“Ma biển”...
(13:53:37 PM 09/07/2012)
Người ta gọi họ, những người chuyên làm nghề đánh hà đá, là những “con ma biển” quả không sai!
Để đánh được những con hà ngon, béo, có khi phải trèo trên những vách đá cheo leo... |
Ngày đêm mong con nước... thôi đầy
“-Nghề đánh hà là phải vậy đấy cô ạ! Con nước kiệt khi nào thì đi làm khi ấy, chẳng kể sáng tối gì…” - Bà Hồng, một “con ma biển” đã cho tôi “bám càng” trong chuyến đi đánh hà hôm ấy, nói vậy.
Đúng 6 giờ sáng, theo lời hẹn với bà Hồng từ mấy hôm trước, tôi ra bến cá Cột 5 (ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đợi để đi cùng ra biển đánh hà. Thế nhưng khi tới nơi thì chẳng thấy bóng dáng bà cũng như những “đồng nghiệp” của bà đâu cả. “-Hôm nay nước xuống sớm quá nên họ đi từ lúc tờ mờ sáng hết rồi!” - Chị Lan, một người chèo đò ở đây, nói.
Sau một hồi lưỡng lự, cuối cùng tôi quyết định thuê chị Lan chở đò ra khu vực bãi hà...
Thời tiết hôm nay se lạnh, sương mù dày đặc, mưa phùn mỗi lúc một nặng hạt, gió sớm không mạnh nhưng vẫn khiến tôi co ro... Sau chừng nửa giờ đồng hồ ngồi thuyền, vượt qua nhiều dãy núi đá, lúc này sương còn dày nhưng cũng đã đủ để nhìn rõ mặt người. Chị Lan chỉ tay về phía trước, nơi có ngọn núi đá lớn, sương phủ dày đến gần sát chân núi. Theo hướng tay chị Lan, tôi đã thấy bóng dáng vài người nhỏ thó đang lom khom bên vách đá. Thuyền dừng, tay tôi bám vách đá ngay sát cạnh mà người phụ nữ kia vẫn lúi húi gõ, tiếng mạnh, tiếng nhẹ nhưng dứt khoát. Đó chính là những người gõ hà đá, người mà dân biển đặt cho cái tên khác là “ma biển”. Những bí mật, những trải nghiệm và cả những nhọc nhằn về nghề gõ hà đá dần được mở ra. Lần đầu tiên tôi được biết về một cái nghề mưu sinh mà trước đây tôi chưa từng biết…
Nghề đánh hà đá lại phụ thuộc con nước, mỗi tháng chỉ có khoảng mươi, mười lăm ngày đi làm. Bởi những hôm còn lại nước lên cao, bãi hà ngập sâu trong nước nên không thể khai thác được... |
Hà đá là loại động vật biển kỳ lạ, chúng dùng chân và vòi làm điểm tựa rồi xoay toàn thân để những gai trên vỏ cứng cọ xát làm đá vỡ vụn. Hà đá không chỉ đào hốc trên đá mà còn đục khoét vỏ ngoài của các loài sinh vật biển khác như trai hay hàu v.v.. Dưới chân tất cả những ngọn núi đá đều có hình ảnh lỗ chỗ như tổ ong, đó một phần cũng là do hà đục. Thức ăn chính của hà là các loại thuỷ sinh theo sóng biển dạt vào. Vì thế, càng tìm ra những ngọn núi cách bờ biển càng xa thì những người làm nghề đánh hà mới càng có nhiều việc để làm. Những tảng đá có hà bám vào trông như một chú nhím khổng lồ. Vỏ hà cứng và sắc nên rất dễ gây tổn thương. Người làm nghề này thường phải trang bị ủng và găng tay để tránh bị sây sát. Nhưng bà Hồng thì khác, bà chỉ đeo găng tay trái, tay phải để trần... “-Không đeo găng nó thật tay, làm nhanh hơn cô ạ!” - Bà Hồng nói.
Tôi nhìn bàn tay trần của bà, thấy những vết xước chằng chịt, cả những vết máu còn đang rơm rớm. Thấy tôi tỏ ra e ngại bởi mặc dù bàn tay rớm máu nhưng bà vẫn luôn khua khoắng trong nước đến độ bợt trắng, nhăn nheo, bà bảo: “-Không lo bị nhiễm trùng đâu! Nước biển có muối nên vết xước khắc lành thôi. Theo cái nghề này chuyện xước da chảy máu có là gì...”.
Nói chuyện với tôi nhưng tay bà Hồng vẫn thoăn thoắt đập đá, cậy hà, cứ khoảng chừng chưa đầy phút, lại có một con hà được bỏ vào chậu. Người đàn bà ấy cứ cần mẫn dán mắt vào từng hốc đá nhỏ, bà bảo: “-Được hôm nay nước rút sâu. Cứ mực nước này, chỉ sợ không có sức mà gõ hà thôi”…
Mưu sinh... trăm nỗi nhọc nhằn
Chỉ cần chiếc búa hà hai đầu (một đầu nhọn và đầu dẹt), thêm cái chậu con con là có thể hành nghề đánh hà đá được rồi. Khi tìm được một con hà, lấy đầu nhọn của búa gõ cho vỡ vỏ, rồi cạy nắp, sau đó dùng đầu dẹt của búa móc ruột hà ra. Công việc chỉ đơn giản vậy nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và cả “kỹ năng” nữa mới làm được. Làm sao để biết nơi nào có nhiều hà, rồi làm sao để phân biệt đâu là hà sống, đâu là hà cháy v.v.. Ấy là chưa kể có người chỉ nhìn là biết con hà hình dạng thế nào thì có ruột vừa to vừa béo, vừa được nhiều mà bán cũng được giá hơn… Rồi lại phải rất khéo léo, tỉ mẩn, cẩn thận để có thể móc ruột hà mà không làm nó bị nát...
“-Không cần mẫn, không kiên trì, không khéo léo thì không làm nghề gõ hà đá được đâu! Nó là kinh nghiệm đấy!”. Bà Hồng bảo. Hỏi mỗi ngày đánh được bao nhiêu, bà Hồng nói: “-Như hôm nay rút nước sâu thì cũng được hai cân đến hai cân rưỡi. Nhưng thường thì chỉ mong được 1 cân cũng khó”.
Tôi nhẩm tính, theo thời giá hiện tại ở chợ, hà khô gặp khách chắc bán được khoảng 120 ngàn đồng/cân, còn hà ngâm thì thấp hơn, chỉ khoảng 80 ngàn thôi. Vậy là một ngày “bán mặt cho núi, bán lưng cho trời”, bà Hồng cũng chỉ kiếm được chừng hơn trăm ngàn, phải hôm “trời thương” như hôm nay mới may ra kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng…
Bà Hồng đang tỉ mẩn với công việc của mình. |
Đã thế, nghề đánh hà đá lại phụ thuộc con nước, mỗi tháng chỉ có khoảng mươi, mười lăm ngày đi làm. Bởi những hôm còn lại nước lên cao, bãi hà ngập sâu trong nước nên không thể khai thác được. Hôm nay nước xuống sớm, bà Hồng sau phiên chợ sáng trên bến cá Cột 5 đã quay ngay ra đây để đánh hà. Bà bảo, sống trong vùng biển bao la này, nghề gì cũng là nghề vất vả, nắng gió. Nhưng có lẽ nghề đánh hà đá là cái nghề cực nhất. Vào đúng những ngày từ tháng mười đến tháng hai âm lịch, thường xuyên mưa gió, cộng thêm rét mướt, nhưng lại chính là mùa hà ngon nhất. Vào mùa này mà đi ra biển đánh hà thì mưa phùn, gió rét, cực lắm. “-Nhưng cứ làm riết rồi cũng quen cô ạ” - bà Hồng bảo thế. Ngày nào bà Hồng cũng ngồi trên con đò cũ kỹ của mình rong ruổi hết núi này sang núi nọ để đánh hà. Rồi cứ mờ sớm, bà lại chèo đò mất hơn tiếng đồng hồ vào chợ cá Cột 5 để bán những mớ hà ít ỏi đánh được. Sau đấy lại vội vã chèo đò ra núi đá để đánh tiếp cho phiên chợ ngày mai. Nhìn dáng người nhỏ bé của bà Hồng, tôi thực sự “kính nể” bà. Người phụ nữ này, nói già cũng chưa hẳn là đã già, nhưng bảo vẫn sung sức như những cô, những chị cùng nghề thì quả là khó. Lại thêm bệnh thấp khớp mãn tính nữa… Tôi không hiểu bà Hồng làm sao trụ nổi ngày này qua tháng khác bám hàng giờ trên nghềnh đá, tay, chân xây xát, vết nọ chưa lành đã có vết mới chồng lên?
“-Đến tuổi như tôi, những người làm nghề này hầu như ai cũng bị bệnh thấp khớp. Tôi không những bị gai đầu gối mà còn bị đau cả hai khớp cổ tay. Hôm nào chỉ đau nhẹ, lâm râm, ê ẩm thôi thì còn cố được, nhưng lắm hôm trở trời, không nhấc chân lên nổi cô ạ. Từ chỗ này qua chỗ kia đều phải lê từng đoạn một…” - Bà Hồng tâm sự.
Mùa này con nước lên xuống thất thường. Nghề đánh hà đá cũng phải phụ thuộc vào đấy. Cứ chờ đến khi nước xuống thì bắt đầu gõ, lúc nước lên thì lại chèo đò về nhà. Không chỉ bà Hồng, mà ngay cả đoàn đánh hà đi xa bờ hơn cũng thế. Vốn là những người sống ở quanh khu vực phường Hồng Hải nên cứ vào tầm 6-7h sáng, sau khi vãn phiên chợ cá, gần chục người, vừa già lẫn trẻ, lại “hò” nhau chung tiền thuê một chiếc xuồng máy đi ra ngọn núi cách đấy cả mấy tiếng đồng hồ đi tàu. Vì là đường xa, lại muốn làm được nhiều nên ngày nào họ cũng đi khi trời chưa sáng, về khi thành phố đã đỏ đèn. Trong giỏ hành lý mang theo chỉ đơn giản một chiếc rổ, cái “búa hà hai đầu” và nắm cơm gói vội lúc sớm mai… Cô Thành, một trong những người thường đi đánh hà xa bờ mà tôi quen, kể: “-Lắm hôm ra đến nơi, người đông, hà ít, trời lại mưa to, mặc áo mưa vào làm được chăng hay chớ, sau đó lôi cơm ra ăn rồi thì… về! Những hôm như thế, mỗi người chỉ được vài lạng hà là nhiều. Thế nhưng, vất vả đến mấy chị em tôi cũng đã làm cái nghề này chục năm nay rồi nên thành quen…”.
Thay lời kết
Chia tay với những người đánh hà đá, trên đường trở về, tôi cứ có cảm giác bâng khuâng, nhớ vị ngọt ngon của bát canh hà mình vẫn rất ưa thích. Và trong đầu chợt nghĩ, sao cái câu ca dao viết về những người một nắng hai sương trên đồng ruộng: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” vận vào nghề đánh hà đá này lại hợp thế! Cũng giống như những người lam lũ trên đồng ruộng, để có bát canh hà nóng mà chúng ta vẫn thường ăn, họ cũng phải chịu bao nỗi “đắng cay muôn phần” lắm chứ!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
- Phú Yên thành lập Công viên địa chất
- Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam
- “Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
- Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun
- Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’
- Xá lợi tóc Phật được Myanmar bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào?
- Quảng Ngãi: Đảo Lớn từng có cây ré mọc, đảo Mù Cu chỉ có cây mù cu
- Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.