúc sông có một tảng đá nổi lên, to như ngôi nhà 5 gian. Tướng Quách Quỳ lợi dụng tảng đá đó bắc cầu phao vượt sông đánh úp quân ta. Năm 2006, một chiếc tàu đâm phải tảng đá ngầm, bị đắm. Thế là người ta thả mìn, phá đá để lấy lối đi lại.

 

Ngày nay, những địa danh lịch sử vẫn còn dấu tích: trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, trại Mái Ấm. Các khu hậu cần như khu Dốc Gạo, Kho Cung, Kho Gươm, bãi Yên Ngựa (nay nằm trên bãi đất rậm rịt cây xanh của đền Phấn Động)… Những người lớn tuổi ở ban quản lý di tích kể vanh vách cho chúng tôi nghe từng câu chuyện, từng trận đánh, từng địa danh đã được sử sách ghi lại. Chuyện những người hút cát hút lên cả mũi tên đồng, kiếm đồng có khắc chữ Hán không còn là chuyện hiếm.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Tàu cát tránh nắng ngay sát đền Thượng

Thậm chí, trưởng thôn Phấn Động Hoàng Duy Trường còn cho biết, dưới lòng sông có một pho “tượng Pháp” to bằng thân người. Anh Trường vốn là thợ lặn chuyên nghiệp, trong một lần lặn sông bắt cá đã tìm thấy pho tượng. Gọi là pho tượng Pháp là vì pho tượng này vốn được thờ trong đền, khi thực dân Pháp đánh vào, chúng không dám phá tượng, mà đẩy xuống sông. Cách đây 2 năm, Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã chủ trương trục vớt pho tượng lên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai động tĩnh gì. Anh Trường thở dài cho biết: “Lâu ngày nằm dưới đáy sông, pho tượng đã bị phù sa lấp kín, không vớt lên sớm thì có ngày không còn biết đâu mà tìm”.

 

Đền Miễu đang phải chịu số phận vô cùng thê thảm. Trước đây, đền nằm trên bãi đất mênh mông, nền móng vững chãi. Cách đây mấy năm, cả bãi đất bị bán cho người dân đốt… lò gạch. Nếu không có tấm biển bạc màu chỉ dẫn, người ta dễ nhầm lẫn đền Miễu là nơi ở cho dân đốt lò! Bây giờ, lò gạch đã bị dẹp, nhưng người ta vẫn không chịu dọn đi. Những lò gạch nham nhở, đổ nát vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, như trêu ngươi thần thánh.

 

Giữa cái khung cảnh nhếch nhác ấy, đền Miễu lọt vào lùm cây và chơ vơ con nước sông Cầu, giống như một ốc đảo. Người ta hút cát tạo thành rãnh sâu, rồi bãi bồi cứ thế mà sập xuống từng mảng, hở tếch hở toác như hàm ếch!



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Những lò gạch cũ ngổn ngang không được dọn đi.

Cả làng giao chiến với cát tặc

 

Nước sông Cầu ngầu đục, chẳng còn chảy lơ thơ như trong thơ ca nhạc họa. Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thịnh, khi về thăm bãi Miễu cứ hốt hoảng hỏi: “Cái bến sông ngày trước đâu rồi?”. Bến sông ấy, trước kia đoàn làm phim về quay bộ phim “Mùa hoa cải bên sông”, có anh Trương Chi thổi sáo giờ đã yên nghỉ dưới lòng sông rồi.

 

Ông Vũ Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa xác nhận mỗi ngày có đến vài chục chiếc tàu chuyên dụng đến hút cát ở khu di tích. Mỗi tàu 50 mét khối, vài chục tàu vị chi một đêm hút chừng 1.000 mét khối cát. Cát ngoài xa hết sạch rồi, họ phải “xọc” vào chân đền mà hút.

 

“Hàng ngày, cứ khoảng 2h sáng là cát tặc bắt đầu hoạt động. Dân làng xót xa, BQL di tích như ngồi trên đống lửa. Cả làng họp nhau lại sắm chiếc thuyền nan, góp tiền mua đầu máy để đuổi chúng đi. Thế nhưng, thuyền nan thì bé, chạy đến nơi chúng phun cát vào tý là đắm, mà cũng chẳng cần, nó chỉ dềnh sóng lên là thuyền mình đã lật” – Ông Trần Thọ Lan, trưởng BQL di tích lắc đầu nói.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Con thuyền bé tẹo dân mua để đuổi tàu cát!

Thế là, dân làng gom gạch vỡ, giẻ rách để đối phó với cát tặc. Ném gạch rào rào, thả giẻ rách xuống để làm tắc vòi hút cát cũng không ăn thua. Trên thuyền cát có 6-7 tên rất hung hãn, được trang bị tuýp nước, gậy gộc sẵn sàng chống trả. Có đêm, người dân tập trung lại, đánh giáp lá cà, bắt sống chủ thuyền giao cho công an xã.

 

Đó là một đêm tháng 1-2011, quãng 2 giờ khuya, một chiếc tàu hút cát tiến lại gần chân đền Miễu, cắm neo và sục ba chiếc vòi lớn xuống chân đền hút sòng sọc. Hơn 100 người dân mật phục trong đền ồ ạt đổ bộ lên tàu. Bọn chúng chống trả quyết liệt làm 3 người dân bị thương. Nhưng trước khí thế áp đảo của dân làng, bọn chúng phải nhảy xuống sông tẩu thoát. Lập tức, hàng chục người dân lao theo, ngụp lặn bắt sống toàn bộ. Chiếc tàu bị thu hồi và chủ nó là ông Quảng, người xã Dũng Liệt bị phạt 20 triệu đồng.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Cận cảnh tàu cát với những chiếc vòi bạch tuộc.

Thế nhưng, chỉ hai tháng sau, cũng tàu của ông chủ này, đã liều lĩnh đâm vỡ ca-nô tuần tra của Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang). Bị phát hiện, chúng gọi thêm tàu đến ứng cứu và lao thẳng vào ca-nô tuần tra. Ca-nô chìm nghỉm, một đồng chí công an còn bị gãy xương sườn.

 

Người trông coi đền Miễu là ông Nguyễn Văn Tú kể, mới rạng sáng ngày 10-6, hơn 2 chục người dân lại mai phục trong đền, đợi khi chiếc thuyền cát hạ neo, là xông ra bắt sống. Bọn chúng hốt hoảng định cho tàu chạy ra xa, nhưng vướng neo và vòi hút nên loay hoay không tiến, không lùi được. Lập tức, chúng gọi thêm mấy tàu đến. Lần này thì người phải bỏ chạy lại là mấy chục dân làng, còn bọn chúng thì ngang nhiên hút tiếp!

 

Chính quyền bất lực?

 

Nghe ông Minh - Phó Chủ tịch xã kể chuyện chống cát tặc mà cứ như trẻ con đánh trận: “UBND xã nằm bên này đê, bọn chúng ngang nhiên hút ngay phía đối diện. Nhận được tin báo, công an xã tập trung, lấy dùi cui xong, chạy xuống đã thấy chúng phun cát vào đầy thuyền của mình. Thậm chí, chúng còn trêu ngươi công an, lấy giẻ rách quấn vào chân vịt làm cháy cả đầu máy”.

 

Khi chúng tôi phản ánh việc người dân tự phát sắm gạch ngói, giẻ rách ngăn cản cát tặc, có hôm gọi mãi mà không thấy công an xã đâu, ông Minh cười đau khổ: “Cũng mệt mỏi lắm rồi. Bọn chúng khai thác trái phép ở đây đã từ lâu lắm, ngày nào cũng chống, cũng đuổi. Lực lượng có phải lúc nào cũng tập trung ngay được đâu, toàn nửa đêm. Phương tiện thì không có. Thuyền mình bé, thuyền họ to thế, làm sao mà đuổi được. Đấy là chưa kể nó mà quây cho thì chỉ có nước nhảy xuống sông mà trốn!”.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Phó chủ tịch xã Tam Đa Vũ Đình Minh: Chúng tôi thực sự bó tay rồi đấy!

Ông Minh cũng cho biết thêm: “Trong số các thuyền đang khai thác cát trái phép ở khu vực di tích, có tới 5 tàu là của người dân trong xã. Biết là họ đấy, biết họ cứ giờ ấy là đi hút cát đấy, mà không thể nào xử lý được. Phải bắt được quả tang, mà thuyền mình có tiếp cận được với thuyền của họ đâu mà bắt quả tang (?!). Chỉ mời lên uống nước chè, xử lý hành chính, chứ còn thu hồi thuyền thì chúng tôi không thể làm được. Có quyết định của UBND tỉnh, huyện chỉ đạo chống nạn hút cát trái phép, nhưng với phương tiện và lực lượng như hiện nay, chúng tôi thực sự bó tay rồi đấy!”.

Quả thực, theo quan sát của chúng tôi, hiện tượng khai thác cát trái phép ở đây diễn ra hết sức ngang nhiên. Người ta còn khoét cả mặt đê để chuyển cát từ ngoài sông vào. Đang giữa trưa mà vài con thuyền máy lượn lờ ven sông tìm chỗ hút cát. Vài chiếc nằm yên lặng ngay sau đền để tránh nắng, phơi những chiếc vòi hút to bằng bắp chân người lớn.



Phòng[-]tuyến[-]sông[-]Như[-]Nguyệt[-]sắp[-]trôi[-]sông
Tàu cát đỗ trước đền Phấn Động.

Điều đáng nói nữa là, vấn nạn khai thác cát ở đây diễn ra đã lâu, cột mốc sau đền Phấn Động và nhiều hạng mục di tích đã trôi tuồn tuột xuống lòng sông từ bao giờ. Tất cả nông nỗi là do vài chục con thuyền kia, mà chính quyền chịu bó tay?

 

Có lẽ cần một chỉ đạo kiên quyết từ UBND tỉnh Bắc Ninh, trước khi tất cả những dấu tích của cụm phòng tuyến sông Như Nguyệt này trôi tuốt tuột xuống sông. Mà cái ngày đó, nếu cứ đà này, cũng chỉ nay mai thôi.

 

Mai Hoa

 

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phòng tuyến sông Như Nguyệt sắp trôi sông

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI