»

Thứ sáu, 22/11/2024, 01:11:56 AM (GMT+7)

Mó nước lạ ở miền Tây "trăm năm" vẫn... sôi Tin ảnhTin video

(08:27:33 AM 10/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Hàng trăm năm qua, mó nước lộ thiên sôi ùng ục bất kể ngày đêm, ngay cả mùa khô cạn, tiếng ì ục vẫn réo lên từ trong lòng đất. Khí từ những mó nước này gặp lửa thì bốc cháy dữ dội.

 

Mó nước biết “nghe” tiếng bước chân
 
Từ nhiều đời nay, người dân ở vùng sông nước Vĩnh Long chưa ai giải thích được hiện tượng những mó nước nằm len lỏi trong các đầm lầy, tự dưng sôi ùng ục dù giữa mùa khô. Chuyện khó tin nhưng có thật về các mó nước biết sôi và có thể bốc cháy khi gặp lửa làm ngay cả chúng tôi, khi quyết định đi tìm hiểu về sự dị thường này cũng hết sức ngạc nhiên. Những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí về sự xuất hiện của thần linh, ma quỷ ở mó nước cũng được người dân rỉ tai nhau.
 
Nắng rát mặt, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp tìm về xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, dò hỏi về mó nước kỳ lạ. Qua những cái chỉ tay, phải chui rúc trong đám cây cối rậm rạp, ẩm thấp, mặt đất phủ đầy lá rơi, chúng tôi mới tiếp cận được mó nước. Nhưng cảm giác lúc đầu của tôi và anh đồng nghiệp là thất vọng tràn trề. Ngoài đám cây hoang dại mọc um tùm xung quanh, mó nước chỉ bé tẹo nằm lọt thỏm bên cạnh ngôi đền Thần Nông.
 
Mó nước nằm bé tẹo, nằm lọt thỏm trong đám cây cối rậm rạp. Phía dưới mó nước là những ụ sôi khác thường
 
Dân làng gọi đây là hồ nước, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ là cái mó nước rộng chừng 5m, đục ngầu, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Đứng xung quanh, bằng mắt thường cũng đủ thấy dưới lớp bùn xen lẫn lá cây rũ mục, những ụ nước sôi liên tục không ngớt.
 
Giữa miệng mó nước, các bọt khí sôi nhiều, với cường độ mạnh hơn. Nước sủi tăm, nước cuồn cuộn nhè nhẹ, giống như một nồi nước lúc bắt đầu nổi tăm. Lấy que thử cắm sâu vào giữa lòng mó nước, chúng tôi càng khuấy đảo mạnh, tiếng nước sôi ùng ục càng tăng dần. Điều kỳ lạ hơn nữa là mó nước sôi theo nhịp những bước chân của chúng tôi.
 
Tiếng nước sôi ục ục suốt ngày đêm. Nước sủi tăm, nước cuồn cuộn nhè nhẹ
 
Theo lý giải của người dân sở tại thì chuyện mó nước sôi ở đền Thần Nông trải qua hàng trăm năm, nay cũng đã gần như trôi vào quên lãng. Hầu hết, toàn dân miệt Vĩnh Long ngày đó đều biết bàu nước sôi này nhưng giờ người biết người không. Năm tháng qua đi, những mó nước ấy thu hẹp dần, sự hiếu kỳ của người dân cũng dần giảm đi.
 
Ông Lê Gia Định, nhà nằm cạnh mó nước nhớ lại trước đây, mỗi ngày có tới hàng trăm người tò mò kéo về xem mó nước này vì tò mò. Giờ ký ức ấy đã lùi sâu vào dĩ vãng. Câu chuyện tâm linh lập bàn thờ cấu khấn hay múc nước uống chữa bệnh đã không còn huyên náo như  thưở nào.
 
Ông Định bảo, ngày ấy  giữa lòng mó, có khi bong bóng khí phải to như chiếc thùng phuy...
 
Trong tiềm thức của ông, trước đây, mó nước đó rất rộng, có khi đến mấy trăm mét vuông, sâu hun hút. Đám trẻ con chăn trâu, cắt cỏ như ông ngày nào cũng lén gia đình ra đây nghịch nước. Ông bảo, lúc ấy, các ụ nước sôi giữa mó nước cực kỳ mạnh và khủng khiếp.
 
Giữa lòng mó, bong bóng khí sôi nổi lên to như chiếc thùng phuy, sủi bọt nước phun trào ngày đêm không ngớt. Ngày đó, với bản tính tò mò, ông đã đôi lần thử bơi ra giữa dòng, mon men đến gần ụ nước ấy. Nhưng thật lạ là, dù cố gắng ngụp lặn, ông vẫn bị sức mạnh của ụ nước đang sôi đẩy lên khỏi mặt nước. Có khi 3-4 đứa trẻ nghịch ngợm nắm chặt tay, dùng tấm thân trần cố gắng đè lên, thử bịt kín miệng của ụ nước, nhưng cũng lần lượt bị đánh bật.
 
“Tụi tui còn lén dùng cọc tre cắm sâu vào giữa mó nước đo độ nông sâu của ụ nước đang phun trào. Nhưng cọc tre cắm xuống sâu bao nhiêu cũng không vừa. Theo phán đoán của tôi thì ít nhất nó cũng sâu từ 20-30m là ít. Nếu nhiều người dân cùng đứng vây quanh vừa đi, vừa dậm chân mạnh, mó nước sẽ sôi mạnh hơn. Dường như mó nước này biết “nghe” tiếng bước chân người. Những ngày nắng ráo, nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Khí ở dưới cứ đẩy nước thành từng luồng để tạo bong bóng và phát ra tiếng kêu “...ục...ục...” - ông Định kể.
 
Mó nước “mất thiêng”
 
Cách đây khoảng 40 năm, khi mó nước chưa bị thu hẹp lại như bây giờ, ông Định bảo có ngày hàng chục người từ khắp nơi  hiếu kỳ lũ lượt kéo về đây. Ngày ấy, con đường dẫn vào phía sau ngôi đền Thần Nông cơ man nào xe máy, xe đạp xếp hàng dài dằng dặc. Đa số các vị khách từ huyện, tỉnh thành khác tìm đến. Với người dân, mó nước này chính là “điều quá kỳ lạ”, chưa từng thấy bao giờ. Có người còn bảo, đây chính là dòng nước phun trào tựa như núi lửa mỗi đợt phun nham thạch.
 
Sự hiếu kỳ, mê tín lên đến đỉnh điểm khi nhiều người dân ở TP.HCM, Long An, Đồng Tháp… còn nghiễm nhiên xem đây chính là một suối nguồn, chữa trị được bách bệnh. Câu nói “có bệnh thì vái tứ phương” đúng với những người bệnh tìm đến đây, họ lăn lê, bò toài nằm lại, múc nước mà đám trẻ vẫn hay cho trâu, bò lội xuống đằm mình để uống. Thực tế thì chưa có bất cứ ai tự tin khẳng định khi uống nước này, họ chữa khỏi được các bệnh trong cơ thể. Vậy mà, có ông thầy lang kiêm thầy cúng  còn rất táo bạo, lập hẳn bàn thờ, tính “kiếm ăn” ngay trên mó nước này.
 
Ngày trước, ở mó nước này ông Định cho biết đã có rất nhiều điều mê tín
 
Theo như lời người dân thì ông thầy này mấy ngày trời lễ lạt tươm tất, xì xụp khói nhang, miệng la hét khấn vái ngày đêm để tạ ơn trời đất cho mình được “lấy nước chữa bệnh”. Niềm tin để ông thầy làm chỗ dựa cho mình kiếm ăn chính là mó nước nằm cạnh ngay ngôi đền Thần Nông. Trong quan niệm dân gian của vùng sông nước, Thần Nông chính là “thần hộ mệnh” giúp họ nuôi, trồng thắng lợi.
 
Kỳ thực, độ ấy khi làm lễ xin trời đất, một thời dân tình tứ tán cũng tìm đến đây thắp nhang khói, cầu khấn. Nhưng lạ là, các con bệnh dù có uống cả trăm lít nước, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, có khi còn trầm trọng hơn. Lời đồn lan dần, thầy lang mất đất làm ăn, khăn gói ôm đồ bỏ đi. Từ đó, mó nước này cũng dần vắng bóng người dân hiếu kỳ tìm đến.
 
Các ụ nước sôi với cường độ mạnh nếu như có nhiều người đi xung quanh, dẫm chân thật mạnh
Nằm cạnh mó nước Thần Nông, một mó nước khác không xuất hiện các ụ nước sôi, trào khí
 
Ông Lê Thành Lăng, một bậc cao niên trong ấp Thành An, xã Hòa Thạnh ngồi lai rai rượu với mấy người bạn, thấy khách tìm đến tò mò hỏi thăm, ông không ngần ngại kể vach vách tiểu sử về mó nước của làng. Ông bảo cả mấy đời ông bà, cha mẹ đã biết được sự tồn tại của các mó nước biết sôi đó. Dẫn khách ra sau vườn, bên cạnh đầm lúa, ông bảo nhà mình cũng có mấy mó nước biết sôi như thế.
 
Quả thực là chúng tôi rất bất ngờ vì hiện tượng các mó nước mọc nhan nhản khắp nơi Hòa Thạnh. Vườn nhà ông Lăng chỗ nào có nước, y rằng chỗ đó đều xuất hiện các ụ nước sôi, tuy mức độ sôi không mạnh như ở mó đền Thần Nông.
 
Bất ngờ món quà trời ban ở hàng trăm mó nước “thần kỳ”
 
Ngay như thời điểm hiện tại, khi trực tiếp mục sở thị mó nước này, tôi và anh bạn đồng nghiệp cũng toát mồ hôi mới tìm thấy. Bởi, dấu tích mó nước rộng lớn thuở nào giờ chỉ còn lại trong ký ức. Nơi vùng đầm lầy sông nước huyện Tam Bình, Long Hồ hay Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long đầy rẫy kênh rạch chằng chịt, vá víu tựa như tấm áo tơi, đã xuất hiện nhiều hơn những mó nước “thần kỳ”. Và cũng từ đây, người dân phát hiện ra một tác dụng đặc biệt mà nguồn lợi các mó nước đem lại.
 
Người đầu tiên phát hiện ra điều này là anh Nguyễn Ngọc Trung, xã Hòa Thạnh. Hơn 10 năm  trước, cho máy khoan thăm dò tìm  nguồn  nước sinh hoạt  cho gia đình, anh bất ngờ khi nhìn thấy dưới miệng ống khoan ấy, khí ở dưới cứ đẩy nước thành từng luồng, tạo bong bóng phun trào. Tình cờ điếu thuốc lá anh đang hút khi ghé sát miệng lỗ khoan thì phụt lên ngọn lửa xanh lè. Ngọn lửa này cháy ngày đêm không tắt.
 
Ông Lăng khẳng định với phóng viên, cả mấy đời ông bà, cha mẹ của mình đều đã biết đến mó nước sôi ở đền Thần Nông
 
Kể từ khi dòng khí lạ xuất hiện, gia đình anh phải đành bỏ hoang cây nước do nước luôn mặn chát, tanh rình, tắm rửa rất ngứa ngáy. Tuy vậy, anh để ý thấy khí cứ sôi bọt trào lên theo các lỗ hang quanh cây nước. Tò mò, anh lấp một số lỗ hang lại thì nghe tiếng nước sôi càng mạnh hơn và dòng khí tụ lại phun ra ở các lỗ chưa bị lấp dày đặc hơn. Sau khi dọ hỏi biết là khí mêtan hoặc phôtpho có thể sử dụng làm khí gas, thế là anh lấp hết, chỉ chừa một lỗ duy nhất rồi thuê thợ tráng ximăng xung quanh cây nước.
 
Tiếp đến, anh lấy một cái lu úp ngược đầu xuống miệng lỗ, ngay đáy lu anh đục một lỗ nhỏ và gắn một ống nhựa dẫn khí dài khoảng 16m. Sau nữa anh làm thêm một bầu chứa bằng bọc nhựa, rồi nối ống câu thẳng vào bếp gas. Anh cũng gắn hai cái van khóa mở. Lúc đó vùng quê chưa thịnh hành bếp gas, thế là anh mua các ống sắt thép hàn nối thành bếp gas. Từ đó, gia đình anh chính là hộ đầu tiên trong ấp Thạnh An sử dụng nguồn khí tự nhiên để nấu nướng. Thời điểm hiện tại, khi chúng tôi tìm đến thì gia đình cho hay, nguồn khí “trời ban” ấy có lẽ đã bị cạn kiệt nên gia đình không thể sử dụng được nữa.
 
Ông Lăng cho hay trong vườn nhà mình có rất nhiều mó nước sôi ục ục
 
Không chỉ anh Trung mà nhiều hộ dân khác của xã Hòa An hay các người dân ở huyện khác phát hiện mó nước, cũng học cách làm khí gas. Nhiều hộ dân đã thành công, nhưng nhiều hộ khác gặp thất bại, anh Bùi Văn Quang, Năm Lạc hay Nguyễn Văn Bảy… lần lượt sớm bỏ cuộc do nguồn khí quá yếu ớt.
 
Qua trao đổi điện thoại với phòng tài nguyên Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Vĩnh Long, một số cán bộ cho hay: Sở dĩ hiện tượng các mó nước phát ra tiếng kêu ùng ục, phun trào bong bóng khí có thể do vùng đất Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn… nằm trong lòng đất có trầm tích lâu đời. Khí gas mà người dân sử dụng là khí mêtan.
 
Một giải thích nữa có phần khoa học của cán bộ  Sở tài nguyện là hiện tượng các mó nước sôi ục ục là do chịu tác dụng giãn nở của khí nên bị phun trào ra khỏi mặt đất. Dưới lòng đất, nước ngầm không ngừng tiếp xúc với lớp nham thạch nóng chảy, nhiệt độ nước không ngừng gia tăng. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bong bóng khí và nhiệt lượng hình thành bên dưới không thoát ra được. Các bong bóng khí ấy ngày càng tích nhiều dần, áp lực ngày càng lớn. Khi áp lực đạt đến một ngưỡng nhất định, nước lại tiếp tục phun trào.

 

Xem video về:Mó nước lạ ở miền Tây "trăm năm" vẫn... sôi
(Nguồn: Infornet)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Mó nước lạ ở miền Tây "trăm năm" vẫn... sôi

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang

Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang Tin ảnh

(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI